Kiểm nghiệm ô nhiễm khu vực nổ kho pháo hoa
Việc kiểm kê tài sản thiệt hại, kiểm nghiệm mức độ ô nhiễm xung quanh khu vực vụ nổ sẽ tiến hành gấp rút để người dân ổn định cuộc sống
Hai ngày sau vụ nổ kho pháo hoa kinh hoàng, người dân ở hai xã Võ Lao và Khải Xuân, huyện Thanh Ba, Phú Thọ đã trở về dọn dẹp nhà cửa. Những hộ dân nằm trong bán kính 1 km bị hư hỏng nặng nhất. Nhiều nhà mái ngói vỡ bung, tường đổ, kính cửa sổ vỡ…
Chiều 14/10, ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết công tác kiểm kê tài sản thiệt hại của người dân trong vụ nổ kho pháo hoa Nhà máy Z121 đang được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) tiến hành. Sở Tài nguyên va Môi trường Phú Thọ cũng đã tiến hành lấy mẫu không khí, đất, nước xung quanh hiện trường vụ nổ để nghiên cứu. “Do thiệt hại rất lớn, đến giờ vẫn chưa thể thống kê được số hộ dân bị ảnh hưởng sau vụ nổ. Tuy nhiên, việc kiểm kê tài sản thiệt hại, công bố kết quả kiểm nghiệm mức độ ô nhiễm sẽ phải làm gấp rút bởi người dân cần ổn định cuộc sống”, ông San nói.
Nhiều nhà mái ngói vỡ bung, tường đổ, kính cửa sổ vỡ…
Cũng theo ông San, đối diện hiện trường vụ nổ là một kho thuốc nổ rất lớn. Chính vì thế ngay từ thời điểm xảy ra vụ nổ, các lực lượng đã phải làm mọi cách để ngăn chặn, khống chế không để ảnh hưởng tới kho thuốc nổ này. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ và Nhà máy Z121 đã đảm bảo mọi điều kiện để không xảy ra bất cứ vấn đề gì. Toàn bộ khu vực hiện nay đã an toàn.
Riêng đối với nạn nhân bị thương trong vụ nổ, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Hồ Đức Hải cho biết với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Bỏng quốc gia, các bệnh nhân trong vụ nổ đang được chăm sóc, cứu chữa. Những trường hợp có diễn biến nặng hơn sẽ được chuyển lên tuyến trên.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS Nguyễn Trọng Uyển, giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết pháo hoa gồm 2 thành phần chính là chất ôxy hóa và chất khử. Khi thực hiện phản ứng pháo hoa nổ và pháo sáng, chất ôxy hóa phải tiếp xúc với chất khử bằng cách đốt nóng hoặc kích thích bằng dòng điện. Nếu thuốc pháo tự bốc cháy, việc quản lý đã không được thực hiện tốt.
Còn TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Viện phó Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), phân tích nguyên nhân chính có thể do bảo quản chất tạo nên pháo hoa. “Không bao giờ cho phép chất khử và chất ôxy hóa gần nhau bởi khi đó không cần dòng điện, chỉ cần ma sát cũng có thể gây cháy. Việc cháy nổ kho pháo hoa như vậy có thể xuất phát từ việc bảo quản không đúng nhiệt độ, trong môi trường ẩm ướt nên đã sinh ra các khí độc, giải phóng các nguyên tố ôxy hóa cao” – ông Hùng nói.
Nhận định trên cũng phù hợp với điều tra ban đầu của Nhà máy Z121 khi cho rằng khả năng pháo hoa tự phân hủy và bốc cháy. Một phần nguyên nhân xuất phát từ các trận mưa lớn gần đây khiến thời tiết ẩm, mái nhà kho được làm bằng fibro xi măng nên có thể bị dột hoặc bị nước mưa hắt vào quả pháo hoa. Pháo hoa bị ẩm, làm nhiệt âm ỉ nhiều ngày, đến một thời điểm nhất định tự bốc cháy.
Chủ tịch nước gửi thư thăm hỏi các nạn nhân Ngày 14/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư thăm hỏi, chia buồn đến cán bộ, nhân viên, người lao động, người dân và các gia đình bị nạn trong vụ cháy nổ xảy ra ngày 12-10 tại phân xưởng sản xuất pháo hoa, Nhà máy Z121 Tổng cục Quốc phòng. Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan của Bộ Quốc phòng, chính quyền và các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giải quyết kịp thời chính sách cho các đối tượng; nhanh chóng khắc phục hậu quả của vụ cháy nổ, khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Theo Thế Kha
Nổ pháo hoa: Dân về sơ tán, gào khóc trong đổ nát
Người dân trong khu vực nhà kho pháo hoa phát nổ đã bắt đầu trở về và choáng váng trước cảnh nhà cửa tan hoang.
