Kiểm định lại công trình dạng tháp cao 100m trở lên
Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) vừa cho biết cơ quan chuyên môn đang tiến hành kiểm tra, đánh giá lại nguyên nhân gây đổ tháp ăngten phát sóng tại Đồng Hới – Quảng Bình trong cơn bão số 10 vừa qua làm 2 người chết.
Theo ước tính của Bộ Xây dựng, số lượng các công trình kết cấu dạng tháp của cả nước có thể tính lên hàng trăm. Hầu hết các công trình đều có độ cao trên dưới 100 m và nằm trong khu vực dân cư, nguy cơ nguy hiểm nếu chất lượng không đảm bảo.
Những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có 4-5 công trình kết cấu dạng tháp cao trên 100m. Với công trình kết cấu dạng tháp, tháng 10 năm ngoái đã xảy ra sự cố đổ tháp truyền hình Nam Định. Tư vấn tham tra cũng đã công bố kết quả tính toán cho thấy tháp Nam Định đã được thiết kế, lắp dựng không đạt chuẩn, thiết kế tải trọng gió thấp hơn so với tải trọng gió tự nhiên.
Trong cơn bão số 10 vừa qua, sức gió mạnh đã làm đổ tháp ăngten phát sóng tại Đồng Hới – Quảng Bình làm 2 người chết. Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, hiện nay, cơ quan chuyên môn đang tiến hành kiểm tra, đánh giá lại nguyên nhân gây đổ tháp ăngten phát sóng tại Đồng Hới. Kết quả như thế nào sẽ được công bố, nhưng rõ ràng có vấn đề thì mới đổ.
Video đang HOT
Cột thu phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng Hới bị đổ do bão. (Ảnh: TTXVN)
“Các công trình kết cấu dạng tháp nếu xảy ra sự cố đổ, sập có thể là không thiết đúng với tải trọng gió tự nhiên, thứ hai là thi công không đáp ứng yêu cầu thiết kế hoặc trong quá trình vận hành lại đặt thêm tải trọng hoặc cũng có thể công trình không được bảo hành, bảo trì thường xuyên, không siết lại bulong cho chặt, dẫn đến xộc xệch cũng có thể ảnh hưởng an toàn của công trình…” – ông Hùng nói.
Theo các chuyên gia nhận định, công trình kết cấu dạng tháp ở Việt Nam có hai dạng, một là được mua từ nước ngoài về lắp ráp, hai là gia công, lắp đặt trong nước. Có một số công ty trong nước chuyên nghiệp về lĩnh vực này. Tuy nhiên mối lo lắng hiện nay là không biết bao nhiêu % các công trình có kết cấu dạng tháp trên 100m có thiết kế an toàn đối với gió cấp 12,13 trở lên. An toàn hay không thì phải có kiểm định, nhưng thực tế là từ trước tới nay chúng ta chưa tiến hành kiểm định định kỳ đánh giá độ an toàn của kết cấu dạng tháp trong quá trình sử dụng.
“Tới đây dự kiến Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo phải tính toán kiểm định lại các tháp trên 100m, tính toán lại kết cấu, chất lượng công trình, công tác bảo trì và kiểm tra lại tải trọng treo trên tháp… Sẽ có một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện việc kiểm tra, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước khi tổ chức kiểm định…”- ông Hùng khẳng định.
Lan Hương
Theo Dantri
Siết quản lý chất lượng công trình xây dựng
Công khai năng lực nhà thầu, tăng vai trò kiểm soát của nhà nước với các công trình xây dựng, đặc biệt với công trình vốn ngân sách... là nội dung nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng, có hiệu lực từ 15/4.
Trao đổi với báo chí chiều 15/4, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết nghị định 15 được Chính phủ ban hành đã nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước trong kiểm soát chất lượng công trình, kể từ khâu khảo sát thiết kế, thi công, nghiệm thu đến đưa công trình vào hoạt động.
Ông Hùng thừa nhận trước đây vai trò quản lý của nhà nước về quản lý chất lượng công trình chưa sâu sát, khi có sự cố thì cơ quan quản lý nhà nước mới can thiệp, còn trong quá trình xây dựng là toàn quyền của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn... Vì vậy, nghị định mới đã cho phép cơ quan nhà nước thẩm tra về thiết kế, tính an toàn của công trình.
Tháp truyền hình Nam Định bị sập đổ sau một cơn bão, đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng xây dựng. Ảnh: Hoàng Hà.
Với công trình xây dựng bằng vốn ngân sách, cơ quan nhà nước sẽ kiểm soát việc thiết kế có đảm bảo hiệu quả đầu tư hay không. "Có thông tin cho rằng lãng phí trong thiết kế công trình ngân sách khoảng 5% do các công trình này thường được tăng chỉ số an toàn, dẫn đến lãng phí. Nếu được kiểm soát tốt, hy vọng có thể tiết kiệm đến 5-10% chi phí đầu tư", ông Lê Quang Hùng nhận định.
Ngoài ra, năng lực và hành vi của các nhà thầu sẽ được kiểm tra. Nhà thầu phải đăng công khai thông tin và các dự án đã thực hiện trên website của các cơ quan quản lý chuyên ngành, chủ đầu tư khi đấu thầu sẽ dựa vào thông tin này. Các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cũng dựa vào đó để phản hồi năng lực của nhà thầu.
"Trước đây, các nhà thầu thường tự đăng ký, kê khai và chủ đầu tư tự xem xét lựa chọn nên nhiều nhà thầu không đáp ứng yêu cầu. Nếu kiểm soát thông tin về nhà thầu trên trang điện tử mở thì sẽ loại dần những nhà thầu yếu kém, đã làm những công trình chất lượng không tốt. Theo cách này, chúng tôi ước tính sẽ biết được 80% năng lực của nhà thầu", ông Lê Quang Hùng nói.
Theo Dantri
Ảnh tuần qua: Vĩnh biệt Đại tướng! Ngày cuối tuần, trang báo tràn ngập hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả nước bàng hoàng trước sự ra đi của nhà quân sự lỗi lạc của nhân loại. Đại tướng ra đi khi Quảng Bình quê hương ông đang gắng gượng đứng dậy sau cơn bão số 10... Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh cả, vị Tổng Tư...