Kích hoạt chính thức trung tâm phòng ngừa dịch nCoV khẩn cấp
Trưa 24/1, Bộ Y tế họp khẩn về tình hình bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới có nguồn gốc đến từ Vũ Hán (Trung Quốc). Hiện Việt Nam đã có 2 ca mắc ở miền Nam, miền Bắc có 2 ca nghi ngờ mắc nCoV nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy hai bệnh nhân bị cúm.
Ông Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư khẳng định, hai ca nghi ngờ mắc bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư là người Việt Nam, đã đi từ Vũ Hán về. Tuy nhiên, xét nghiệm cho thấy hai bệnh nhân này âm tính với nCoV.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, hiện 2 bệnh nhân người Trung Quốc (là hai cha con, trong đó người con đến từ Vũ Hán, Trung Quốc) bị mắc nCoV, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Sức khỏe của hai bệnh nhân này đã ổn định.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay, 8 quốc gia có ca mắc nCoV. Cụ thể: Thái Lan (4 trường hợp), Nhật Bản (1 trường hợp), Hàn Quốc (1 trường hợp), Đài Loan (1), HoaKỳ (1), Ma Cao (1), Hồng Kông (1). Việt Nam có 2 ca mắc là người Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Kích hoạt chính thức trung tâm phòng ngừa dịch nCoV khẩn cấp”.
Đến sáng 24/1, có hơn 800 ca mắc, 25 ca tử vong trong đó có 15 nhân viên y tế. Đã có bằng chứng lây nhiễm hạn chế từ người sang người.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng về tình hình dịch bệnh. Những người ho, sốt cao, đặc biệt đi từ Trung Quốc về hoặc tiếp xúc với người đến từ Trung Quốc thì nên đi đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã kịp thời cấp tập các kế hoạch để phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị chỉ đạo việc phòng chống dịch nCoV. Bộ Y tế có các hướng dẫn chẩn đoán, phác đồ điều trị các ca viêm phổi cấp do nCoV, 63 tỉnh thành có kế hoạch triển khai thực hiện phòng chống dịch.
Việt Nam tiến hành giám sát hành khách tại các cửa khẩu, đặc biệt là những người đến từ Trung Quốc, vùng có dịch.
Khi có ca bệnh nghi ngờ phải giám sát hành trình của hành khách, yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát. Hiện mới có Nhật Bản yêu cầu khai báo y tế đối với hành khách đến từ Trung Quốc.
Dịch xảy ra ở địa phương nào khoanh vùng điều trị ở địa phương đó, hạn chế tối đa di chuyển bệnh nhân để tránh lây nhiễm. Cơ sở nào cần có sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị y tế thì sẽ có sự điều động. Các cơ sở y tế điều trị, thu dung bệnh nhân đều phải có khu cách ly.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ tháng 12, khi dịch bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam đã có nhiều biện pháp đối phó với phòng chống dịch nCoV. Thế giới mới khuyến cáo ở mức “lây nhiễm hạn chế” nhưng Việt Nam có biên giới đường bộ sát Trung Quốc, người Trung Quốc đến Việt Nam đông, do đó, Việt Nam đặt mức tình trạng bệnh ở mức “lây nhiễm”.
Tất cả các cơ sở y tế thực hiện nghiêm ngặt chế độ bảo vệ nhân viên y tế, tuyệt đối không để virus từ người bệnh lây sang nhân viên y tế.
Video đang HOT
“Tôi yêu cầu thực hiện khai báo y tế tất cả cửa khẩu đối với người đến từ Vũ Hán (Trung Quốc). Cách ly bệnh nhân có hiện tượng sốt, đặc biệt người đến từ Vũ Hán. Không chấp nhận các chuyến bay đến và đi Vũ Hán và Hoàng Cương (Trung Quốc). Khuyến cáo mạnh mẽ hơn người dân hết sức hạn chế đi đến nơi có nguy cơ dịch, đặc biệt các nước có ca bệnh, tất cả hệ thống phải đúng tinh thần cao hơn một mức. Tôi yêu cầu kích hoạt chính thức trung tâm phòng ngừa dịch khẩn cấp của Bộ Y tế. Không vì bất cứ lý do gì ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Hiện tại virus trên được gọi là 2019-nCoV, virus được hiểu là một chủng coronavirus mới chưa được xác định trước đây ở người. Virus Sars (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) đã giết chết gần 800 người trên toàn cầu vào đầu những năm 2000 cũng là một loại coronavirus.
