Kịch bản lần chạm mặt đầu tiên giữa Trump và Putin
Putin có thể sử dụng chiến thuật quyến rũ khi gặp Trump, nhưng sự khó đoán của Trump có thể khiến cuộc đối thoại diễn ra không suôn sẻ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: NYbooks
Vào một thời điểm nào đó trong năm nay, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đó sẽ cuộc đối mặt giữa một doanh nhân nổi tiếng, người đã xây dựng nghệ thuật đàm phán của riêng mình và một cựu sĩ quan Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Liên Xô, người bị cáo buộc đã trợ giúp Trump giành chiến thắng trong bầu cử Mỹ bằng cách chỉ đạo tấn công mạng, lấy cắp thư điện tử của các lãnh đạo đảng Dân chủ, theo Washington Post.
Ông Trump và ông Putin đã ít nhiều xây dựng được sợi dây liên kết. Nhưng hai nhà lãnh đạo này nhìn nhận các vấn đề thế giới qua một lăng kính lợi ích riêng và chưa từng gặp nhau trực tiếp.
Đó sẽ là cuộc gặp mặt mang tính lịch sử đối với Trump và Tổng thống Nga sẽ sử dụng mọi kỹ năng để thuyết phục người đồng cấp đến từ Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu nhận định từ chính trải nghiệm của bản thân.
“Ông ấy có thể thay đổi phong thái chỉ trong một giây”, Vaira Vike-Freiberga, cựu tổng thống Latvia, kể lại cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Putin năm 2001. “Có lúc ông ấy có thể nhìn chằm chặp như thể cố uy hiếp bạn”, bà kể, “nhưng ngay sau đó, ông ấy lại nhìn bạn với ánh mắt thân thiện, nồng ấm như thể sẵn sàng làm bạn với nhau mãi mãi”.
“Ông ấy thực sự giỏi khiến đối phương bối rối”, Vike-Freiberga nhận xét.
Putin nhiều lúc khiến các lãnh đạo thế giới phải chờ đợi ông trong nhiều giờ, chẳng hạn Nữ hoàng Anh Elizabeth II từng đợi 14 phút, Giáo hoàng đợi 50 phút và cựu tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych phải đợi đến 4 tiếng.
Video đang HOT
Năm 2007, ông mang theo chú chó cưng Koni đến cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, vốn là người sợ chó, ở Sochi, Nga. Ông thậm chí còn khiến bà Merkel phải chờ đợi suốt 4 giờ 15 phút.
Vậy nên, nhiều thứ có thể diễn ra không suôn sẻ trong cuộc gặp đầu tiên giữa Trump và Putin. Và ấn tượng xấu đầu tiên có thể sẽ bị đẩy lên thành cơn bão giận dữ trên những dòng tweet vào rạng sáng của Trump và một lần nữa làm xua tan giấc mơ xoa dịu căng thẳng giữa hai nước. Một số quan chức Nga đã lên tiếng lo ngại về sự khó đoán của Trump.
Tổng thống Vladimir Putin mang theo chú chó cưng Koni đến dự cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Sochi, Nga năm 2007. Ảnh: AFP
Chiến thuật
Tuy nhiên, Putin cũng nổi tiếng với khả năng thiết lập quan hệ thân thiện với các lãnh đạo thế giới. Nhà báo Mikhail Zygarm, tác giả của cuốn sách bán chạy “Tất cả những người đàn ông của Điện Kremlin” đã viết về Putin và Trump rằng “hai con người đầy hoài nghi này luôn có thể tìm thấy tiếng nói chung”.
Bà Vike-Freiberga cho rằng chiến thuật của Putin trong cuộc gặp đầu tiên với Trump sẽ là “tâng bốc, tâng bốc và tâng bốc”. “Chiến thuật này có hiệu quả đối với hầu hết mọi người. Và trong trường hợp cụ thể này, tôi nghĩ rằng nó có thể có tác dụng như một thứ bùa mê, rất tiếc phải nói như vậy”, bà nói.
Trong quá khứ, Putin đã rất hòa hợp với những lãnh đạo như Silvio Berlusconi, cựu tổng thống Italy, người có nhiều tương đồng với ông Trump. Ông Berlusconi nổi tiếng với tư tưởng dân túy và tính cách ồn ào cũng như thường xuyên dính vào các vụ bê bối.
Putin cũng từng “quyến rũ” một tổng thống Mỹ. Trong cuốn hồi ký năm 2011, cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nhớ lại cách Putin đã chia sẻ với Tổng thống George W. Bush “một câu chuyện ngọt như mía lùi” về cây thánh giá mà mẹ ông đã tặng, khi hai người gặp nhau tại một cuộc gặp cấp cao ở Slovenia năm 2001.
