Kì lạ: Mắc màn dài cả chục mét cho cam, nhà nông Hà Tĩnh trúng lớn
“Mắc màn” cho cam là cách làm đặc biệt được anh Nguyễn Trí Đức ở xã Ngọc Sơn, Thạch Hà ( Hà Tĩnh) áp dụng hơn 2 năm qua. Đây đang là phương pháp bảo vệ cây trồng đem lại hiệu quả cao trong phòng tránh côn trùng, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp sạch tại địa phương này.
Đến vườn cam của anh Nguyễn Trí Đức giữa mùa cây cam đang bắt đầu “chuyển màu”, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những hàng cam trên đồi được “mắc màn” từ ngọn đến gốc. Mỗi chiếc màn có chiều dài hàng chục mét, được may ghép từ nhiều mảng lưới xanh với nhau, phủ kín từng hàng cam.
“Mắc màn” cho cam được anh Nguyễn Trí Đức ở xã Ngọc Sơn, áp dụng hơn 2 năm qua
Anh Đức cho biết: “Khi cam bước vào giai đoạn gần chín, tỏa mùi thơm, nhiều loại côn trùng sẽ bay về vườn để châm chích. Vì thế, người trồng cam buộc phải sử dụng nhiều phương pháp như phun thuốc, bắt sâu ban đêm, bọc túi… để bảo vệ cam. Tuy nhiên, các phương pháp trên cũng không phát huy hiệu quả là mấy, nhiều diện tích cam của anh và các vườn lân cận vẫn bị sâu bọ tấn công, ảnh hưởng lớn đến năng suất”.
Qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu, tham quan các mô hình cộng thêm kinh nghiệm của bản thân, anh đã quyết định làm những chiếc màn lớn để “mắc” cho cây cam, vừa giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại trang trại, vừa tránh việc sâu, bướm … bay vào châm chích làm hỏng quả.
Với biện pháp này, các loại sâu bướm phá hoại thường gặp đã không thể chui vào trong cây cam để châm chích quả.
Năm 2016, anh Đức cất công đi mua lưới xanh rồi thuê người may các tấm lưới lại với nhau tạo thành những chiếc màn lớn trùm lên từng hàng cam. Trong lần đầu tiên áp dụng cách làm đặc biệt này, anh Đức chỉ làm thí điểm một phần diện tích gồm 100 gốc cam để theo dõi, so sánh và rút kinh nghiệm với chi phí khoảng 120.000 – 150.000 đồng/cây.
Video đang HOT
“Sau gần 4 tháng, lứa cam “trong màn” đầu tiên đã cho thu hoạch gần 2,2 tấn quả. Chất lượng cam đồng đều, màu quả đẹp, đặc biệt là không bị rụng quá nhiều như những năm trước.” – anh Đức chia sẻ.
Anh Nguyễn Trí Đức (người bên trái) trao đổi vớ i Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Sơn Phan Trần Hưng về phương pháp “mắc màn” cho cây cam.
Đến nay, gần 1.300 gốc cam trên diện tích gần 4,5 ha đất đồi đã được anh “mắc màn” từ gốc đến ngọn khoảng 4 tháng trước khi cam bắt đầu vào mùa chín rộ. Cam được phủ màn tránh bị sâu, bướm chích; giúp cho quả không bị cháy sém ảnh hưởng đến mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt, phương pháp này giúp người trồng cam không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, tránh ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.
Cùng với việc “mắc màn”, anh Đức tiến hành phun nước vôi lên toàn bộ cây cam để tránh sâu bọ, tăng năng suất.
“Từ khi áp dụng kỹ thuật này, tình trạng sâu, bướm châm chích giai đoạn quả bắt đầu chín làm quả rụng hàng loạt đã không còn là nỗi ám ảnh của tôi mỗi khi mùa cam đến. Năm 2017, với gần 1100 gốc cam đã cho quả, tôi thu hoạch gần 25 tấn, tăng hơn 6 tấn so với vụ cam 2016. Sau khi đã trừ các chi phí thì vụ cam 2017 tôi lãi gần 300 triệu đồng, mang lại niềm vui lớn cho cả gia đình” – anh Đức chia sẻ thêm.
Nhiều hộ trồng cam trên diện tích lớn tại xã Ngọc Sơn như anh Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Công Phụ, Trần Đình Phương, Nguyễn Trí Tuẫn… cũng đã tiến hành “mắc màn” cho cây cam.
Chủ tịch Hội nông dân xã Ngọc Sơn Phan Trần Hưng cho biết: “Hiện nay, nhiều hộ trồng cam trên diện tích lớn tại xã Ngọc Sơn như anh Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Công Phụ, Trần Đình Phương, Nguyễn Trí Tuẫn… đã tiến hành “mắc màn” cho cây cam để phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là giai đoạn quả bắt đầu chín, dễ gây thu hút đối với các loại sâu bướm; mang lại hiệu quả khá cao…
Thời gian tới, xã Ngọc Sơn sẽ có thêm chính sách hỗ trợ để các hộ trồng cam sử dụng phương pháp này nhằm nâng cao năng suất, tránh việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp”.
