Kịch Tết Sài Gòn: hút khách bất ngờ
Xua tan những lo lắng của ông bầu, bà bầu, mùa kịch Tết năm nay sân khấu TP HCM vẫn thu hút đông đảo khán giả đến xem kịch.
Nhiều năm nay, kịch Tết là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân TP HCM. Mỗi sân khấu đều cố gắng ra mắt những vở hay nhất, đặc sắc nhất phục vụ khán giả vào dịp đầu năm. Khi rạp chiếu phim chưa phát triển, chương trình truyền hình chưa nở rộ thì các sân khấu thường cháy vé trước Tết.
Sự góp mặt của Trấn Thành, Chí Tài, NSND Ngọc Giàu giúp các vở kịch tại nhà hát kịch TP HCM luôn tấp nập người xem. Ảnh: Bá Ngọc
Khán giả đông kín rạp
Năm 2015 là năm ảm đạm của sân khấu miền Nam – nơi vốn được coi sôi động nhất cả nước. Lượng khán giả sụt giảm tới 50%, có nơi đến 70%. Vì vậy, các ông bầu, bà bầu làm kịch Tết với tâm thế hồi hộp, lo lắng. Giám đốc sân khấu Nụ cười mới từng chia sẻ: “Tôi chỉ mong sân khấu vào mùa Tết không phải chịu cảnh trả vé”.
Trái ngược với lo lắng đó, lượng khán giả đông đảo đến với sân khấu vào dịp Tết đã xua tan không khí u ám suốt 1 năm qua. Ngày mùng 3, mùng 4 Tết, phóng viên đến các sân khấu Phú Nhuận, Superbolw, nhà hát kịch TP, nhà hát Bến Thành lúc 20h khi suất diễn cuối cùng trong ngày bắt đầu, mọi hàng ghế khán giả đều đã kín chỗ. Thậm chí, sân khấu của bà bầu Hồng Vân còn phải bán ghế “súp”.
Diễn viên Kha Ly – người gắn bó mấy năm nay với sân khấu Hồng Vân cho biết: “Mỗi suất diễn, nhìn thấy khán giả đông, chúng tôi hào hứng lắm. Lúc đó, dù mệt vì ngày diễn 2-3 suất, không được về quê ăn Tết nhưng cũng hạnh phúc và có động lực”.
Long đẹp trai chia sẻ: “Năm trước, Nụ cười mới có anh Hoài Linh, Chí Tài và Trường Giang nên sốt vé vô cùng. Vé ngày Tết thì đã bán hết từ ngày 27, 28 Tết. Năm nay không được như vậy nhưng khán giả cũng đến kín rạp. Nhờ thế, nghệ sĩ chúng tôi cũng có niềm vui đầu năm”.
Video đang HOT
Sân khấu Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân đông kín vào dịp Tết. Ảnh: Bá Ngọc
Nhu cầu thưởng thức đa dạng
Nếu như mọi năm, kịch Tết chỉ tập trung vào thể loại hài hoặc kinh dị thì năm nay hơn 30 vở kịch Tết triển khai ở mọi thể loại khác nhau. Thể loại vốn kén khán giả nhất như nhạc kịch cũng được đầu tư.
Diễn viên Cát Tường cùng nhóm kịch Buffalo tự tin dựng vở Tấm Cám tại nhà hát Bến Thành. Với thế mạnh là dàn diễn viên gạo cội và diễn viên trẻ đa năng khi diễn và hát tốt nên ngày từ suất diễn đầu tiên vào ngày mùng 1 Tết, vở diễn đã thu hút đông khán giả. Từ đó đến nay, mỗi ngày diễn 2 suất, khán giả phủ kín hơn 700 ghế của nhà hát Bến Thành.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyên dòng kịch tâm lý, thấm đẫm nước mắt nên sẽ là khó khăn khi tham gia vào mùa kịch Tết vì ai cũng muốn xem những gì nhẹ nhàng, vui vẻ đầu năm. Thế nhưng, sau ngày mùng 1 và mùng 2 khán giả chưa đông thì sang ngày 3, cả sân khấu không còn chỗ trống. Ngay cả vở tâm lý nặng như Lan và Điệp cũng thu hút nhiều khán giả đến xem.
Diễn viên Đoàn Thanh Tài cho biết: “Khán giả vào ngày Tết, không quá bận rộn về công việc, lo lắng về thời gian nên ngồi xem kịch dường như say sưa hơn. Cảm nhận được điều đó, chúng tôi diễn cũng sung hơn”.