Video đang HOT
Ông Hà Đình Trọng òa khóc khi kể lại sự việc kinh hoàng.
Hai ngày sau khi vụ nổ kho pháo hoa tại Nhà máy Z121 (thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng của Bộ Quốc phòng) trên địa bàn 2 xã Khải Xuân và Võ Lao thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ xảy ra, người dân đi sơ tán đã trở về nhà, bắt tay vào việc thu dọn, sửa chữa nhà cửa, dần ổn định lại cuộc sống.
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 14/10, hiện trường vụ việc là Nhà máy Z121 đã được phong tỏa, quây kín bằng bạt, bên trong lực lượng chức năng đang sử dụng phương tiện và lực lượng khắc phục hậu quả, người không có nhiệm vụ miễn vào.
Hiện trường vụ nổ được quây kín và phong tỏa.
Xung quanh còn sót lại những mảnh vỡ...
Nhìn từ phía ngoài, nhà xưởng của nhà máy chỉ còn là đống đổ nát, hệ thống tường rào xây bằng gạch bị đổ gần như toàn bộ, tường rào của nhà cán bộ nhân viên xí nghiệp nằm cách xí nghiệp khoảng 100 m cũng đổ nát.
Đặc biệt, rất nhiều nhà dân trong vòng bán kính 1km đã hư hỏng, nặng là đổ sập, vỡ ngói, đổ tường...; nhẹ thì vỡ kính, hư hỏng cánh cửa... Xung quanh nhà mình, người dân nhặt được nhiều mảnh sắt, nhỏ thì dài 1-2cm, có thanh sắt dài đến 5-6m bị bắn ra khi nhà máy phát nổ, nhiều mảnh đã gây sát thương cho người dân.
Trong không khí tang thương mất mát, người dân quanh khu vực đã trở về từ nơi sơ tán và bắt tay ngay vào công tác khắc phục hậu quả.
Đang thu dọn đồ trong ngôi nhà đổ nát, anh Phùng Hưng (34 tuổi, ở Xã Võ) chua xót nói rằng, sau vụ nổ nhà của anh đều bị vỡ hết mái, sập một số bức tường, số còn lại đang lung lay, đồ đạc trong nhà hư hỏng nặng, không thể khắc phục mà phải phá dỡ để làm lại hoàn toàn. Sau nhà anh Hưng, khu rừng rộng chừng 1ha cũng bị cháy rụi.
Gia đình anh Hưng thu dọn đồ đạc từ đống đổ nát.
"Đến chiếc tivi cũng vỡ đôi, nhà bếp sập hoàn toàn, mấy hôm nay gia đình tôi, trong đó có mẹ già và con nhỏ phải đi ở nhờ" - anh Hưng cho biết.
Bà Ngô Thị Bích Lương (56 tuổi, khu 11, xã Võ Lao) cho biết, thời điểm vụ nổ xảy ra bà đang đi chợ (cách hiện trường khoảng 1km) và giật mình bởi tiếng nổ lớn, chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì bà đã thấy mọi người chạy tán loạn.
"Lúc đó tôi vẫn còn mẹ già yếu nằm ở nhà nên vội vàng trở về nhưng ai cũng ngăn cản. Đến 1 tiếng sau khi vụ nổ xảy ra, tôi mới về đến nhà và choáng váng khi thấy nhà cửa đã bị sập, ngay trước cổng một thanh sắt vẫn còn đỏ rực cắm sâu xuống nền đất" - bà Lương nhớ lại.
Theo bà Lương, lúc vào đến nhà, bà nhanh chóng xuống nơi mẹ già nằm và thấy mẹ đang nằm dưới đất, bức tường hai bên đã vỡ và đổ xuống một nửa, do bà cụ bị liệt hai chân đã lâu nên không thể tự đi, bà Lương phải kéo ra ngoài cho đến khi bộ đội cứu hộ cõng ra ngoài.
Một ngôi nhà tan hoang sau vụ nổ, chủ nhân của nó vẫn đang đi sơ tán.
"Về ngôi nhà, hiện nay các cháu đã bỏ hết ngói vỡ và phủ bạt để ở tạm, nhà dưới coi như mất không"- bà Lương đau lòng.
