Kịch bản Triều Tiên có biến
Trung Quốc bắt đầu cân nhắc các kịch bản nhằm ứng phó trường hợp xảy ra biến cố đột ngột tại nước láng giềng CHDCND Triều Tiên.
Cuộc tập trận mùa đông vào cuối năm 2013 của Quân khu Thẩm Dương – Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Theo tạp chí Kanwa Defense Review của Canada, chuyên về quân sự khu vực Đông Bắc Á, số tháng 5.2014, ngày càng có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang xem xét các biện pháp ứng phó với trường hợp Bình Nhưỡng sụp đổ. Kể từ tháng 7.2013, có nhiều tài liệu nội bộ của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) viết về việc này. Các tài liệu đề cập đến Triều Tiên bằng cụm từ “một nước Đông Á láng giềng”, giả định rằng trong “những điều kiện hạt nhân” nhất định, nước này sẽ phải hứng chịu một cuộc tấn công của liên quân nước ngoài và Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp khác nhau để ứng phó.
Làn sóng tị nạn
Các tài liệu lưu hành nội bộ của PLA nhấn mạnh các viễn cảnh mà Trung Quốc phải đối mặt bao gồm một số lượng lớn các lãnh đạo chính trị và quân sự cao cấp, các binh sĩ tan hàng của nước láng giềng chạy qua biên giới và thậm chí cả trường hợp các đơn vị quân đội còn nguyên vẹn của Triều Tiên ùa vào lãnh thổ Trung Quốc. Theo Kanwa Defense Review, các tài liệu gọi họ là những “người tị nạn”, “người tị nạn chính trị” và “người tị nạn quân sự”, đồng thời kêu gọi các binh sĩ ở phòng tuyến thứ nhất và phòng tuyến thứ hai của PLA phải sẵn sàng chiến đấu.
Nếu các kịch bản này xảy ra, các binh sĩ ở phòng tuyến thứ nhất phải hành quân ngay đến biên giới và phong tỏa hoàn toàn khu vực, nhằm ngăn chặn số lượng khổng lồ người tị nạn tràn vào Trung Quốc. Các binh sĩ triển khai dọc phòng tuyến thứ hai phải kịp thời tiến lên phía trước và kiểm soát toàn bộ các hẻm núi, các đường cao tốc và cây cầu quan trọng, thiết lập vùng phong tỏa thứ hai dọc biên giới.
Video đang HOT
Theo Kanwa Defense Review, ngày càng có nhiều dấu hiệu về sự bất hòa giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sau vụ nhân vật số 2 ở CHDCND Triều Tiên Jang Song-thaek bị xử tử hồi cuối năm ngoái. Một tờ báo ở Hàn Quốc dẫn lời một người Triều Tiên đào tẩu tiết lộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây đã gọi biên giới Trung – Triều là “chiến tuyến thứ hai”. Tuy nhiên, theo Kanwa Defense Review, điều này không có gì mới bởi việc gọi biên giới với Trung Quốc là “chiến tuyến” đã có từ thời ông Kim Jong-il, xuất phát từ việc kiểm soát số lượng người chạy qua biên giới ngày càng tăng. Đây cũng là “chiến tuyến” mà Hàn Quốc sử dụng để thực hiện các hoạt động gián điệp chống lại Triều Tiên.
Bảo vệ yếu nhân
Các tài liệu nội bộ của PLA cũng dành ra những phần đặc biệt để đề cập vấn đề bảo vệ các “nhân vật quân sự và chính trị chủ chốt lưu vong” của CHDCND Triều Tiên. Theo đó, khi các binh sĩ thất trận, các đơn vị quân đội nguyên vẹn hoặc các lãnh đạo chính trị, quân sự chủ chốt của nước láng giềng Đông Á băng qua hoặc xin phép băng qua biên giới, họ phải được giải giáp hoàn toàn và đặt dưới sự bảo vệ đặc biệt của phía Trung Quốc. Đối với các nhân vật quân sự và chính trị chủ chốt, cần phải xác định danh tính của họ càng nhanh càng tốt. Kanwa Defense Review trích một đoạn trong tài liệu nhấn mạnh rằng: “Cần phải thực hiện các biện pháp tức thời để chuyển những người đó vào sâu trong nội địa Trung Quốc để bảo vệ họ và ngăn chặn họ bị sát hại bởi các điệp viên đối địch hoặc bởi những vấn đề an ninh khác”.
Các tài liệu nội bộ cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa các lãnh đạo chính trị, quân sự chủ chốt lưu vong với đất nước của họ và sự cần thiết phải kiểm soát các hoạt động này, nhằm ngăn cản họ tham gia vào cuộc đấu tranh trong nước, vốn có thể tạo ra cái cớ để các nước khác châm ngòi xung đột quân sự dọc biên giới của Trung Quốc. Theo Kanwa Defense Review, các khuyến nghị trên trước hết là tín hiệu rõ ràng rằng Trung Quốc không có ý định gây chiến với Mỹ vì những biến động ở Triều Tiên và chủ động tránh dính líu đến những thay đổi tại đây. Thứ hai, Trung Quốc cũng không có ý định cử một lượng lớn binh sĩ băng qua biên giới để tái lập một chế độ thân Bắc Kinh. Thứ ba, Trung Quốc không có ý định thiết lập một chính phủ CHDCND Triều Tiên lưu vong dưới bất kỳ hình thức nào. Các tài liệu cũng đề cập đến các chiến lược và biện pháp quan trọng để thiết lập các trại tị nạn dọc biên giới. Những khuyến nghị của quân đội có ý nghĩa quan trọng bởi ý kiến của PLA rất được tôn trọng trong những vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, xuất phát từ sự tổn thất xương máu nặng nề của họ trong chiến tranh Triều Tiên.
Tập trận khẩn cấp
Theo Kanwa Defense Review, trong 3 năm qua, Quân khu Thẩm Dương thường tiến hành các cuộc diễn tập lớn trong mùa đông. Nhằm phản ứng với tình trạng khẩn cấp ở Triều Tiên, các tập đoàn quân số 39 và số 16 đều nhiều lần diễn tập phong tỏa biên giới. Theo tờ Đại công báo ở Hồng Kông, việc Tập đoàn quân số 39 thuộc Quân khu Thẩm Dương tiến hành diễn tập khẩn cấp vào cuối tháng 4 là dấu hiệu gợi ý CHDCND Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 4. Tờ báo dẫn nguồn từ Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết Quân khu Thẩm Dương đã triển khai xe tăng, trực thăng chiến đấu và các đơn vị sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở gần biên giới với Triều Tiên vào ngày 21.4.
Tập đoàn quân số 39 từng tham gia chiến tranh Triều Tiên là một trong những đơn vị phản ứng trước nhất của PLA trong trường hợp nổ ra khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Vào tháng 12 năm ngoái, tập đoàn quân này đã tiến hành cuộc diễn tập mùa đông với sự tham gia của 3.000 binh sĩ trên núi Trường Bạch nằm trên biên giới hai nước. Đây là thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong-un xử tử người dượng Jang Song-thaek vì tội phản đảng, phản cách mạng.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24.4 khẳng định Bắc Kinh có lợi ích lớn đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh rằng nước này sẽ “không cho phép bất ổn diễn ra ngay trước cửa ngõ”. Hải quân Trung Quốc cũng thông báo sẽ tiến hành tập trận ở vịnh Bột Hải và Hoàng Hải từ ngày 27.4 đến 4.5. Các hoạt động quân sự gần biên giới này giống với những gì xảy ra trước vụ thử hạt nhân thứ 3 vào tháng 2 năm ngoái của CHDCND Triều Tiên.
Triều Tiên thay nhân vật số 2 Ngày 2.5, hãng thông tấn KCNA đưa tin lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vừa bổ nhiệm Phó nguyên soái Hwang Pyong-so làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội Triều Tiên, thay ông Choe Ryong-hae, người được cho là nhân vật số 2 của nước này. Ông Hwang được giao vị trí mới chỉ 5 ngày sau khi được phong hàm phó nguyên soái. Theo Yonhap, ông Hwang, người được cho là thân tín của ông Kim, ngày càng trở nên nổi bật ở Triều Tiên, còn ông Choe ngày càng ít xuất hiện trước công chúng. KCNA không nói rõ lý do ông Choe rời chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Việc thay đổi nhân sự diễn ra 6 ngày sau khi KCNA đưa tin ông Kim chỉ trích một đơn vị quân đội vì không chuẩn bị cho tình trạng sẵn sàng tác chiến và nhấn mạnh chi bộ đảng của đơn vị phải chịu trách nhiệm, một tuyên bố được cho là nhắm vào ông Choe.
Theo TNO
Trận chiến cuối cùng của Mỹ ở Đông Dương - Kỳ 2: Giải cứu những người giải cứu
Những người lính Mỹ được giao nhiệm vụ giải cứu tàu hàng Mayaguez khỏi tay Khmer Đỏ lại trở thành những người cần được giải cứu.
Tổng thống Gerald Ford (bìa trái) cùng các cố vấn chờ báo cáo về chiến dịch giải cứu tàu Mayaguez đêm 14.5.1975 - Ảnh: Gerald R.Ford Library
Ngay khi Mỹ bắt đầu chiến dịch tấn công đảo Koh Tang để giải cứu tàu hàng Mayaguez cùng thủy thủ đoàn vào ngày 15.5.1975, Khmer Đỏ đã phóng thích toàn bộ các thủy thủ. Do đó, các lính thủy đánh bộ đang giao chiến được lệnh rút khỏi hòn đảo.
Chiến dịch di tản
Khi chiến dịch di tản bắt đầu với vỏn vẹn 4 chiếc trực thăng HH-53 còn khả năng cất cánh, bóng đêm đã buông xuống nhưng Khmer Đỏ vẫn tấn công không ngừng nghỉ. Trong chuyến rút quân cuối cùng, chỉ huy nhóm lính được yêu cầu đếm số lượng binh sĩ để bảo đảm rằng đây sẽ là lần di tản cuối cùng và không có ai bị bỏ lại. Viên chỉ huy kết luận toàn bộ các lính thủy đánh bộ đã được kiểm kê và chiếc trực thăng cất cánh bay ra tàu khu trục USS Harold E.Holt. Tuy nhiên, lần kiểm kê cuối cùng trên tàu cho ra kết quả choáng váng: có 3 lính thủy đánh bộ vẫn còn mất tích. Những lời kể của nhân chứng trong vài năm gần đây tiết lộ rằng 3 binh sĩ trên vẫn còn sống khi bị bỏ lại. Đây là 3 binh sĩ thuộc nhóm súng máy chịu trách nhiệm yểm trợ việc di tản của các đồng đội. Khi được nhìn thấy lần cuối cùng, họ đang chuẩn bị rời vị trí để di tản. Trong cuộc phỏng vấn với báo Stars and Stripes năm 2012, chỉ huy Khmer Đỏ trong trận chiến ở Koh Tang Em Son nói rằng 3 binh sĩ bị bắt và bị giết chết sau đó. Theo tờ báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngay sau trận chiến, lực lượng Navy SEAL và lính thủy đánh bộ đã yêu cầu mở chiến dịch giải cứu những người bị bỏ lại song không được chấp thuận. Các tàu hải quân Mỹ được lệnh rút khỏi khu vực, khép lại một thời kỳ can dự bi thảm của Mỹ tại Đông Dương.
