Kiatisuk chia buồn với gia đình HLV Riedl
Cựu HLV tuyển Thái Lan bày tỏ sự tiếc thương sau khi biết tin đồng nghiệp Alfred Riedl qua đời.
HLV Alfred Riedl và Kiatisuk trò chuyện trong cuộc gặp gỡ tại AFF Cup 2016. Ảnh: ASC.
“Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình và bạn bè của Alfred Riedl, cựu huấn luyện viên tuyển quốc gia Indonesia, Việt Nam và Lào. Ông ấy là một người đàn ông tốt bụng và lịch thiệp đối với tôi. Mong ông yên nghỉ”, Kiatisak chia sẻ.
Khi còn làm HLV tuyển Thái Lan, Kiatisuk từng vài lần đối đầu với tuyển Indonesia do ông Riedl dẫn dắt. Lần gần nhất hai người có dịp so tài là ở chung kết AFF Cup 2016. Trên sân nhà Bung Karno, tuyển Indonesia của HLV Riedl đánh bại Thái Lan với tỷ số 2-1. Tuy nhiên, ở trận lượt về, thầy trò Kiatisuk vượt qua đối thủ với tỷ số 2-0 để thắng chung cuộc 3-2 và lên ngôi vô địch. Đây cũng là giải đấu cuối cùng trong sự nghiệp HLV của Alfred Riedl.
HLV Alfred Riedl qua đời rạng sáng 8/9 tại quê nhà sau thời gian dài chống chọi với ung thư. Trong sự nghiệp của mình, HLV Riedl từng dẫn dắt ba đội tuyển ở Đông Nam Á gồm Việt Nam, Indonesia và Lào. Ông từng đưa Việt Nam vào chung kết Tiger Cup 1998 (tiền thân của AFF Cup) nhưng để thua Singapore 0-1 và ba lần giành HC bạc SEA Games vào các năm 1999, 2003 và 2005. Nhà cầm quân người Áo hai lần đưa tuyển Indonesia vào chung kết AFF Cup các năm 2010 và 2016 nhưng đều thất bại.
Trong buổi ra mắt tân Giám đốc kỹ thuật Yusuki Adachi hôm 9/9, LĐBĐ Việt Nam ( VFF) đã dành một phút tưởng niệm để tri ân HLV Riedl. “Chúng tôi vô cùng đau buồn khi nhận được tin ông Alfred Riedl – cựu HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam, một người bạn lớn của bóng đá Việt Nam, đã qua đời. Thay mặt cho LĐBĐ Việt Nam, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất cũng như sự đồng cảm chân thành tới gia đình ông Alfred Riedl trong khoảng thời gian khó khăn này. Những đóng góp quý báu của ông Alfred Riedl cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam sẽ luôn được ghi nhớ và đánh giá cao. LĐBĐ Việt Nam và cộng đồng bóng đá Việt Nam mong muốn được chia sẻ với gia đình ông Alfred Riedl nỗi đau và sự mất mát này và chúng tôi xin được gửi lời cầu nguyện tới gia đình ông Alfred Riedl trong thời khắc từ biệt…”, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải gửi thư chia buồn tới gia đình ông Riedl.
VFF dành một phút tưởng nhớ HLV Riedl trong lễ ra mắt Giám đốc kỹ thuật Yusuki Adachi. Ảnh: VFF.
Cựu HLV tuyển Malaysia – ông Rajagopal – cũng gửi lời chia buồn và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đồng nghiệp người Áo. “Xin chia buồn với gia đình và bạn bè của Alfred Riedl. Hãy yên nghỉ, bạn của tôi. Thật vinh dự khi cùng ông chiến đấu bán kết SEA Games 2009 và các trận đấu ở AFF Cup 2010. Luôn nhớ về ông, một người bạn lịch sự và khiêm nhường”, Rajagopal viết trên Twitter.
'Ai nghèo nhất làng, ông Riedl tới tận nơi tặng 1.500 USD'
Sau nhiều năm gắn bó với Alfred Riedl, HLV Mai Đức Chung ấn tượng về ông thầy ngoại tài ba và luôn dành tình cảm cho đất nước Việt Nam.
Video đang HOT
Huấn luyện viên Alfred Riedl đã ra đi mãi mãi. Ông thầy người Áo sinh ngày 2/11/1949, mất ngày 8/9/2020, hưởng thọ 70 tuổi. Trong sự nghiệp của mình, ông Riedl đã 3 lần dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam, là HLV có đóng góp và ảnh hưởng bậc nhất lịch sử bóng đá Việt.