Vẫn còn bần thần sau vụ nổ, bà Nguyễn Thị Vàng (70 tuổi, ở cách hiện trường chừng 350m) kể lại, sáng 12/10, lúc bà đang ở ngoài vườn thì nghe tiếng nổ pháo hoa phát ra từ phía nhà máy. Liền sau đó là đất rung chuyển và mái nhà có vật rơi phát tiếng động lớn nên sợ hãi và ôm đầu và chạy vào nhà tắm đóng cửa lại.
"Bên ngoài vẫn xảy ra tiếng động lớn, tôi ngồi co quắp và run run sợ hãi một hồi lâu cho đến khi các con về đi tìm và đưa ra ngoài đi sơ tán cách đó 10km.
Đến bây giờ, tim tôi vẫn đập thình thịch như người mất hồn. Tôi cũng từng sống trong thời kỳ chiến tranh, đã đi chứng kiến nhiều cảnh bom nổ đạn bắn nhưng chưa khi nào thấy khủng khiếp và sợ hãi như vụ nổ này" - bà Vàng hoảng hốt.
Nhiều mảnh sắt được tìm thấy xung quanh các ngôi nhà đổ nát.
Cùng thời điểm đó, ông Hà Đình Trọng (có con trai Hà Anh Tuấn làm việc trong nhà máy và tử vong) đang ngồi ở cửa nhà (cách hiện trường khoảng 500m) cũng nghe tiếng rơi trên nóc nhà và nghe thấy tiếng nổ.
"Tôi vội kêu lên: &'Thôi chết rồi, pháo hoa nổ'! Nhìn về phía nhà máy trời đất mù mịt, vợ và các cháu bỏ chạy ra ngoài nhưng càng chạy càng thấy nổ to" - ông Trọng cho hay.
Khi chạy ra đến đường lớn, ông Trọng thấy người chạy từ nhà máy bước ra ngoài trong bộ dạng hoảng loạn, quần áo nhuốm máu nên vội chở một số người lên trạm xá và quay vào hiện trường dù bị ngăn cản.
"Đang cứu một cô gái xong thì vợ tôi hét: &'Anh đi cứu con về, nhưng tìm mãi, tìm mãi... cho đến khi người ta báo tin, con tôi đã chết trước khi được đưa tới bệnh viện" - ông Trọng òa khóc.
Đến hôm nay, một số ngôi nhà tại khu 11 xã Võ Lao vẫn đang vóng bóng người trong tình trạng hư hỏng nặng. Theo người dân, người trong các ngôi nhà này đang phải lo chữa trị cho người bị thương hoặc vẫn sợ hãi, chưa dám quay về.
Đau đớn hơn, một số gia đình khác có người thiệt hại trong vụ nổ đang bận lo tang lễ nên chưa quan tâm đến công tác khắc phục nhà cửa. Người dân cho biết, trong quá trình họ đi sơ tán, một số kẻ xấu đã lợi dụng để vào nhà "hôi của" khiến thiệt hại của họ càng nặng nề hơn.
Trước đó, ngày 13/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới nhà máy Z121 để trực tiếp tìm hiểu và chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ nổ tại nhà máy này.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trung tướng Nguyễn Đức Lâm, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng, cho biết đến thời điểm hiện tại đã có 23 công nhân Xí nghiệp 4 tử nạn, 71 người khác đang bị thương và được cấp cứu tại nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng như tuyến Trung ương. Đến nay vẫn còn 5 thi thể bị cháy sém chưa thể xác định được danh tính.
Một khu rừng cách hiện trường chừng 500m bốc cháy.
Gần như toàn bộ nhà xưởng, kho tàng đã bị phá hủy. Thiệt hại ước tính khoảng 52 tỉ đồng, trong đó có khoảng 20 tỉ đồng là sản phẩm pháo hoa đã hoàn thành.
Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm thiệt hại, đặc biệt chú ý tới nhà cửa những người dân sinh sống xung quanh khu vực nhà máy để đền bù, giúp người dân khắc phục hậu quả.
"Quan điểm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo trong việc này là không để người dân chịu thiệt nhưng phải kiểm đếm, tính toán chính xác thiệt hại" - ông Lâm khẳng định.
Theo Xahoi
Nổ pháo hoa: Bà bầu 8 tháng vượt tường cao 3m Hai ngày sau vụ nổ pháo hoa kinh hoàng tại Nhà máy Z121 ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ, những người có mặt ở thời điểm nổ, vẫn chưa hết bàng hoàng. "Nhắm mắt lại, đầu óc tôi lại nhớ tới cảnh tượng kinh hoàng đó, nó không khác gì những thước phim trong chiến tranh. Những tiếng la ó, tiếng nổ, pháo...