Kịch bản tồi tệ nếu Mỹ tấn công Triều Tiên đáp trả vụ thử hạt nhân
Một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Triều Tiên có thể sẽ phải trả giá bằng hàng chục nghìn sinh mạng dân thường Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị nhiệt hạch. Ảnh: KCNA.
Bất chấp những lời đe dọa từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ thực tế vẫn không có lựa chọn quân sự nào khả thi để đối phó với Triều Tiên, chuyên gia nhận định.
Sau khi Bình Nhưỡng hôm 3/9 thử hạt nhân lần thứ 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ “có rất nhiều lựa chọn quân sự” trước Triều Tiên. Ông đồng thời đe dọa sẽ trả đũa quân sự mạnh mẽ Triều Tiên nếu lãnh thổ Mỹ và các đồng minh bị tấn công, theo CNN.
Nhưng bất kỳ động thái quân sự nào từ phía Mỹ cũng có thể đặt tính mạng hàng triệu người dân tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, vào nguy hiểm. Vậy nên, kịch bản trên khó lòng xảy ra, giới phân tích đánh giá.
“Chúng ta luôn có các lựa chọn quân sự nhưng chúng vô cùng tồi tệ”, Mark Hertling, tướng quân đội Mỹ về hưu, nhận xét.
Seoul trong tầm ngắm
Theo cây bút Brad Lendon từ CNN, suốt nhiều năm qua, việc Bình Nhưỡng duy trì một lực lượng pháo binh hùng hậu có khả năng tấn công bao trùm Seoul, khu đô thị sầm uất 25 triệu dân, luôn là vấn đề cản trở Mỹ mỗi khi cân nhắc các lựa chọn quân sự nhằm vào Triều Tiên.
Chuyên gia cho rằng với đội pháo binh của mình, Triều Tiên đủ sức khiến ít nhất hàng chục nghìn sinh mạng dân thường Hàn Quốc thương vong nhằm đáp trả một cuộc tấn công từ phía Mỹ.
Video đang HOT
Hành động của Triều Tiên khi thử nghiệm quả bom nhiệt hạch có sức công phá lớn nhất từ trước tới nay hồi cuối tuần trước không làm thay đổi thực tế trên. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định cuộc thử nghiệm chưa phải bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã trở thành một mối đe dọa tức thì đối với Mỹ và đồng minh.
Theo Hertling, Mỹ không cần làm bất cứ điều gì quá quyết liệt để đối phó Triều Tiên. “Liệu Triều Tiên lúc này có phải mối đe dọa đối với sự tồn tại của Mỹ cũng như đồng minh không ư? Không hề”, ông nhấn mạnh.
Thách thức công nghệ
Dù Triều Tiên thử thành công một quả bom nhiệt hạch dưới lòng đất hay phóng thành công tên lửa đạn đạo với tầm bắn vươn tới đất liền Mỹ, chưa có dấu hiệu nào chỉ ra rằng Bình Nhưỡng đủ khả năng kết hợp hai bước tiến bộ trên vào cùng một hệ thống, Lendon đánh giá.
Theo ông Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, một cuộc thử nghiệm thành công chỉ cho thấy Triều Tiên đã chế tạo được vũ khí, không đồng nghĩa với việc họ có thể sử dụng chúng ngay lập tức.
Song nhiều người tỏ ra cảnh giác bởi không ai chắc chắn chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thật sự đang nắm những vũ khí gì trong tay.
“Nếu chúng ta tấn công họ sau khi họ sở hữu vũ khí hạt nhân, đó không phải một cuộc chiến tranh phòng ngừa, đấy đơn giản chỉ là một cuộc chiến tranh hạt nhân xưa cũ”, ông Jeffrey Lewis, chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, bình luận.
Theo ông Bruce Bennett, nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về Triều Tiên tại RAND Corporation, nếu Mỹ tiếu tục để Triều Tiên phát triển tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, Washington tương lai chắc chắn sẽ rơi vào thế bị Bình Nhưỡng mặc cả, gây sức ép.
“Triều Tiên có thể yêu cầu Mỹ không điều các lực lượng truyền thống tới Hàn Quốc, đe dọa kích hoạt vũ khí hạt nhân nhằm vào những thành phố Mỹ nếu Mỹ gửi quân”, Bennett nhấn mạnh.
Ngay cả như vậy, Mỹ hiện tại vẫn không ở vào thế có thể phát động một chiến dịch quân sự mang lại thắng lợi nhanh chóng trên chiến trường ở bán đảo Triều Tiên, giới phân tích nhận xét. Họ cần nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, để điều động thêm quân và khí tài tới khu vực.
