Kì cục ‘đẳng cấp’ sinh viên
Việc phân chia “đẳng cấp” đã len lỏi và ngày càng ăn sâu vào lối sống của các bạn sinh viên trong một số trường cao đẳng, đại học.
Khi giảng đường phân chia ” chủ – khách”
Với lợi thế “sân nhà” và mức sống cao, ngay từ khi mới bước chân lên đại học, một số “cô chiêu cậu ấm” ở thủ đô muốn thể hiện “đẳng cấp”, muốn khẳng định mình, chủ trương không thân thiết với dân tỉnh lẻ. Ngược lại, có khá nhiều bạn ở quê lần đầu lên thủ đô trọ học “biết mình biết ta” chẳng thể theo kịp các bạn Hà Nội nên cũng không gần gũi với “đẳng cấp” kia. Và dần dần trong mỗi lớp học có sự phân chia rõ ràng giữa các nhóm bạn chơi với nhau theo mức độ giàu-nghèo. Nạn “phân biệt chủng tộc” ấy chẳng phân biệt ai là sinh viên nam hay nữ, không chỉ ở một trường mà hầu như lan rộng ra tất cả các trường.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Sinh viên Quang Thế (Học viện báo chí tuyên truyền) chia sẻ: “Lớp mình phân chia ra 3 nhóm khác nhau khá rõ ràng với những phong cách riêng biệt: sành điệu có, “chân quê” có và nhóm lúc sành điệu, lúc lại chân quê”. Nhóm sành điệu gồm các thành phần chủ yếu ở địa bàn Hà Nội, gia đình khá giả nên cũng “chịu chơi”, muốn thể hiện mình hơn người. Họ lại “sính” đồ ngoại, cuối tuần nào cũng tụ tập thành nhóm rồi lui tới các tiệm ăn theo phong cách Nhật- Hàn – những nơi hợp với người nước ngoài hơn là các sinh viên Việt, rồi lại đến các phòng trà, quán cà phê, karaoke vui chơi… Chỉ thoáng một buổi tối cuối tuần, nhóm này “vung” hết cả bạc triệu. Còn nhóm “chân quê” chủ yếu là những sinh viên nghèo ở quê lên thủ đô trọ học, rất dân dã, gặp nhau chỉ cốc trà đá vỉa hè nhóm bạn cũng có thể nhâm nhi, tâm sự biết bao chuyện trên trời dưới biển sau những lo toan bài vở. Còn nhóm “nửa quê, nửa phố” lúc nào hứng lên thì chơi như những sinh viên thủ đô thực thụ, lúc bình thường lại chân chất, mộc mạc. Cứ nhìn vào lớp học là biét liền, nhóm nào ngồi với nhóm đấy, 4-5 bàn lại tạo thành một nhóm.
Khi các bạn trẻ bước qua thời học sinh bước vào đại học, một môi trường mới mở ra trước mắt “thoáng” hơn nhiều nên họ thoải mái khẳng định cái “tôi” độc nhất vô nhị của mình với các bạn xung quanh. V.T (sinh viên trường đại học Ngoại Thương) muốn “chơi trội” nên toàn xài đôla, không sài tiền Việt, quần áo, giày, dép, thắt lưng 100% hàng hiệu, thay đổi mốt liên tục để làm mới mình. Mỗi bộ đồ T mặc khoác trên người có khi đến cả chục triệu. Với ngoại hình khá bảnh trai, ở trường có biết bao nhiêu cô “chân dài” muốn trở thành người yêu của chàng sinh viên con nhà đại gia ở quận Đống Đa.
