Kích cầu để du lịch hồi sinh
Nhiều điểm đến du lịch ở miền Trung đã mở cửa trở lại với nhiều chương trình miễn, giảm sâu phí tham quan để thu hút du khách
Trước tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, các tỉnh, thành miền Trung đang khởi động lại hoạt động du lịch. Tại TP Hội An và Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam – hai điểm đến yêu thích của du khách – chính quyền địa phương đã mở cửa trở lại các điểm tham quan.
Tạo đà khôi phục
Những ngày qua, du khách đến TP Hội An được tham quan miễn phí một số điểm như: chùa Cầu, chùa Ông, bảo tàng làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa nước Cẩm Thanh, Cù lao Chàm… Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, sẽ không có các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP Hội An, cho hay do chưa có khách quốc tế, khách nội địa còn dè dặt nên địa phương quyết định chưa triển khai bán vé tại các điểm tham quan. Dù vậy, TP Hội An đang dần đưa một số hoạt động văn hóa – văn nghệ như hô hát bài chòi, các trò chơi dân gian hoạt động trở lại để làm ấm không gian phố cổ.
Tại huyện Duy Xuyên, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn bắt đầu khôi phục hoạt động, bán vé cho khách tham quan. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, việc mở cửa trở lại là cần thiết để khởi động, tạo không khí kích cầu cho điểm đến này.
Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng tại tỉnh Quảng Bình cũng vừa đón khách trở lại sau những ngày đóng cửa vì dịch Covid-19. Nhiều đơn vị khai thác các tuyến, tour du lịch, khách sạn, nhà hàng và những dịch vụ vui chơi, giải trí cũng bắt đầu hoạt động.
Video đang HOT
Tại TP Đà Nẵng, Bà Nà – điểm tham quan vốn thu hút nhiều du khách – cũng vừa mở cửa trở lại và giảm giá vé 50%. Trong khi đó, để tạo đà khôi phục du lịch sau dịch và thu hút khách trở lại, trong các ngày nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5, tỉnh Thừa Thiên – Huế quyết định mở cửa cho du khách tham quan tự do các di tích.
Điểm đến Kỳ Co ở tỉnh Bình Định hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ. Ảnh: ĐỨC ANH
Nhiều giải pháp mạnh mẽ
Để khởi động lại thị trường, Sở Du lịch TP Đà Nẵng đã chuẩn bị các chương trình kích cầu, tìm sản phẩm mới, tiếp cận các thị trường tiềm năng, liên kết du lịch theo vùng miền. Đến nay, gần 100 khách sạn từ 3 đến 5 sao ở Đà Nẵng đã giảm giá lưu trú, dịch vụ vận chuyển…
Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết trong quý II/2020, sở tập trung xây dựng chuyên đề phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế đêm, tổ chức thí điểm phố đêm tại quận Ngũ Hành Sơn; quảng bá điểm đến ở các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia… Bên cạnh đó, sở cũng đang lên kế hoạch tổ chức lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng” dự kiến vào tháng 6.
Theo ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, tỉnh sẽ chuẩn bị các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn, giảm giá sâu để chuyển cơ cấu từ khách quốc tế sang khách nội địa. Với mức giá rẻ và điều kiện thuận lợi, du khách có thể được trải nghiệm các sản phẩm du lịch cao cấp, như chinh phục Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới. Tỉnh Quảng Bình cũng khẩn trương thực hiện chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành, tạo điều kiện phục hồi du lịch, dịch vụ.
Tại Quảng Ngãi, trong cuộc họp cuối tháng 4 vừa qua, các ngành chức năng của tỉnh đã đưa ra 3 kịch bản về phát triển du lịch trên địa bàn. Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đưa ra đề án phục hồi kích cầu phát triển du lịch trong thời gian tới; kiến nghị với trung ương triển khai các cơ chế, gói hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, giá điện, thời gian nộp BHXH; giảm chi phí cho các hãng bay tại sân bay Phú Bài.
