Kích cầu mua sắm cuối năm với sự liên kết “3 nhà”
Sự văn minh, tiện dụng của hình thức trả góp với sự liên kết của “3 nhà” khiến cho hình thức hỗ trợ tài chính này đã và đang trở thành động lực thúc đẩy thị trường bán lẻ tăng trưởng.
Trong mùa cao điểm mua sắm năm nay, hầu hết các cửa hàng siêu thị đều áp dụng các chương trình cho vay trả góp có liên kết với các ngân hàng và đặc biệt là các tổ chức tài chính. Sự văn minh, tiện dụng của hình thức trả góp với sự liên kết của “3 nhà” (ngân hàng, các công ty tài chính, các nhà bán lẻ) khiến cho hình thức hỗ trợ tài chính này đang trở thành động lực cho thị trường bán lẻ tăng trưởng.
Cũng như nhiều người có thu nhập trung bình khác, muốn sở hữu ngay một chiếc điện thoại Smartphone và một máy tính xách tay nhưng anh Nguyễn Ngọc Bình (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) lại chưa thể đủ năng lực tài chính chi trả cho món hàng trên, trong khi lại chưa có thẻ tín dụng cũng như các điều kiện để đảm bảo quy trình cho vay chặt chẽ của các ngân hàng, cho nên anh đã tham khảo giải pháp mua hàng trả góp từ các công ty tài chính với hồ sơ chỉ bao gồm chứng minh thư và hóa đơn điện nước.
“Trong khi chưa có đủ tiền để thanh toán hết một lần món đồ mình muốn mua, với tôi, hình thức trả góp này rất thuận tiện. Tôi cũng đang tính mua thêm cả chiếc máy tính xách tay hiệu Dell trả góp trong 6 tháng. Mức trả góp này hoàn toàn phù hợp với khả năng chi trả của tôi”, anh Bình chia sẻ.
Phương thức trả góp với lãi suất 0%, đặc biệt phổ biến nhiều trong năm nay, được các siêu thị, cửa hàng coi như một “thỏi nam châm” để thu hút khách hàng đến với siêu thị, cửa hàng của mình. Nhờ những giải pháp hỗ trợ tài chính, khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn và mạnh tay chi tiêu hơn. Đây là cơ sở để sự liên kết “3 nhà” giữa ngân hàng, các công ty tài chính, các nhà bán lẻ trong năm 2015 tạo ra nhiều tín hiệu tích cực về doanh thu, doanh số.
Bà Vũ Thị Huệ – Giám đốc Marketing CTCP Pico cho biết, Pico coi việc bán hàng trả góp là một công cụ để thúc đẩy nhu cầu mua sắm của khách hàng. Trước đây, khách hàng thường có thói quen tiết kiệm đến khi có đủ tiền để mua một món đồ nào đó, nhất là đối với những đối tượng không có thu nhập ổn định hay học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, với phương thức mua trả góp, họ vẫn có thể sở hữu ngay lập tức một món đồ mà họ đang có nhu cầu khi thực hiện thủ tục vay từ những công ty tài chính. Chỉ cần cung cấp một số giấy tờ đơn giản, họ có thể mua hàng trả góp với lãi suất 0% tới 6 tháng.
Anh Nguyễn Viết Chiến (Quản lý cửa hàng FPT shop 45 Thái Hà) cho biết, cách đây 1 năm, FPT shop chỉ hỗ trợ 1-2 nhà trả góp và hình thức này cũng không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, thời điểm tháng 11/2015, hình thức trả góp đã trở thành một cứu cánh cho cửa hàng. Hiện nay, doanh số từ mua hàng trả góp trong hệ thống của FPT shop chiếm gần 20% doanh số tổng hệ thống FPT shop.
Video đang HOT
Thực tế, các khoản vay tiêu dùng đang ngày càng được thực hiện nhanh hơn, tuy nhiên, lãi suất của các khoản vay này thường rất cao, đặc biệt sau khi hết thời hạn trả góp 0%. Chính lý do này đã khiến nhiều người tiêu dùng vẫn còn ngần ngại khi sử dụng hình thức cho vay này.
Lý giải cho những nghi ngại này, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, đối tượng khách hàng vay tiêu dùng thường là những khách hàng có thu nhập trung bình thấp, không có cơ sở để đánh giá tình hình tài chính cũng như thu nhập để xác định khả năng trả nợ. Chính vì vậy, các khoản cho vay tiêu dùng có mức độ rủi ro cao hơn những khoản vay thông thường. Trong khi đó, vốn của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng chủ yếu là vốn tự có, huy động từ các tổ chức kinh tế, vay từ nước ngoài thậm chí đi vay trung, dài hạn từ các tổ chức tín dụng khác, chứ không được huy động nguồn vốn trong dân.
Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp lý đặc thù quy định về hình thức cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Các chuyên gia cho rằng, cần sớm ban hành văn bản này để tạo hành lang thuận lợi cho các tổ chức tài chính hoạt động, đồng thời tác động tích cực vào hoạt động tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập.
Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phổ biến ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tại Việt Nam, hình thức liên kết “3 nhà” cũng ngày càng phổ biến, góp phần tích cực đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng. Đứng trước nhiều sự lựa chọn, người tiêu dùng có thể chi tiêu mạnh tay hơn, nhưng cũng cần tính toán kỹ lưỡng khả năng trả nợ của mình để đưa ra quyết định hợp lý, trở thành người tiêu dùng thông thái./.
