Kiếm tiền quá nhanh và dễ khiến tôi rơi vào cờ bạc
Trời thương nên công việc của tôi so với mặt bằng chung tiến triển rất tốt, một năm dư được 200-400 triệu.
Hình ảnh minh họa
Tôi quê ở một tỉnh nghèo miền Trung, 26 tuổi, hiện sống và làm việc tại TP HCM. 7 năm trước, tôi vào Sài Gòn làm việc, được 2-3 năm thì có ước mơ phải kiếm thật nhiều tiền để có thể phụ giúp gia đình vì nhà rất nghèo. Tôi đi làm chỉ đủ ăn và đóng phòng trọ nên năm 2015 quyết định dùng kinh nghiệm đi làm bao năm để kinh doanh riêng. Trời thương nên công việc của tôi so với mặt bằng chung tiến triển rất tốt, một năm dư được 200-400 triệu. Nhưng vì đồng tiền làm ra quá dễ, lại tự cầm tài chính nên tôi bắt đầu dính vào đỏ đen.
Lúc đầu chơi ít, về sau chơi càng lớn, thua càng nhiều. Lúc thua luôn muốn gỡ nhưng mãi không được. Tôi đã thua hết số tiền tích cóp và nợ 500 triệu. Lúc này tôi mới tỉnh ra và suy nghĩ rất nhiều. Cả tháng nay tôi chưa có một giấc ngủ ngon, cứ suy nghĩ về tương lai, về những người đã tin tưởng và cho mình mượn tiền. Tôi hận bản thân vì quan điểm của tôi là chữ tín đặt lên hàng đầu và rất ghét những người chơi cờ bạc. Vậy mà tôi lại vi phạm.
Tôi thấy có lỗi với mọi người nên lấy hết can đảm thông báo. May mắn mọi người đã giúp tôi vay mượn, trả nợ và làm lại cuộc đời. Công việc làm ăn vẫn còn đó, chỉ cần tôi mạnh mẽ làm lại là được. Có lẽ sẽ có người cười tôi, nhưng mình đã như vậy, người ta cười cũng đúng. Cố gắng làm lại thì khoảng 2-3 năm tôi có thể trả hết nợ. Tôi biết có những người sẽ không thèm khuyên những con bạc như tôi vì chính bản thân cũng từng nghĩ như vậy. Tôi tự hứa với lòng xem số tiền đó như mình làm mất hoặc dùng để mua bài học, sau này không bao giờ phạm phải.
Hiện tôi chỉ nghĩ sang năm 2019, sẽ cố gắng chăm chỉ làm việc để không phụ lòng những người đã tin tưởng và giúp đỡ mình. Tôi cũng biết sẽ không bao giờ có cơ hội lần thứ 2. “Một lần bất tín, vạn lần mất tin”, tôi luôn nhớ câu nói đó. Dù rất buồn nhưng tôi luôn tự động viên rằng thua tiền thua bạc nhưng không được thua ý chí. Tôi xin những người từng trải qua và thay đổi, hãy cho tôi một lời khuyên thực tế nhất. Đặc biệt tôi mong được nghe lời khuyên từ giáo sư Vũ Gia Hiền để có thể vượt qua lúc này. Tôi xin cảm ơn.
Linh
GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:
Chào bạn Linh,
Video đang HOT
Bạn có nhận thức đúng khi ước mơ phải kiếm thật nhiều tiền để phụ giúp gia đình. Nhưng trong suy nghĩ này đã có yếu tố mất kiểm soát, đó là phải kiếm thật nhiều tiền. Khi suy nghĩ “phải” trở thành mục đích, tâm lý thúc đẩy con người vào quyết tâm cao nhất. Nhưng nếu mục đích đó không được kế hoạch hóa, “phải” sẽ trở nên mù quáng.
Nhờ sự quyết tâm nên làm việc gì cũng quyết liệt, nhưng không có sự tính toán chi tiết nên chưa biết mọi việc sẽ thế nào. Vì tâm lý này, bạn mới viết “Trời thương…”. Nếu bạn tính toán tốt, sẽ không có chuyện “trời cho”, theo nhân quả “trời cho thì trời lấy đi mấy hồi”. Bạn xem lại mình đã nghĩ “trời cho” từ lúc nào. Tìm được đúng thời điểm để thấy bước ngoặt tâm lý của mình, từ đó bạn sẽ phát hiện được yếu tố nguy hiểm nằm ở đâu trong bạn. Nếu nằm ở nhận thức, có phải bạn bị kích thích từ bên ngoài không? Bạn thường bị kích động bởi cái gì? Tìm ra thì bạn mới quản lý được nó.