Còn M.N, một cô nàng nổi khá “đình đám” trong vai trò người mẫu cho một số tờ báo tuổi teen, hiện là tân sinh viên một trường ĐH báo chí thì có một cách khác để thể hiện đẳng cấp của mình: ngày ngày lui tới giảng đường bằng “xế hộp”. Trong khi đám bạn cùng lứa đến trường bằng xe hai bánh với lỉnh kỉnh nón mũ, “nồi cơm điện”…hay phải cần mẫn cuốc bộ suốt bốn mùa nắng mưa thì M.N ung dung ngồi thảnh thơi trong điều hoà mát rượi, điều khiển vô lăng hộp số tự động “lắc lư”, đưa ô tô của mình chầm chậm lăn bánh vào sân trường đầy kiêu hãnh, giữa hàng dài những con mắt tò mò pha lẫn ghen tỵ. Đầu tóc sành điệu mỗi ngày một kiểu, hôm thì duỗi thẳng xen vài sợi highlight, hôm thì yểu điệu xoăn vài lọn màu hạt dẻ, hôm lại “nổi loạn” với chỏm đầu cắt như bờm sư tủ. Nhìn thầy đám bạn thân cùng “cạ” đang đứng túm tụm bên mấy chiếc PS, SH 125i, cô nàng từ từ hạ cửa kính, thò gương mặt đã make-up kỹ giấu đi đôi mắt trong chiếc kính Rayban hàng hiệu mới “thửa” ở Parkson, gật đầu ra hiệu chào rồi lại nhanh chóng lại nâng kính kín mít, lăn bánh vào chỗ gửi xe quen thuộc với phong thái “san bằng tất cả”. “Tít tít” – bấm khoá xe bằng chìa điều khiển từ xa, rồi cất vào chiếc túi xách Louis Vutton “original”, nàng bước về phía giảng đường, tay chỉnh lại mái tóc đầy keo vuốt Davines, điệu bộ lí lắc làm một đống boy đang ngồi chất thành đống ở căngtin nhất tề cùng quay lại nhìn đến sái cổ.
Bi hài khi chạy theo chiếc bóng
V.T và M.N chỉ là 2 trường hợp điển hình nhất trong giới sinh viên Hà Nội thể hiện “đẳng cấp thực thụ” của mình với dân tỉnh lẻ. Ngoại trừ một số “cô chiêu cậu ấm”, gia đình có đủ nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu thể hiện của họ, có một vài tân sinh viên rời quê lên thủ đô được nhiều phen “mở mang tầm nhìn” nên không ngại ngần chaỵ theo “mốt”, học đòi và tự tạo nên đẳng cấp cho riêng mình, để lại nhiều bài học “cười ra nước mắt”…
H (sinh viên trường đại học Bách Khoa), quê ở Lập Thạch – Vĩnh Phúc đã từng “nổi đình nổi đám” trong giới sinh viên tỉnh lẻ ở đất thủ đô. Ở quê gia đình H cũng thuộc diện khá giả nhưng lên đến Hà Nội so với gia đình một số “cô chiêu cậu ấm” chẳng thấm thía gì. Vốn có “tiếng tăm”, “số má” ở quê, lên Hà Nội, H chẳng chịu thua kém ai. Để thể hiện mình khác dân tỉnh lẻ, H xài toàn đồ hiệu, mong sao được vào “hội” với nhóm bạn Hà Thành. “Đẳng cấp” trên không chịu kết nạp H vào hội bởi H xài chiếc Novo “nhìn quê quá”. Danh dự “thiếu gia tỉnh lẻ” bị đụng chạm nghiêm trọng, H về quê nằng nặc đòi bố mua cho SH thế chân con Novo mua chưa được nửa năm. Có mỗi “cậu công tử” trong nhà, nên bố H cũng chiều lòng đứa con trai, sợ không vừa ý, nó “tháo ngang” bỏ về thì xấu mặt gia đình. Có SH, có đồ hiệu H ung dung được “kết nạp” vào giới “đẳng cấp trên” khiến nhiều đứa bạn cùng quê ngày xưa nhìn H với con mắt ngày càng xa lạ… Mải mê khẳng định cái đẳng cấp của riêng mình H đã đi quá “trớn”. Số tiền gia đình “tiếp” lên cho H hàng tháng dường như không đủ cho mấy “thú vui” cuối tuần cùng đám bạn Hà Thành, H tính cách “nhân giống” số tiền ấy bằng việc “gieo trồng” vào lô đề, để “đồng mẹ đẻ đồng con”, khi đó tha hồ “vung” tiền, không còn phải đắn đo, suy nghĩ. Nhưng ôi thôi! “Gieo trồng” vào lô đề đồng nào “mất mùa” vụ ấy, H thường trắng tay hơn là được cầm đồng tiền lãi. Cay cú, H ngày càng dấn thân vào lô đề như một niềm đam mê mong gỡ được số tiền đã mất.Trong cuộc hành trình kiếm tiền để khẳng định “đẳng cấp” khi H ngộ ra thì mọi chuyện đã quá muộn màng. Ngoài số tiền cha mẹ gửi lên hàng tháng cho ăn học, H còn nợ nần liểng xiểng lên đến hơn 100 triệu. Biết chuyện, cha mẹ đành mang tiền lên trả nợ cho con rồi xin nhà trường bảo lưu kết quả học tập, cho H về nhà để tiện dạy dỗ.
