Kịch bản nào cho Mỹ sau “cơn địa chấn” rung chuyển Trung Đông
Mỹ tỏ ra lưỡng lự trước “cơn địa chấn” chính trị ở Syria, nơi một chính quyền mới đang hình thành sau cuộc nổi dậy bất ngờ của phe đối lập.
Trong một sự kiện được ví như “cơn địa chấn” rung chuyển Trung Đông, các nhóm đối lập bất ngờ lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm của Syria, Tổng thống Bashar al-Assad, vào ngày 8/12, khiến ông phải rời đất nước để tới Nga tị nạn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo các nhóm đối lập Syria, đồng thời cho biết Washington sẽ theo dõi hành động của các nhóm này. Tuy nhiên Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng Mỹ không nên can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria lúc này.
“Bóng dáng” của Mỹ ở Syria
Lực lượng Mỹ tuần tra các mỏ dầu ở biên giới đông bắc Syria gần Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP).
Sự can dự của Mỹ vào Syria bắt đầu từ ít nhất vào năm 2011, khi Mùa xuân Ả Rập, một phong trào phản đối dân chủ ở Trung Đông, nổ ra và lan sang Syria.
Điều này đã thúc đẩy một cuộc trấn áp của chính phủ Syria, do nhà lãnh đạo Syria al-Assad lãnh đạo. Một số người biểu tình sau đó đã trở thành một phần của các nhóm đối lập ở Syria và chiến đấu chống lại chính quyền Assad, dẫn đến nội chiến. Mỹ ngay lập tức áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính nặng nề đối với chính phủ Syria.
Năm 2013, Mỹ bắt đầu cung cấp vũ khí cho một số nhóm đối lập đang chống lại chính quyền Assad. Vào thời điểm này, quân đội Syria cũng đã vượt qua “lằn ranh đỏ” do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt ra khi bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
Bất chấp áp lực thực thi lằn ranh đỏ, ông Obama đã chọn không can thiệp sau khi Tổng thống Assad đồng ý tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria – một cam kết mà chính quyền Syria bị cho là đã không thực hiện đầy đủ.
Năm 2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tiếp quản một số khu vực của Syria. Mỹ đã triển khai lực lượng trực tiếp để chống lại IS vào năm 2015. Đến năm 2019, Mỹ đã làm suy yếu nghiêm trọng IS và thu hẹp sự hiện diện của tổ chức này.
Mỹ không ủng hộ tính hợp pháp của chính quyền Assad, nhưng Washington đã chấp nhận việc Tổng thống Assad nắm quyền ở Syria.
Hiện tại, Mỹ vẫn can dự vào Syria theo nhiều cách.
Đầu tiên, Mỹ triển khai khoảng 2.000 quân ở Syria để ngăn chặn IS tập hợp lại.
“Những lực lượng này, tăng cường cho nhiệm vụ đánh bại IS, đã có mặt ở đó trước khi chính quyền Assad sụp đổ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói với các phóng viên hôm 19/12.
Thứ hai, Mỹ đã cung cấp hơn 1 tỷ USD viện trợ quân sự cho các nhóm vũ trang ôn hòa hơn chống lại sự kiểm soát của chính quyền Assad. Phần lớn khoản viện trợ này đã được chuyển cho Lực lượng Dân chủ Syria, một lực lượng quân sự do người Kurd lãnh đạo, một nhóm sắc tộc thiểu số kiểm soát đông bắc Syria và đã hợp tác chặt chẽ với Washington để chống lại IS trong khi vẫn duy trì sự phản đối đối với chính quyền Assad.
Thứ ba, Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt tài chính nặng nề đối với chính quyền Syria kể từ năm 2011.
Thứ tư, Mỹ đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Syria trong cuộc nội chiến kéo dài 13 năm tại nước này.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Mỹ không đóng vai trò trực tiếp trong việc lật đổ chính quyền Syria gần đây.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng sự kiện nhà lãnh đạo Bashar Assad bị lực lượng đối lập Syria lật đổ là một “chiến dịch tiếp quản không thân thiện” được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Mặc dù cùng là đồng minh NATO nhưng từ nhiều năm nay Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tồn tại những bất đồng về cuộc nội chiến ở Syria.