Hy sinh 41 để cứu 40
Ngay khi cuộc giải cứu kết thúc, báo cáo đầu tiên của chính phủ Mỹ cho biết có một binh sĩ tử trận và thông tin về những người mất tích hoặc bị thương vẫn chưa rõ ràng nên chưa thể ước lượng. Báo chí và dư luận Mỹ tỏ ra hân hoan với kết quả của chiến dịch. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, Nhà Trắng bắt đầu "nói lại" về số thương vong. Ngày 18.5.1975, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger thông báo có 5 người chết, 16 người mất tích và từ 70 đến 80 người bị thương. Con số tiếp tục gia tăng vào ngày 20.5, khi Trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia kết luận có tổng cộng 15 người tử trận, 3 người mất tích và 50 người bị thương. Ngày kế tiếp, báo chí Mỹ khui ra vụ tai nạn trực thăng rơi trong giai đoạn chuẩn bị ở Thái Lan khiến 23 quân nhân tử nạn. Tiết lộ này làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ giới truyền thông. Thư ký báo chí Nhà Trắng Ron Nessen sau đó giải thích rằng những người chết không được đưa vào trong báo cáo vì họ không trực tiếp liên quan đến chiến dịch Mayaguez. Tuy nhiên, các thành viên quốc hội và báo chí nhanh chóng xoáy vào chi tiết rằng tổng cộng 41 người đã hy sinh để giải cứu 40 thủy thủ. Theo ước lượng của Mỹ, có từ 13 đến 25 lính Khmer Đỏ chết trong trận chiến ở Koh Tang.
Những lời chỉ trích khác thì nói việc oanh tạc các cơ sở trong đất liền của Campuchia là không cần thiết và chính quyền đã phát động một chiến dịch mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Cụ thể, thông tin tình báo trong vụ việc là một thất bại thảm hại khi ước lượng chỉ có từ 10 đến 20 lính Khmer Đỏ có mặt trên đảo Koh Tang song thực tế có đến hơn 200 người trang bị vũ khí hạng nặng. Tình báo Mỹ cũng không nắm được thông tin các thủy thủ tàu Mayaguez được chuyển vào đất liền trước khi chiến sự nổ ra. Tổng thống Ford bị chỉ trích vì đã cử binh sĩ tham chiến khi chưa nắm rõ tình hình thực địa. "Thông tin tình báo cho biết chúng tôi chỉ phải đối mặt với vũ khí hạng nhẹ và khoảng 15 kẻ địch trên hòn đảo. Chúng tôi được nói rằng nhiệm vụ dễ như ăn kẹo và chúng tôi sẽ kịp trở về dùng bữa trưa", Steve Simoni, một binh sĩ sống sót, kể lại với báo Stars and Stripes vào năm 2013. Những phân tích sau trận chiến nhận xét các binh sĩ không được yểm trợ đầy đủ bởi các máy bay của không quân không thể xác định vị trí của họ, do thiếu thốn dữ liệu bản đồ.
Hậu quả của cuộc giải cứu không chỉ dừng lại ở con số thương vong mà còn thể hiện qua những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Mỹ - Thái Lan. Cho đến nay, Gerald Ford vẫn được người Thái Lan nhớ đến như là Tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất xâm phạm chủ quyền nước này. Lính thủy đánh bộ Mỹ đã được điều đến căn cứ U-Tapao bất chấp việc Bangkok từ chối cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ để tấn công Campuchia. Bực tức trước hành động của Washington, chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Mỹ rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi nước này vào tháng 6.1976.
Sự kiện Mayaguez, cùng với chiến dịch giải cứu con tin thất bại ở Iran năm 1980, đã vạch rõ những khiếm khuyết trong cấu trúc chỉ huy và phối hợp tác chiến liên quân của quân đội trong các chiến dịch đặc biệt. Những cải cách sâu rộng được thực hiện sau đó đã dẫn đến việc thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch đặc biệt của Mỹ ngày nay.
Theo TNO
Thị trưởng Kharkov bị ám sát Thị trưởng Gennady Kernes của Kharkov, thành phố lớn thứ hai ở Ukraine đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi bị bắn vào hôm qua. Reuters dẫn lời giới chức địa phương cho biết ông Kernes, một người thân Nga, bị những tay súng lạ mặt bắn từ phía sau lưng trong lúc đi xe đạp. Các tay súng thân...