Thừa Thiên – Huế dự kiến tổ chức hội nghị lữ hành toàn quốc trong tháng 5 để kết nối với các doanh nghiệp du lịch; giảm giá vé tham quan các di tích; tặng sản phẩm dịch vụ kèm theo tại cơ sở lưu trú; tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ trong tỉnh để cung cấp những chương trình, sản phẩm trọn gói hấp dẫn, giá cả ưu đãi; chuẩn bị các lễ hội, sự kiện để thu hút du khách như Festival Huế 2020, Lễ hội Huế – Kinh đô ẩm thực, Lễ hội Huế – Kinh đô áo dài… Trước mắt, Thừa Thiên – Huế sẽ tập trung chủ yếu thị trường khách nội địa. Về lâu dài, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút du khách từ các vùng không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bình Định xây dựng du lịch xanh, sạch, đẹp
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt đề án Bảo đảm môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết mục tiêu của đề án là xây dựng môi trường du lịch Bình Định theo hướng phát triển bền vững, an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Vài năm trở lại đây, tỉnh Bình Định phát triển hạ tầng nhanh chóng và trở thành điểm đến giàu sức hút với vẻ đẹp đặc trưng, có nhiều nét hoang sơ, trong lành, bình yên, con người thân thiện, ẩm thực phong phú. Bình Định có nhiều điểm đến rất hấp dẫn như: Eo Gió, Kỳ Co, Cù Lao Xanh, chùa Ông Núi…
Thái Lan lên kế hoạch kích cầu du lịch nội địa
Hội đồng Du lịch Thái Lan cho rằng, du lịch nội địa cần được quảng bá trong khi chờ đợi sự tăng trưởng trở lại của khách du lịch nước ngoài.
Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) đang chuẩn bị khởi động chiến dịch có tên gọi "Chúng tôi yêu Thái Lan" (We Love Thailand) để kích cầu du lịch nội địa trong trường hợp nước này kiểm soát được dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Khách du lịch tham quan Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: AFP).
Theo Chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan, ông Chairat Trirattanajarasporn, chiến dịch vận động này được Hội đồng Du lịch Thái Lan thực hiện với sự phối hợp của Bộ Du lịch và Thể thao cùng Tổng Cục Du lịch nước này, sẽ quảng bá những sản phẩm địa phương và địa điểm du lịch mới. Hội đồng Du lịch Thái Lan cho rằng, du lịch nội địa cần được quảng bá trong thời gian từ 1 đến 2 năm trong khi chờ đợi sự tăng trưởng trở lại của khách du lịch nước ngoài.
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng đang có ý tưởng cung cấp những gói nghỉ dài ngày cho khách du lịch nước ngoài muốn đến những địa điểm không có dịch bệnh trong quý cuối cùng của năm 2020 nơi ấm áp hơn.
Du lịch là động lực tăng trưởng của Thái Lan trong những năm gần đây. Trước khi bùng phát dịch Covid-19, quốc gia Đông Nam Á này hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp ít nhất 20% GDP trong năm 2020. Tuy nhiên, du lịch là ngành đầu tiên ở Thái Lan phải hứng chịu tác động của dịch Covid-19 ngay từ cuối tháng 1/2020.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào tháng 3/2020 khi Chính phủ Thái Lan áp đặt các hạn chế về đi lại nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, tổng doanh thu từ du khách nước ngoài và du lịch nội địa năm 2020 có thể chỉ đạt 1.120 tỷ bạt (tương đương khoảng 34,55 tỷ USD), giảm 62,8% so với mức 3.010 tỷ bạt (khoảng 92,85 tỷ USD) năm 2019.
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, Thái Lan ngày 4/5 xác nhận thêm 18 ca mắc và không có thêm trường hợp tử vong nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2 nghìn 987 ca, trong đó có 54 trường hợp tử vong, 2.470 bệnh nhân được chữa khỏi, trong khi còn 193 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 Thái Lan cũng chưa xác nhận thông tin về 40 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại tỉnh biên giới phía Nam Yala thông báo ngày hôm qua (3/5) do cần phải tiến hành xét nghiệm lại./.
Khách sạn ồ ạt giảm giá Giảm giá phòng ở hoặc tung combo gói nghỉ dưỡng với giá ưu đãi để thu hút khách lưu trú giai đoạn sau cách ly xã hội. Sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động vì không có khách lưu trú do dịch bệnh, hiện nay nhiều khách sạn đồng loạt giảm giá sâu để hút khách lưu trú. Khách sạn 4 sao...