Oanh tạc cơ B-52 Mỹ đậu tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Ảnh: US Air Force.
Theo chuyên gia, đòn tấn công đầu tiên nhiều khả năng có sự tham gia của các chiến đấu cơ, ví dụ như máy bay ném bom B-2 hoặc B-52 đóng tại đảo Guam hay, siêu tiêm kích tàng hình F-22. Mỹ cũng cần thêm chiến hạm và tàu ngầm trang bị tên lửa Tomahawk nếu muốn xuyên thủng hệ thống phòng không Triều Tiên, mở đường cho các oanh tạc cơ. Tiếp đó, Washington cần dồn một lượng quân áp đảo tới Triều Tiên nhằm chiếm quyền kiểm soát các cứ điểm quan trọng nơi Bình Nhưỡng bố trí vũ khí hạt nhân.
Mỹ “hiện không có lực lượng bổ sung”, ông Schuster hôm qua nói.
Nhưng Mỹ cũng đang triển khai một số hệ thống phòng thủ, ví dụ như hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hay Aegis, tại khu vực để bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản trước đòn tấn công phủ đầu từ Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa “vẫn còn thời gian cho các biện pháp ngoại giao”, ông Hertling nhận định.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trung Quốc 'không để chiến tranh, hỗn loạn xảy ra ở bán đảo Triều Tiên'
Trung Quốc cho rằng tình hình bán đảo Triều Tiên "đang rơi vào vòng luẩn quẩn" và tuyên bố không để chiến tranh xảy ra tại khu vực.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Jieyi. Ảnh: UN.
"Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang liên tục xấu đi trong lúc chúng ta đàm phán, rơi vào một vòng luẩn quẩn", AFP dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Jieyi hôm nay nói. "Vấn đề bán đảo Triều Tiên cần được giải quyết hòa bình. Trung Quốc sẽ không báo giờ cho phép chiến tranh và hỗn loạn xảy ra trên bán đảo này".
Phát biểu trên được đưa ra trong phiên họp khẩn do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức để tìm biện pháp đáp trả việc Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 hôm 3/9, uy lực nhất kể từ năm 2006. Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc là các bên đề nghị Liên Hợp Quốc họp khẩn.
Ông Liu kêu gọi Triều Tiên "dừng các hành động sai trái" và các bên "xem xét nghiêm túc" đề nghị từ Bắc Kinh về đình chỉ đồng loạt chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cùng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho rằng giải pháp quân sự không giúp giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Ông kêu gọi các bên "giữ cái đầu lạnh, kiềm chế, không có hành động khiến căng thẳng leo thang".
"Cách giải quyết vấn đề hạt nhân cùng những vấn đề khác ở bán đảo Triều Tiên có thể đạt được thông qua các kênh ngoại giao chính trị, bao gồm tăng cường nỗ lực trung gian của tổng thư ký Liên Hợp Quốc", ông Nebenzia nói.
Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lại kêu gọi Hội đồng Bảo an áp đặt "các biện pháp mạnh mẽ nhất có thể" với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần 6. Bà mô tả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "đang cầu xin chiến tranh".
"Bất chấp những nỗ lực của chúng ta, chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngày càng phát triển và nguy hiểm hơn bao giờ hết", bà Haley nói. "Chiến tranh không phải điều Mỹ muốn nhưng sự kiên nhẫn của Mỹ không phải vô hạn".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres "trông chờ Hội đồng Bảo an giữ đoàn kết và có hành động phù hợp về Triều Tiên", theo Jeffrey Feltan, người phụ trách các vấn đề chính trị của ông Guterres. Ông Feltan cảnh báo 15 thành viên Hội đồng Bảo an về "nguy cơ xảy ra hiểu lầm, tính toán sai lầm và leo thang khi căng thẳng gia tăng".
"Những diễn biến nghiêm trọng gần đây đòi hỏi có phản ứng phù hợp nhằm phá vòng lặp khiêu khích từ Triều Tiên. Một phản ứng như vậy phải có sự ngoại giao khôn ngoan và quả quyết để có hiệu quả", ông Feltan cho biết.
Như Tâm
Theo VNE
Hàn Quốc chấp thuận kế hoạch triển khai THAAD Bộ Môi trường Hàn Quốc chấp thuận cho triển khai THAAD sau khi đánh giá tác động môi trường của động thái này. Bộ phận đánh chặn thuộc hệ thống tên lửa THAAD trong một cuộc thử nghiệm. Ảnh: Reuters. Bộ Môi trường Hàn Quốc hôm nay quyết định chấp thuận có điều kiện kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên...