Kịch bản nào cho Ukraine sau cuộc chính biến?
Ukraine đang ở trong tình thế rối bời sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych chạy khỏi thủ đô Kiev và quốc hội bỏ phiếu phế truất ông.
Một khoảng trống quyền lực đã mở ra hôm 22/2, khi cảnh sát bất ngờ từ bỏ nhiệm vụ của họ xung quanh các tòa nhà chính phủ và cung điện tổng thống của ông Yanukovych, trong khi các đám đông tiếp tục tuần hành trên đường phố.
Các nguy cơ đối với Ukraine và 45 triệu dân của nước này rất lớn, và vận mệnh của đất nước giờ đây nằm trong một cuộc đấu chiến lược rộng lớn hơn giữa phương Tây và Nga.
Ai đang kiểm soát đất nước?
Người biểu tình thay cảnh sát bảo vệ các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Kiev.
Quốc hội Ukraine đã nhanh chóng lấp chỗ trống khi bổ nhiệm một đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko – ông Oleksandr Turchynov – làm tổng thống lâm thời.
Ông Turchynov đã hối thúc các nghị sĩ thống nhất về một chính phủ đoàn kết quốc gia vào ngày 25/2.
Nhưng trong các cuộc chia rẽ trong quá khứ, các nghị sĩ đã lâm vào các cuộc ẩu đả và phe đối lập của Tổng thống Yanukovych rất đa dạng.
Các nghị sĩ đã thống nhất tổ chức bầu cử sớm vào ngày 25/5. Bà Tymoshenko, đối thủ lâu đời của ông Yanukovych, có thể một lần nữa trở thành ứng viên nặng ký, mặc dù thời gian 2 năm rưỡi ngồi tù đã ảnh hưởng tới sức khỏe của bà.
Bà Tymoshenko từng là lãnh đạo của cuộc Cách mạng Cam năm 2004, vốn lật đổ ông Yanukovych một thập niên trước.
Tất cả đã chấm hết với ông Yanukovych?
Cựu Tổng thống Yanukovych không rõ đang ở đâu.
Rõ ràng là ông Yanukovych đã mất quyền kiểm soát tại Kiev và miền tây Ukraine, nhưng ông vẫn nhận được sự ủng hộ tại quê nhà – miền đông Ukraine phần lớn nói tiếng Nga.
Nhiều trong số các đồng minh đã từ bỏ ông. Nhưng Yanukovych khẳng định ông vẫn là tổng thống, và lên án các cuộc biểu tình là một cuộc đảo chính chống lại ông.
Hiện chưa rõ ông Yanukovych đang ở đâu, mặc dù ông này được tin là đang ở miền đông Ukraine, nơi giới chức địa phương cho biết họ vẫn làm chủ tình hình dù Kiev có quyết định làm gì.
Nếu bị bắt, ông Yanukovych có thể đối mặt với sự truy tố liên quan tới cái chết của những người biểu tình.
Video đang HOT
Cảnh sát và quân đội thì sao?
Lực lượng cảnh sát chống bạo động đã chống lại người biểu tình ở Kiev.
Cảnh sát giờ đây tuyên bố trung thành với phe đối lập, sau nhiều tuần chống lại lực lượng biểu tình tại trại biểu tình chính ở Quảng trường Độc lập.
Quân đội đã cam kết vẫn trung lập trong cuộc khủng hoảng. Vì vậy một cuộc trấn áp của quân đội nhiều khả năng không diễn ra.
Giờ đây, đang có nhiều áp lực nhằm đưa các tay súng bắn tỉa của cảnh sát ra công lý, sau khi họ bị ghi hình nổ súng vào những người biểu tình.
Lực lượng cảnh sát chống bạo động Berkut đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì bảo vệ Tổng thống Yanukovych và đánh người biểu tình.
Những gương mặt nào đáng chú ý?
Vitali Klitschko.
Chính trị gia Vitali Klitschko, nhà cựu vô địch quyền anh có quan điểm ủng hộ hội nhập châu Âu và phản đối liên kết với Nga, hiện được xem là ứng viên nặng ký cho ghế tổng thống.