Chiến thuật của Putin đã mang lại kết quả khi Bush nói với phóng viên vào cuối ngày hôm đó rằng: “Tôi nhìn vào mắt ông ấy. Tôi thấy ông ấy rất thẳng thắn và đáng tin cậy. Tôi có thể hiểu được tâm can của ông ấy”. Câu nói này của ông Bush đã khiến bà Rice “đờ người ra”.
Hôm 9/1, phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết bất kỳ cuộc gặp nào giữa hai nhà lãnh đạo sẽ chỉ được lên kế hoạch sau ngày nhậm chức của Trump. Hai ông dự kiến dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế lớn (G20) tổ chức ở Hamburg, Đức vào tháng 7.
Vike-Freiberga cho rằng Putin luôn nghiên cứu kỹ lưỡng các lãnh đạo mà ông sẽ gặp. Ông rất giỏi đọc ngôn ngữ cơ thể và biết cách thay đổi cảm xúc của người khác.
“Bản thân tôi cũng nắm bắt tốt những gì kích động mọi người. Nhưng đối với tôi, Putin là người điêu luyện trong việc này”, Vike-Freiberga nói.
Bà nhớ lại có một lần, ông Putin tìm cách mời Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến dự buổi tiệc tối mừng sinh nhật ở thủ đô Lavita đúng lúc bế mạc hội nghị cấp cao của Khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2006 ngay tại Riga.
Hành động của ông Putin được cho là nhằm chia rẽ nội bộ NATO, khi Tổng thống Bush đang kêu gọi liên minh tăng ủng hộ các nước như Ukraine và Gruzia, các quốc gia tìm cách thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga.
Vike-Freiberga, với tư cách là tổng thống nước chủ nhà, liền chứng tỏ độ cao tay của mình bằng cách đề nghị một cuộc gặp song phương với Putin, lần đầu tiên tại Riga kể từ khi Latvia tuyên bố độc lập. Điện Kremlin không chấp nhận đề nghị này và Putin cũng hủy chuyến thăm đến Riga, nên buổi tiệc sinh nhật cũng bị hủy.
Những lời khen ngợi Trump dành cho Putin trong thời gian tranh cử khiến nhiều người dự đoán hai ông sẽ hòa hợp với nhau. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây, ông Trump không khẳng định chuyện này. “Tôi không biết liệu tôi có hòa hợp với ông Putin hay không. Tôi hy vọng là có. Nhưng cũng có thể chuyện đó không xảy ra”, ông nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Trợ lý của Trump thường xuyên liên lạc với đại sứ Nga
Ứng viên cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump thường xuyên liên lạc với đại sứ Nga tại nước này, khi tranh cãi về quan hệ của ông Trump với Moscow chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Michael Flynn, người được ông Trump chỉ định giữ vị trí cố vấn an ninh quốc gia. Ảnh: AP
Michael Flynn, lựa chọn của ông Trump cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, nhiều lần điện đàm với đại sứ Nga tại Washington vào ngày Mỹ tuyên bố trả đũa Moscow, với cáo buộc can thiệp bầu cử tổng thống, Reuters dẫn hai nguồn tin am hiểu vấn đề hôm 13/1 cho biết. Thông tin về các cuộc điện đàm được Washington Post đưa tin đầu tiên.
Ngày 29/12/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh trục xuất 35 người Nga bị nghi là gián điệp và áp lệnh trừng phạt đối với hai cơ quan tình báo Nga với cáo buộc tham gia tấn công mạng các nhóm chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống.
Đội chuyển giao quyền lực của ông Trump chưa hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về việc liệu ông Flynn và Đại sứ Nga Sergey Kislyak có nói chuyện vào ngày 29/12 hay không. Tuy nhiên, Sean Spicer, phát ngôn viên của ông Trump, hôm 13/1 cho hay ông Flynn nhận một cuộc gọi từ Đại sứ Kislyak ngày 28/12 và họ chỉ thảo luận về vấn đề hậu cần xung quanh việc thiết lập cuộc gọi giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ đắc cử sau khi ông Trump tuyên thệ.
Các cuộc đối thoại dường như làm dấy lên thêm nghi vấn về mối liên lạc giữa những cố vấn của ông Trump và giới chức Nga. Các cơ quan tình báo Mỹ xác định Moscow thực hiện chiến dịch đa chiều nhằm tấn công mạng và có các hành động khác nhằm tăng khả năng thắng cử của ông Trump trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Trọng Giáp
Theo VNE
Global Times: Mỹ phải gây chiến nếu muốn cản trở Trung Quốc ở Biển Đông Global Times cho rằng Mỹ phải phát động chiến tranh nếu muốn ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Trump đề cử vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: AP Global Times, ấn phẩm phụ của People's Daily - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung...