Khuyến khích phát triển, nuôi trồng và sử dụng dược liệu
Tối 20.3, hội chợ “ Dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 2019″ do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đã khai mạc tại Nhà triển lãm nông nghiệp (Hà Nội).
Đến tham gia hội chợ có sự góp mặt của 120 gian hàng đến từ hơn 80 tổ chức, đơn vị ở các địa phương, bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) các tỉnh, thành phố trong cả nước; Các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế đi thăm quan gian hàng. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hội chợ đầu tiên về về các dược liệu, sản phẩm YHCT do Bộ Y tế hối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức. Đây là hoạt động thể hiện sự đẩy mạnh rất rõ rệt việc thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu như cây sâm Ngọc Linh ở Lào Cai, Kon Tum…
Tại hội chợ, các nhà sản xuất, các viện nghiên cứu, bệnh viện, doanh nghiệp có thể trưng bày các sản phẩm dược liệu, các sản phẩm trong YHCT. Đây là dịp để giao lưu, quảng bá thị trường, thể hiện được tiềm lực cũng như sức mạnh của YHCT, đặc biệt là thuốc từ dược liệu.
“Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT rất khuyến khích các DN trong và ngoài nước phát triển, nuôi trồng và sử dụng dược liệu để chữa bệnh như tinh thần của đại thiền sư Tuệ Tĩnh là “Nam dược trị Nam nhân”. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, đẩy mạnh hơn nữa thuốc nam trong điều trị, đặc biệt là đối với y tế cơ sở”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – đánh giá, đây là hoạt động thiết thực triển khai Quyết định 1976/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu 2020 và định hướng đến năm 2030. Việc phát triển dược liệu và lâm sản ngoài gỗ gắn với bảo vệ và phát triển rừng là mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp để đến năm 2020 nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu phát triển cần tập trung phát triển các hoạt động như dịch vụ liên quan đến rừng, đặc biệt là phát triển dược liệu dưới tán rừng. Bởi đây là hướng phát triển lâu dài, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài việc trưng bày giới thiệu sản phẩm, Hội chợ còn tổ chức các hoạt động như: Hội thảo câu lạc bộ các giám đốc bệnh viện YHCT trong cả nước; thăm khám bệnh, tư vấn kiến thức về dược liệu, thuốc cổ truyền miễn phí cho khách tham quan.
Video đang HOT
Hội chợ “Dược liệu và sản phẩm Y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 2019″ sẽ diễn ra từ ngày 20 đến hết ngày 25 tháng 3 năm 2019.
Một số hình ảnh của phóng viên Báo Danviet.vn ghi nhận tại hội chợ:
Người tiêu dùng Thủ đô đến thăm quan hội chợ và mua hàng. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Một số sản phẩm dược liệu trưng bày tại hội chợ. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Đây là dịp để người tiêu dùng tìm hiểu và mua các loại dược liệu chất lượng cao, có xuất xứ nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Các thầy thuốc bắt mạch miễn phí cho khách tham quan. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Theo Danviet
TPHCM: 97% bệnh nhân mắc sởi trên 9 tháng tuổi không được tiêm chủng
Trước tình hình dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại TPHCM, sáng 9-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế phường 15, quận 8; Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đoàn cũng đã làm việc với lãnh đạo Sở Y tế TPHCM về công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn TPHCM.
Đại diện Trung tâm Y tế phường 15, quận 8 cho biết, tính từ ngày 1-1 đến 28-2, trên địa bàn có 23 trẻ mắc sởi, đây là phường có tỷ lệ trẻ mắc sởi cao nhất quận. Trong đó, trẻ từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc sởi cao nhất với 60 ca. Theo thống kê 2 tháng đầu năm, quận 8 đã có 60 ca mắc sởi ở nhóm người trên 16 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu gây mắc sởi là việc tiêm ngừa không đầy đủ. Nhiều phụ huynh e ngại những phản ứng khi tiêm vaccine nên không đưa trẻ đi tiêm chủng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại trước những trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi và người trên 16 tuổi mắc sởi, và chỉ rõ nguyên nhân là do ông bà, cha mẹ và cả người mắc sởi đã không tiêm ngừa vaccine đầy đủ.
Đoàn công tác của Bộ Y tế tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tại buổi làm việc này, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, bày tỏ lo ngại với đoàn công tác Bộ Y tế về việc người tiêm chủng khai báo địa chỉ trên phần mềm không rõ ràng.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng đề xuất các cơ sở phụ sản cần tạo mã cho từng trẻ khi chào đời để tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra tình trạng tiêm ngừa. Bên cạnh đó, trung tâm y tế cần kết hợp với trường học để rà soát đối tượng chưa tiêm chủng thì buộc phải tiêm chủng vaccine. Khi trẻ thay đổi địa chỉ cư trú thì trung tâm y tế cần cập nhật nhanh chóng, chính xác vào phần mềm quản lý tiêm chủng.
Tại BV Nhi đồng 1, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thăm hỏi các bệnh nhi đang khám bệnh và lưu ý lãnh đạo BV việc tránh bố trí phòng bệnh gây lây nhiễm chéo.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cùng đại diện BV Nhi đồng 1, BV Bệnh nhiệt đới về công tác phòng chống dịch sởi.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, từ năm 2018 đến hết tháng 2-2019 toàn TP có 4.327 ca mắc sởi. Hiện số ca mắc sởi đang có dấu hiệu giảm hàng tuần. Trong đó, độ tuổi mắc sởi cao nhất từ 5 - 16, với tỷ lệ 28%. Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị có đến 97% bệnh nhân mắc sởi trên 9 tháng tuổi không được tiêm chủng trước đó.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết, tại TPHCM tổng số trẻ không được tham gia tiêm trong chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1 - 5 tuổi toàn TP là 139.005 trẻ (chiếm tỷ lệ 47%). Nguyên nhân dẫn đến số lượng trẻ tiêm vaccine ít là do người dân không có nhu cầu và cũng không cung cấp tiền sử tiêm vaccine trước đó.
Đại diện BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, BV đã tiếp nhận 1.100 ca mắc sởi đến điều trị, trong đó 2/3 bệnh nhân cư trú tại TPHCM, 1/3 bệnh nhân sinh sống ở các tỉnh. Hiện tại, số bệnh nhân sởi tại BV có xu hướng giảm dần.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, khẳng định, việc trẻ mắc sởi là do "lỗ hổng" tiêm chủng. Để khắc phục tình trạng trên, cơ sở tiêm chủng mở rộng cần phối hợp cùng cơ sở tiêm chủng dịch vụ quản lý tiêm chủng chặt chẽ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các trung tâm y tế và cơ sở tiêm chủng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, kêu gọi người dân cho trẻ đi tiêm ngừa sởi; đồng thời nhấn mạnh việc siết chặt quản lý đối tượng tiêm ngừa để tránh trường hợp tiêm chủng sót người.
KIM HUYỀN
Theo SGGP
Thủ tướng phát động Chương trình "Sức khỏe Việt Nam" Việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân - Đó là một trong những vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tại hội nghị trực tuyến phát động Chương trình "Sức khỏe Việt Nam" với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu...