Kịch bản chiến tranh Mỹ-Trung khốc liệt vào năm 2030
Căng thẳng Mỹ-Trung thời gian qua đang có chiều hướng leo thang, sau mâu thuẫn liên quan đến thương mại và việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông.
Mô phỏng cảnh tên lửa Trung Quốc tấn công đội tàu sân bay Mỹ.
Chuyên gia Robert Farley nhận định trên tạp chí National Interest rằng, Mỹ có thể bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc vào năm 2030, khi lợi ích quốc gia và đồng minh châu Á bị đe dọa.
Ông Farley đánh giá cán cân sức mạnh quân sự Mỹ-Trung vào năm 2030 có thể sẽ rất khác biệt. Nhưng một cuộc chiến tranh vào năm 2030 có thể diễn ra như thế nào?
Ông Farley cho rằng chiến trường tương lai giữa Mỹ-Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nằm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong đó tiềm lực hải quân và không quân đóng vai trò hết sức quan trọng.
Đây là khu vực có sự hiện diện của các đồng minh Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và nhiều đối tác khác. Chiến tranh có thể bắt đầu từ xung đột giữa đồng minh Mỹ và Trung Quốc, sau đó Washington sẽ trực tiếp can thiệp, trở thành cuộc đối đầu trực tiếp Mỹ-Trung.
Một cuộc chiến tranh nổ ra vào năm 2030 có thể là minh chứng cho thấy cán cân quân sự nghiêng về phía Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn hải quân Mỹ, ngay cả khi Lầu Năm Góc hoàn thành kế hoạch sở hữu 355 tàu chiến. Không quân Trung Quốc cũng hiện đại hóa nhanh hơn không quân Mỹ, dù Washington sắp cho ra mắt oanh tạc cơ tàng hình B-21 hiện đại nhất thế giới.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc.
Cho đến năm 2030, Trung Quốc có thể đã sở hữu 4 tàu sân bay. Mỹ vẫn sở hữu đội tàu sân bay mạnh mẽ hơn, nhưng Trung Quốc có lợi thế vì các khu vực xung đột tiềm tàng đều ở gần nước này.
Trung Quốc cũng có thể triển khai tàu ngầm và tàu mặt nước với số lượng lớn. bởi không cần dàn trải lực lượng trên khắp thế giới như Mỹ. Theo tác giả Farley, Mỹ vẫn sẽ có những lợi thế về công nghệ, nhưng lợi thế này sẽ bị thu hẹp đáng kể so với ngày nay.
Vào năm 2030, Mỹ sẽ tăng cường số lượng tiêm kích F-35 và oanh tạc cơ B-21, trong khi Trung Quốc bổ sung thêm hàng loạt chiến đấu cơ J-10, J-11, J-20 và thậm chí cả J-31.
Trung Quốc còn được yểm trợ bởi các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có thể gắn đầu đạn hạt nhân.
Video đang HOT
Sự khác biệt lớn nhất vào năm 2030 là việc bùng nổ khí tài không người lái trong phối hợp tác chiến hoặc thay thế khí tài có người lái, theo chuyên gia Farley.
Hai bên cũng có thể sử dụng chiến tranh mạng để đánh sập mạng lưới thông tin của đối phương. Điều này có thể gây ra hậu quả tồi tệ cho mỗi nước, bởi Trung Quốc và Mỹ đều xây dựng kinh tế, chính trị và quân sự dựa trên kết nối mạng.
Mỹ cũng có thể huy động các nhóm tác chiến tàu sân bay tới các vùng biển trọng yếu để lập hàng rào phong tỏa, ngăn cản mọi hoạt động vận tải biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo rằng Mỹ sẽ giành chiến thắng.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Ngược lại, năng lực quân sự Trung Quốc vào năm 2030 cũng mới chỉ vươn tầm khu vực, chưa thể đe dọa ngành công nghiệp và chế tạo vũ khí Mỹ ở quê nhà.
