Kịch bản “bắt tay” đấu thầu vàng?
Phiên đấu thầu vàng miếng tiếp theo dự kiến sẽ được Ngân hàng Nhà nước tổ chức trong tuần này. Liệu diễn biến và kết quả có thay đổi so với phiên mở đầu?
Lúc này hẳn cả Ngân hàng Nhà nước lẫn các thành viên tham gia đều đang định hình những kịch bản cho phiên đấu thầu sắp tới, sau sự khởi đầu có nhiều ý kiến trái chiều.
Về phiên khởi đầu, có một điều rút ra là: dường như cả “hai phía” là Ngân hàng Nhà nước và các đầu mối đều còn phòng thủ và thăm dò nhau, giữa họ chưa có tiếng nói chung.
Chung quy, cũng là vì lợi ích của các bên. Với Ngân hàng Nhà nước, theo thông tin họ lý giải, là tránh thiệt hại tài sản Nhà nước – dự trữ ngoại hối, không để bù lỗ cho đối tượng nào. Với các đầu mối là lợi nhuận trong kinh doanh, không thể mua cao hơn giá thị trường đang thấp, hoặc tìm cách để mua được mức giá có lợi hơn.
Đáng tiếc là hai phía đều chưa hướng đến cùng một lợi ích: lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân qua việc cùng bắt tay tạo ổn định thị trường, mà mỗi bên đều có vai trò và trách nhiệm.
Thực tế trước và sau phiên đấu thầu đầu tiên, có nhiều xáo trộn trên thị trường, cả về diễn biến giao dịch lẫn tâm lý, dư luận. Rõ ràng, với kiểu rơi giá gần 500 nghìn đồng/lượng chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ, rồi đến cú đảo chiều nới rộng chênh lệch giá với thế giới từ 2,7 triệu đồng lên 3,1 triệu đồng/lượng, thị trường vận động không được bình thường.
Có thể có những nguyên do theo các góc nhìn khác nhau. Dù thế nào, trong một thị trường vận động không được bình thường, người dân và nhà đầu tư mới chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cả về lợi ích và niềm tin.
Có lẽ, tiếng nói chung, hay cái bắt tay hài hòa giữa nhà tổ chức và các thành viên tham gia là điểm được chờ đợi hơn, thay vì những biến động bất thường và khó lường vừa qua.
Video đang HOT
Không rõ sau phiên đó, Ngân hàng Nhà nước và các thành viên dự thầu có cùng ngồi lại để cùng thảo luận thêm hay không, thậm chí là cùng cởi mở để tìm tiếng nói chung.
Trao đổi với VnEconomy, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho rằng, cả Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị tham gia đấu thầu nên cùng nhìn về một mục đích: ổn định thị trường.
“Ở đây cần có một cái bắt tay hài hòa lợi ích, cùng có lợi cho nước cho dân. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm bình ổn đã đành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng là thành viên của thị trường thì cũng có trách nhiệm vì ổn định chung. Kinh doanh đương nhiên phải tính toán đến lợi nhuận, nhưng lợi nhuận hợp lý. Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần chia sẻ lợi ích, các đầu mối cũng cần chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, vì mục tiêu chung để phối hợp nhịp nhàng”, ông Phước nêu quan điểm.
Theo đó, đại diện thành viên tham gia đấu thầu này cho rằng, những phiên sắp tới, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét mức giá chào bán thấp hơn giá thị trường một mức vừa phải; các doanh nghiệp trúng thầu khi bán ra cũng xem xét có chênh lệch vừa phải.
Giả sử giá thị trường ở khoảng 43,80 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước hạ thấp một chút xuống 43,75 triệu đồng/lượng, các đầu mối trúng thầu bán ra 43,85 triệu đồng/lượng. Các bên cùng chia sẻ như vậy, qua các phiên, nhu cầu của thị trường dần được đáp ứng, lực cầu đẩy giá sẽ giảm đi và giá trong nước sẽ từng bước về gần hơn giá thế giới.
