Kiểm sát viên phải tuyên thệ
Ngày 13-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân sửa đổi và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, dự thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) đã cụ thể hóa các quy định về Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp; bảo đảm thiết chế VKSND có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi có 7 chương, 110 điều. Đáng chú ý, có những quy định mới như người được bổ nhiệm Kiểm sát viên lần đầu phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Hiến pháp, tuân thủ pháp luật, tận tụy phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội…
Video đang HOT
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, đây là một trong những luật cần được hoàn thiện ngay trong đợt đầu để thể chế hóa những điểm đổi mới trong Hiến pháp sửa đổi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, đối chiếu với các quy định trong Hiến pháp sửa đổi, đặc biệt cần đảm bảo quyền con người được thực thi tốt hơn. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Hiến pháp sửa đổi nêu rất rõ vai trò của Viện trưởng VKSND và vai trò của kiểm sát viên. Luật phải thể hiện cụ thể hơn quan hệ chỉ đạo giữa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với VKSND cấp dưới và kiểm sát viên. Tôi chưa thấy rõ cơ chế để kiểm sát viên thực sự hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND, nhất là trong quá trình thực hành quyền công tố”.
Quy định về án lệ trong dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, đây là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần được cân nhắc kỹ. Từ nhiều năm nay, TAND tối cao đã và đang thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dưới hình thức ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và được coi là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. Đây chính là hình thức cao nhất của án lệ.
Vì vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng, trước mắt, chỉ nên quy định TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định của pháp luật để các Tòa án khác nghiên cứu, học tập.
Theo ANTD
Xã, phường vẫn chứng thực giấy tờ
Ngày 20-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bắt đầu phiên họp thứ 25. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Quận, huyện, xã, phường sẽ tiếp tục chứng thực giấy tờ như hiện nay
Góp ý về dự Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo có khá nhiều nội dung không thống nhất, "chồng lấn" sang các lĩnh vực ngân sách, tài chính. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách thẳng thắn: "Tôi không đồng tình việc luật nào cũng nói đến ngân sách, quỹ, tài chính... Dự thảo luật này cũng thế, viết lỏng lẻo, lại "lấn sân" Luật Ngân sách". Liên quan đến chính sách nhập khẩu phế liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị dự thảo quy định rõ các hàng rào kỹ thuật để một mặt bảo vệ được môi trường, mặt khác vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế (không cấm nhập) và duy trì lợi ích kinh tế chính đáng cho các doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước góp ý: "Đây là luật gốc về bảo vệ môi trường, cần phải đưa nguyên tắc về bảo vệ rừng vào, để có cơ sở giải quyết rất nhiều vấn đề khác".
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường. "Trong khi vòng đời của các dự án lớn thường dài hơn nhiều và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị cũng có kỳ hạn 20 năm, tầm nhìn tới 30 năm mà quy hoạch bảo vệ môi trường - theo dự thảo Luật - lại chỉ có kỳ hạn 10 năm thì việc đánh giá tác động môi trường tính như thế nào?", ông Uông Chu Lưu nêu vấn đề.
Cho ý kiến vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, về lâu dài, việc tách bạch, chuyên môn hóa hoạt động công chứng là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, việc giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính Nhà nước đang làm hiện nay sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này.
Do đó, để bảo đảm cân đối về nhiệm vụ giữa tổ chức hành nghề công chứng và các Phòng tư pháp quận, huyện, UBND cấp xã, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu một phần ý kiến của ĐBQH và chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, tài liệu liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình công chứng. Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định hiện nay.
Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, hiện cũng có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi (như dự thảo Luật đã trình Quốc hội). Luồng ý kiến thứ hai đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này... Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định được thể hiện ở phương án 1.
Cũng trong chiều 20-2, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã trình bày Tờ trình của Chánh án TAND tối cao đề nghị cử 3 vị Thẩm phán TAND tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Tuy nhiên, qua thẩm tra, đại đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị UBTVQH cân nhắc chưa quyết định cử các nhân sự nêu trên làm thành viên Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan trình và cơ quan thẩm tra bàn bạc, nghiên cứu thêm để trình lại vào dịp khác.
Theo ANTD
Gần 20 cán bộ làm oan ông Chấn chưa chắc sẽ "hạ cánh an toàn" Thực tiễn pháp lý trong thời gian qua có một nghịch lý là lấy lý do năng lực chuyên môn yếu kém hoặc lỗi vô ý thì những người tiến hành tố tụng làm oan người vô tội đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và khỏi phải hoàn trả tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị oan....