Kiểm lâm “làm luật” – Kỳ 1: Vòi tiền trắng trợn
Cánh tài xế chuyên đánh gỗ cho biết bất kể gỗ lậu hay gỗ có giấy tờ hợp lệ, khi gặp kiểm lâm trên đường, tài xế hoặc chủ hàng đều phải “ làm luật” mới được qua “ải”, bị “hành cho ra bã”.
Xe chở gỗ bị đội kiểm lâm cơ động số 1 Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đưa về “hành” để “làm luật” – Ảnh: H.K.
Nhân viên của đội kiểm lâm cơ động thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh chặn xe gỗ và đòi chung chi
Thực tế cho thấy nếu không “tự giác” đưa tiền cho kiểm lâm, các chủ hàng cũng như tài xế sẽ bị “hành cho ra bã”, sau đó bị ép phải chung chi.
Cò kè bớt một thêm hai
Chiều 31-7, tại quán cơm ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chúng tôi lên chiếc xe chở gỗ đi Hà Nội. Đến đường tránh TP Hà Tĩnh, xe đang ngon trớn bỗng thắng gấp vì phía trước xuất hiện chiếc Ford Everest biển số 38A-0789 chặn cúp đầu. Một lá cờ xanh thò ra cửa vẫy vẫy.
Từ trên xe bước xuống năm cán bộ kiểm lâm, không ai mang bảng tên. Một người bước đến xe gỗ thông báo có tin tố giác xe vận chuyển lâm sản trái phép.
Tài xế Thành xuống trình hồ sơ gỗ. Một kiểm lâm viên (sau này mới biết đó là ông Nguyễn Tống Phượng, cán bộ pháp chế đội kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) xem qua giấy tờ gỗ và đòi kiểm tra thực tế. Thành nói: “Gỗ hợp pháp, sếp nghiên cứu cho đi”. Ông Phượng bảo: “Nghiên cứu là nghiên cứu như thế nào?”. Thành nói: “Em đã hết tiền”.
Một kiểm lâm viên xen vào: “Giấy tờ, lý lịch nguồn gốc gỗ từ 2008 nhưng gỗ thì mới tinh, phải gọi cho chủ gỗ”. Ông Phượng yêu cầu Thành lên xe để ra giá “làm luật”.
Mở đầu cuộc “làm giá”, một kiểm lâm trẻ tuổi nói: “Anh chạy thuê sao mà làm (luật) được, phải gọi điện cho chủ gỗ”. Thành nhắc chuyện cũ: “Cách đây vài hôm mấy anh cũng làm xe gỗ hương của em”. Một người hỏi: “Bữa đó làm bao nhiêu nhỉ?”. Tài xế: “2 triệu đồng”. Kiểm lâm: “Giờ làm được mấy chai (triệu đồng)?”. Thành: “Em hết tiền rồi, mấy anh chiếu cố nhẹ nhẹ”. Một người ra giá: “Gỗ cả xe thế này là 5 chai”. Một người nhắc lại: “Chuyến sau có thể giảm xuống 3 chai, chuyến đầu là 5 chai”. Tài xế rên rỉ: “Giờ em không có tiền”. Kiểm lâm: “Không có tiền thì gọi điện cho chủ gửi vào”. Thành năn nỉ: “Em còn 2,5 triệu, cho em làm 2 triệu”. Kiểm lâm cương quyết: “2 chai không được”.
Thấy tài xế không biết điều, một kiểm lâm lạnh lùng phán “5 chai”. Thành nói không đủ tiền, người này nói: “Không đủ cũng phải tìm cho đủ”. Thành: “Nếu 5 chai thì phải đợi chuyển tiền”. Một người nói: “Đưa về cơ quan để anh gọi cho chủ hàng. Nếu họ chấp nhận (chung 5 chai), họ gửi tiền vô cho anh. Không chấp nhận, bọn tôi kiểm tra, xử lý”.
Thành than: “Hôm trước mấy anh làm xe gỗ hương 2 chai, nay sao lại làm 5 chai”. Ông này nói: “Đâu phải xe nào cũng như xe nào, tùy thuộc vào hồ sơ, vào lỗi”. Thành nhắc: “Xe gỗ đó không có hồ sơ gốc mà”. Nghe đến đây một kiểm lâm đứng tuổi tham gia: “Xe này mà đem về trạm phải là 50 chai”. Thành khăng khăng nói không còn tiền. Một kiểm lâm giục: “Gọi điện cho chủ hàng hỏi, không thì đưa về”.