Chia sẻ với Zing, HLV Mai Đức Chung, người có nhiều năm đồng hành cùng Riedl tại Việt Nam, đã kể lại những kỷ niệm xúc động về người cộng sự tài ba.
- Lần đầu tiên, ông gặp HLV Alfred Riedl là khi nào?
- Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên mình gặp HLV Riedl là sau Tiger Cup 1998, chính xác là năm 1999, tức 21 năm về trước. Tôi đã làm việc với ông Riedl thời gian dài và rất hiểu ông ấy. Đó là HLV có cách huấn luyện và đấu pháp rất tốt, người tận tình trong chuyên môn. Ông ấy có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, bóng đá cần nhiều may mắn mà ông ấy lại không phải người gặp may nhiều. Dù vậy, Riedl vẫn cực kỳ nỗ lực, làm việc hết mình.
Tôi biết nhiều phát biểu của ông ấy, các lãnh đạo của mình không thích đâu vì họ cho rằng nó không hay, ví dụ như phát biểu bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc. Tuy nhiên, nhờ những phát biểu ấy, nền bóng đá của chúng ta mới tiến lên được.
- Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông với HLV Riedl?
- Cuối năm 2007, tại vòng loại Olympic Bắc Kinh, tôi được giao cầm đội tuyển Olympic thay ông Riedl. Khi đó, ông ấy về Áo thay thận và giao lại công việc cho tôi. Ông Riedl bị bệnh rất nặng, thận của ông ấy lẽ ra phải thay từ lâu rồi. Tuy nhiên, Riedl cứ dùng dằng mãi, một phần vì chờ tìm thận thích hợp, phần khác vì còn công việc ở đội tuyển.
Trước khi rời đội tuyển, ông Riedl đã thử thách tôi rất nhiều. Khi thực sự tin tưởng, ông ấy mới yên tâm về quê nhà lo việc riêng. Ngày Riedl lên đường, tôi chúc ông ấy trở về, bình phục thật nhanh và nói chỉ là người hỗ trợ trong giai đoạn này thôi. Quả thật, Riedl đã hồi phục nhanh và quay trở lại. Đó là kỷ niệm rất đẹp của chúng tôi.
HLV Mai Đức Chung là người cộng sự được Riedl tin tưởng bậc nhất tại Việt Nam. Ảnh: Thế Anh.
- Quả thận được hiến tặng ấy có phải lý do HLV Riedl dành nhiều tình yêu cho Việt Nam?
- Tôi nghĩ có 2 lẽ. Thứ nhất, trong cơ thể ông Riedl, có một phần máu thịt Việt Nam. Thứ hai, ông ấy thực sự thương con người Việt Nam.
Có một lần, báo chí phê phán ông ấy kịch liệt vì Riedl đi quảng cáo cho thương hiệu nồi cơm điện. Tuy nhiên, họ không hề biết ông ấy đã lấy toàn bộ số tiền quảng cáo trị giá 1.500 USD đi làm từ thiện. Tôi và bác sĩ Hiền (Nguyễn Trọng Hiền) đi cùng ông ấy.
Khi đó, đội tuyển đang tập trung trên Nhổn (Hà Nội). Ông Riedl bảo Hiền ơi, anh vào trong làng ở gần khu tập trung đội tuyển, tìm hiểu xem ai là người nghèo nhất ở làng này. Anh Hiền đi trước rồi thông báo về cho Riedl. Ông ấy cùng anh Hiền vào tận nơi, đến tận nhà đó để trao 1.500 USD. Ông ấy không giữ lại đồng nào. Tôi nghĩ đó là tình cảm yêu thương rất ấm áp từ ông Riedl.
- Sau sự việc đó, ông Riedl có giải thích lời nào với giới truyền thông không?
- Không hề. Những ngày ấy, báo chí mình không biết và nói ông ấy thế này thế khác. Tuy nhiên, ông chẳng giải thích gì, Riedl mặc kệ. Ông ấy bảo anh Hiền rằng tôi làm việc này vì người dân Việt Nam chứ tôi chẳng vì cá nhân. Tôi sẽ dùng số tiền này trao cho người nghèo.
- Nhiều người từng nói về tính cách có phần bảo thủ của Alfred Riedl trong huấn luyện. Là người đã gắn bó với HLV này, ông nhận xét thế nào?
- Mọi người có thể nói ông ấy hơi bảo thủ nhưng không phải đâu. Trong chuyên môn, ông ấy có những nét rất riêng của mình. Mọi người có thể nói này nói nọ, nhưng ông ấy là HLV trưởng, phải chịu trách nhiệm toàn bộ với đội tuyển. Ông ấy có thể lắng nghe mọi người, nhưng quyết định sau cùng vẫn phải là của Riedl.
