Khuổi Ky – làng du lịch cộng đồng
Năm 2008, làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy ( Trùng Khánh) được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là “ Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”, thu hút nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm, trải nghiệm.
Làng Khuổi Ky trở thành làng homestay (loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân bản địa), phục vụ du khách trong hành trình khám phá danh lam thắng cảnh thác Bản Giốc – động Ngườm Ngao.
Làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). |
Xã Đàm Thủy gồm hai khu vực được ngăn cách bởi một dãy núi đá, phía Đông Nam gồm các làng Bồng Sơn, Bản Thuôn liền với vùng rừng, đồi đất rộng lớn, tiếp giáp với các xã của huyện Hạ Lang; khu vực phía Tây Bắc là làng người Tày, người Nùng ở các chân núi quanh vùng đồng ruộng rộng lớn, liền dãy núi đá biên giới với Trung Quốc. Từ các khe rừng, đồi đất, những dòng nước tạo thành một con suối nhỏ có tên là Khuổi Ky hòa dòng chảy vào sông Quây Sơn, rồi đổ xuống thác Bản Giốc, mực nước suối lên xuống theo các mùa. Ngôi làng ở nơi giao nhau giữa hai khu vực của xã Đàm Thủy có đoạn cuối cùng của suối Khuổi Ky chảy qua nên làng mang tên con suối này.
Làng Khuổi Ky có 100% hộ là dân tộc Tày với phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt, trang phục thuần chất bản địa. Người Khuổi Ky chân tình, mến khách và sẵn sàng ca hát chung vui cùng du khách đến trải nghiệm. Đến làng Khuổi Ky, du khách sẽ cảm nhận được bản sắc văn hóa riêng biệt của người Tày miền Đông Cao Bằng.
Khu du lịch thác Bản Giốc – động Ngườm Ngao nằm ở cuối xã Đàm Thủy. Từ đầu làng Khuổi Ky, đi thẳng gần 2 km sẽ đến chân thác Bản Giốc; rẽ phải hơn 1 km đến cửa động Ngườm Ngao. Tùy ý muốn của từng du khách, nếu xuống xem thác trước cũng hết buổi sáng, quay lại đến Khuổi Ky nghỉ trưa để buổi chiều vào xem động Ngườm Ngao hoặc ngược lại. Trước làng Khuổi Ky có dòng suối nước trong veo, mát rượi, du khách có thể tắm suối thoải mái vào mùa nóng. Mùa lạnh, các nhà trong làng đều có bình nước nóng lạnh và chỗ nấu ăn với bếp ga, tủ lạnh và một số đồ dùng cần thiết để khách có thể tự nấu ăn. Các phòng ngủ dành cho khách du lịch được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, có quạt điện, ổ cắm để khách sử dụng. Thức ăn được dọn ra trên các chiếc bàn trúc xinh đẹp, đặt trên chiếu rộng rãi, để khách có thể tổ chức một bữa liên hoan chung mang đậm phong cách bản địa. Ngoài thời gian ăn, ngủ, khách có thể vui chơi, ca hát tự do, sẵn có các loại đàn tính, ghi ta, nhị, sáo trúc… hoặc muốn thưởng thức chè, cà phê đều có. Tất cả các tiện nghi sinh hoạt cần thiết cho khách du lịch đều được chuẩn bị chu đáo trong những ngôi nhà mang giá trị nguyên bản với nhà sàn tường đá, mái ngói máng truyền thống cổ xưa của người Tày.
Công việc chính của người dân làng Khuổi Ky vẫn đi làm ruộng, nương. Mùa nào thức ấy, khách du lịch có thể được sử dụng các sản phẩm lao động của chính người dân nơi đây, như: rau cải nương, cải vườn, ngô luộc, ngô nướng, cốm trộn hạt dẻ, xôi trám đen… đến gà thả đồi, vịt thả suối; đặc biệt, vào mùa măng ngọt (cuối mùa xuân), khách du lịch sẽ được thưởng thức món “máy nhương” – củ măng khứa từng đường nhỏ và ốp nhân thịt rán mang hương vị rất đặc trưng của người vùng này. Ngoài việc phục vụ sinh hoạt cho khách nghỉ trọ, người Khuổi Ky còn sẵn sàng đưa khách du lịch đi leo núi, vào làng để khám phá thiên nhiên.
Khách đến là niềm vui đến. Người làng Khuổi Ky sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu cho du khách, đồng thời luôn nêu cao ý thức giữ gìn trật tự trị an, bảo đảm an toàn về mọi mặt để cho du khách đến Khuổi Ky luôn cảm thấy phong cảnh non nước hữu tình và lòng người cũng rất chân tình, cởi mở.
Ấn tượng trước 4 ngôi làng được vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất"
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc (UN WTO), 4 ngôi làng của Trung Quốc đã giành được vị trí đáng mơ ước trong danh sách "Những ngôi làng du lịch tốt nhất" năm 2023.
4 ngôi làng này bao gồm: làng cổ Hoàng Lĩnh ở tỉnh Giang Tây, làng Hạ Giang ở tỉnh Chiết Giang, làng Zhagana ở tỉnh Cam Túc và làng Chu Gia Loan ở tỉnh Thiểm Tây.
Làng cổ Hoàng Lĩnh, Giang Tây
Video đang HOT
Hoàng Lĩnh là một ngôi làng cổ ở huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc. Trên những mái nhà cổ xây dựng trên sườn đồi ngập tràn hạt tiêu, thóc, đậu xanh đang được phơi khô dưới nắng thu. Sản phẩm sấy khô đã trở thành một cảnh tượng độc đáo ở Hoàng Lĩnh.
Ngôi làng này được thành lập cách đây hơn 580 năm, trong có hơn 100 tòa nhà từ triều đại nhà Minh (1368 - 1644) và nhà Thanh (1644 - 1911), là những đối tượng có giá trị để nghiên cứu về kiến trúc Trung Quốc cổ đại với mái ngói đen và tường trắng.
Tuy nhiên, mặc dù có phong cảnh đẹp như tranh vẽ và những tòa nhà cổ kính, ngôi làng từng ít được biết đến và rất nghèo nên nhiều người dân phải rời làng đi kiếm sống ở nơi khác. Bước ngoặt đến cách đây hơn 10 năm, khi làng thành lập công ty du lịch để phát triển kinh tế. Công ty đã đầu tư 12 triệu nhân dân tệ (khoảng 40 tỉ đồng) để xây dựng nhà mới cho dân làng sống dọc đường cao tốc dưới chân những ngọn núi xung quanh làng.
Những ngôi nhà đổ nát đã được tân trang lại cùng thửa ruộng bậc thang trên sườn núi được trồng hoa cải dầu tạo nên một khung cảnh đặc biệt. Làng đã tung ra các sản phẩm du lịch mới như bơi sông, tắm suối nước nóng, du lịch về đêm để thu hút khách du lịch. Dân làng tái định cư quay về làng làm việc ở khu danh lam thắng cảnh hoặc tự mở cửa hàng ở đó. Nhờ phát triển du lịch, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong làng hiện nay đã gấp hơn 10 lần so với cách đây một thập kỷ.
Làng Chu Gia Loan, Thiểm Tây
Tương tự như làng Hoàng Lĩnh là Chu Gia Loan, một ngôi làng nép mình trong dãy núi Tần Lĩnh ở tỉnh Thiểm Tây. Từng là một ngôi làng nghèo khó, tuy nhiên trong những năm gần đây, nơi đây đã khai thác được thế mạnh về hệ sinh thái để phát triển kinh tế du lịch. Ngôi làng nằm cạnh công viên rừng quốc gia Ngưu Bối Lương, nơi có tỷ lệ rừng che phủ là 93%.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi với việc khoan đường hầm cao tốc xuyên qua dãy núi Tần Lĩnh vào năm 2007. Giao thông thuận tiện đã giúp du khách dễ dàng tham quan làng. Nhận thấy lượng khách du lịch ngày càng tăng, Zeng, một người dân của ngôi làng (đã tìm được việc làm ở thành thị sau khi tốt nghiệp đại học) đã quay trở lại làng để mở nhà trọ. Ngày nay, nhà trọ của anh đã mở rộng từ ngôi nhà 1 tầng trước đây thành tòa nhà 3 tầng với 20 phòng.
Làng Zhagana, Cam Túc
Làng Zhagana nằm ở độ cao từ 3.000 đến 3.300m, được bao quanh bởi các đỉnh núi cao đạt tới độ cao khoảng 4.500m. "Zhagana" có nghĩa là "hộp đá" trong tiếng Tây Tạng. Zhagana là một "thành phố đá" hoàn toàn tự nhiên, có địa hình giống như một cung điện lớn và dáng vẻ của một thành phố cổ được xây dựng tự nhiên nằm trên những vách đá. Ngôi làng nằm nép mình trong vòng tay của những đỉnh núi hùng vĩ, hàng cây thường xanh tươi tốt và bức tường thành cao chót vót dường như không thể phá hủy được bao bọc bởi thiên nhiên ở 3 phía.
Ngôi làng đã được chuyển đổi từ một ngôi làng miền núi khó tiếp cận thành một danh lam thắng cảnh, nơi du khách có thể tận hưởng một kỳ nghỉ nhàn nhã và yên bình.
Làng Hạ Giang, Chiết Giang
Hơn 800 năm tuổi, làng Hạ Giang ở tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc cũng đã tận dụng khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ để phát triển du lịch bằng một loạt các sự kiện lễ hội đa dạng, bao gồm lễ hội cắm trại và lễ hội lúa miến (một loại ngũ cốc) để thổi sức sống mới vào ngôi làng.
Từng được biết đến là một ngôi làng nghèo khó, làng Hạ Giang đã tuân thủ phương pháp phát triển xanh, ưu tiên sinh thái trong những năm gần đây. Làng đã hình thành một cụm công nghiệp sinh thái với du lịch nông thôn là xương sống và nền nông nghiệp quy mô lớn mang lại lợi nhuận để bổ sung cho nền kinh tế địa phương. Điều này đã mở ra một con đường bền vững và có thể nhân rộng để phục hồi nông thôn. Ngày nay, làng Hạ Giang nằm giữa làn nước trong vắt được bao quanh bởi những ngọn núi xanh và có sự kết hợp chặt chẽ giữa các công viên giải trí nông nghiệp hiện đại và nhà ở nông thôn.
Điểm đến của vùng đất Trà Vinh Trà Vinh là một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu. Trà Vinh, xứ sở của những ngôi chùa Khmer cổ kính, những cung đường rợp bóng cây xanh, danh lam thắng cảnh làm nao lòng du khách, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer... và có lẽ sự hiếu...