Theo chuyên gia y tế, loại virus mới này có nguồn gốc từ một chợ hải sản ở Vũ Hán (Trung Quốc).
Theo danviet.vn
'Vé gì cũng được, miễn là thoát khỏi Vũ Hán'
Thành phố 11 triệu dân, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc đã bị phong tỏa gần như toàn bộ. Cảnh sát, quân đội Vũ Hán chốt chặn các nhà ga, bến tàu ngăn không cho người dân bỏ đi. Bầu không khí hoang mang đang bao trùm nơi này.
Hành khách trên chuyến bay cuối cùng từ Vũ Hán đến Tokyo làm thủ tục kiểm tra sức khỏe tại sân bay Narita của Nhật Bản ngày 23-1 - Ảnh: AFP
Chưa bao giờ Vũ Hán được nhắc đến nhiều như lúc này trên thế giới, nhưng không phải theo hướng tích cực. Thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) này được xem là nơi khởi thủy và bùng phát viêm phổi cấp do chủng virút corona.
Tháo chạy khỏi Vũ Hán
Tính đến ngày 23-1, đã có 17 người chết, tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng, gần 600 người bị nhiễm trong đó phần lớn tại Vũ Hán.
Rạng sáng 23-1, ngay khi lệnh cấm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" vừa được ban ra, một khung cảnh hỗn loạn được lặp đi lặp lại ở mỗi nhà ga xe lửa và sân bay Vũ Hán. "Lấy cho tôi một vé, vé gì cũng được miễn là ra khỏi Vũ Hán", một người đàn ông trung niên nói như hét với nhân viên bán vé tại nhà ga Hankou.
Hàng trăm ôtô chen nhau ở trạm thu phí đường cao tốc nối Vũ Hán và thế giới bên ngoài. Hàng dài người xếp hàng tại sân bay Vũ Hán lúc 4h sáng, không ai muốn bị trễ chuyến bay hiếm hoi cuối cùng rời khỏi thành phố.
Cảnh sát Trung Quốc đứng chặn bên ngoài nhà ga Hankou - Ảnh chụp màn hình
10h sáng 23-1, khoảng vài tiếng sau đó, cảnh sát và quân đội đứng chốt chặn bên ngoài ga Hankou. Lệnh phong tỏa chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa mọi nỗ lực "tháo chạy" khỏi Vũ Hán sẽ trở thành công cốc.
200 trong số 600 chuyến bay đến Vũ Hán bị hủy. Các chuyến bay đi gần như bị đình trệ, các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động. Vũ Hán, trung tâm vận tải tấp nập ngày thường của Trung Quốc, trở thành một điểm bị xóa trắng trên bản đồ giao thông.
Người dân Vũ Hán bắt đầu ngày 23-1 bằng việc học làm quen với chuyện cả thành phố bị phong tỏa. Nhưng họ, kể cả những người bị "mắc kẹt", đang sống trong những ngày hoang mang. Họ không biết người đối diện mình có mang virus hay không và chẳng dám đi chơi dù Tết Nguyên đán đã cận kề.
Hành khách, đặc biệt là trẻ nhỏ, được phát khẩu trang và dặn dò cách nhận diện triệu chứng bệnh tại một nhà ga xe lửa ở tỉnh Giang Tây - Ảnh: AFP
"Có tới 80% người tôi thấy ngoài đường đeo khẩu trang. Mẹ của tôi vẫn gặp bạn bè để chơi mạt chược. Nhưng trước khi chơi, họ tự nguyện kiểm tra thân nhiệt", một sinh viên 21 tuổi chia sẻ với Hãng tin Reuters.
Đã có nhiều tranh luận trên mạng xã hội về cách làm của chính phủ Trung Quốc. Trong khi một số cho rằng cần phải cứng rắn để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, số khác nêu ra mặt trái của vấn đề.
Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh y tế tại Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg, khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy sự hiệu quả của việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh bằng cách phong tỏa diện rộng một khu vực.
"Điều này thậm chí còn đặt ra nguy cơ khác cho Chính phủ Trung Quốc, đó là niềm tin của nhân dân trong vùng bị phong tỏa. Chính quyền cũng sẽ phải đảm bảo được rằng người dân ở đó có đủ thuốc men, thực phẩm và những thứ khác trong suốt thời gian phong tỏa", ông Inglesby lập luận.
Nhưng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thì ủng hộ hành động của Chính phủ Trung Quốc, cho rằng đây là một biện pháp mạnh cần thiết để giảm nguy cơ lây bệnh. Cho đến thời điểm hiện tại, WHO vẫn chưa thể quyết định có nên phát lệnh cảnh báo khẩn cấp về dịch bệnh trên toàn thế giới hay không.
Thị trưởng Vũ Hán đối diện áp lực từ chức
Ông Chu Tiên Vượng trả lời phỏng vấn đài CCTV - Ảnh chụp màn hình Sina
Báo South China Morning Post ngày 23-1 cho biết ông Chu Tiên Vượng (Zhou Xian Wang), thị trưởng thành phố Vũ Hán, đang đối diện với áp lực từ chức ngày một lớn sau khi thừa nhận những nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh của chính quyền thành phố vẫn "chưa đủ".
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) tuần này, khi được hỏi liệu có phải thành phố Vũ Hán đã phản ứng "quá chậm" trước tình trạng lây lan virus mới và liệu chính quyền có chia sẻ thông tin kịp thời cho người dân hay không, ông Chu đáp:
"Chỉ đến lúc này, mọi người mới nhận ra virút mới vô cùng nguy hiểm. Nếu ngay từ đầu chúng tôi biết được virút sẽ lây lan nghiêm trọng, thì dĩ nhiên việc tìm ra các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả là điều tốt. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ chúng tôi không thể biết được tính nghiêm trọng ngay từ đầu".
Ngay sau khi đoạn video phỏng vấn được chia sẻ lên mạng xã hội Trung Quốc, dân mạng nước này đã đưa ra hàng ngàn bình luận bày tỏ sự giận dữ. Họ cáo buộc ông Chu "lơ là trách nhiệm" và kêu gọi ông từ chức.
Đặc biệt, vị thị trưởng này còn bị chỉ trích vì từng cho phép hơn 40.000 hộ gia đình tụ tập trong một sự kiện đón tết quy mô lớn dù nhiều trường hợp nhiễm bệnh đã được báo cáo.
"Tốt hơn ông nên tự nguyện từ chức, có như vậy mới giữ được một chút tự trọng" - một tài khoản có 6,8 triệu người theo dõi kêu gọi. Một người khác bình luận: "Ông hoàn toàn không quan tâm chuyện kiểm soát và phòng ngừa sớm".
Hai nhân viên y tế ở Vũ Hán di chuyển một bệnh nhân bị nhiễm viêm phổi cấp do chủng virút corona - Ảnh: AFP
Phun thuốc khử trùng tại một nhà ga xe lửa ở tỉnh Giang Tây - Ảnh: AFP
Lực lượng vũ cảnh Trung Quốc ở Bắc Kinh được phát khẩu trang trong lúc làm nhiệm vụ - Ảnh: AFP
Kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ Trung Quốc tại sân bay Kuala Lumpur - Ảnh: AFP
BẢO DUY - BÌNH AN
Theo tuoitre.vn
Tung tin thất thiệt du khách nhiễm virus corona bị xử lý ra sao? Luật sư cho rằng người tung tin đồn thất thiệt có thể bị phạt tù nếu gây thiệt hại tài sản, nguy hiểm cho xã hội. Còn phao tin sai sự thật sẽ bị phạt hành chính 20-30 triệu. Liên quan vụ virus corona bùng phát khiến nhiều người ở Trung Quốc tử vong, mạng xã hội xuất hiện thông tin "Đà Nẵng,...