Có những trận đấu, ông ấy gọi riêng tôi ra để hỏi ý kiến về chiến thuật. Ông ấy tôn trọng tôi lắm chứ không ngang ngược gì đâu. Ông Riedl không bảo thủ như cách mọi người nói đâu. Ông ấy có bảo thủ nhưng cái bảo thủ của Riedl rất đúng mực, vừa phải.
HLV Riedl trong lần cuối cùng quay lại Việt Nam ở AFF Cup 2016. Ảnh: Minh Chiến.
- Cựu tiền đạo Phan Thanh Bình từng nói ông Riedl là người rất tình cảm với các cầu thủ. Điều đó được thể hiện trong quãng thời gian làm việc như thế nào?
- Trong huấn luyện cầu thủ, ông Riedl là người tâm lý và tế nhị. Bao năm ở Việt Nam, ông ấy không bao giờ dạy ai tiểu xảo. Ông ấy dạy các cầu thủ những cách ứng xử trong thi đấu rất hay.
Ông ấy cũng tôn trọng VĐV Việt Nam. Nếu muốn nói ai, ông ấy không bao giờ phê bình trước tập thể. Riedl sẽ gọi riêng người đó ra một nơi nhắc nhở. Cách phê bình trước đội cũng đúng nếu một người vi phạm. Tuy nhiên, tính tự ái của mỗi cá nhân tuyển thủ đều cao. Ông ấy tâm lý và hiểu điều đó, chỉ gọi riêng người đó ra nhắc nhở.
Còn khi phải nói trên đội, ông ấy nói nhẹ nhàng, chỉ phê bình chung chung. Mọi người hiểu điều đó và quý trọng Riedl.
Trong sinh hoạt đời thường, ông Riedl cũng hòa đồng. Ăn uống, nước nôi, những việc giao tiếp, ông ấy đều nhìn trước, nhìn sau cẩn thận. Ông ấy hiểu và tôn trọng người Việt Nam mình lắm.
- Sau khi HLV Riedl rời tuyển Việt Nam, hai ông có cơ hội tái ngộ không?
- Tôi có gặp lại ông ấy vài lần. Năm 2016, ông Riedl dẫn Indonesia sang Việt Nam đá AFF Cup với tuyển quốc gia, khi ấy do HLV Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt. Đội tuyển Indonesia tập ở sân VFF. Nhờ đó, chúng tôi gặp lại nhau. Hai người ôm nhau, tay bắt mặt mừng.
Riedl vui lắm. Ông ấy bảo lâu lắm rồi chúng mình mới gặp được nhau. Bao năm rồi, chúng tôi chỉ nghe được tin về nhau qua báo chí thôi. Ông ấy dẫn tôi tới chỗ các trợ lý Indonesia, giới thiệu đây là ông Chung, người bạn thân thiết mà tôi rất yêu quý khi còn ở Việt Nam.
- HLV Riedl đã ra đi mãi mãi. Ông sẽ dành lời cuối cùng thế nào cho người bạn lớn của bóng đá Việt Nam?
- Ông Riedl đã cống hiến cho bóng đá Việt Nam rất nhiều. Các đội tuyển của ông chưa một lần về nhất nhưng trong bối cảnh ấy, thành tích của Riedl là cực tốt. Chúng ta thua Thái Lan khi ấy là đương nhiên. Bởi Thái Lan lúc đó mạnh và tốt hơn Việt Nam nhiều.
Lúc ấy, thành tựu của Riedl rất đáng được tôn trọng, ví dụ thứ nhì AFF Cup hoặc vào tới tứ kết Asian Cup. Đó là những chiến công lớn lao chứ không hề nhỏ bé. Vừa qua, ông Park Hang-seo mới lặp lại được thành công ấy ở Asian Cup.
Chúng tôi sẽ luôn nhớ hình ảnh của ông trên sân tập cũng như trên sân đấu, nhớ mãi tình cảm của ông dành cho đất nước Việt Nam. Cảm ơn Riedl, cảm ơn ông rất nhiều.
- Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi.
HLV Alfred Riedl và niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc The Beatles qua lời kể của đồng nghiệp Trong công việc, HLV Alfred Riedl được biết đến là một người nghiêm túc, luôn đòi hỏi khắt khe. Tuy nhiên, ngoài sân cỏ, vị chiến lược gia người Áo lại sống rất tình cảm, biết cách tạo tiếng cười và đặc biệt là có niềm đam mê lớn với âm nhạc. Ngày 8/9, Chiều 8/9, trợ lý Wolfgang Pikal xác nhận ông...