“Nếu có sự phối hợp hài hòa như vậy, thị trường cũng hạn chế đi những biến động bất thường hay những xáo trộn xoay quanh các phiên đấu thầu. Cái chính là Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra một kênh để điều tiết cung – cầu, các đầu mối có một cơ sở để cân đối trong kinh doanh để hướng tới một thị trường ổn định hơn”, ông Phước nói.
Hiện chưa có các thông tin cụ thể về kế hoạch tổ chức của phiên sắp tới. Chưa rõ phương thức tổ chức có thay đổi hay không, bởi ở phiên đầu chỉ có giá sàn mà không có giá trần…
Tuy nhiên, đó chỉ là những điểm kỹ thuật. Có lẽ, tiếng nói chung, hay cái bắt tay hài hòa giữa nhà tổ chức và các thành viên tham gia là điểm được chờ đợi hơn, thay vì những biến động bất thường và khó lường vừa qua.
Theo 24h
'24.000 lượng vàng ế vì giá quá cao'
Nhiều đơn vị dự thầu bỏ phiếu trắng và cho biết giá sàn quá cao so với thị trường khiến 24.000 lượng vàng bị ế trong phiên đấu thầu đầu tiên được tổ chức sáng nay.
Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên diễn ra sáng nay khá nghiêm ngặt. Đại diện của 21 đơn vị có mặt, trên tổng số 26 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đăng ký trước đó. Các đơn vị ở TP HCM phải cử người bay ra Hà Nội trực tiếp tham gia. Mỗi doanh nghiệp chỉ đưa một đại diện vào phòng đấu thầu, những người khác phải ở ngoài để đảm bảo tính minh bạch.
Phiên đấu thầu trầm lắng hơn dự kiến, ngay sau khi ban tổ chức thông báo giá sàn đấu thầu ở 43,81 triệu đồng, cao hơn 400.000 đồng so với giá vàng SJC ở cùng thời điểm. Các bên có hơn một tiếng đồng hồ để cân nhắc, cuối cùng chỉ 17 đơn vị bỏ phiếu.
"Tôi thấy nhiều người bỏ phiếu trắng. Tôi cũng viết phiếu mua 0 lượng. Giá cao quá nên doanh nghiệp chúng tôi không mua", đại diện một công ty vàng nói bên lề buổi đấu thầu.
Phiên đấu thầu kết thúc và chỉ 2 đơn vị trúng thầu với 2.000 lượng trong tổng số 26.000 lượng. Điều này đồng nghĩa với việc 24.000 lượng vàng chào bán "bị ế". Giá vàng trong nước phản ứng khá nhạy sau thông tin này, từ mức thấp 43,4 triệu đồng lúc mở cửa ngày đã không ngừng tăng, lên 43,7 triệu đồng lúc 10h, bất chấp giá thế giới gần như đứng yên quanh 1.605 USD suốt buổi sáng. Độ vênh giữa vàng trong nước và thế giới vì vậy đã giãn rộng trên dưới 3,2 triệu đồng, so với mức 2,8 triệu của đầu ngày.
Khi thông tin Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng miếng được phát ra chiều 27/3, ngay lập tức, nhiều đầu mối kinh doanh vàng đã mạnh tay giảm 400.000-500.000 đồng mỗi lượng chỉ trong vài tiếng đồng hồ của buổi chiều hôm qua và duy trì mức thấp này đến lúc mở cửa sáng nay, xuống sát 43,3 triệu đồng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng sáng 28/3. Ảnh: Hoài Sơn
Nhìn nhận diễn biến trên, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Chủ tịch Công ty Vàng bạc Agribank cho rằng mục tiêu đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước là nhắm tới việc ổn định thị trường, nhưng giá sàn 43,81 triệu đồng đưa ra sáng nay cao hơn nhiều so với niêm yết của doanh nghiệp cùng thời điểm, cơ quan này sẽ rất khó dẫn dắt thị trường.
