Kịch Tết Bính Thân: kịch ma giảm, kịch đồng tính áp đảo
Tính tới giờ này có gần 30 vở kịch tết sẵn sàng phục vụ khán giả. Khác với những năm trước, năm nay thể loại kịch ma, kịch kinh dị giảm hẳn. Trong khi đó, kịch đồng tính áp đảo.
Số lượng vở lên sàn trong mùa tết này tương đương với mùa kịch năm ngoái, tuy nhiên khá nhiều ông, bà bầu đang lo lắng, hồi hộp không biết phản ứng của khán giả như thế nào…
Tràn ngập kịch đồng tính
Sân khấu kịch Hồng Vân vốn đi đầu về khai thác thể loại kịch ma, tết năm nay không có thêm… con ma mới nào. Nếu có thì chỉ mang không khí hài hước, vui vẻ nhẹ nhàng kiểu như vở Tiệm tóc âm dương (kịch Hồng Vân) hay “con ma” trong trẻo, đáng yêu trong vở Ma nữ si tình (sân khấu Thế Giới Trẻ) chứ không “hù dọa rần rần”.
Cảnh trong vở Thú… yêu thương của sân khấu IDECAF – Ảnh: Gia Tiến.
NSND Hồng Vân chia sẻ: “Có thể nói tụi tui là những người gần như đi đầu khai thác kịch kinh dị, kịch ma với vở Người vợ ma. Thường tết nhứt người ta kỵ nói tới mấy chuyện xấu, những chuyện ma quỷ gây sợ hãi nhưng có những năm, nguyên mùa kịch tết sân khấu thắng lớn là nhờ các vở kịch ma, kịch kinh dị.
“Có thể nói, mùa kịch tết năm nay chắc không ông bầu, bà bầu nào dám khẳng định mình sẽ thắng như những năm trước. Nói thật là tôi đang rất hồi hộp. Vì trước tết sân khấu lâm vào tình trạng vé bán ra không đủ bù chi, mỗi suất chỉ bán chừng trên dưới 100 vé. Lo lắm!”
Bà bầu Hồng Vân
Nhưng tới bây giờ, thật sự là cách làm kịch kinh dị của chúng ta dường như đã hết chiêu. Có bao nhiêu miếng xài hết rồi, khán giả coi riết cũng quen luôn, nên có… hù họ cũng không còn sợ!”.
Trong khi kịch kinh dị thất thế thì các sân khấu đang tỏ ra hào hứng với chủ đề đồng tính. 30 vở tết thì có khoảng phân nửa là kịch đề tài đồng tính hoặc trong kịch có các nhân vật đồng tính, gái giả trai, trai giả gái…
Sân khấu Trịnh Kim Chi có vẻ dẫn đầu về thể loại kịch này khi ba vở mới tung ra dịp tết năm nay gồm Một nửa đàn bà, Một nửa đàn ông, Chuyện tình Lương – Chúc đều ít nhiều nói về người đồng tính.
Kịch tết thường phải đậm chất hài.
Một số vở khác cùng đề tài hoặc có liên quan đến người đồng tính như Bí ẩn cà phê 3D (phần 2 của Xóm trọ 3D), Tiệm tóc âm dương, Một cha ba mẹcủa sân khấu Hồng Vân, Trót yêu (Thế Giới Trẻ)…
Có thể nói kịch đồng tính là đề tài hot của mùa kịch tết năm nay. Tuy nhiên, không có nhiều sân khấu khai thác một cách sâu sắc những câu chuyện, thân phận của những con người thuộc thế giới thứ ba để cộng đồng có cái nhìn chia sẻ.
Video đang HOT
Vẫn còn những vở dàn dựng kiểu ồn ào, câu khách với nhiều trò diễn nhạt nhẽo, thậm chí gây phản cảm. Đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc, thành viên hội đồng phúc khảo các vở diễn tết, nhấn mạnh:
“Có lẽ các sân khấu cần phải biết tự tiết chế, cân nhắc mức độ như thế nào cho hợp lý. Sân khấu có nhiều đề tài để khai thác, thân phận người đồng tính cũng là một đề tài nhưng dựng quá nhiều về đề tài này e rằng cũng không hay…”.