Sau một lúc cù cưa, một kiểm lâm gút: “Thôi lấy 4 chai”. Thành móc hết túi còn 2,5 triệu đồng, năn nỉ: “Giúp nhau một lần đi”. Cả hai kiểm lâm đồng thanh “thôi đưa 2,5 triệu đi”. “Làm luật” xong, nhóm kiểm lâm trả lại giấy tờ cho Thành rồi phóng xe đi.
Theo điều tra của Tuổi Trẻ, với những xe gỗ quen, trước khi vào địa phận Hà Tĩnh phải chủ động gọi điện cho kiểm lâm để “đóng hụi chết”. Trưa 31-8, chúng tôi theo xe tải chở 43 tấn gỗ từ Đắk Lắk ra Hà Nội. Vừa vào đường tránh Hà Tĩnh, xe gỗ dừng lại. 15 phút sau, một thanh niên đi chiếc Nouvo đến nhận cái gì đó từ tay tài xế rồi phóng xe đi.
Tiếp xúc với chúng tôi, tài xế cho biết vừa “đóng hụi chết” 2 chai cho kiểm lâm mới được qua “ải”. Chiều 31-8, gặp chúng tôi, ông Quang – nhân viên đội kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh – cũng cho biết lúc trưa có lấy 2 chai của tài xế.
(Từ trái qua): Yêu cầu tài xế lên xe của kiểm lâm để “làm luật”
Video đang HOT
“Hành cho ra bã”
14g ngày 11-8, xe chở 42 tấn gỗ chiêu liêu (trong khi tải trọng chỉ 11 tấn) đi Hà Nội. Đến km 408 (Quỳnh Lưu, Nghệ An) xe gỗ bị nhóm kiểm lâm năm người đi trên xe 37A-1115 chặn lại. Sau khi xem hồ sơ gỗ, một kiểm lâm hỏi có dấu búa không, tài xế nói gỗ khai thác trắng, tận dụng, làm gì còn dấu búa.
Sau khi kiểm tra qua loa, một người nói: “Gỗ này các ông tái chế ra, chiều dài vẫn giữ nguyên nhưng không có dấu búa” và yêu cầu đánh xe về hạt kiểm tra. Tài xế cự lại: “Nếu sai gì thì lập biên bản tại chỗ”. Một kiểm lâm giục: “Cãi cọ nhau, bươi là ra chuyện, làm nhanh đi”.
Nhưng một kiểm lâm bắt đầu “bươi”: “Số lượng thực tế và giấy tờ không phù hợp, hồ sơ gỗ thực tế so với hồ sơ gốc không đúng…”. Một kiểm lâm khác phụ họa: “Xe 81, 47 (Gia Lai, Đắk Lắk) chúng tôi bắt vào mặc dù hồ sơ đầy đủ nhưng cũng phải xác minh vì không có dấu búa”. Tài xế vẫn “cương”: “Lý lịch gỗ không sai”.
Thấy tình hình căng thẳng, một kiểm lâm lớn tuổi nhắc: “Thôi làm nhanh mà đi”. Người đứng cạnh giục: “Điện cho chủ hàng làm nhanh gọn mà đi”. Tài xế năn nỉ cho nộp 5 “xị” (500.000 đồng), ông này nói: “Anh em thống nhất rồi, không thì đưa về hạt”. Tài xế nói: “Thôi còn 7 xị lấy đỡ”, ông này nói: “Còn cò kè nữa” nhưng cũng đồng ý nhận rồi cho đi.
Sau đó xe chúng tôi bị đội kiểm lâm cơ động số 1 Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa chặn lại tại đường tránh. Nhóm kiểm lâm, trong đó có các ông Tuấn, Hiệu, mở bạt kiểm tra. Một người nói: “Gỗ sai quy cách, kích cỡ so với tờ khai”. Tài xế xin giải quyết luôn ngoài đường, ông này yêu cầu “đưa xe về, có gì anh nói chuyện với lãnh đạo”.
Về đến đội, tài xế mang giấy tờ vào gặp ông Hiệu làm biên bản và hẹn mai giải quyết.