Nếu không phải ở nhận thức, bạn xem ý thức. Đây thường là sự đam mê, không cần biết đến xung quanh. Nếu bạn say mê tính toán, hãy yên tâm; còn nếu say mê đếm tiền thì phải thay đổi. Ham tiền là hiện tượng đầu tiên của cờ bạc, cá độ… Sau cùng, bạn xem ý chí của mình có linh hoạt không? Có người ý chí cao quá mất linh hoạt nên như thiêu thân, không dừng được. Nếu ý chí của bạn linh hoạt hơn quyết liệt thì tốt, còn nếu quyết liệt hơn linh hoạt, phải rèn luyện mềm mại về ý chí.
Bạn có chất gia trưởng nên tự cầm tài chính. Người gia trưởng thường không nghe ai nói, cứ làm theo điều họ nghĩ và bắt mọi người phải nghe theo. Tính cách gia trưởng mà ở một mình, lại có tiền, dễ rơi vào trạng thái “ta là nhất”. Trạng thái tâm lý này thường “chết” trong xu nịnh. Bạn xem những người chơi đỏ đen với bạn, ai nịnh bạn nhất thì học một phần cách cư xử của người đó. Khi bạn hết gia trưởng mới hy vọng thoát được bối cảnh hiện nay.
Điều may mắn là bạn đặt chữ tín lên hàng đầu, nhưng nếu chữ tín đó rơi vào hoàn cảnh không giữ được, lúc đó bạn sẽ thế nào? Sự thật cuộc sống và suy nghĩ của con người nhiều khi không là một. Đây chính là ý chí của tâm lý và nhiệm vụ của trình độ nhận thức. Hành động bạn thông báo với mọi người về chuyện nợ nần trong xã hội học gọi là dũng cảm. Chính điều này đã mang đến may mắn cho bạn là được mọi người giúp đỡ.
Lá thư ngắn nhưng có tới 2 lần không do bạn làm chủ: “trời cho” và “may mắn”. Đây là hiện tượng tâm lý của người chơi cờ bạc, số đề. Bạn cần thận trọng tư tưởng “may mắn” giàu có, vì sự may mắn thường đi đôi với xui xẻo, dễ có tâm lý ăn thua.
Bạn đang có một trong 3 hạt nhân tốt là “thua bạc nhưng không được thua ý chí”. Còn hai điều nữa là ý thức và nhận thức. Bạn muốn vượt qua được thì cần ý thức rằng: chỉ có sự cần cù, chịu nhẫn nhục, không ăn thua, sẵn sàng gian khổ và không bị kích động. Còn nhận thức là trình độ tiếp nhận thế giới khách quan bên ngoài, bạn cần: hiểu rõ ngành mình kinh doanh và sản phẩm, sức cạnh tranh và tồn tại của sản phẩm đó, phân khúc thị trường, khách hàng và giá cả; trong đó hàng hóa bạn kinh doanh cần chủ động, giữ vững chữ tín với khách hàng, nhờ khách hàng thân thiết giúp đỡ mở rộng khách hàng tiềm năng. Khi làm được sự cộng hưởng của xã hội sẽ cứu bạn.
Chúc bạn sáng suốt và không ăn thua.
Theo vnexpress.net
Chưa đến Tết, mẹ chồng đã hỏi 'tiền thưởng đâu?'
Mẹ chồng biết vợ chồng tôi có tiền thưởng cao nên năm nào gần Tết cũng gợi ý sắm sửa thứ này thứ kia. Khi chúng tôi không đáp ứng lại tỏ ra bực bội khó chịu...
Vợ tôi chồng cưới nhau gần 3 năm và đang sống cùng với ba mẹ chồng. Chúng tôi làm cùng một công ty và cũng mảng kinh doanh, tiền thưởng Tết nhiều hay ít tùy vào sản phẩm mỗi người bán được. Trước khi lấy vợ, chồng tôi đều đặn lấy khoản này để biếu ba mẹ vào dịp Tết.
Bởi vậy, mẹ chồng biết ngoài tiền lương, chúng tôi có thêm tiền thưởng. Khi cưới nhau xong, tôi dở khóc dở cười vì điều này. Năm đầu tiên cưới về, tôi mang bầu và sinh con trước Tết khoảng nửa tháng. Vì đang ở cữ, không lo Tết được nên chồng đưa tiền thưởng cho mẹ như mọi năm.