Sự hiện diện của Mỹ ở Syria chủ yếu tập trung vào việc ủng hộ cho Lực lượng Dân chủ Syria. Đây chính là điểm nhạy cảm trong mối quan hệ giữa Washington và Ankara khi Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng này là cánh tay nối dài của đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump từng tìm cách rút khoảng 900 binh lính Mỹ ra khỏi Syria, khi đó đang đóng vai trò cố vấn cho Lực lượng Dân chủ Syria. Tuy nhiên, cuối cùng ông Trump đã từ bỏ do áp lực từ các quốc gia đồng minh trước lo ngại về sự trỗi dậy trở lại của IS.
Tác động của chính biến Syria tới Mỹ
Các tàu hải quân Syria bị phá hủy trong cuộc tấn công của Israel vào thành phố cảng Latakia đêm 10/12 (Ảnh: AFP).
Cho đến nay, giới chức Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ phán đoán chắc chắn nào về việc liệu sự thay đổi chính quyền ở Syria có phải là tín hiệu tốt với Washington hay không.
Jordan Tama, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học American, nhận định với trang tin The Conversation rằng, sự sụp đổ của chính quyền Assad có thể mở ra khả năng cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Syria, nhưng điều đó phụ thuộc phần lớn vào ban lãnh đạo mới ở Syria.
Nhóm đối lập Hayat Tahrir al-Sham, hay HTS, nhóm đã lãnh đạo cuộc lật đổ chính quyền Assad, đang kiểm soát một số khu vực ở Syria. Trong nhiều năm, HTS chiếm đóng các phần lãnh thổ ở Tây Bắc Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đây, lực lượng này liên kết với các phe phái đối lập phát động chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Assad.
Ông Mohamed al-Bashir, người trước đây lãnh đạo chính quyền do HTS điều hành ở Idlib, đã được bổ nhiệm làm thủ tướng Syria sau khi liên minh các nhóm đối lập chiếm thủ đô Damascus.
Mặc dù HTS đã cam kết bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số của Syria, một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại về mối quan hệ lịch sử của nhóm này với tổ chức al-Qaeda và sự tham gia của nhóm này vào các vụ sát hại dân thường trong suốt cuộc chiến. HTS hiện vẫn bị Liên hợp quốc và Mỹ liệt kê là một tổ chức khủng bố.
Hôm 10/12, các quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ với hãng tin NBC rằng, chính quyền Biden đang xem xét khả năng loại bỏ quy chế tổ chức khủng bố đối với HTS. Một quan chức cho biết mục đích của động thái trên có thể mở đường cho cộng đồng quốc tế tiếp xúc với chính quyền mới trong tương lai.
IS cũng là mối lo ngại liên tục của Mỹ ở Syria. Washington đã thực hiện một loạt cuộc tấn công vào các mục tiêu của IS trong những ngày gần đây nhằm ngăn chặn tổ chức này giành được các vùng lãnh thổ sau sự sụp đổ của chính quyền Assad.
Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Syria Bashar Assad (Ảnh: Getty).
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa ra quan điểm rằng Syria là một mớ hỗn độn và đó không phải là vấn đề của Mỹ.
“Syria đang trong tình trạng hỗn loạn, nhưng quốc gia này không phải bạn của chúng ta. Mỹ không nên hành động gì liên quan tình hình Syria. Đây không phải cuộc chiến của chúng ta. Đừng dính líu”, ông Trump bình luận.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump muốn rút toàn bộ quân đội Mỹ còn lại khỏi Syria, và các cố vấn của ông đã thuyết phục ông giữ lại một số lượng nhỏ binh lính ở đó. Liệu các nhà lãnh đạo mới của Syria sẽ hành động như thế nào có lẽ không phải là vấn đề quan trọng đối với ông Trump.