Có thời gian những bộ đồ hiphop trong giới sinh viên trở nên rất thịnh hành, với nhiều kiểu dáng, màu sắc và phụ kiện đi kèm: băng tay, vòng tay, mũ lưỡi trai, khăn đeo…rất cá tính và đối với một số sinh viên, diện đồ hiphop đến trường là thể hiện được “đẳng cấp” của mình. Ngoại trừ, những cô, cậu sinh viên có hiểu biết, có niềm đam mê thực sự với môn nghệ thuật mới mẻ này, họ khoác trên mình những bộ quần, áo như những “vũ công” thực sự. Còn nhiều bạn theo trào lưu của giới trẻ, chẳng am hiểu gì nhiều cũng không ngại ngần diện những bộ đồ hiphop, nhưng trông chẳng khác nào những “vũ công nửa mùa”, “quê chẳng ra quê, phố chẳng ra phố”, kệch cỡm đến “tức cười”. K (sinh viên trường đại học Mở) đến trường cũng quần tụt, dày cao cổ, dây nịt lằng nhằng… nhưng có cảm giác K đang mặc một mớ quần áo trên người, chứ chẳng phải đang mặc một bộ đồ hiphop. Hay K đang tạo “đẳng cấp” khác biệt mang đậm cái “tôi”cho riêng mình chăng?
Ngoài cách xài tiền đô của chàng sinh viên V.T hay cách lui tới giảng đường bằng “xế hộp” của cô nàng M.N… một số sinh viên còn lấy rượu để làm thước đo “đẳng cấp” của mình trong những buổi sinh nhật, những lần liên hoan ở xóm trọ, ở kí túc xá… Trong những cuộc vui ấy, rượu chễm chệ ngồi trong vai một người trọng tài, phân bua “đẳng cấp trên” với “đẳng cấp dưới” giữa những sinh viên đang góp mặt, không kể là nam hay nữ. Và như một lẽ đương nhiên ai tửu lượng cao hơn sẽ thuộc đẳng cấp trên, còn ai tửu lượng ít hơn sẽ thuộc đẳng cấp dưới. Bỗng dưng, cuộc hội ngộ vui vẻ của bạn bè bỗng chốc biến thành cuộc sát phạt nhau bằng rượu để phân chia “đẳng cấp”. Buổi sinh nhật của L (sinh viên nữ trường Luật) cũng không ngoại lệ, thay vì tiếp đãi các bạn bằng một chầu nước ngọt thông thường, chủ nhà lại dùng rượu để gây “sốc” và để thấy được “đẳng cấp” của mình. L mang rượu ra cho các bạn nhâm nhi cùng bánh kẹo, ai không uống được cũng bắt buộc phải uống. Thoáng lúc, hơn 10 đứa bạn của L đã tiêu tốn hết cả mấy chai Vodka Hà Nội, nhưng xem ra tình hình vẫn căng thẳng chưa phân thắng bại. Thành viên nào mặt mũi cũng đỏ gay nhưng miệng vẫn lè nhè: “Chén này Bắc Kạn nhé!”, tay khua khoắng “cụng li”. Kết quả của quá trình phân chia đẳng cấp giữa các bạn của L là tất cả đều say rũ rượi, nằm bò cả ra chiếu vì rượu khá mạnh. H – bị ép quá chén, nôn mửa tại trận, mặt mũi xanh lè… không biết trời đất ra sao.
Không biết các bạn trẻ phân chia đẳng cấp trên- dưới, sang- nghèo… sẽ được gì mà khi đang là sinh viên, điều quan trọng hơn hết là học tập và rèn nghề. Chuyện phân biệt đẳng cấp trong giới sinh viên chẳng biết sẽ đi về đâu nhưng tôi thấy lo cho những bi kịch của các cô cậu đang mải mê chạy theo cái bóng của chính mình…
Theo Mực Tím