Khuyến cáo doanh nghiệp nắm rõ về quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu
Theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, thương hiệu nông sản của Việt Nam đang bị đe dọa bởi liên tục có những vụ vi phạm của hàng xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc.
Do đó, các doanh nghiệp đã được cấp mã số đăng ký xuất khẩu cần hết sức lưu ý, bởi khi đã bị tạm dừng thì rất khó quay trở lại thị trường này.
Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Hơn nữa, Lệnh 249 (biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu) của cơ quan Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã được Bộ Công Thương dịch sơ lược với 6 Chương và 79 Điều nhằm đưa cái nhìn tổng quan về Lệnh này; trong đó, đưa ra những vấn đề đáng lưu ý nhằm khuyến nghị đến các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Đối với Lệnh 249, cơ quan Hải quan Trung Quốc đặt ra 6 yêu cầu cụ thể như đánh giá sự phù hợp, nghĩa là hệ thống đánh giá an toàn thực phẩm của Việt Nam và Trung Quốc là như nhau sẽ công nhận lẫn nhau; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến; yêu cầu cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm sản xuất; thay đổi yêu cầu về ghi nhãn; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia.
Bộ Công Thương cho hay: Việc này thuận lợi cho các bộ, ngành do không phải sang Trung Quốc để đàm phán cũng như không phải đón các đoàn chuyên gia Trung Quốc vào Việt Nam tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp trong nước trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thế nhưng, nếu trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc gặp vấn đề sẽ bị phía bạn điều tra và phỏng vấn trực tiếp doanh nghiệp đó.
Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ Lệnh 248 (quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài), Lệnh 249 gồm việc hiểu như thế nào về các quy định của Trung Quốc liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, nếu doanh nghiệp không trả lời được sẽ bị tạm dừng tư cách xuất khẩu.
Video đang HOT
Do đó, quy định này một mặt sẽ thuận tiện cho doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, áp lực đối với doanh nghiệp rất lớn trong tổ chức sản xuất và cần phải tìm hiểu các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của thị trường Trung Quốc.
Đối với thay đổi về yêu cầu ghi nhãn, theo quy định trong Lệnh 249, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói.
Ngoài ra, mã này không được cắt dán, mà phải in trực tiếp, cả trong lẫn ngoài bao bì, tới phần đóng gói nhỏ nhất không thể chia được.
Đáng lưu ý, mã số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp, và được thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, bao bì bên ngoài sản phẩm phải có nhãn hiệu chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung Quốc/ tiếng Anh, hoặc tiếng Trung Quốc và nước xuất khẩu (khu vực).
Các thông tin cần có: nước xuất khẩu, tên sản phẩm, số đăng ký của nhà sản xuất, số lô sản xuất, bao bì bên ngoài phải ghi thông số kỹ thuật, nơi sản xuất cụ thể đến huyện/ tỉnh/ thành phố và điểm đến phải ghi rõ là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng thời có dấu kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, thị trường Trung Quốc đặt ra những yêu cầu rất lớn nêndoanh nghiệp cần hết sức lưu ý bởi nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước sẽ dẫn đến phát sinh chi phí rất nhiều.
Trong tài liệu tóm tắt giới thiệu quy định về Lệnh số 248, 249 và một số hướng dẫn liên quan cho doanh nghiệp do Bộ Công Thương biên soạn có hình ảnh mẫu nhãn mang tính tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về việc này.
Mặt khác, việc đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia của cơ quan Hải quan Trung Quốc, có những sản phẩm trong thời kỳ mới như thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm nhân tạo, Trung Quốc đã mở sẵn đường để kiểm soát các sản phẩm này.
Điều này cũng cho thấy việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật của Trung Quốc đang trước và đi đầu thế giới. Trung Quốc đang trở thành thị trường dẫn dắt toàn cầu về xu thế mới; trong đó có tiêu chuẩn chất lượng.
Bởi vậy, các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, thay đổi để thích nghi cũng như đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc bởi nếu trường hợp bị dừng xuất khẩu sẽ rất khó để có thể khôi phục.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi xin "visa" xuất khẩu sang Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề xuất một việc
Ngày 8/3/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có Công điện số: TCOCD272 gửi các Bộ NNPTNT, Công Thương, Y tế đề nghị thống nhất giao một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS Việt Nam) tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Lệnh 248, 249 để Đại sứ quán trao đổi với Hải quan Trung Quốc.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành "Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài" (Lệnh 248) và "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu" (Lệnh 249) có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/2022.
Trong đó, nhiều nội dung quy định mới được bổ sung, sửa đổi và thay thế các quy định liên quan trước đây, nhằm mục đích nâng cao công tác quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, đặc biệt là quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc phải đăng ký với cơ quan hải quan nước này.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng đúng và đủ các quy định của Trung Quốc, đảm bảo các hoạt động xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc diễn ra liên tục, thuận lợi khi Lệnh 248, 249 được thực thi, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã thường xuyên liên hệ, trao đổi với cơ quan Hải quan sở tại để tìm hiểu các quy định liên quan và yêu cầu phía bạn có văn bản hướng dẫn nhằm kịp thời cung cấp cho các bộ chức năng quản lý lĩnh vực nông sản, thực phẩm trong nước thông tin, hướng dẫn tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị các Bộ thống nhất giao cho một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS) tập hợp thông tin từ các Bộ, đơn vị phụ trách gửi cho Đại sứ quán để trao đổi với Hải quan Trung Quốc giải quyết các vướng mắc trong việc đăng ký mã số để xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc. Ảnh: D.V
"Đến nay, việc triển khai đăng ký doanh nghiệp theo yêu cầu của Hải quan Trung Quốc cơ bản hoàn thiện. Tính đến ngày 07/3/2022, có 1.853 doanh nghiệp được Hải quan Trung Quốc cấp mã, đảm bảo xuất khấu nông sản, thực phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc" - Đại sứ Phạm Sao Mai nêu rõ trong công điện.
Tuy nhiên, trong quá trình các doanh nghiệp đăng ký mã số để xuất khẩu sang Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được kiến nghị, phản ánh từ các Bộ chức năng và doanh nghiệp về một số vấn đề vướng mắc, tồn tại trong quá trình đăng ký doanh nghiệp.
Trong đó, một số vướng mắc hay gặp như: Một số doanh nghiệp đã được cập nhật lên hệ thống nhưng chưa được cấp tài khoản truy cập; khi xử lý hồ sơ trên hệ thống đã thao tác đúng nhưng một số trường hợp không hiển thị; một số doanh nghiệp và sản phẩm chưa thể làm thủ tục xuất khẩu do hệ thống Hải quan Trung Quốc chưa hiển thị mã.
Từ thực tế này, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời các ngành chức năng và doanh nghiệp trong nước đôn đốc, trao đổi với Hải quan Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hoàn thành việc phê duyệt cấp mã doanh nghiệp và sản phẩm, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế rà soát lại số doanh nghiệp và sản phẩm đã đề xuất với Hải quan Trung Quốc nhưng chưa được phê duyệt, cấp mã; liệt kê cụ thể những khó khăn vướng mắc trong quá trình đăng ký.
Với tư cách là đầu mối thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, cũng như các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, thanh tra, kiểm tra của mọi thành viên WTO, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các Cục, Vụ chuyên môn có liên quan, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp về các quy định mới của Lệnh 248, Lệnh 249 - được phía Trung Quốc đưa ra vào ngày 12, 14/4/2021.
"Ngoài ra, để đảm bảo tập trung thông tin, tránh tình trạng mỗi Bộ hoặc đơn vị phụ trách của Bộ phản hồi thông tin riêng lẻ như thời gian vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị các Bộ thống nhất giao cho một đầu mối (đề xuất Văn phòng SPS) tập hợp thông tin từ các Bộ, đơn vị phụ trách gửi cho Đại sứ quán để trao đổi với Hải quan Trung Quốc" - Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh trong công điện.
Liên quan đến đề xuất này của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho biết, sẵn sàng hợp tác với các ngành chức năng, doanh nghiệp tập hợp mọi thông tin, vướng mắc trong quá trình các doanh nghiệp đăng ký mã sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
"Đây là ý tưởng rất hay, làm được như vậy thì thông tin sẽ chuyên nghiệp và nhanh hơn. Thực tế trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia như EVFTA, UKVFTA, CPTPP... thì Văn phòng SPS Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan đầu mối thực thi Chương SPS (Chương về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật)" - ông Nam nhấn mạnh.
Là "vựa" thanh long nhưng Bình Thuận vẫn thiếu một thứ để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc Đợt ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu sang Trung Quốc lớn nhất đến nay đã bộc lộ điểm yếu của ngành sản xuất trái cây Việt Nam. Đó là chủ yếu xuất khẩu tươi và phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đẩy mạnh chế biến lại càng là đòi hỏi cấp thiết lúc này. "Vựa" thanh long...