CTV Minh Huệ
Theo_VOV
Giải mã chênh lệch lãi suất vay tiêu dùng
Với ưu thế giải ngân nhanh chóng và không cần tài sản thế chấp, vay tiêu dùng đang là lựa chọn của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, sự chênh lệch lãi suất giữa các khoản vay tiêu dùng đang đặt ra những thắc mắc cho người tiêu dùng. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Hầu hết các công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng với mức lãi suất 20 - 30%/năm
Lãi suất vay tiêu dùng lên tới 30%/năm
Với dân số trên 93 triệu người, trong đó dân số trẻ đang ở độ tuổi lao động chiếm già nửa, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn. Nếu như tại các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng chiếm 17 - 18% GDP, thì ở Việt Nam, con số này hiện mới ở mức 5 - 6%.
Đón bắt xu thế đó, hàng loạt công ty tài chính đã ra đời, cung cấp dịch vụ đa dạng và hướng tới những khách hàng có thu nhập trung bình - những đối tượng ít có cơ hội tiếp cận các khoản vay có tài sản thế chấp tại ngân hàng.
Trải qua 10 năm phát triển tại Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng đã tăng trưởng mạnh mẽ. Hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng về cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, góp phần kích thích tiêu dùng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo dự đoán của các chuyên gia, trong vòng 5 năm tới, dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam có thể đạt tới 10% GDP, với mức tăng bình quân 20%/năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng với mức lãi suất 20 - 30%/năm, trong khi mức lãi suất này tại các ngân hàng thương mại chỉ 10 - 13%/năm. Điều đó tạo nên một tâm lý e dè trong dư luận, đồng thời làm hạn chế khả năng tiếp cận và mở rộng khách hàng của các công ty tài chính.
Lý giải điều này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, việc áp dụng lãi suất cao tại các công ty tài chính là điều dễ hiểu, bởi rủi ro cao luôn song hành với lãi suất cao. Khoản vay tại các ngân hàng thương mại có mức lãi suất thấp hơn là do các khoản vay này có giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, loại hình vay tiêu dùng tín chấp tiềm ẩn rủi ro cao hơn do khoản vay nhỏ, thời gian ngắn, không có tài sản thế chấp và chi phí vận hành cũng cao hơn.
Ông Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng, thực tế hoạt động của các công ty tài chính cho thấy, họ mới đang thực hiện mục tiêu chủ yếu là chiếm lĩnh thị phần. Vì vậy, các công ty tài chính đều tạo cơ hội thuận lợi tối đa để người tiêu dùng tiếp cận được dễ dàng với các khoản vay. Các yêu cầu đối với hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính thường rất đơn giản và khách hàng không cần phải lo lắng về điều này, bởi nếu công ty tài chính làm ẩu thì chính họ tự chuốc lấy phần rủi ro cao hơn về phía mình.
Một số chuyên gia tài chính khác cũng nhận định, do chi phí hoạt động cho vay tiêu dùng khá cao vì các khoản vay thường có thời hạn rất ngắn (6 - 24 tháng), giá trị nhỏ, nhưng yêu cầu chung là phải làm thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nên làm tăng chi phí quản lý của các công ty tài chính.
Bên cạnh đó, theo Luật các Tổ chức tín dụng, công ty tài chính không được huy động vốn từ thị trường bán lẻ là dân cư, mà chỉ được huy động từ thị trường bán buôn, như vay vốn nước ngoài, vay liên ngân hàng, hoặc từ tổ chức tài chính khác..., nên cũng làm chi phí vốn của các công ty tài chính cao hơn so với những loại hình cho vay khác.
Với đặc thù như vậy, lãi suất cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng cao hơn các loại hình cho vay khác là điều dễ hiểu.
Tạo hành lang pháp lý để phát triển cho vay tiêu dùng
Qua kinh nghiệm các nước cũng như thực tiễn của Việt Nam cho thấy, để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, bảo đảm lợi ích cho cả công ty tài chính và khách hàng thì việc tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là hết sức cần thiết, theo hướng bảo đảm tính chủ động của tổ chức tín dụng, sự minh bạch, lành mạnh trong áp dụng lãi suất cho vay để tăng tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, cần củng cố hoặc ban hành thêm các quy định chi tiết về tiêu chuẩn hoạt động của các công ty tài chính trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, như nâng cao điều kiện cấp phép đối với hoạt động cho vay tiêu dùng; quy định về các hệ số đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn quản trị để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các công ty tài chính.
Ngoài ra, cần nâng cao yêu cầu về quản lý rủi ro tín dụng; thực hiện phân loại, chấm điểm khách hàng, tránh tình trạng khách hàng tốt phải chịu lãi suất cao gánh rủi ro của khách hàng tín nhiệm thấp, nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và nâng cao uy tín của các công ty tài chính.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Sau khi hoàn thiện và áp dụng trên thực tế, thông tư này sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, với việc Bộ luật Dân sự đang được rà soát, sửa đổi thì nội dung quy định về lãi suất cho vay tối đa của các giao dịch dân sự cũng cần được sửa đổi để khắc phục những bất cập hiện nay.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Vì sao Trần Văn Điểm trở thành 'sát nhân giết người hàng loạt'? Trong quá trình dự phiên tòa xét xử Trần Văn Điểm (28 tuổi)-bị cáo bị truy tố về tội giết người, cướp tài sản liên tỉnh, tôi cứ mãi suy nghĩ, lăn tăn. Kẻ mà gọi đúng tên như trong các bộ phim hình sự Mỹ là "sát nhân giết người hàng loạt" cũng rất đúng. Hành vi, tội ác man rợ của...