Sáng 12-8, tài xế đến gặp kiểm lâm. Sau khi kiểm tra giấy tờ, một kiểm lâm nói: “Gọi cái thằng bán hàng lên làm việc”. Tài xế xin giúp đỡ, người này gợi ý: “Muốn tạo điều kiện thì đề xuất”. Tài xế: “Xin không đổ gỗ xuống”. Kiểm lâm: “Bây giờ phải đổ (gỗ)”. Một kiểm lâm khác chen vào: “Việc của anh sai rất lớn nhưng châm chước cho anh xin ý kiến chủ, đề xuất thoải mái”. Tài xế xuống nước: “Em chấp nhận bỏ gỗ xuống nhưng ít thôi”. Kiểm lâm hướng dẫn: “Lên gặp sếp Chiến (đội trưởng) hoặc anh Hiệu đề xuất”.
Vừa giáp mặt, ông Hiệu hỏi: “Có đổ gỗ xuống không?”. Tài xế: “Xuống ít thôi, còn bồi dưỡng bao nhiêu để gọi cho chủ hàng chi”. Ông Hiệu: “Rồi, để xin ý kiến lãnh đạo”. Lát sau ông Hiệu nói: “Xuống ít nhất, dưới 1m3, thuộc khung phạt 6,5 triệu”. Tài xế: “Còn tiền nước non?”, ông Hiệu: “Bảo chủ hàng gửi trước 15 triệu, bồi dưỡng cho lãnh đạo tí, anh em tổ công tác tí, cộng tiền phạt 6,5 triệu”.
Ngày 31-8, chúng tôi theo xe chở gỗ từ Gia Lai đi Bắc Ninh. Đến Thanh Hóa, xe gỗ bị đội kiểm lâm cơ động “vịn lại” đưa về kiểm tra. Theo tài xế Tín, ban đầu các kiểm lâm “hạch” đủ thứ lỗi… không hề có và đòi “bồi dưỡng” 10 chai. Sau một lúc kỳ kèo họ hạ xuống còn 8 chai.
Sáng 2-9, Tín vào đội xin gặp các cán bộ kiểm lâm để chung tiền “bồi dưỡng”. Một người nạt: “Giải quyết như thế nào?”, Tín nói hôm qua mấy sếp nói rồi. Người này hỏi: “Nói sao?”, Tín: “Ban đầu đòi 10 chai, xin còn 8 chai. Ngay lúc đó một kiểm lâm tên Hải bước vào hỏi: “Hôm qua sếp dặn sao?”, Tín nói: “3 sếp 3 chai, đội 5 chai là 8, không biết giờ đưa chung hay đưa riêng từng người như bữa trước”. Hải: “Đưa đây”.
Cầm tiền, Hải hỏi: “8 chai à”?. Tín: “Dạ, anh đếm lại cho kỹ”. Vừa đếm, ông này vừa nói: “Tổ công tác phải có chút quà”. Tín đáp: “Thì 5 chai đó”. Ông Hải: “Cho thêm năm trăm, một triệu”, Tín: “Hôm qua đã gút giá rồi”.
Chia chác phong bì
Chiều 12-8, một tài xế vào đội kiểm lâm cơ động số 1 Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa để xử lý vụ việc. Do tài xế chính bị giữ giấy phép lái xe trước đó nên tài xế phụ đứng ra nhận điều khiển xe. Một cán bộ kiểm lâm đánh vần từng chữ cho tài xế ghi lời khai với nội dung sai sự thật “vào ngày 11-8-2011 vận chuyển 1m3 gỗ không giấy tờ” (thực tế gỗ có giấy tờ nhưng sai kích thước). Sau khi bốc gỗ xuống xe (để thu giữ), tài xế vào phòng xử lý. Có ba người đang ngồi ở đây. Một kiểm lâm lớn tuổi lên tiếng:
- Gửi quà chưa?
- Dạ bao nhiêu?
- Tùy.
- Chú nói đi cho cháu biết.
- Lên gặp Hiệu.
Ngay lúc đó ông Hiệu bước vào. Tài xế hỏi:
- Giờ gửi sếp bao nhiêu, anh chỉ em với?
- Đóng phong bì cho sếp ở trên 1 triệu, sếp đây 500, sếp đây 500, đưa tôi 2 triệu cho tổ. Tiền phạt 6,5 triệu.
- Bì này đóng 1 triệu, hai bì này…
- Mỗi cái 500.
- Còn bì phần anh… (2 triệu cho tổ)
- Đưa tiền mặt luôn.