Trong cuộc họp báo gần đây, ông Trump từ chối trả lời câu hỏi về việc liệu Mỹ có rút các lực lượng khỏi Syria hay không.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết hiện chưa rõ tương lai chính trị của Syria sẽ diễn biến như thế nào nhưng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giữ vai trò chủ chốt với quốc gia này.
Một điểm đáng chú ý là ông Trump rất ủng hộ Israel, và ông có thể sẽ không gặp vấn đề gì với việc Israel tiến hành các cuộc không kích ở Syria.
Dưới thời ông Trump, Mỹ có thể sẽ không phải là một nhân tố chính định hình các sự kiện ở Syria, nhưng Washington có thể vẫn duy trì sự can dự tại nước này, vì những gì xảy ra ở Syria sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của Trung Đông, từ đó ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ.
Cơ hội cho Mỹ?
Một cơ sở hải quân của Nga ở Tartous, Syria (Ảnh: Google Maps/Bloomberg).
Trong bài bình luận trên trang tin The Hill, Tiến sĩ G. Alexander Crowther, chiến lược gia quân đội đã nghỉ hưu và là chuyên gia cấp cao của Chương trình Quốc phòng và An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu và Trung tá Không quân Mỹ Jahara Matisek, giáo sư quân sự tại khoa An ninh Quốc gia thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, thành viên tại Trung tâm Sáng kiến Phục hồi châu Âu và thành viên tại Viện Chính sách Công Payne, cho rằng sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria đã mở ra cơ hội “hiếm có” cho Mỹ để triển khai hành động.
Mặc dù Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ không nên “dính líu” đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria, nhưng nếu Washington hành động quyết đoán ngay bây giờ, các điều kiện chiến lược có thể được thiết lập ở Trung Đông và Đông Âu mang lại lợi ích quốc gia cho Mỹ.
Khi hợp tác với các đồng minh và đối tác, Mỹ có thể giúp lực lượng đối lập Syria thành lập một chính quyền mạnh về mặt thể chế, trong khi đẩy các căn cứ hải quân và không quân của Nga ở Syria rơi vào tay lực lượng đối lập. Điều này mang lại ít nhất hai lợi thế cho Mỹ.
Đầu tiên, nó sẽ tạo đòn bẩy cho Mỹ chống lại Nga ở Ukraine, từ đó đặt Moscow vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến lược: Đạt được một thỏa thuận ở Ukraine hoặc mất hai căn cứ chiến lược ở Địa Trung Hải.
Thứ hai, bằng cách giúp Syria tái thiết một chính quyền ổn định và thực hiện một giải pháp chính trị, Mỹ có thể loại bỏ nhu cầu duy trì lực lượng trên bộ trong khu vực.
Bên cạnh việc đảm bảo rằng không gian chiến trường không bị rơi vào tay các nhóm mà Mỹ cho là khủng bố xuyên quốc gia và các phe phái cực đoan, nỗ lực cụ thể này hỗ trợ mục tiêu lâu dài của ông Trump là giảm hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria và Iraq.
Tình hình bất ổn ở Syria có tác động đáng kể đến Nga. Cả hai căn cứ quân sự ở Syria đều rất quan trọng đối với việc triển khai sức mạnh của Nga trên khắp Địa Trung Hải, tác động trực tiếp đến thế trận lực lượng của các thành viên NATO trong khu vực. Việc mất đi các căn cứ chiến lược này có thể làm suy yếu nghiêm trọng năng lực quân sự, uy tín và khả năng triển khai các nhà thầu quân sự tư nhân của Nga trên khắp châu Phi.
Ngoài ra, có thông tin cho rằng, hiện hàng nghìn quân Nga đang bị mắc kẹt và không thể sơ tán tại một số căn cứ tiền phương xung quanh Syria. Tình huống này cho phép Mỹ hành động quyết đoán và làm thay đổi cán cân quyền lực chống lại cả Iran và Nga, đặc biệt là khi phe đối lập Syria đã thể hiện rõ sự chống đối với Iran và lực lượng ủy nhiệm Hezbollah của Tehran.
Mỹ, cùng các đồng minh châu Âu và các nước láng giềng có cơ hội tài trợ, cố vấn và tham vấn cho các nhà lãnh đạo đối lập Syria cam kết xây dựng các cấu trúc quản trị hiệu quả, trong khi vẫn kiềm chế ảnh hưởng của Iran và Nga.
Jordan, Iraq, Ả Rập Xê Út và các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh cũng như các nước khác có thể cung cấp hỗ trợ thiết yếu trên thực địa để ngăn Syria trở thành “Libya thứ hai”, nơi các nhóm đối lập chia cắt đất nước thành các lãnh địa không có luật pháp vì họ không thể tìm ra các thỏa thuận chia sẻ quyền lực có lợi cho cả hai bên.
Việc hợp tác với các chỉ huy đối lập Syria, các nước Trung Đông láng giềng và các đồng minh châu Âu sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm trung gian cho một nhà nước Syria ổn định hậu xung đột.
Việc hành động cấp bách có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Nếu Mỹ không nhanh chóng vào cuộc, Nga có thể đàm phán một thỏa thuận với lực lượng đối lập Syria để bảo toàn hai căn cứ và nhân sự của mình tại Syria.
Vào thời điểm này, các nhà lãnh đạo phe đối lập Syria đã cam kết đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự và cơ sở ngoại giao của Nga tại Syria, nhưng tình hình đang căng thẳng và không biết sự đảm bảo này có thể kéo dài bao lâu.
Bối cảnh hiện nay ở Syria được xem là một đấu trường cạnh tranh quyền lực, nơi các quyết định quan trọng phải được đưa ra để làm suy yếu các đối thủ. Do đó, các nhà lãnh đạo phương Tây có thể tìm cách đàm phán và tận dụng các căn cứ trên thực tế của Nga tại Taboruk và những nơi khác ở Libya, vì Moscow có thể chấp nhận những tổn thất ở Syria và chuyển nguồn lực sang Libya.
Sự sụp đổ của chính quyền Assad đồng nghĩa với việc Mỹ có thể định hình lại bối cảnh chiến lược ở Syria và xa hơn nữa. Hành động quyết đoán ngay bây giờ có thể làm suy yếu vị thế của Nga và Iran ở Trung Đông, đồng thời củng cố ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu trong khu vực.
Động thái chiến lược này đòi hỏi sự kịp thời, linh hoạt và sẵn sàng chấp nhận sự phức tạp của cạnh tranh địa chính trị hiện đại.
Các chuyên gia cho rằng, bây giờ là lúc Mỹ và phương Tây hành động để cạnh tranh sức mạnh quân sự của Nga trong khu vực. Tuy nhiên, kịch bản này có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào các tính toán và bước đi của Nga.
Syria và sự khởi đầu mới hay hỗn loạn tiếp diễn?
Trong khi các lực lượng bên ngoài như Mỹ, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình, các nhóm vũ trang nội bộ như HTS và SDF đang kiểm soát các khu vực khác nhau.
Với sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo, nguy cơ nội chiến và tình trạng hỗn loạn là rất cao.
Người dân Syria tại thủ đô Damascus ngày 8/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Syria, quốc gia đã trải qua hơn một thập kỷ nội chiến, đang đứng trước một giai đoạn chuyển giao quan trọng. Tiến sĩ Salman Rafi Sheikh, Phó Giáo sư chính trị tại Đại học Khoa học Quản lý Lahore (LUMS) tại Pakistan ngày 9/12 cho rằng sau khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, dù có những thông tin về sự ăn mừng trên khắp các thành phố lớn ở Syria, nhưng tương lai của nước này vẫn còn mờ mịt và đầy bất trắc.
