Kích cầu du lịch TPHCM lần 2: Khai thác các điểm đến an toàn, hấp dẫn
Các sản phẩm du lịch mới lạ cùng nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng kết nối TPHCM với các địa phương tiếp tục là điểm nhấn thú vị, góp phần phục hồi ngành du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trong đó, ngành du lịch tiếp tục tập trung giới thiệu các điểm đến an toàn để tạo sự yên tâm cho du khách.
Hàng trăm chương trình, sản phẩm mới
Công việc bận rộn, không sắp xếp được thời gian rảnh nên cả nhà chị Hoàng Thị Kim Thúy (ngụ đường Lý Thái Tổ, quận 10) chọn tour du lịch trải nghiệm cảnh đẹp nội thành TPHCM. “Tụi nhỏ được ngắm sông Sài Gòn, chụp những góc hình đẹp làm kỷ niệm, trải nghiệm làm nông dân bắt cá… cũng rất vui, thú vị. Thay vì mất thời gian dài hơn, chúng tôi chỉ gói gọn 1 ngày 1 đêm cho chuyến đi vòng thành phố”, chị Kim Thúy tâm sự.
Hiện tại, nhiều hãng lữ hành cũng liên tục có các tour ngắn ngày, từ bình dân đến cao cấp để phục vụ khách hàng. Sản phẩm du lịch tập trung vào nhóm khách nhỏ, khách gia đình, các gói sản phẩm du lịch theo yêu cầu của khách. Ví dụ như, Saigontourist mở tour buýt đường sông đến Khu du lịch Bình Quới, thưởng thức ẩm thực dân gian, nghỉ đêm tại Bình Quới.
Hoặc như TST Tourist kết hợp với Saigon Waterbus, Bảo tàng Áo dài giúp du khách trải nghiệm, ngắm cảnh sông Sài Gòn từ nhiều góc đẹp, mới lạ. Một số điểm nhấn khác gồm các điểm tham quan như bảo tàng, khách sạn, tòa nhà Land Mark, Khu du lịch Đầm Sen; trải nghiệm một ngày làm đầu bếp nhí (khách sạn Sofitel), học nấu ăn… cũng thu hút sự quan tâm của du khách. Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TPHCM, có khoảng 300 chương trình kích cầu du lịch với mức giá ưu đãi được tung ra sau đợt dịch Covid-19 lần 2 nhằm hỗ trợ nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân.
Video đang HOT
Du khách tham quan tour nội đô TPHCM
Để thu hút dòng khách tiềm năng, TPHCM cũng đã kết nối với các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long… đưa khách đến TPHCM và ngược lại. Cách nay ít ngày, Sở Du lịch TPHCM đã ký kết hợp tác với Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và 5 tỉnh khác (Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh) với tên gọi “7 địa phương – Du lịch an toàn và hấp dẫn”. Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang được kiểm soát tốt, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thu hút nhiều du khách đến từ TPHCM cũng như các tỉnh thành.
Song song đó, Sở Du lịch tỉnh này cho hay sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hãng lữ hành của TPHCM đưa du khách đến vui chơi, khám phá vẻ đẹp của thành phố biển với nhiều điểm đến hấp dẫn như: tham quan xưởng đóng tàu, giàn khoan dầu tại vịnh Marina; Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu; Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor… Ngoài ra, các nhà hàng, khách sạn ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có thêm các chương trình giảm giá sâu, ưu đãi cho khách hàng từ 10%-30%.
Lan tỏa vẻ đẹp du lịch Việt
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Thường trực Sở Du lịch TPHCM, thông điệp chung của du lịch TPHCM vẫn là “TPHCM – Sống động từng trải nghiệm”, đồng thời khuyến khích “Người TPHCM đi du lịch TPHCM”. Sở Du lịch TPHCM cũng triển khai chương trình “TPHCM nghĩa tình – du lịch san sẻ yêu thương”, thông qua việc phối hợp với các quận huyện tổ chức cho trẻ em mồ côi, người khuyết tật… du lịch miễn phí với những chương trình hấp dẫn, chất lượng tại thành phố.
“Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2020, diễn ra từ 11-10 đến 20-11, là một trong những sự kiện ý nghĩa chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI; hưởng ứng chủ đề năm 2020 – Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị thuộc chuỗi Chiến dịch TPHCM xin chào… Những hoạt động này nhằm quảng bá vẻ đẹp TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau cú đánh bồi của dịch Covid-19″, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Nhấn mạnh về đối tượng khách phục vụ ở thời điểm này, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chỉ ra rằng, hiện nay chỉ còn du lịch nội địa, đối tượng khách quốc tế chỉ có khách đã đến và làm việc tại Việt Nam, các chuyên gia, lãnh đạo của các doanh nghiệp sẽ đến và làm việc ở nước ta. Lúc này, doanh nghiệp phải “tạm quên” thị trường khách quốc tế, tập trung nguồn lực khai thác du lịch nội địa. Doanh nghiệp nên chú trọng vào thế mạnh của từng địa phương, ví dụ như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa ẩm thực. Với tình hình hiện nay, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục là loại hình du lịch an toàn vừa để nghỉ dưỡng, vừa để tránh dịch.
“TPHCM cần liên kết ngay với tất cả các tỉnh thành nhằm gắn kết du lịch sinh thái, sông nước. Muốn giữ vững vị trí trung tâm du lịch, TPHCM nên tổ chức thường xuyên các sự kiện hội thảo, hội chợ, thể thao… góp phần tạo mối liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận, giúp khách lưu lại lâu hơn và tiếp tục hành trình khám phá, trải nghiệm dài hơn”, ông Nguyễn Hữu Thọ góp ý.
Du lịch Cần Thơ năng động để kích cầu
Với phương châm 'an toàn - thân thiện - chất lượng', Cần Thơ đang có nhiều nỗ lực trong kích cầu du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Sự quyết tâm của nhà quản lý cùng tư duy sáng tạo, vượt khó của các doanh nghiệp du lịch đang tạo nên sức mạnh để giúp du lịch Cần Thơ vực dậy, góp phần quảng bá đất và người Tây Đô hội nhập, vang xa.
Làng du lịch sinh thái Ông Đề đã "vượt khó" bằng việc sáng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới.
Năm nay, do dịch COVID-19 nên Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ do TP Cần Thơ tổ chức buộc phải tạm hoãn. Vậy nhưng, Làng du lịch sinh thái Ông Đề (huyện Phong Điền) đã mạnh tổ chức lễ hội tương tự, thu hút 50 gian hàng, với 40 gian hàng bánh dân gian và 10 gian hàng đặc sản vùng miền.
Lễ hội diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, tạo được tiếng vang trong hoạt động du lịch "hậu COVID". Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều, du khách đến từ Vĩnh Long, cho biết: "Hay tin bên Cần Thơ có lễ hội bánh dân gian nên tôi cùng gia đình tham quan ngay. Lễ hội khá thú vị và có nhiều bánh ngon". Từ thành công này, dự kiến từ ngày 15 đến 20-10 tới đây, Làng du lịch sinh thái Ông Đề lại tiếp tục tổ chức Ngày hội ẩm thực các món ăn "ngon - độc - lạ".
Sự kiện này nhằm giới thiệu các đặc sản độc đáo và lạ mắt của từng vùng miền khác nhau trên cả nước. Ông Lê Hải Phúc, chủ Làng du lịch sinh thái Ông Đề, cho biết: "Tổ chức các sự kiện này, Làng du lịch sinh thái Ông Đề mong muốn cùng với khu vực ĐBSCL và cả nước kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh COVID-19 được kềm chế. Để tự gỡ khó cho chính mình, chúng tôi đã nghĩ ra nhiều giải pháp để thu hút khách từ chính sách khuyến mãi đến đa dạng các hoạt động trải nghiệm cho du khách".