Có thể nói, cuộc chiến Mỹ-Trung đều khiến hai bên chịu tổn thất nặng nề về quân sự và kinh tế. Chiến thắng sẽ dựa vào việc bên nào có thể tiêu diệt lực lượng chủ lực của đối phương trước, thông qua chiến tranh chớp nhoáng hoặc chiến tranh tiêu hao, theo chuyên gia Farley.
Chấm dứt chiến tranh Mỹ-Trung năm 2030 nhiều khả năng dựa vào các vòng đàm phán ngoại giao. Hãy hy vọng rằng chiến tranh nếu xảy ra chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chứ không kéo dài đến hết phần còn lại của thế kỷ 21, ông Farley nhận định.
Chuyên gia Farley kết luận, trong 4 thập kỷ qua, nhiều nhà phân tích quân sự đồn đoán về chiến tranh Mỹ-Liên Xô. Nhưng điều này không bao giờ xảy ra.
Có thể Mỹ và Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Hai nước hoàn toàn có thể tránh được cuộc chiến tranh vào năm 2030. Nhưng các nhà hoạch định chiến lược hai nước cũng cần sẵn sàng cho một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Theo Danviet
Kịch bản đáng sợ nếu chiến tranh Mỹ-Trung nổ ra
Một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung nếu nổ ra trong tương lai có thể dẫn đến hậu quả nặng nề cho hai nước, trong khi rất khó để đánh giá bên nào sẽ giành chiến thắng.
Mô phỏng cảnh Trung Quốc giáng đòn hủy diệt hạm đội tàu sân bay Mỹ.
Cách đây vài thập kỷ, nguyên nhân xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung chỉ là vấn đề liên quan đến Đài Loan và Triều Tiên. Ngày nay, điều này đã thay đổi.
Một Trung Quốc trỗi dậy cả về kinh tế và quân sự dẫn đến tình huống hai cường quốc thế giới có thể đụng độ để phân chia lại quyền lực toàn cầu.
Mỹ sẽ tấn công như thế nào ?
Theo giới chuyên gia, quốc gia như Trung Quốc hoàn toàn có thể sống sót và thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn trước đòn tấn công phủ đầu của Mỹ.
Cuộc chiến lật đổ chính phủ nắm quyền giống như những gì xảy ra ở Iraq năm 2003 sẽ không hiệu quả ở Trung Quốc. Bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục kháng chiến chống Mỹ, với những nhân tố lãnh đạo mới.
Việc tấn công tòa nhà chính quyền Trung Quốc, vốn cũng là các công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu rộng có thể thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, mở rộng phong trào chống Mỹ.
Bên cạnh đó, việc Mỹ phải đối đầu với đội quân đông đảo nhất thế giới, giáp biên giới Nga, Afghanistan là một kịch bản ác mộng. Người Mỹ không thể dễ dàng giành chiến thắng chớp nhoáng, tác giả Jon Davis, một cựu quân nhân Mỹ nhận định.
Kịch bản khả dĩ nhất là Mỹ sẽ tấn công quân đội Trung Quốc trực tiếp hơn là mong muốn tấn công cơ quan đầu não, hy vọng vào chiến thắng chớp nhoáng.
Kịch bản Trung Quốc tấn công hạm đội tàu sân bay Mỹ áp sát.
Mỹ muốn hạn chế năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc, ngăn đối phương tăng viện và tái hậu cần. Hải quân và Không quân Mỹ sẽ tấn công các căn cứ không quân, hải quân và các địa điểm phóng tên lửa với mục tiêu tạo ra tổn thất lớn
Mỹ cũng có thể phong tỏa Trung Quốc cho đến khi sức ép kinh tế, xã hội khiến cho Bắc Kinh phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Trung Quốc phản công
Theo tác giả Jon Davis, nếu chiến tranh Mỹ-Trung nổ ra, Trung Quốc có thể chuyển từ thế phòng ngự sang phản công, nhưng không có cách nào tấn công ngược trở lại về lục địa Mỹ.
Bởi đơn giản là Bắc Kinh không có đủ tiềm lực đổ quân đến Mỹ. Những máy bay, vũ khí Trung Quốc tấn công Mỹ sẽ chỉ nhận kết cục dưới đáy đại dương.
Như vậy mục tiêu của Trung Quốc là gì? Theo tác giả Jon Davis, Trung Quốc đang ngày càng cải thiện năng lực trên biển. Trung Quốc muốn nắm quyền kiểm soát các vùng biển xa bờ, bao gồm cả Đông Thái Bình Dương.
Sức mạnh của hải quân Trung Quốc nằm ở hạm đội tàu ngầm đông đảo. Các tàu ngầm này có thể tung ra hết trong cuộc chiến ở Thái Bình dương, trong khi Mỹ và đồng minh vẫn phải phân tán lực lượng ở Đại Tây Dương và Biển Bắc để đề phòng Nga.
Hiện tại, Trung Quốc mới hiện đại hóa 70% hạm đội. Một số tàu ngầm còn được mua từ nước ngoài, động cơ máy bay thì mua của Nga.
Nếu chiến tranh kéo dài, Trung Quốc sẽ đối mặt với tổn thất không thể khắc phục được, trong khi Mỹ đã có kinh nghiệm đóng tàu ngầm hạt nhân từ hàng chục năm, dễ dàng bù đắp những thiếu hụt.
Theo tác giả Jon Davis, niềm hy vọng của Trung Quốc dựa vào những công nghệ vũ khí mới, điển hình là tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.
DF-21 là mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới.
Đây được coi là loại vũ khí chấm dứt kỷ nguyên thống trị của tàu sân bay Mỹ tại khu vực xung quanh Trung Quốc. Mục tiêu nhằm đưa tầm hoạt động của tàu sân bay Mỹ lùi xa khỏi Thái Bình Dương, đến mức các máy bay không thể tới được Trung Quốc.
Theo cây viết Loren Thompson của Forbes, câu trả lời là Mỹ không dễ dàng chấp nhận lùi xa khỏi tầm bắn của tên lửa DF-21. Hải quân Mỹ tin rằng loại tên lửa này không đáng tin cậy. Nếu tàu sân bay trúng đòn tấn công thông thường, không phải hạt nhân, nó có thể dễ dàng tiếp tục chiến đấu chỉ sau vài ngày sửa chữa.
Mỹ cũng sẽ tính đến giải pháp bảo vệ tàu sân bay, một khi buộc phải chiến đấu trong tầm bắn tên lửa Trung Quốc.
Nếu như Trung Quốc có thể đánh chìm vài tàu sân bay Mỹ thì ngược lại, đòn tấn công hạt nhân của Mỹ từ cách xa hàng chục ngàn km sẽ gây tổn thất rất lớn cho quân đội Trung Quốc. Và như vậy, Trung Quốc luôn chịu thương vong lớn hơn.
Có thể nói, viễn cảnh xung đột Mỹ-Trung thể hiện ý đồ thay đổi cán cân quyền lực. Rất khó để đánh giá liệu bên nào sẽ giành chiến thắng. Nhưng một cuộc chiến nếu nổ ra chắc chắn sẽ khiến hai nước hứng chịu những tổn thất nặng nề.
Khả năng tấn công và tiêu diệt lẫn nhau khó lường của Mỹ và Trung Quốc có thể hủy hoại sức chiến đấu của hai bên. Hai cường quốc sau đó phải chạy đua huy động công nghiệp, công nghệ và nhân lực để bổ sung và tăng cường lực lượng.
"Đến cuối cùng, Mỹ và Trung Quốc không được lợi gì khi phát động chiến tranh. Chiến tranh Mỹ-Trung hoàn toàn có thể tránh được", Graham Allison, giám đốc Trung tâm Khoa học và các Vấn đề Quốc tế Belfer thuộc trường Havard Kenedy nói.
Theo Danviet
Điều khiến Mỹ-Hàn chùn tay, không dám ám sát Kim Jong-un Nếu Mỹ tung đòn tấn công nhằm vào Triều Tiên, bao gồm cả khả năng ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Washington nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu hậu quả thảm khốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là đề tài thường được báo chí phương Tây đề cập....