Kịch bản “đánh ghen ra tiền”
Hai bị cáo Phong và Hiếu.
Tối 21-4-2010, anh Đặng Quốc Dương đi làm về, trên đường gặp Trần Thị Hiếu (SN 1980), trú tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Sau khi làm quen, cả hai rủ nhau vào nhà nghỉ Ánh Hồng ở thôn Thượng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội và thuê phòng nghỉ số 102 để quan hệ tình dục.
Sau khi quan hệ xong thì cả hai nghe thấy tiếng gõ cửa (lúc này anh Dương chưa mặc quần áo, còn Hiếu đã mặc quần lót). Hiếu ra mở cửa. Phạm Hồng Phong (tức Quang, SN 1967), trú tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và Trần Lực (SN 1970), nhà ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội xông vào đe dọa, đánh anh Dương với lý do anh Dương quan hệ bất chính với Hiếu là vợ Phong.
Video đang HOT
Anh Dương van xin nhưng bọn chúng không đồng ý. Khi anh Dương xin bồi thường thì bọn chúng nói: Mày có 1.000 USD không? Ngay lúc đó, Lực đã lục soát túi xách của anh và lấy một cuốn sổ vứt ra giường làm cho số tiền 4,5 triệu đồng kẹp trong quyển sổ thò ra ngoài. Hiếu lấy 4 triệu đồng và để lại 500.000 đồng, mở cửa chạy xuống tầng 1 thanh toán tiền phòng nghỉ hết 50.000 đồng rồi lên xe máy bỏ đi.
Lực tiếp tục lục túi, ví và các giấy tờ tùy thân của anh Dương. Lúc này điện thoại di động của anh Dương đổ chuông. Anh Dương định nghe thì Phong đẩy anh ngã ra giường. Lực đã lục túi quần anh lấy đi chiếc điện thoại di động này. Sau đó, Phong, Lực cầm điện thoại, các giấy tờ tùy thân cùng quần lót và bao cao su đi xuống lễ tân định bỏ đi thì anh Dương hô hoán: Cướp! Cướp! và cùng nhân viên nhà nghỉ bắt giữ Phong, Lực. Lợi dụng sơ hở, Lực bỏ chạy mang theo toàn bộ tài sản trên. Ngay trong tối hôm đó, CAH Thanh Trì đã bắt giữ được Phong và tạm giữ của Phong 1 xe mô tô BKS 29S1-5487, 1 ĐTDĐ Nokia 1202.
Sau khi bỏ chạy, Hiếu và Lực gặp nhau tại cầu Tó, Thanh Liệt, Thanh Trì. Hiếu đưa cho Lực 100.000 đồng, Lực đưa cho Hiếu toàn bộ số tài sản và giấy tờ chiếm đoạt của anh Dương. Tại thời điểm đó, Hiếu và Lực bị cơ quan công an kiểm tra hành chính. Biết không thể chối cãi, Hiếu và Lực đã khai nhận cùng đồng bọn chiếm đoạt tài sản của anh Dương trong nhà nghỉ Ánh Hồng tối 21-4-2010 và nộp lại tài sản đã chiếm đoạt của anh Dương.
Tại cơ quan điều tra, Phong, Lực và Hiếu khai: Tối 20-4-2010, Phong đến gặp Lực và rủ Lực đi “đánh ghen ra tiền”, tức là sử dụng Trần Thị Hiếu (còn có tên gọi là “bà ngoại”) quan hệ tình dục với người khác. Sau đó nhận làm vợ mình để đánh ghen, lấy tiền và tài sản của họ. Giữa Phong và Hiếu còn có quan hệ tình cảm với nhau nhưng chưa phải là vợ chồng. Khoảng 15h ngày hôm sau, Phong đến đón Lực. Sau khi phát hiện anh Dương và Hiếu thuê phòng nghỉ 102 tại nhà nghỉ Ánh Hồng ở Thanh Trì, Hà Nội thì Phong và Lực đã vào nhà nghỉ này thuê phòng 301. Khoảng 15 phút sau, Phong và Lực xuống gõ cửa phòng 102, Hiếu ra mở cửa. Diễn biến tiếp theo như phần đầu vụ án đã nêu.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21-10-2010 của TAND huyện Thanh Trì, các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và thừa nhận cáo trạng của VKS truy tố là có căn cứ.
Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử nhận định: bị cáo Phạm Hồng Phong từng bị TAND tỉnh Hà Tây (cũ) xử ngày 21-7-1993 với mức án 4 năm tù về tội trộm cắp tài sản công dân, chưa được xóa án tích, đến ngày 19-5-2000 lại bị TAND huyện Gia Lâm xử 42 tháng tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng chưa được xóa án tích, nay lại phạm tội là do cố ý. Hành vi của Phong trong vụ án trên là cướp tài sản với tình tiết tái phạm nguy hiểm. Hành vi phạm tội của Trần Lực và Trần Thị Hiếu đã phạm vào tội cướp tài sản. Do vậy cần thiết phải xử lý các bị cáo bằng pháp luật hình sự để cải tạo, giáo dục và phòng ngừa chung.
Trong số 3 bị cáo, Phong là người khởi xướng và trực tiếp đánh chửi anh Dương nên có vai trò cao nhất. Lực đóng vai trò đồng phạm tích cực trong việc đe dọa, chửi mắng anh Dương. Hiếu tuy không trực tiếp đe dọa người bị hại nhưng Hiếu là người chiếm đoạt toàn bộ số tiền của bị hại. Do vậy mức án của Lực và Hiếu thấp hơn của Phong.
Các bị cáo đều có nhân thân xấu, đặc biệt là Phong và Lực. Đối với Lực, năm 1993, y bị TAND TP Hà Nội xử phạt 2 năm tù về tội trộm cắp tài sản công dân, tổng hợp hình phạt với bản án ngày 30 và 31-12-1992 của TAND TP Hà Nội buộc y phải chấp hành hình phạt chung là 7 năm tù. Đến ngày 18-7-2000, y bị TAND TP Hà Nội xử phạt tiếp 24 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Như vậy, việc y phạm tội lần này là tái phạm. Tuy nhiên, khi lượng hình cũng xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị hại nhận lại tài sản và không có yêu cầu gì. Với Hiếu, chưa có tiền án tiền sự và đây là lần đầu phạm tội. Còn Lực, bố mẹ y là người được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến… Đây là những tình tiết để giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Vì các lẽ đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt: Phạm Hồng Phong 8 năm tù, Trần Lực và Trần Thị Hiếu mỗi bị cáo 3 năm 3 tháng tù về tội cướp tài sản. Trong thời hạn luật định, bị cáo Phong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, vào đúng ngày TAND TP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, ngày 29-12-2010, bị cáo Phong rút đơn kháng cáo. Tòa đã ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Theo An ninh thủ đô