Chính quyền của Tổng thống Assad đã bị lật đổ bởi các nhóm "phiến quân" do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu. Đây là một liên minh các nhóm Hồi giáo từng có liên hệ với al-Qaeda, không phải là một phong trào do người dân Syria bình thường lãnh đạo. Theo ước tính, khoảng một nửa trong số 23 triệu người dân Syria trước cuộc xung đột mới nhất đã trở thành người tị nạn trong nước hoặc quốc tế do cuộc nội chiến kéo dài. Điều này cho thấy rằng quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn hơn là sự chuyển mình thành nền dân chủ.
Việc chính quyền Assad sụp đổ không chỉ ảnh hưởng đến Syria mà còn có thể định hình lại toàn bộ khu vực Trung Đông. Iran và Hezbollah, hai lực lượng từng có ảnh hưởng lớn tại Syria, có thể sẽ mất đi vị thế của mình. Thổ Nhĩ Kỳ, với chiến lược hỗ trợ quân nổi dậy, dường như đang nắm giữ lợi thế trong việc ổn định và tái thiết khu vực. Tuy nhiên, những bài học từ Afghanistan cho thấy khả năng xảy ra hỗn loạn là rất cao khi các lực lượng quốc tế như Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại đây.
Mỹ có căn cứ MSS Euphrates ở phía Đông Deir ez-Zor, thành phố lớn thứ bảy ở Syria. Mỹ đã tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở miền Đông Syria nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Trung Đông Daniel Shapiro nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh đầy biến động này. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong chính quyền Mỹ sắp tới, khả năng can thiệp và định hình tương lai của Syria vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.
Tại tỉnh Latakia ở Tây Syria, giáp với tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga duy trì một căn cứ không quân. Tại một khu vực khác ở Tây Syria là Tartous, Moskva cũng có một căn cứ hải quân. Hiện tại, họ đã đặt các căn cứ của mình trong tình trạng báo động rất cao, cho thấy ý định ở lại.
"Nhóm dân quân" được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, còn được gọi là Quân đội Quốc gia Syria, hiện đang kiểm soát một số khu vực của tỉnh Aleppo. Mặt khác, Israel đã quyết định chiếm giữ vùng đệm của Syria, nơi ngăn cách Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng với phần còn lại của Syria. Họ không muốn những người Hồi giáo có vũ trang ở biên giới của mình vào thời điểm họ đã tham gia vào các cuộc chiến tàn khốc với người Palestine ở Gaza và Bờ Tây, với Hezbollah ở Liban.
Ngoài ra, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo cũng kiểm soát khoảng một phần tư lãnh thổ Syria ở phía Đông. Ngoài hầu hết tỉnh Raqqa, SDF còn kiểm soát một nửa tỉnh Deir ez-Zur lân cận và một phần tỉnh Aleppo.
Chính sự "đa dạng" của các tác nhân trong nước và quốc tế chẳng khác gì một "bóng đen" đang bao trùm Syria. Với những tác nhân khác nhau kiểm soát nhiều khu vực khác nhau, sự tan rã lãnh thổ trên thực tế, hoặc ít nhất là sự thiếu thống nhất lãnh thổ, rất có thể xảy ra. Đây chính là vấn đề có thể biến Syria trở thành một Libya và/hoặc Yemen khác.
Tóm lại, tương lai của Syria vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn. Mặc dù chính quyền Assad đã sụp đổ, nhưng những gì diễn ra tiếp theo vẫn còn là một câu hỏi lớn. Sự can dự của nhiều bên quốc tế cùng với tình hình nội bộ phức tạp khiến cho quá trình chuyển đổi ở Syria trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Câu hỏi tìm lời đáp Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp ước châu Âu về tị nạn và di cư, với tiêu chí trọng tâm là "đoàn kết và trách nhiệm", sự kiện được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá là "lịch sử". Nhưng châu Âu đã tìm được giải pháp thực sự cho vấn đề di cư và thực hiện đúng với trách nhiệm...