Kiểm điểm, xử lý sai phạm trong vụ “bãi rác Đa Phước”
Ngày 11.7, thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này đã có báo cáo bổ sung kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân, trong vụ “bãi rác Đa Phước” ( huyện Bình Chánh, TPHCM).
Xử lý rác tại bãi rác Đa Phước vẫn chủ yếu là… chôn lấp. Ảnh: C.H
Tại báo cáo bổ sung này, Thanh tra Chính phủ đã chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc này…
Những ngày qua, Báo Lao Động cũng đã liên tục thông tin kết luận của Thanh tra Chính phủ trong vụ sai phạm tại dự án “bãi rác Đa Phước” (do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư.
Theo Thanh tra Chính phủ, xung quanh tranh cãi việc chi 9 triệu USD từ ngân sách cho VWS là đúng luật hay trái luật, Bộ Tài chính đã có văn bản kết luận cuối cùng. Kết luận của Bộ Tài chính cho rằng: Việc UBND TPHCM “chi 9 triệu USD từ ngân sách TP năm 2006, 2007; về bản chất có dấu hiệu, tính chất tương tự với việc hỗ trợ đầu tư có điều kiện của nhà nước cho chủ đầu tư, là chưa đúng với các quy định tại Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6.6.2003 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11, chưa tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch – Đầu tư…
Thực tế, kết quả kinh doanh của VWS từ năm 2006-2016 và 9 tháng đầu năm 2017: Tổng doanh thu 5.334 tỷ đồng; tổng chi phí 4.250 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.097 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 61 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí tổng vận hành là 25,8% – cao hơn nhiều so với tỷ suất lợi nhuận đề xuất là 3% chi phí vận hành do Công ty mẹ (CWS) của VWS đưa ra trước đây.
Do đó, Bộ Tài chính khẳng định, việc TPHCM ứng trước 9 triệu USD cho VWS là “không cần thiết, không đúng Luật Ngân sách nhà nước, không phù hợp với thực tế, là nguyên nhân quan trọng để Công ty đạt lợi nhuận lớn so với doanh thu, so với vốn chủ sở hữu”.
Đơn giá xử lý rác (16,4 USD) không đúng quy định
Trong dự án “bãi rác Đa Phước”, việc xác định đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn, tại hợp đồng giao, nhận và xử lý chất thải rắn ngày 28.2.2006 giữa VWS và Sở TN-MT, theo Bộ Tài chính “là chưa có căn cứ pháp lý, không có căn cứ thực tế, không được cơ quan tài chính thẩm định, là vi phạm quy định của luật pháp”, do Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính ban hành liên quan đến việc thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng kết luận: Việc xác định dự toán chi phí xử lý rác không đúng quy định, không đúng quy trình Bộ Xây dựng ban hành, không được cơ quan tài chính thực hiện thẩm định theo chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến không có căn cứ pháp lý để xác định đơn giá 16,4 USD/tấn, là chi phí đã được trừ chi phí ứng trước 9 triệu USD cho 24 triệu tấn rác của 22 năm theo hợp đồng ký kết.
Video đang HOT
Hình ảnh bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: M.Q.A
Về chi phí xử lý chất thải rắn trong 22 năm, nhưng thực tế là thanh toán theo tiến độ thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng của VWS, là thực hiện chưa đúng Điều 51,61 và 68 Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6.6.2003 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước…
Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Từ các kết luận của Bộ Tài chính nêu trên, Thanh tra Chính phủ thống nhất quan điểm của Bộ Tài chính. Theo Thanh tra Chính phủ, kết luận trên cũng nhất quán với kết luận của Kiểm toán Nhà nước trước đây về vụ việc này, dù UBND TPHCM có văn bản phản hồi trái ngược…
Từ đó, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP HCM: Khẩn trương đàm phán ký kết lại hợp đồng với VWS, để khắc phục triệt để các tồn tại phát hiện qua kiểm tra xác định đơn giá, xác định phương án tài chính theo đúng quy định pháp luật.
Lãnh đạo Sở TN-MT lý giải “mùi hôi” gây đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn hộ dân khu vực Phú Mỹ Hưng là do “biến đổi khí hậu”. Ảnh: T.Trung
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan như: Sở TN-MT, Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, trong việc đàm phán, báo cáo UBND TPHCM quyết định việc ký kết hợp đồng giữa Sở TN-MT và VWS, về nội dung thực hiện không đúng quy định pháp luật, không đúng quy trình về đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn, về nội dung ứng trước từ ngân sách nhà nước 9 triệu USD trái quy định…
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng nêu thêm vai trò của lãnh đạo UBND TPHCM và các cá nhân chịu trách nhiệm trong xử lý vụ việc này. Còn có những tồn tại, vi phạm trong việc chi 9 triệu USD cho nhà đầu tư… Tuy không yêu cầu truy thu số tiền trên, nhưng cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
CAO HÙNG
Theo Laodong
Dự án bãi rác Đa Phước: "Đô la hoá quan hệ kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam"
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều "vấn đề", vi phạm tại dự án xử lý rác thải Đa Phước và đề nghị UBND TPHCM thương thảo lại hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đơn giá xử lý rác phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TPHCM).
Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư, đặt tại Quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TPHCM và hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước (tỉnh Long An).
Năm 2015, dự án đã được nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày và được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước, TPHCM.
"Trách nhiệm thuộc về UBND TPHCM"
Thanh tra Chính phủ cho biết, quá trình thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản cho rằng năng lực tài chính đối với dự án này của chủ đầu tư còn yếu, chi phí xử lý rác quá cao so với dự án tương tự đã cấp phép, nhưng UBND TPHCM vẫn kiên quyết lựa chọn và tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa xử lý đầy đủ các vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra.
"Trách nhiệm này thuộc về UBND TPHCM cần tiến hành kiểm điểm đối với các tổ chức và cá nhân để rút kinh nghiệm"- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ khẳng định dự án áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh truyền thống và sản xuất compost, không phải là dự án có công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại so với các nước phát triển nhưng phù với điều kiện, đặc điểm của TPHCM vào thời điểm đó. Quá trình triển khai thực hiện công nghệ này cũng bộc lộ những mặt hạn chế như phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện TPHCM có những thiếu sót trong việc đàm phán về đơn giá xử lý rác. Mặc dù trong quá trình đàm phán về đơn giá với chủ đầu tư, các cơ quan tham mưu còn có ý kiến khác nhau nhưng UBND TPHCM vẫn có công văn thống nhất đơn giá mà chưa làm rõ các căn cứ pháp lý.
Theo giải trình thì cấu thành đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn đã được trình bày trong hồ sơ dự án. Tổng chi phí của dự án trên 426,5 triệu USD (bao gồm chi phí đầu tư xây dựng và mua sắm máy móc thiết bị, đóng bãi gần 118 triệu USD; chi phí xử lý vận hành trên 308 triệu USD). Tuy nhiên, cơ quan thanh tra khẳng định tổng chi phí của dự án này được xây dựng chưa phù hợp với quy định Việt Nam. Việc xác định giá xử lý là 16,4 USD/tấn không tuân theo các định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành và hướng dẫn áp dụng là chưa đủ căn cứ pháp lý.
"Việc định giá (niêm yết) và ký kết hợp đồng bằng USD và thanh toán theo tỷ giá bán ngoại tệ của Ngân hàng Vietcombank về bản chất là đô la hoá quan hệ kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam, vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối"- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Từ đó đề nghị UBND TPHCM tổ chức kiểm điểm và rà soát, thương thảo lại hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đơn giá xử lý rác phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Phát tán mùi hôi ra môi trường, ảnh hưởng đến người dân
Trong thời gian vận hành Khu xử lý chất thải Đa Phước từ năm 2007 đến nay, mặc dù Công ty VWS đã có những biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhưng trong từng thời điểm vẫn còn để xảy ra phát tán mùi hôi ra môi trường, ảnh hưởng đến một số hộ dân sinh sống ở xung quanh. Một số chỉ tiêu về môi trường vượt mức cho phép.
Về nội dung tố cáo "giúp cho dự án xử lý rác Đa Phước sớm được lấp đầy, tạo điều kiện cho Công ty VWS sớm được làm sân golf", Thanh tra Chính phủ thông tin: Hiện nay chưa có văn bản chính thức nào từ các cơ quan chức năng về chủ trương quy hoạch sân golf tại địa điểm này. Công ty VWS cũng đang có ý tưởng sau khi đóng bãi sẽ xây dựng nơi đây thành trung tâm công viên cây xanh và cơ sở thể dục thể thao nhưng chưa có dự án cụ thể.
Ngoài ra, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2015 Công ty VWS triển khai giai đoạn 2 của dự án, nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 10.000 tấn/ngày chưa được Bộ Xây đựng phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở. Công ty chưa hoàn thiện công trình xử lý nước thải theo yêu cầu của ĐTM nhưng đã tiếp nhận và xử lý chất thải rắn với công suất 5.000 tấn/ngày nên đã xảy ra các vi phạm về bảo vệ môi trường. Tổng cục Môi trường đã ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM nghiên cứu, rà soát khả năng tiếp nhận và xử lý rác thải của Công ty VWS, trường hợp không đáp ứng phải có biện pháp chuyển bãi rác thải đến các vị trí, cơ sở thu gom, xử lý có chức năng khác đang hoạt động trên địa bàn TPHCM.
Thế Kha
Theo Dantri
Làm rõ việc TPHCM trả trước cho chủ đầu tư bãi rác Đa Phước 9 triệu USD Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét mức độ sai phạm trong việc TPHCM trả trước cho nhà đầu tư Dự án Bãi xử lý chất thải rắn Đa Phước 9 triệu USD và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp theo quy định...