Theo Tuổi Trẻ
Không "làm luật", bị CSGT đe dọa phạt
Điều bức xúc nhất đối với cánh lái xe tải ở tuyến QL3 là nếu bớt hoặc quên "làm luật" thì lập tức bị đe dọa lập biên bản phạt nặng. Lỗi nhẹ nhất là vận chuyển rơi vãi, bị phạt 2 triệu đồng, thu giấy tờ.
"Thái Nguyên kính chào quý khách" (?)
Anh L.V.P và đồng nghiệp chạy xe chở đá sỏi chưa đầy 10km mà đã phải "làm luật" 2 lần. Mỗi lần là 100 nghìn đồng/1 xe/ngày. Những ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục hành trình bám theo xe tải để ghi lại những hình ảnh "làm luật" ở chốt CSGT nằm trên Quốc lộ 3, khu vực Lương Sơn.
Trời gần về trưa, chiếc xe 30U... do anh P lái tiến lại gần chốt. Thấy xe của anh P, một CSGT bước tới, ra hiệu lệnh dừng xe. Anh P cầm sổ, kẹp 450 nghìn đồng vào rồi bước xuống.
Sáng 10.8, khi bài báo đầu tiên đến tay bạn đọc, thì ở chốt Lương Sơn vắng tanh. Tuy nhiên, lại xuất hiện một xe đặc chủng đỗ ở điểm mới, cách khoảng 3km trên Quốc lộ 3 (chụp trưa 10.8).
"Mấy xe?"- cảnh sát hỏi.
"Hôm nay em có 5 xe ạ, thôi bớt cho em 5 chục uống nước..."- anh P nài nỉ.
"Lần sau đừng nói câu bớt... nhá!"- vị cảnh sát nhắc nhở.
Sau đó, cảnh sát này tay cầm sổ, đi lùi vào phía trong. Chúng tôi hướng camera vào biển hiệu được biết người này tên là Đệ. Đệ kiểm tra sổ chỉ trong vài giây rồi trả lại cho anh P. Anh P đi ra xe, Đệ còn nói với: "Hôm nay tôi cho (50.000 đồng)... Thi thoảng thôi... nhá!".
Chốt CSGT Lương Sơn nằm ở vị trí khá đắc địa, có bãi đất rộng, bằng phẳng. Phía sau chốt không có nhà dân ở, có một hàng rào tôn dựng lên cao quá đầu người. Đối diện phía bên kia đường thoáng đãng, chỉ có trụ sở của một doanh nghiệp, không có người dân sinh sống. Phía chếch bên là một biển hiệu lớn với dòng chữ: "Thái Nguyên kính chào quý khách!".
Xe tải ken dày trên Quốc lộ 3.
Mỗi ngày chốt của cảnh sát chia làm 2 ca sáng và chiều. Do vậy, khác với các chốt kia, nếu cánh lái xe tải mà chở hàng hóa qua đây nhiều chuyến trong ngày thì phải "làm luật" 2 lần cho 2 tổ khác nhau. Những ngày bám theo xe của anh P, chúng tôi đã chứng kiến anh P và các đồng nghiệp khác đều phải "làm luật" 2 lần, mỗi lần là 100 nghìn đồng/1 xe.
Như vậy, chỉ trong một đoạn đường ngắn khoảng 20 km, anh P phải "làm luật" 4 lần (400.000 đồng)/ngày/xe. Không lẽ "Thái Nguyên kính chào quý khách!", bằng những hành vi của CSGT như trên (?).
Nhận "làm luật" tháng
Theo cánh tài xế xe tải, đoạn Quốc lộ 3 giao nhau với lối rẽ vào Khu công nghiệp Sông Công cũng có một chốt CSGT "khét tiếng". Chốt này chỉ cách chốt ở Lương Sơn khoảng 1km. Đối với cánh lái xe tải, đây là chốt khó xin xỏ và hay bị "đe" lập biên bản, tịch thu bằng lái. Các CSGT thường đỗ xe đặc chủng bên vệ đường rẽ vào Khu công nghiệp Sông Công, cách Quốc lộ 3 khoảng 50m. Để ghi hình các CSGT ở đây "làm luật", chúng tôi đã bám theo những chiếc xe tải chở đất thuê.