Không giống nhiều chính trị gia Ukraine, ông Klitschko không bị vướng vào tiếng xấu tham nhũng và đã chỉ trích Tổng thống Yanukovych trong nhiều năm, cáo buộc ông lãnh đạo đất nước như một lãnh địa cá nhân, bổ nhiệm vào đồng minh thân thiết vào các vị trí then chốt.
Bà Tymoshenko.
Còn bà Yulia Tymoshenko đã bị phạt tù từ năm 2011 vì lạm dụng quyền lực. Bà nói rằng các cáo buộc này là nhằm ngăn cản bà tham gia chính trị.
Bà Tymoshenko có nhiều đồng minh trong quốc hội, trong đảng Tổ quốc của bà, nhưng vai trò của bà với tư cách là thủ tướng sau Cách mạng Cam đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều nhà hoạt động đối lập không coi bà là người hùng và hiện chưa rõ bà có đóng vai trò gì trong chính quyền Ukraine sắp tới hay không.
Arseniy Yatsenyuk (trái) và Oleksandr Turchynov.
Có thể xảy ra một cuộc ganh đua giữa 2 đồng minh hàng đầu của bà Tymoshenko là Arseniy Yatsenyuk và Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov.
Ông Yatsenyuk đã trở thành gương mặt nổi bật hơn trong các cuộc biểu tình trên đường phố, nhưng ông Turchynov giờ đây dường như đã nắm các đòn bẩy quyền lực.
Ông Yatsenyuk, một luật sư, đã giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ tiền nhiệm của ông Yanukovych và là nhà thương thuyết hàng đầu của đảng Tổ quốc trong cuộc khủng hoảng này. Ông Yatsenyuk muốn Ukraine thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với EU.
Oleh Tyahnybok.
Còn ông Turchynov cũng là một đồng mình lâu đời của bà Tymoshenko, đã có kinh nghiệm hoạt động trong chính phủ. Ông này từng là giám đốc cơ quan an ninh quốc gia (SBU). Ông Turchynov là một giáo sư kinh tế và từng học luyện kim tại Dnipropetrovsk, một trung tâm của ngành công nghiệp nặng tại Ukraine.
Ông Oleh Tyahnybok, từ đảng cực hữu Svoboda, cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình. Các nhà hoạt động của Svoboda tự xem mình là những người yêu nước muốn xóa bỏ tham nhũng.
Svoboda (có nghĩa là Tự do) là đảng lớn thứ 4 trong quốc hội và căn cứ ủng hộ của đảng này nằm ở miền tây Ukraine, vốn là vùng trung tâm của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Ở miền nam và miền đông Ukraine, đảng này bị xem là cực đoan.
Có nguy cơ Ukraine bị chia rẽ?
Bản đồ bên trái: Vùng màu đỏ và hồng là vùng ủng hộ bà Tymoshenko, màu xanh là ủng hộ cựu Tổng thống Yanukovych. Bản đồ bên phải: Vùng màu vàng đậm có trên 50% người dân coi tiếng Nga như tiếng bản địa.
Đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy có nguy cơ Ukraine bị chia rẽ. Tại thành phố Kharkiv ở miền đông chủ yếu nói tiếng Nga, các lãnh đạo địa phương cho biết họ không muốn tách ra khỏi Ukraine, nhưng nghi ngờ về tính hợp pháp của quốc hội tại Kiev. Miền đông là nơi ông Yanukovych có nhiều sự ủng hộ nhất.
Phe đối lập phản đối Tổng thống Yanukovych rất mạnh ở miền tây Ukraine và kiểm soát chính trị tại Lviv, Ternopil và các thành phố khác. Không rõ làm thế nào để Kiev sẽ tái lập quyền kiểm soát tại các khu vực còn lại.
Phản ứng của quốc tế
Ukraine chịu ảnh hưởng nhiều của người láng giềng Nga.
Nga rõ ràng là không hài lòng về các diễn biến ở Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên án “các nhóm cực đoan bất hợp pháp” tại Kiev, những người mà ông nói là giành quyền lực thông qua việc đồng lõa với các lãnh đạo đối lập.