Theo ông Trúc, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc đưa ra mức đấu thầu dựa trên giá thế giới. Chẳng hạn, tại thời điểm cuối ngày 27/3, giá vàng trong nước cao hơn quốc tế gần 3 triệu đồng thì sáng nay, giá sàn đấu thầu nên đưa ra cao hơn quốc tế chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng. "Điều này vừa dẫn dắt được thị trường, lại có thể thu hút được sự tham gia của các thành viên dự thầu", ông Trúc chia sẻ.
Là thành viên đủ tư cách dự thầu nhưng sáng nay Công ty Vàng bạc Agribank chưa tham gia phiên đấu thầu đầu tiên này. Nguyên nhân được ông Trúc đưa ra là do nguồn vàng của Agribank hiện nay vẫn đủ để kinh doanh. "Khả năng chúng tôi sẽ tham gia những phiên đấu thầu sau", ông nói.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn nhận định, có hai doanh nghiệp mua vàng cũng đã là một thành công của phiên đấu giá đầu tiên hôm nay. Tuy nhiên, số lượng được mua khá thấp trên tổng số 26.000 lượng chào bán cũng là vấn đề khiến người ta cần lưu tâm. Ngoài ra, mức giá quá cao so với thị trường khiến doanh nghiệp khó hiểu vì hiện giá vàng thế giới biến động không đáng kể, tỷ giá hối đoái dậm chân tại chỗ, sức mua trong nước khá chậm.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty đầu tư vàng Việt Nam (VGB) nhìn nhận, đưa ra mức giá sàn 43,81 triệu đồng một lượng có thể nhà điều hành đang muốn "phòng ngừa rủi ro".
Kèm theo đó, ông Hải cũng thẳng thắn, với một diễn biến khá phức tạp của thị trường thế giới, giá biến động liên tục, nhưng Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra giá tham chiếu quá sớm (từ chiều ngày hôm trước), lại thêm quy định giá sàn khá cao, không bám theo diễn biến giá quốc tế, sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho những thành viên dự thầu.
Lý giải cho mức giá sàn 43,81 triệu đồng sáng nay, một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc bình ổn thị trường vàng là một kế hoạch phức tạp, nhất là khi giá thế giới diễn biến khó lường. Theo vị này, mức giá Ngân hàng Nhà nước bán ra đã được cân nhắc tới mục tiêu ổn định thị trường và bảo vệ dự trữ ngoại hối quốc gia. Đồng thời, cũng là nhằm loại trừ các hiện tượng bán khống, trục lợi.
Mặc khác, theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường một thời gian dài thiếu cung, nay cơ quan này bắt đầu tạo cung, là yếu tố quyết định khi can thiệp chứ không phải bán giá thấp, giá rẻ để nhanh chóng thu hẹp chênh lệch. "Khi cung cầu được dần cân đối, giá sẽ dần phản ánh hợp lý hơn", vị quan chức Ngân hàng Nhà nước nói.
Để bình ổn thị trường vàng, thực hiện yêu cầu giá trong nước bám sát giá thế giới mà Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo, ông cho rằng không thể chỉ qua một vài phiên đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến phản ứng của thị trường để tổ chức đấu thầu cho phù hợp.
Theo VNE
Ế 24.000 lượng vàng trong phiên đấu thầu đầu tiên Chỉ 2 đơn vị tham gia mua tổng cộng 2.000 lượng vàng và đều trúng với mức giá sàn 43,81 triệu đồng một lượng. Phiên đấu thầu đầu tiên kết thúc với nhiều cái lắc đầu của doanh nghiệp. Bên ngoài phòng đấu thầu vàng sáng nay, mỗi đơn vị tham gia chỉ được cử một đại diện vào trong để đấu giá....