Vở Ma nữ si tình.
Vở hay đếm không quá một bàn tay
Năm nay, sân khấu vẫn phải căng thẳng đối mặt với việc diễn viên chạy sô truyền hình không có thời gian tập dượt, thậm chí có những diễn viên là trụ cột của một số sân khấu không xuất hiện trong mùa kịch tết vì không có thời gian tập vở mới, hoặc cả năm chạy sô mệt mỏi phải nghỉ tết để ở nhà dưỡng sức.
Nhân lực bị động, kịch bản lại khan hiếm nên theo đánh giá của hội đồng phúc khảo kịch tết, năm nay không có nhiều vở hay; vở xem được và khá ổn chỉ đếm không quá một bàn tay.
Biết tâm lý khán giả ngày tết muốn đến sân khấu để cười nên nhiều sân khấu vẫn ưu tiên kịch hài. Tuy nhiên, phần lớn các vở diễn hài dựa trên một câu chuyện đơn giản, thậm chí lỏng lẻo, rồi từ đó tác giả và đạo diễn “thi triển” các mảng miếng hài. Vì nội dung chẳng có gì nên nhiều khi diễn viên phải… bơi, phải tấu qua tấu lại một cách vô thưởng vô phạt, vừa không ăn nhập câu chuyện vừa gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
Tuy nhiên, dù ít ỏi nhưng một số vở diễn có sự đầu tư, có câu chuyện đàng hoàng. Nghệ sĩ Ái Như và nghệ sĩ Thành Hội cố gắng tìm kiếm và dàn dựng hai vở diễn được đánh giá rất khá là Mình có quen nhau hông?và Lan và Điệp.
Ở cả hai vở diễn, các nghệ sĩ đều thể hiện sự tìm tòi sáng tạo và kỹ càng trong từng chi tiết. Cách làm việc nghiêm túc đó càng khẳng định vị trí của Hoàng Thái Thanh trong lòng công chúng và những người làm nghề.
Gần 30 vở kịch tết sẵn sàng phục vụ khán giả tại TP HCM .
Bên cạnh kịch Tấm Cám đang “cháy” vé, Thú… yêu thương là vở diễn có màu rất khác so với các vở diễn của Idecaf trong mùa tết năm nay. Vở giải trí nhưng mang tính đả kích, châm biếm sâu cay.
Chuyện kể về con chó NaNa rất được gia đình một ông cục trưởng cưng chiều. Mỗi người trong gia đình hay những người nơi công sở có những toan tính, tâm tư riêng không thể thổ lộ với ai đều tâm tình với chó NaNa.
Rồi một ngày, NaNa bất ngờ biết nói, hào hứng kể hết tất cả tâm sự của mọi người, lúc này NaNa không còn là con thú cưng nữa mà trở thành kẻ tội đồ…
Sự dày dặn kinh nghiệm của NSƯT Thành Lộc (vai chó NaNa) và NSƯT Hữu Châu (vai vị cục trưởng) đã khiến vở có phần mang tính chính luận nhưng dễ xem và khá hấp dẫn.
Các vở Một cha ba mẹ, Tiệm tóc âm dương ở sân khấu kịch Hồng Vân xây dựng thế giới đồng tính nam, đồng tính nữ có tình và dễ thương. Một nửa đàn ông ở sân khấu Trịnh Kim Chi là câu chuyện xúc động, chạm đến trái tim người xem…
Sân khấu kịch Hồng Hạc vừa ra đời vào cuối tháng 12-2015 tại sân khấu thể nghiệm Trường Múa TP HCM cũng ra mắt một vở diễn “mới toanh” trong mùa tết này. Đó là vở Diễn viên hạng ba chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Lý Lan.
Nhà hát Trần Hữu Trang không ra mắt vở tết:
Với quyết định thanh tra để xử lý sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án xây dựng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mà UBND TP HCM vừa đưa ra hồi đầu tháng 1, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang năm nay không ra mắt vở tết.
Ông Trần Ngọc Giàu – giám đốc nhà hát – cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch và bắt tay vào dàn dựng hai vở Dòng xoáy và Mộng Hoa Vương định ra mắt mùa tết.
Tuy nhiên, ê-kíp lúng túng trong việc dàn dựng và thực hiện cảnh trí, bởi không biết thực hiện theo không gian rạp nào, Thủ Đô hay Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ).
Cuối cùng đành dời sau tết khi nào có kết luận thanh tra rõ ràng. Dù không diễn tại rạp nhưng ba đoàn của nhà hát cũng sẽ đi diễn phục vụ ở các quận huyện trong TP và một số tỉnh lân cận trong mấy ngày xuân”.
Theo Linh Đoan/Tuổi Trẻ
Sân khấu kịch mùa Tết: Trong héo ngoài tươi
Mùa kịch Tết năm nay vẫn sôi động với nhiều vở đang dựng nhưng không thể khỏa lấp nỗi buồn bên trong của người yêu sân khấu.
Tết vốn là mùa làm ăn của sân khấu TP HCM bởi đây là thời gian người dân đi xem kịch nhiều nhất. Các sân khấu chọn ra mắt những vở chất lượng để phục vụ khán giả. Trong 2 tuần từ Mùng Một đến Mười một, các sân khấu liên tục sáng đèn với 2-3 suất/ ngày.
NSND Hồng Vân trong vở kịch Một cha ba mẹ. Ảnh: Trung Trần
Giảm số lượng nhưng đa dạng kịch mục
Mùa tập kịch Tết thường bắt đầu trước Tết hơn 1 tháng nhưng năm nay lịch tập lùi lại chậm hơn 1 tuần, không khí có phần trầm lắng hơn. Khó thu xếp lịch tập của diễn viên là điều thường gặp vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó phải kể đến sự ảnh hưởng trước cơn bão truyền hình thực tế mà sân khấu phải chống chọi suốt năm qua.
Tuy nhiên, dù tình hình khó khăn nhưng món ăn tinh thần dành cho ngày Tết của các sân khấu vẫn không thể xuề xòa. Món ăn trên bàn tiệc tuy có giảm chút ít so với năm ngoái nhưng lại đa dạng hơn về thể loại. Ngoài hai sân khấu Idecaf và Hoàng Thái Thanh vẫn trung thành với thế mạnh của mình thì Hồng Vân và Thế giới trẻ lại có sự gia tăng về kịch mục. Chẳng hạn, sân khấu Hồng Vân năm 2015 có 8 vở diễn Tết nhưng kịch mục chủ yếu là hài và kinh dị thì năm nay giảm xuống còn 5 vở nhưng lại có thêm những vở chính kịch về thân phận con người như Một cha ba mẹ.
Sân khấu Thế giới trẻ - một trong những sân khấu vững vàng trước cuộc khủng hoảng sân khấu vẫn giữ số lượng vở diễn Tết là 3. Bao gồm hài, liêu trai và lần đầu sẽ thử nghiệm dựng nhạc kịch qua vở Trót yêu. Với thế mạnh là dàn diễn viên trẻ, có thể diễn, hát tốt nên sân khấu hi vọng sẽ đem lại bất ngờ cho khán giả.
Hiện tại, sân khấu 5B chưa sửa chữa xong vì vậy diễn viên Cát Tường vẫn tham gia diễn kịch Tết bằng cách đầu tư thực hiện vở nhạc kịch Tấm Cámtại nhà hát Bến Thành.
Kịch Lan và Điệp sẽ ra mắt khán giả tại sân khấu Hoàng Thái Thanh vào dịp Tết. Ảnh:Hoài Như
Khán giả giảm 50% -70%
Sân khấu vốn là thánh đường nghệ thuật, là nơi để các diễn viên thể hiện khả năng diễn xuất nhiều nhất. Sân khấu TP HCM trước đây là niềm mơ ước của sân khấu Hà Nội với số lượng nhiều và khán giả đông nhưng năm gần đây đã không còn giữ được thế thượng phong.
Ngoài sân khấu Idecaf và Thế giới trẻ ổn định với lượng khán giả trung thành, mỗi suất diễn đều kín rạp, các sân khấu khác lay lắt như ngọn đèn dầu trước gió. Dù không khí tập kịch Tết vẫn sôi động, kịch mục vẫn đa dạng và phong phú nhưng không thể nào khỏa lấp được những tâm tư của người làm nghề trong cuộc khủng hoảng lớn. Điều dễ nhận thấy là lượng khán giả đến với sân khấu ngày càng giảm sút. Nghệ sĩ Ái Như cho biết, từ ngày sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyển về quận 10, khán giả đã giảm tới 50%. Sân khấu Hồng Vân cũng chịu cảnh tương tự. Với Nụ cười mới, con số giảm thê thảm hơn khi lên tới 70%. Một số sân khấu nhỏ hơn như Chămpa và kịch Sài Gòn chi nhánh Pastuer thì đã đóng cửa.
Từng gầy dựng một sân khấu xã hội hóa lừng lẫy với hàng ngàn suất diễn kín rạp, NSND Hồng Vân phải buồn bã chia sẻ ý định đóng cửa sân khấu vì hiện tại thu không đủ bù chi. Còn nghệ sĩ Ái Như xác định làm sân khấu với tâm thế còn nước còn tát, khi không chịu đựng được thì mới buông tay.
Chia sẻ với Zing.vn với giọng ngậm ngùi, nghệ sĩ Long đẹp trai cho biết: "Sân khấu Nụ cười mới phải thay đổi địa điểm liên tục, vị trí không thuận lợi nên càng khó khăn. Hiện tại, tôi phải chạy show ngoài để có tiền trang trải cho hoạt động của sân khấu. Nhiều lúc muốn buông nhưng nghĩ tới lời hứa với anh Hữu Lộc - tôi phải cố gắng. Nếu không, sau này không còn mặt mũi nào gặp lại anh".
Trường Giang không còn diễn ở sân khấu Nụ cười mới. Ảnh: NVCC
Thiếu diễn viên ngôi sao
Đa số các diễn viên còn gắn bó với sân khấu là vì tình yêu hơn là tìm kiếm tiền bạc. Trong khi các diễn viên lớn tuổi cho biết, họ gắn bó với sân khấu vì đó là nghiệp, là máu nghề, không thể bỏ thì diễn viên trẻ lại coi sân khấu là cơ hội để họ học hỏi diễn xuất - điều mà không trường lớp nào dạy được.
Sân khấu đìu hiu tất nhiên không đủ sức hấp dẫn với diễn viên, trong khi ra ngoài họ có nhiều cơ hội kiếm tiền như phim ảnh, chương trình truyền hình. Buồn đấy nhưng không thể trách được họ vì ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền.
Trước đây, sân khấu Hồng Vân từng là bệ đỡ của hàng loạt tên tuổi nổi tiếng như Thái Hòa, Thanh Thúy, Đức Thịnh, Minh Luân, Hòa Hiệp... tuy vậy, mùa kịch Tết năm nay nhìn quanh chỉ là những nghệ sĩ kỳ cựu: Hồng Vân, Anh Vũ, Minh Nhí, còn lại đa số là nghệ sĩ trẻ.
Sân khấu Nụ cười mới thu hút khán giả với hai danh hài Hoài Linh, Chí Tài nhưng gần đây họ không còn diễn. Mùa kịch Tết, Hoài Linh chỉ tham gia được vài suất nhưng chưa có lịch cụ thể. Những diễn viên trẻ bật lên sau này như Trường Giang, Nam Thư đều vắng bóng trong mùa kịch Tết. Nói đến việc thiếu vắng người nổi tiếng, Long đẹp trai bảo: "Ngày các em còn mới, về với sân khấu chỉ như hạt cát nhưng đã thành hạt sạn thì sạn thạch. Đời bạc lắm. Nghề diễn càng bạc hơn. Tôi không dám trách, chỉ buồn và xót xa".
Theo Zing