Kiếm thủ ‘Độc cô cầu bại’ Việt Nam giành vé dự Olympic
‘ Nữ hoàng kiếm chém’ Nguyễn Thị Lệ Dung trở thành VĐV thứ 12 của thể thao Việt Nam có vé dự Thế vận hội Rio 2016.
Lệ Dung được ví như ‘Độc cô cầu bại’ của làng đấu kiếm Đông Nam Á nhiều năm qua. Ảnh: FB.
Sáng 12/4, Nguyễn Thị Lệ Dung giành chiến thắng 15-11 trước đối thủ Tiffany của Đài Loan (Trung Quốc) ở trận chung kết nội dung kiếm chém tại vòng loại Olympic 2016 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra ở Trung Quốc. Với kết quả này, Lệ Dung đoạt vé dự Oympic 2016 vào tháng 8 tới tại Rio de Janeiro, Brazil.
Trước đó, sau khi kết quả bốc thăm được công bố, nhiều người đánh giá cơ hội của Lệ Dung là không nhiều. Suất duy nhất dự Olympic 2016 chỉ dành cho VĐV vô địch vòng loại. Phải tham dự từ vòng đấu bảng, Lệ Dung lần lượt đánh bại các tay kiếm mạnh của Thái Lan, Singapore, Kazakhstan, Hong Kong (Trung Quốc) trước khi vượt qua đối thủ Đài Loan (Trung Quốc) kịch tính ở trận chung kết.
Video đang HOT
Ngay sau khi biết tin, nhiều bạn bè của Lệ Dung đã gửi lời chúc mừng tới cô trên trang cá nhân. Được mệnh danh là “Độc cô cầu bại” của làng đấu kiếm Đông Nam Á nhưng đây mới là lần đầu tiên trong sự nghiệp, Lệ Dung giành quyền tham dự Thế vận hội. Trước Lệ Dung, hai VĐV khác là Nguyễn Thị Như Hoa và Vũ Thành An cũng đã mang về hai chiếc vé dự Olympic cho đấu kiếm Việt Nam.
Tới hết buổi sáng 12/4, thể thao Việt Nam có 12 VĐV đã đoạt vé dự Olympic 2016 gồm Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Vũ Thị Hằng, Nguyễn Thị Lụa (vật), Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Như Hoa, Vũ Thành An, Lệ Dung (đấu kiếm) và ba suất của môn cử tạ.
Theo VNE
Ngày 8.3 với nhà vô địch SEA Games: "Giá như đừng có thời tuổi trẻ"
Họ, những người đã chiến đấu với tất cả đam mê để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Ấy vậy mà trong ngày 8.3 chỉ đọng lại toàn nỗi cô đơn. Các cô gái ấy đã cười khi nhìn lại sự nghiệp VĐV, xua tay nói khẽ khi nói về cái nghiệp của mình: "Thôi thì do mình đã chọn, nhưng sao đau quá anh à!" Một nữ VĐV từng "độc cô cầu bại" trên đấu trường SEA Games tâm sự với chúng tôi...
Càng gần tới dịp 8.3, thay vì niềm vui, sự tự hào vinh danh các "nữ tướng" thể thao đã bao phen mang vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường quốc tế, nhiều trang báo lại kể những câu chuyện xung quanh mặt trái, những nỗi đau mà các cô gái phải chịu đựng khi đeo đuổi niềm đam mê. Câu chuyện của nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ khiến bao trái tim thổn thức. Khoảnh khắc vinh quang cán đích trên đường đua, khoảnh khắc đặt tay lên trái tim mình mà hát vang bài Quốc ca hùng tráng còn đâu nữa?! Giờ chỉ còn một cô gái chưa chồng mang theo đôi chân bị "va đập" bởi bao chấn thương và bị cô lập trong chính cơ quan của mình. Nghe Nụ nói mà xót xa: "Nếu không có những VĐV trẻ, chắc tôi "sập" lâu rồi."
Nguyễn Thị Nụ cay đắng khi khẳng định muốn quên đi quá khứ vàng son của mình. Ảnh: I.T.
Đau với nỗi đau của Nụ, tôi nhớ có một nhà thơ tôi biết và rất quý trọng viết những câu đại ý như:"... Thiên hà đọng thành giọt nước/trăm năm uống cạn mình ta." Có đau đớn thế không khi bao nhiêu ước mơ của những cô gái từng một thời "làm mưa làm gió" trên đấu trường quốc tế, họ từng ấp ủ những ước mơ đẹp như những ánh sao lung linh trên bầu trời khi chập chững theo đuổi niềm đam mê để rồi khi kết thúc sự nghiệp VĐV, tất cả chỉ còn đọng lại những giọt nước mắt thầm lặng, tự mình biết mình khóc vì sao: "Cay đắng, thực sự là cay đắng! Giá như đừng có thời tuổi trẻ đó nữa... Giờ tôi chỉ có một ước ao là được đi trên chính đôi chân của mình, chứ không phải đi bằng đầu gối..." Nụ - nhà vô địch SEA Games từng bắt phải đi nhổ cỏ nghẹn ngào trả lời phỏng vấn một tờ báo.
Mà có phải trong làng thể thao, trường hợp của Nguyễn Thị Nụ với những suy nghĩ ấy là cá biệt hay không? Chúng tôi đã làm một khảo sát với những VĐV nổi tiếng của làng thể thao Việt Nam như Nguyễn Thị Lệ Dung (đấu kiếm), Hoàng Thị Tuất (bắn súng) và câu trả lời được mới đắng lòng làm sao: "Quá nhiều chị em theo nghiệp thể thao có cùng tâm trạng như chị Nụ anh ạ," Lệ Dung bảo. Còn Hoàng Thị Tuất thì trả lời như hỏi lại người viết: "Chả đếm được anh nhỉ?!"
Thực lòng, người viết muốn khi đưa ra khảo sát nói trên, câu trả lời sẽ khác, nhưng thực tế luôn là thực tế. Có phải nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân - người từng mang về tấm huy chương Olympic đầu tiên cho thể thao Việt Nam cách đây gần 2 thập kỷ cũng có chung suy nghĩ đó không? Tôi sợ khi nghĩ đến câu trả lời là "Có".
Câu trả lời ở quanh ta thôi, đâu cần phải những nghiên cứu, những đề án đồ sộ. Giờ thì đã rõ vì sao sau bao năm, thể thao Việt Nam luôn phải chìm trong "vùng trũng" Đông Nam Á. Cứ ra "biển lớn" như ASIAD, Olympic là hụt hơi. Giới chuyên môn bảo là do chúng ta chưa phát triển thể thao trường học, rồi cả những yếu tố khác liên quan tới thể chất người Việt, đào tạo trẻ, kinh tế khó khăn,... Những yếu tố đó là có, những không phải là cốt tử.
Người viết tin lý do cốt tử dẫn đến sự bí bách, bế tắc của thể thao Việt Nam nằm ở cái tâm của những người làm chuyên môn. Khi nào còn những trường hợp muốn quên đi những năm tháng vinh quang, những năm tháng mình đã "cháy hết mình" với một niềm đam mê bất tận như Nguyễn Thị Nụ mà phải khóc, thì khi đó, đừng mong thể thao Việt Nam phát triển!
Mà thể thao Việt Nam có phát triển hay không có ý nghĩa quan trọng lắm không? Khi cái nền thể thao ấy để chính những "nữ tướng" từng mang bao vinh quang về cho Tổ quốc phải khóc thầm?!
Theo Dân Việt