Không khí sôi động phòng bán vé trước nhà hát kịch TP. Ảnh: Bá Ngọc
Đến nhà hát kịch TP HCM chúng tôi cũng nhận thấy không khí khác hẳn. Ngày bình thường, nơi đây ít có vở diễn, nếu có cũng chỉ lác đác vài khán giả. Đến ngày Tết, xe máy, ô tô đậu thành hàng dài ở bãi, khán phòng đông kín khán giả. Xem những nghệ sĩ nổi tiếng như Trấn Thành, Chí Tài, NSND Ngọc Giàu biến hóa trên sân khấu, khán giả được thả sức với những nụ cười hào hứng, sảng khoái.
Khán giả Vũ Giang, xem xong vở Đại hỷ chia sẻ: “Khi chọn kịch tôi ít quan tâm đến thể loại nào mà xem có diễn viên nào mình yêu thích”.
Theo Zing
40 năm chuyên trị... Tề Thiên
Nhắc đến chuyện đi hát thời trai trẻ, nghệ sĩ Bạch Long luôn nhớ về những kỷ niệm khó quên của việc hóa thân thành "Tề Thiên Đại thánh".
"Tôi không phải tuổi Thân nhưng dường như số mệnh đã sắp đặt để được đóng vai Tề Thiên (vai khỉ). Bao nhiêu năm nay, tôi phải liên tục đổi mới cách ca diễn, cách thể hiện để nhân vật này không cũ đi trong mắt khán giả" - anh tâm sự.
Nghệ sĩ Bạch Long chuyện trị vai Tề Thiên Đại Thánh suốt 40 năm qua.
Bạch Long cho biết Tết năm ấy, khi anh vừa tròn 17 tuổi, người cậu thứ tư là nghệ sĩ Khánh Hồng "lệnh" cho anh phải đóng vai Tề Thiên trong vởDỡ núi Ngũ Hành Sơn mà hôm sau khai diễn.
Nguyên đêm đó, Bạch Long mất ngủ. Bên ngoài con hẻm đình Cầu Quan (nay là đình Thái Hưng, quận 1, TP HCM), bà con lối xóm đang nhộn nhịp gói bánh tét, còn anh thì nôn nao trong dạ, không tài nào chợp mắt.
"Từ nhỏ tới lúc ấy, tôi chưa được xem nghệ sĩ nào đóng vai Tề Thiên, nay lại bị cậu Tư thử thách quá khắc nghiệt. Sáng hôm sau, tôi đến bên cậu bày tỏ sự lo lắng. Cậu Tư phán: "Mày muốn diễn vai này thì cứ vô sở thú". Tôi liền chạy mua ổ bánh mì thịt, cầm theo chai nước và thẳng tiến Thảo Cầm Viên. Tìm đến chuồng khỉ, tôi ngồi quan sát chúng cả ngày, mãi đến 18 giờ mới về điểm hát ngay đình Cầu Quan để hóa trang và chuẩn bị nhập vai luôn" - Bạch Long nhớ lại.
Theo nghệ sĩ Bạch Long, gia tộc của anh vốn hình thành nhiều trường phái ca diễn. Anh lại may mắn được hát cương bên cạnh các bậc đại thụ giỏi nghề, am hiểu văn học Trung Hoa, có kiến thức sâu rộng về nghệ thuật ca diễn.
"Do vậy mà vai Tề Thiên tôi diễn một cách ngọt ngào. Sau suất hát đó, khán giả cứ ùn ùn đến đình Cầu Quan yêu cầu được "xem tuồng có con khỉ". Nghệ sĩ Hoàng Nuôi trong vai Tam Tạng góp ý thêm để tôi chỉnh sửa cách ca diễn sao cho liến thoắng hơn, tinh nghịch hơn. Má tôi - nghệ sĩ Huỳnh Mai - thì cho rằng thể hiện đôi mắt Tề Thiên phải tinh tường hơn nữa. Còn cô Mộng Lành khuyên tôi nên nhào lộn và leo trèo bạo hơn, báo hại bàn ghế, cảnh trí của gánh hát phải gia cố thêm" - Bạch Long hóm hỉnh.
Vốn kiệm lời khen nhưng nghệ sĩ Minh Tơ, người cậu thứ ba của Bạch Long và là cha của NSND Thanh Tòng, sau khi xem Dỡ núi Ngũ Hành Sơn cũng cười bảo: "Thằng nhỏ được quá bây!". Nghệ sĩ Huỳnh Mai luôn khen ngợi động viên Bạch Long nhưng cha anh, NSND Thành Tôn, chỉ lặng lẽ quan sát. Một hôm, ông mắng con trai: "Con phải biết tiết chế chứ cường điệu quá thì dở". "Vai Tề Thiên mang thêm sức nặng cho hành lý vào nghề của tôi từ năm 17 tuổi" - Bạch Long cảm nhận.
Người hóa trang vai Tề Thiên cho Bạch Long đầu tiên là nghệ sĩ Trường Quang, em trai của NSƯT Trường Sơn. Đến suất diễn thứ hai, nghệ sĩ Trường Quang chỉ vẽ nửa mặt, còn nửa kia để Bạch Long mày mò, sau đó tự hóa trang cho mình.
Anh tiết lộ: "Tôi rất chú trọng đến đôi mắt vì như má tôi đã khuyên, phải làm sao để mắt Tề Thiên sáng quắc, tinh tường mà sâu sắc. Tôi còn tự viết ra những bài bản để ca diễn hay nghĩ thêm các cách nhào lộn, thể hiện sự giận dữ khi Tề Thiên gặp lũ yêu quái phá hoại trên đường thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh".
Chiếc nôi nghệ thuật từ gia đình cùng với việc học bên cánh gà, học từ những "kịch bản" hát cương đã giúp nghệ sĩ Bạch Long có những vai diễn Tề Thiên, vai khỉ đáng nhớ. Sau đó, anh noi theo con đường của cậu Ba Minh Tơ, gầy dựng nhóm Đồng ấu Bạch Long mà đến nay, nhiều người từ sự dìu dắt của anh đã tạo dựng sự nghiệp vững vàng, được phong tặng NSƯT.
Ngoài Dỡ núi Ngũ Hành Sơn, Bạch Long còn diễn vai Tề Thiên, vai khỉ qua rất nhiều vở: Tề Thiên Đại thánh, Hầu Nhi cứu chủ, Bảy con yêu nhền nhện, Đại thánh hạ trần gian, Tề Thiên đại chiến Ngưu Ma Vương, Phạm Công - Cúc Hoa... Đến mức, hễ nghĩ đến vai Tề Thiên, vai khỉ là đạo diễn lại đặt hàng anh. "Trong rất nhiều kịch bản viết cho học trò đóng, tôi đã vận dụng những bài học có được từ áp lực diễn cho ra vai Tề Thiên năm 17 tuổi để truyền thụ lại. Trong số những diễn viên nhí đóng vai khỉ đạt nhất, phải kể đến Chấn Cường. Khán giả đến xem Đoàn Đồng ấu Bạch Long diễn vở Hầu Nhi cứu chủ đã khen ngợi em này nhiều" - anh cho biết.
Năm 1983, khi Sài Gòn video thực hiện bộ phim Bảy con yêu nhền nhện, nghệ sĩ Bạch Long được mời diễn chung với các nghệ sĩ tài danh: Lệ Thủy, Minh Phụng, Lê Vũ Cầu... Tác phẩm này đã tạo được tiếng vang khi công chiếu ở rạp. Bạch Long thổ lộ: "Nhờ đó, tôi có thêm vốn liếng cho hành trang nghề nghiệp. Mỗi lần đụng phải chuyện không hay suýt dẫn đến việc bỏ nghề thì tôi lại nhớ đến vai Tề Thiên".
Theo nghệ sĩ Bạch Long, bài học về "đôi mắt Tề Thiên" mà mẹ anh dạy ngày nào như nhắn nhủ con trai phải biết quan sát cuộc sống để đúc kết kinh nghiệm. "Đôi mắt Tề Thiên cũng giúp tôi thấy được những mặt trái trong hậu trường sân khấu, những dự báo không lành của nghề nghiệp để có thể tránh. Vai Tề Thiên còn giúp tôi đủ chín chắn để nhận biết lễ nghĩa, phân biệt tốt xấu bởi sự cương trực, khẳng khái của nhân vật" - anh bày tỏ.
Theo Thanh Hiệp/ Người Lao Động
Kịch Tết Bính Thân: kịch ma giảm, kịch đồng tính áp đảo Tính tới giờ này có gần 30 vở kịch tết sẵn sàng phục vụ khán giả. Khác với những năm trước, năm nay thể loại kịch ma, kịch kinh dị giảm hẳn. Trong khi đó, kịch đồng tính áp đảo. Số lượng vở lên sàn trong mùa tết này tương đương với mùa kịch năm ngoái, tuy nhiên khá nhiều ông, bà bầu...