Chúng tôi không chịu nổi. Chúng tôi làm nghề lái xe chỉ có một con đường sinh sống là vận chuyển thuê. Vậy mà họ nay thế này, mai thế kia, đe nẹt, dọa dẫm, chặn đường sống của chúng tôi... (Lời một lái xe)
Khoảng 9 giờ 30 sáng, anh T.X.T lái chiếc xe tải biển số 29K... tiến lại gần chốt. Một trung tá CSGT bước ra, tay cầm gậy huơ lên ra hiệu dừng xe. Đưa "cuốn sổ" cho vị trung tá CSGT, anh T nói: "Hôm nay, chúng em có 3 xe". - "Cái gì... sao 3 xe có 2 trăm!", vị trung tá vừa mở sổ, vừa gằn giọng. "Thôi cho em xin, từ sáng đến giờ bọn em mới chạy...", anh T nài nỉ. - "Làm hẳn hoi... Xe chạy quá tốc độ... Tao lập cho cái biên bản thì đừng có trách...", vị trung tá đe.
Trả cho anh T.X.T cuốn sổ, vị trung tá rút thuốc ra châm hút và còn bồi thêm: "Đừng có lằng nhằng... nếu không tao lập cho cái lỗi tốc độ..., tịch thu bằng lái...". "Ngày bọn em nộp 2 lần (làm luật) thì đói anh ạ", anh T.X.T kêu xin. "Đấy, về bảo..., nếu chạy nhiều thì làm (luật) cả tháng..., không lắt nhắt...", vị trung tá vừa hút thuốc, vừa thủng thẳng bước đi.
"Chạy xe tuyến này, chúng em sợ nhất là bị phạt. Nhiều khi chạy trên đường, mải tránh các xe khác, quên "làm luật" hoặc đưa thiếu là lần sau các thày (CSGT) gọi lại phạt, thu giấy tờ. Mà mỗi lần phạt nào đâu có ít. Chỉ một lỗi rơi vãi là bị phạt 2 triệu đồng. Có hôm em chở cát, chỉ rơi xuống đường mấy giọt nước, mà các ông ấy (CSGT) đã gọi lại ký biên bản phạt với lý do rơi vãi... nước"- Lái xe L.V.P tâm sự.
Những ngày bám theo các xe tải, chúng tôi cũng chứng kiến hầu hết các CSGT đều vi phạm điều lệnh khi không chào chủ phương tiện trước khi xử lý, không đến kiểm tra lỗi vi phạm để xử lý. Cá biệt có một số lần CSGT còn kiểm tra sổ, "làm luật" khi đang ngồi trên xe đặc chủng. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định chặn dừng xe của CSGT khi tuần tra kiểm soát (theo Quyết định 1404/QĐ-BCA, ngày 15.11.2007 của Bộ trưởng Bộ Công an).
Tiếp xúc với các chủ phương tiện, câu đầu tiên của các CSGT thường là: "Mấy chiếc?", "Bao nhiêu?", "Làm luật"... rồi ra hiệu cho chủ phương tiện đi. Các CSGT cũng không cần kiểm tra xem xe chạy có quá trọng tải không, có bị rơi vãi hay không, có bằng lái hay không.
10 phút, 10 xe tải chạy qua
Quốc lộ 3 là con đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Bắc. Theo người dân sinh sống hai bên Quốc lộ 3, vài năm trở lại đây, mật độ các phương tiện giao thông, phần lớn là xe tải chở hàng hóa, chạy qua tuyến đường này ngày càng đông, đã nhiều lần xảy ra tắc đường.
Ngày 10.8, chúng tôi đã quan sát đoạn qua chốt Lương Sơn, trong vòng 10 phút có 10 xe tải chạy qua, chưa kể xe khách. Như vậy, mỗi ngày cũng có đến hàng trăm, hàng nghìn xe tải chạy qua chốt này. Và cũng theo "luật" ở đây, cứ mỗi xe chạy qua phải nộp 100.000 đồng thì thử hỏi, mỗi ngày số tiền "làm luật" sẽ lên đến bao nhiêu?
Thanh tra Tổng cục Cảnh sát tiếp nhận phản ánh của NTNN
Chiều 10.8, phóng viên NTNN đã cung cấp một số clip ghi lại hình ảnh CSGT Thái Nguyên "làm luật" cho Thanh tra Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an). Đại diện Thanh tra Tổng cục đã tiếp nhận các clip và cho biết sẽ xem xét, xử lý theo quy định.
Theo Dân Việt