Cứ gần Tết, mẹ chồng lại đưa ra gợi ý nhắm vào khoản tiền thưởng của vợ chồng tôi. (Ảnh minh họa)
Đến năm thứ hai, tôi bắt đầu cân đối chi tiêu vì phải nuôi con nhỏ. Hàng tháng, tôi đã gửi mẹ chồng 7 triệu tiền sinh hoạt phí nên đến Tết, tôi định mua sắm rồi biếu ông bà mỗi người 2 triệu tiêu Tết, còn khoản tiền thưởng để gửi tiết kiệm.
Nhưng chưa kịp thực hiện thì gần Tết, mẹ chồng liên tục đưa ra những gợi ý "sát sườn". Hình như mẹ chồng luôn trông chờ vào tiền thưởng Tết của chúng tôi. Bà kêu ca, nào là cái áo dạ của mình đã cũ, chăn ga gối nệm cũng cần thay mới lại còn bộ bàn ăn mãi chưa sắm được.
Tôi định phớt lờ cho xong nhưng mẹ chồng cứ tìm cách "hỏi thăm" xem lúc nào chúng tôi nhận tiền thưởng. Chưa hết, mỗi bữa cơm, mẹ chồng đều cố ý kể chuyện nhà hàng xóm mới mua lò vi sóng mới đến Tết tha hồ nấu nướng, nhà này mua tủ lạnh nhiều chức năng nhà kia mua ti vi siêu khủng...
Chồng tôi nghe vậy thì vô tư bảo, nếu mẹ thích để lúc nào nhận tiền thưởng vợ chồng con sắm mới. Tôi lặng người chẳng biết nói gì. Tết năm ngoái, khoản tiền thưởng bay vèo vì mấy thứ đồ đạc theo ý thích của mẹ chồng.
Cả năm đi làm chỉ đủ chi tiêu, tôi cũng mong có tiền thưởng gửi tiết kiệm để dành mà không được. Năm nay, rút kinh nghiệm, tôi bàn với chồng chi tiết về chuyện tiền thưởng và anh cũng đồng ý với phương án đó vì đang muốn mua ô tô.
Vả lại, tôi nghĩ, đồ đạc trong nhà đã sắm mới cả, chắc mẹ chồng cũng không thể yêu cầu gì thêm. Nhưng đến gần Tết, ba mẹ chồng lại soạn ra sửa chữa công trình phụ.
Khi bàn tính đến chuyện tiền nong, chồng tôi chần chừ vì chi phí khá lớn. Nào ngờ, mẹ chồng phán cho một câu: "Mẹ tính cả rồi, chừng đó cũng không là bao so với khoản tiền thưởng Tết của vợ chồng con".
Tôi vẫn biếu tiền Tết cho ông bà nhưng không thể theo ý của mẹ chồng. (Ảnh minh họa)
Rõ ràng, mẹ chồng làm việc này để nhắm vào tiền thưởng của chúng tôi. Tôi thấy bực bội vì sự tính toán của mẹ, thà rằng chúng tôi tự nguyện, đằng này mẹ tự quyết rồi muốn con cái làm theo.
Vợ chồng tôi không đồng ý làm vì cận Tết soạn ra sửa rất phức tạp, thời tiết không thuận lợi, sợ dở dang. Vả lại, trước khi cưới, chồng tôi cũng đã ốp toàn bộ khu vệ sinh, thay bình nóng lạnh và hiện tại còn dùng rất tốt.
Nhưng mẹ chồng tỏ ý không hài lòng khi không thực hiện được ý định. Đi đâu bà cũng than vãn, nhà vệ sinh xuống cấp mà con không chịu cải tạo. Trong khi vợ chồng tôi thống nhất không sửa mà để tiết kiệm tiền, sau này đập bỏ nhà cũ xây nhà mới một lần cho luôn.
Vì việc này mà gần Tết, không khí trong nhà nặng nề. Mẹ chồng ấm ức vì năm nay không động được vào tiền thưởng của chúng tôi. Tôi không quan tâm lắm, ngay khi nhận tiền tôi đã gửi tiết kiệm ngân hàng. Còn lại, tôi sắm sửa đồ dùng Tết và biếu ông bà một khoản như dự định. Chỉ có điều, có lẽ cái Tết này không khí gia đình tôi sẽ không nhiều tiếng cười như các năm trước...
Mỹ Vân
Theo phunuonline.com.vn
"Vợ tôi muốn ly hôn chỉ vì thấy chồng bênh vực mẹ và em gái" Từ ngày chưa cưới nhau tôi đã nói với vợ của mình rằng: "Bố anh mất sớm, anh là con trai lớn trong nhà, cũng là trụ cột cho mẹ và em gái anh. Nếu em làm vợ anh, hãy coi mẹ anh và em gái anh như ruột thịt của mình. Với anh, không có gì quan trọng hơn gia đình hết"....