Mátxcơva cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng tồi tệ của nền kinh tế Ukraine. Nga đã ngừng cung cấp khoản giải ngân tiếp theo trong gói cho vay trị giá 15 tỷ USD cho Ukraine vì sự bất ổn chính trị.
Trong khi đó, EU tuyên bố sẵn sàng trợ giúp tài chính đáng kể cho Ukraine ngay khi nước này có một chính phủ dân chủ mới. Nhưng cho tới nay, EU vẫn không đưa ra gì khác ngoài đề nghị bằng khoản vay của Nga.
Một bước đi quan trọng mang tính biểu tượng có thể là ký kết thỏa thuận liên kết EU-Ukraine mà ông Yanukovych đã đột ngột từ chối ký kết hồi tháng 11 năm ngoái – hành động vốn gây ra các cuộc biểu tình đường phố quy mô lớn.
Theo Dantri
Xe chở Tổng thống Ukraine bị trúng đạn
Xe chở Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hôm qua đã bị trúng đạn sau khi có tin Quốc hội nước này bỏ phiếu phế truất ông vì không có mặt tại Dinh Tổng thống mà lánh xuống khu vực phía Đông.
Những hình ảnh trên truyền hình ngày 22/2 cho thấy Tổng thống Yanukovych không bị thương sau vụ tấn công.
Phát biểu với kênh truyền hình địa phương UBR, ông Yanukovych xác nhận xe chở ông đã bị bắn nhưng không gây hề hấn gì.
"Xe của tôi đã bị bắn nhưng tôi không sợ mà chỉ cảm thấy buồn cho đất nước", vị tổng thống thân Nga phát biểu trên truyền hình. Ông cũng khẳng định không có ý định từ chức hay rời khỏi đất nước.
"Tôi không rời đất nước để đến bất cứ nơi nào. Tôi không định từ chức. Tôi vẫn là tổng thống do dân bầu một cách hợp pháp", ông tuyên bố.
Ông cho rằng các diễn biến vừa qua ở Kiev mang đầy đủ dấu hiệu của một cuộc đảo chính và các quyết định mà Quốc hội thông qua trong ngày 22/2 là bất hợp pháp.
Trước đó, Quốc hội gồm 450 ghế của Ukraine đã bỏ phiếu thông qua việc quay lại với bản Hiến pháp năm 2004, trả tự do cho lãnh đạo phe đối lập đang ngồi tù, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và phế truất Tổng thống Yankovych với lý do ông tự ý rời bỏ nhiệm sở. Quốc hội cũng ấn định sẽ tiến hành bầu cử vào ngày 25/5 tới.
Lý giải về sự vắng mặt của mình, Tổng thống Yanukovych nói rằng ông đến thành phố Kharkiv để tiếp xúc với người dân. Ông bị phát hiện không có mặt ở Kiev khi những người biểu tình tràn vào Dinh Tổng thống.
Trước những diễn biến xấu đi nhanh chóng ở Ukraine, Nhà Trắng đã hối thúc các phe phái ở nước này khẩn trương thành lập chính phủ đoàn kết và khôi phục trật tự sau các cuộc bạo loạn đẫm máu làm gần 100 người chết và hơn 550 người bị thương.
"Chúng tôi kiên trì ủng hộ xuống thang bạo lực, thay đổi hiến pháp, thành lập chính phủ liên minh và tiến hành bầu cử sớm", người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Trong cuộc điện đàm, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho rằng thỏa thuận chấm dứt xung đột vừa được các bên ở Ukraine ký kết "đã bị giảm giá trị nghiêm trọng" do những động thái căng thẳng mới nhất của phe đối lập và việc lực lượng cảnh sát Ukraine tuyên bố sẽ quay sang ủng hộ người biểu tình.
Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Tổng thống Ukraine bị ngăn không cho bay ra nước ngoài Cơ quan kiểm soát biên giới Ukraine ngày 22.2 cho biết các cận vệ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã cố hối lộ cho các nhân viên cơ quan này để ông Yanukovych bay khỏi đất nước, nhưng đã bị ngăn chặn lại. Người biểu tình tập trung ở quảng trường Độc Lập, thủ đô Kiev, Ukraine ngày 22.2 - Ảnh: AFP...