Kiểm lâm nhiều lần tìm thấy gỗ lậu gần trạm biên phòng
Trước vụ phá hơn 60 cây pơ mu bị phanh phui, lực lượng kiểm lâm nhiều lần phát hiện các bãi giấu gỗ tại khu vực do biên phòng quản lý.
Ngày 27/7, nhà chức trách tỉnh Quảng Nam đề nghị tỉnh Sê Kông (Lào) sớm sử dụng thiết bị định vị xác định chính xác tọa độ khu vực rừng pơ mu bị phá của mỗi bên để phục vụ công tác điều tra. Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị chính quyền Sê Kông sớm khởi tố vụ án.
Động thái này được đưa ra sau cuộc họp giữa lãnh đạo 2 tỉnh của hai nước về vụ phá rừng pơ mu ở biên giới huyện Nam Giang và cùng thống nhất thành lập tổ công tác đặc biệt. Tỉnh Sê Kông sẽ kiểm tra toàn bộ, thậm chí đóng cửa các xưởng sản xuất, chế biến gỗ tại các khu vực biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam sau vụ việc này.
Công an Quảng Nam vào hiện trường điều tra vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới. Ảnh: Tiến Hùng.
Trong một diễn biến khác, ông Trần Văn Sâm (Hạt Kiểm lâm huyện Hiệp Đức), cho biết đây không phải là lần đầu tiên nhà chức trách phát hiện những bãi gỗ pơ mu được tập kết gần trạm biên phòng. Tuy nhiên không thể khởi tố vụ án vì khối lượng chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự.
“Trước đây phát hiện nhiều lắm, có lần chúng tôi phải làm rất cứng thì họ mới cho vào và thu được hơn 1,6 khối gỗ pơ mu đã được cưa xẻ. Tuy nhiên biên phòng phủ nhận liên quan, họ nói không biết”, ông Sâm kể và cho hay trước đây làm việc tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, nơi trực tiếp quản lý rừng tại khu vực biên giới xã La Dêê.
Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, riêng năm 2009 lực lượng này phát hiện 6 bãi tập kết gỗ vô chủ ở khu vực gần Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Đắc Ốc. Phần lớn gỗ đều là pơ mu, đã được cưa xẻ theo quy cách.
Gỗ pơ mu vừa bị phát hiện giấu trong trụ sở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang: Ảnh: H.T
Video đang HOT
Vụ phá rừng quy mô lớn bị vỡ lở khi ngày 9/7 người dân phát hiện 280 phách gỗ pơ mu (28 khối), tập kết tại một con suối cách Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc (thuộc Đồn Biên phòng La Dêê) khoảng 500 m. Bãi tập kết nằm dưới con suối sát bên đường tuần tra của biên phòng và cách cửa khẩu chỉ khoảng 200 m.
Cơ quan điều tra xác định có ít nhất 60 cây pơ mu hàng trăm tuổi thuộc vùng giáp ranh biên giới bị đốn hạ. Sau khi khởi tố vụ án, công an tiếp tục phát hiện hàng loạt bãi tập kết gỗ, trong đó nhiều vị trí nằm sát trạm biên phòng.
Trong trụ sở của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang, nhà chức trách cũng thu giữ 115 phách gỗ không có nguồn gốc. Chi cục trưởng đơn vị này sau đó bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Hàng chục phách gỗ vừa bị tìm thấy sau lưng trạm biên phòng. Ảnh: H.T
Trong quá trình điều tra, công an cho rằng bị lực lượng biên phòng không ít lần gây khó dễ. 3 sĩ quan biên phòng gồm thượng tá Nguyễn Tấn Lạc (Đồn trưởng biên phòng La Dêê); thiếu tá Đỗ Hoành Minh (chính trị viên) và đại úy Lê Xuân Chính (Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc) đã bị tạm đình chỉ để phục vụ điều tra.
Đại úy Chính bị cho là “có liên quan đặc biệt” trong đường dây phá rừng. Theo quy chế của biên phòng, cán bộ phải luân chuyển công tác 5 năm một lần. Tuy nhiên, đại úy Chính đã hơn 10 năm vẫn làm việc tại một vị trí.
Trong văn bản chỉ đạo các ngành và báo cáo Thủ tướng, ông Đinh Văn Thu (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), nhận định tình tiết vụ phá rừng pơ mu có dấu hiệu bao che, dung túng của lực lượng chức năng. Cơ quan điều tra nghi ngờ có đường dây phá rừng được tổ chức tinh vi, hoạt động trong thời gian dài tại khu vực này.
Tiến Hùng
Theo VNE
Chủ tịch Quảng Nam: Vụ phá rừng pơ mu có dấu hiệu bao che, dung túng
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam nhận định vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu bao che, dung túng của cơ quan chức năng.
Ngày 22/7, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản chỉ đạo các cơ quan xử lý vụ phá rừng xảy ra tại biên giới huyện Nam Giang. Văn bản này cũng được gửi tới Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Quân khu 5.
"Vụ phá rừng pơ mu tại xã La Dêê là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong địa bàn quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của khu vực biên giới. Tình tiết vụ việc có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ, gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt, vì vậy cần phải truy cứu, xử lý nghiêm túc các sai phạm; làm rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan", văn bản nêu.
Tỉnh Quảng Nam phân công Phó chủ tịch Lê Trí Thanh trực tiếp chỉ đạo vụ việc. Ảnh: Tiến Hùng.
Người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam giao giám đốc công an tỉnh lập chuyên án, huy động lực lượng khẩn trương điều tra, củng cố chứng cứ xử lý vụ việc, không bỏ lọt tội phạm. "Công an tỉnh làm việc với Sở An ninh tỉnh Sê Kông (Lào) và các đơn vị chức năng để tổ chức phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm sớm kết luận, truy cứu trách nhiệm", ông Đinh Văn Thu chỉ đạo.
Công an tỉnh chủ động kiến nghị các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, quản lý để phục vụ tốt nhất cho hoạt động điều tra. Đây cũng là đầu mối phát ngôn về vụ việc.
Chủ tịch tỉnh giao Sở Ngoại vụ tham mưu, liên hệ với chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Sê Kông (Lào) để tạo điều kiện, phối hợp kịp thời.
Ít nhất 60 cây pơ mu ở khu vực do biên phòng quản lý bị chặt hạ. Ảnh: Tiến Hùng.
Địa điểm làm việc của ban chuyên án đặt tại Trạm kiểm soát liên hợp Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm bố trí phòng làm việc và phối hợp tạo điều kiện cho Ban chuyên án trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ. UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng và chịu trách nhiệm phối hợp để công an thực hiện tốt nhiệm vụ.
"Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các tập thể, cá nhân liên quan báo cáo giải trình về trách nhiệm quản lý; thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tạm thời đình chỉ công tác với các cá nhân có dấu hiệu sai phạm chờ kết quả điều tra; củng cố bộ máy tổ chức để quản lý tốt địa bàn", Chủ tịch Quảng Nam chỉ đạo.
Gỗ pơ mu công an thu giữ trong trụ sở hải quan. Hải quan cho rằng, số gỗ này phần lớn "đầu thừa đuôi thẹo, gỗ mục", một số do công an và Hải quan Lào cho để sửa sang trụ sở, một số do doanh nghiệp xuất khẩu qua đây cho cán bộ hải quan hoặc vứt lại vì bị sứt. Ảnh: H.T
Trước đó ngày 9/7, người dân phát hiện gần 280 phách gỗ pơ mu bị tập kết cách Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc khoảng 500 m. Cơ quan điều tra xác định có ít nhất 60 cây pơ mu ở khu vực biên giới do biên phòng quản lý vừa bị đốn hạ.
Sau khi khởi tố vụ án, công an liên tục phát hiện nhiều bãi tập kết gỗ giấu gần trạm biên phòng. Ngoài ra, công an còn thu giữ 115 phách gỗ ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang. Ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng đơn vị sau đó bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Ngày 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra vụ việc, xử lý nghiêm những người vi phạm.
Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã đình chỉ 3 sĩ quan thuộc Đồn Biên phòng La Dêê để phục vụ điều tra, đồng thời cử một tổ điều tra hình sự vào Quảng Nam phối hợp làm rõ.
Tiến Hùng
Theo VNE
Đường dây phá rừng pơ mu ở biên giới Quảng Nam Nhóm lâm tặc được cho là có sự dung túng của lực lượng chức năng, tổ chức chặt chẽ từ khâu khai thác, vận chuyển, đến đưa qua Lào tập kết chờ hợp thức hóa thủ tục rồi tuồn trở lại Việt Nam tiêu thụ với giá cao. Nhà chức trách Quảng Nam đang khẩn trương điều tra, tìm những người liên quan...