Theo Thái Oanh (Báo Hà Tĩnh)
Đồng lòng, vợ chồng trẻ thu trên 1 tỷ/năm từ trang trại đủ loại quả
Bằng quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Thái (SN 1982, ở thôn Khe Giao 1, xã Ngọc Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã được "hái quả ngọt" với trang trại trên 1.500 gốc cây ăn quả và khu ươm giống cây cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
"Năm 2008, tôi cùng vợ bàn bạc và quyết tâm sẽ dùng quỹ đất của gia đình để phát triển kinh tế vườn đồi. Khó khăn nhất lúc này là định hướng còn khá mơ hồ, trong khi đất vườn không có quy hoạch, phần lớn diện tích vẫn là đất hoang, cây dại mọc che cả lối đi, cao hơn mặt người..." - anh Thái chia sẻ.
Lúc đầu, vốn không có nhiều, vợ chồng anh chỉ dám quy hoạch trồng cam trên diện tích chưa tới 1 ha. Do kinh nghiệm làm vườn hạn chế, giống cây kém, 2 vợ chồng trầy trật, bỏ công chăm bón mãi nhưng cam cho quả ít, không đạt chất lượng lại rất dễ dính sâu bệnh nên phải nhổ bỏ hết.
Không nản chí với hướng đi đã lựa chọn, vợ chồng anh lại tất bật làm đủ nghề để vừa nuôi sống gia đình, vừa tích góp vốn làm lại từ đầu. Với quyết chí làm giàu, anh cất công đi tìm hiểu kỹ thuật trồng cam khắp nơi, nghiên cứu thêm sách vở và học hỏi các kỹ sư nông nghiệp nhằm tích lũy kinh nghiệm, không dẫm lại "vết xe đổ" năm xưa.
"Cũng phải mất gần 5 năm, tôi mới đủ tự tin để tái khởi động chương trình làm vườn. Lúc này, nhân lực không có, vợ lại phải đi học và chăm con nhỏ nên một mình tôi phải cáng đáng hết mọi công việc, từ phát quang bụi rậm, đào hố, trồng và chăm sóc cây cam... Điều khó khăn nhất lúc đó là trang trại chưa có đường vào nên không thể huy động máy xúc, máy đào để san lấp đất, mở rộng thêm diện tích. Tôi đành phải thuê thêm người, làm thủ công mất gần 1 năm mới khai khẩn thêm 1,5 ha đất đồi" - anh Thái nhớ lại.
Trên diện tích này, anh trồng cam và xen canh những loại rau, củ, quả có thời gian thu hoạch ngắn ngày. "Lấy ngắn nuôi dài", anh từng bước đầu tư mở rộng hết diện tích sẵn có của gia đình. Sau bao nhiêu cố gắng, đến nay, trang trại của anh đã có gần 1.000 gốc cam chanh, cam bù, mỗi năm cho thu hoạch gần 20 tấn cung cấp ra thị trường.
Nhận thấy cây bưởi Phúc Trạch và hồng vuông đang có giá trị kinh tế cao trên thị trường, anh và vợ tiếp tục mở rộng quỹ đất trồng thêm 100 gốc bưởi, gần 200 gốc hồng vuông. Từ đó, đa dạng các loại cây trồng của trang trại, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Không dừng lại ở đó, với sức trẻ và tinh thần ham học hỏi, biết được nhu cầu mua các loại cây giống ngày càng cao, anh đã mạnh dạn mở vườn ươm. Hiện nay, trên diện tích hơn 1.500 m2, anh đã ươm được hơn 2 vạn cây giống với đủ chủng loại: Bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù, mít thái, hồng vuông... vừa để phục vụ việc phát triển trang trại, vừa cung cấp cho bà con các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Khê...
Năm 2017, vợ chồng anh đã đăng kí với xã Ngọc Sơn tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cam bằng biện pháp sinh học, hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm đều tăng lên, khẳng định thêm định hướng đúng đắn của vợ chồng anh.
Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Thái trở thành mô hình kinh tế điển hình của những người trẻ biết vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo Thái Oanh (Báp Hà Tĩnh)
Hà Tĩnh: Giếng đầy nước dân vẫn sống cảnh "thắt lưng buộc bụng" Tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân xã Thạch Thanh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) càng trở nên trầm trọng khi nắng hạn kéo dài trong nhiều ngày qua. Nhiều gia đình đã phải thuê thợ khoan giếng, thọc giếng để có nước sinh hoạt hằng ngày. Anh Lê Ngọc Lợi ở thôn Thanh Giang vừa khoan giếng để có nước sinh...