Một số khu, điểm du lịch khác trên địa bàn thành phố như Làng du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền), Cần Thơ Ecolodge (quận Cái Răng) hay các nhà vườn như Út Hiên ở Cái Răng, Chín Hồng ở Phong Điền, Sáu Hoài ở Ninh Kiều... cũng đa dạng các hoạt động, thực hiện những ưu đãi để thu hút khách. Hay ở du lịch cộng đồng Cồn Sơn (quận Bình Thủy), bà con không ngừng nâng chất, nghĩ ra những sản phẩm mới từ nét văn hóa bản địa.
Như trong một buổi tọa đàm tại Cồn Sơn được tổ chức mới đây, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng được mời để nói về chuyên đề khai thác tiếng nói đặc trưng địa phương trong phục vụ du lịch. Ông Nhâm Hùng cho biết: "Tôi rất bất ngờ trước sự nhạy bén, hợp thời của bà con Cồn Sơn. Dịch bệnh lắng xuống, bà con đã biết nắm bắt cơ hội để du lịch nổi lên". Theo ông, việc giữ bản sắc xứ cồn không chỉ ở môi trường sống, ẩm thực mà ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Những tiếng như "hen", "dìa", "dữ lắm", "no cành hông", "phải dị hôn"... sẽ tạo thiện cảm đặc biệt cho du khách.
Du lịch Cần Thơ đang vực dậy sau dịch COVID-19 bằng chính thực lực và chất lượng sản phẩm để níu chân du khách. Ví như mới đây, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đã đưa vào khai thác 5 tuyến xe buýt chất lượng cao trên địa bàn thành phố. Những chuyến xe công cộng tiện nghi với mức thu phí thấp không chỉ phục vụ người dân mà sẽ là phương tiện đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách khi đến với Cần Thơ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang có kế hoạch phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ tổ chức chương trình kích cầu du lịch vào cuối tháng 10 này. Dự kiến, sự kiện sẽ thu hút các nhà quản lý, kinh doanh du lịch cũng như du khách từ khắp nơi trên cả nước với nhiều hoạt động kết nối. Ông Đặng Tấn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: "Chương trình kích cầu du lịch này vẫn sẽ đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh và có phương án phù hợp du khách an tâm khi đến với Cần Thơ".
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, chia sẻ thêm: Đợt kích cầu du lịch lần này, du lịch Cần Thơ hướng đến việc liên kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội... trong việc quảng bá và thu hút du khách. Du lịch thành phố cũng sẽ xây dựng những sản phẩm kích cầu với giá hợp lý và hấp dẫn cùng với nhiều chính sách chăm sóc du khách. Trong đó, vấn đề chuỗi liên kết, hợp tác của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này từ vận chuyển, lữ hành, lưu trú đến khu/điểm du lịch... rất cần được khai thác, làm rõ để tạo sức mạnh tổng hợp.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, hệ thống du lịch thông minh của TP Cần Thơ thời gian qua phát huy hiệu quả khá tốt nên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên gia tăng hàm lượng thông tin du lịch Cần Thơ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch của thành phố quảng bá về đơn vị trên hệ thống. Ngoài ra, ngành du lịch thành phố cũng sẽ khai thác tối đa thế mạnh của truyền thông để quảng bá, tạo sức lan tỏa.
Hy vọng với sự chủ động, sáng tạo và đồng lòng từ nhà quản lý đến doanh nghiệp trong kích cầu, du lịch Cần Thơ sẽ sớm khôi phục, phát triển.
Việt Nam chuẩn bị kích cầu du lịch trở lại Chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 sẽ chú trọng đến yếu tố đảm bảo an toàn và sản phẩm hấp dẫn. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL), nhận định chương trình kích cầu du lịch lần 2 tiếp tục hướng đến khách du lịch nội địa, với mục tiêu xây dựng sản...