Khủng khiếp công thức pha chế đồ uống ở quán cà phê
Bỏ ra hàng chục nghìn đồng cho một ly đồ uống, ai cũng nghĩ vào quán “xịn” sẽ được thưởng thức đồ ngon, vị lạ. Nhưng thực tế đồ uống ở đây được pha chế không khác gì các quán bình dân…
Giật mình công thức cà phê!
Để tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ pha chế đồ uống tại các quán cà phê, PV VTC News đã xin được làm thử việc “bồi bàn” tại một quán cà phê trên đường L.V.L kéo dài (Hà Nội).
Quán cà phê không chỉ đơn thuần là nơi thưởng thức một tách cà phê thơm ngon, giúp tinh thần tỉnh táo, phấn chấn hay là “tụ điểm” để buôn chuyện sau những giờ làm việc căng thẳng. Giờ đây, quán cà phê còn là nơi để bàn bạc, thương thuyết các công việc làm ăn, thậm chí là địa điểm lý tưởng cho những buổi họp hành với những công việc quan trọng.
Vì vậy, những quán cà phê sang trọng ngày càng mọc lên như nấm ở khắp các con phố Hà Nội. Nếu những quán cà phê bình dân trên hè phố với dăm ba chiếc ghế nhựa, mỗi tách cà phê có giá chỉ 10.000 – 15.000 đồng, thì tại những quán “sang”, giá cà phê thường đắt gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 5 lần so với cà phê vỉa hè.
Nhưng theo nhận xét của nhiều dân nghiền cà phê thì tại nhiều quán cà phê sang thì “đồ uống cũng bình thường thôi”, thậm chí có nhiều quán còn tệ hơn cả loại cà phê “bụi”, cà phê vỉa hè.
Dưới đây là những gì “mắt thấy, tai nghe” mà PV VTC News được chứng kiến tại quán cà phê khi làm công việc “bồi bàn” lúc thâm nhập thực tế.
Cà phê được rót ra từ chiếc bình nhựa này được nhập ở các đại lý về.
Tuy không phải là quán cà phê sang trọng như Highland coffee, De Mimoza (Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội) hay Paramount (Trần Duy Hưng, Hà Nội),…nhưng đây cũng là một địa điểm thu hút nhiều dân văn phòng, cũng như giới doanh nhân đến tụ tập, bàn chuyện làm ăn. Giá của các loại đồ uống cũng từ 30.000 đến gần 100.000 đồng/cốc.
Sau khi nói chuyện với anh quản lý, cũng may vừa có một chị làm ở quầy bar xin nghỉ đẻ, nên phóng viên được nhận vào học việc ngay lập tức. Công việc ngày đầu tiên hết sức đơn giản: rửa cốc chén và quan sát hai nhân viên quầy bar khác pha chế đồ uống.
“Ở đây nhiều khách, nên làm việc phải nhanh tay nhanh chân nhưng phải cẩn thận vì vỡ một cái cốc là phải đền 20.000 đồng”, anh Tiến, người quản lý dặn dò tôi.
Sau khi hướng dẫn cách rửa và các loại dụng cụ rửa từng loại cốc, anh Tiến bắt đầu để tôi làm công việc của mình. Sau hơn 1h đồng hồ tiếp xúc liên tục với nước đến nỗi 10 đầu ngón tay teo sun lại, tôi bắt đầu được anh Tiến chỉ dạy “bí kíp” pha chế các loại cà phê.
Đầu tiên là cà phê. Đây là loại đồ uống phổ biến nhất của khách. Cà phê có hai loại cà phê phin và cà phê pha sẵn. Đối với loại cà phê pha sẵn, việc pha chế khá đơn giản. Nếu là cà phê đá thì chỉ việc đổ cà phê có sẵn trong một chiếc bình nhựa ra khoảng ¼ cốc. Sau đó, dùng que tạo bọt đánh đều, lắc mạnh cho bọt ngầu lên rồi cho đường (dạng nước) hoặc sữa đặc có đường được đựng trong chai La Vie. Cuối cùng cho thìa, bỏ 2 – 3 viên đá là xong. Tất cả các công đoạn này đều được thực hiện chưa đến 20 giây.
Nếu là cà phê nóng, việc pha chế cầu kỳ hơn một chút, bỏ khoảng 1 muỗng nhỏ cà phê vào phin, sau đó cho thêm vài hạt muối trắng hoặc nếu muộn đậm vị hơn thì bỏ thêm ít nước mắm vào. Sau đó đổ nước sôi, chờ khoảng 1 phút mang ra cho khách.
Theo anh Tiến, vì quán cà phê quá đông khách, nên để tiện sử dụng, thay vì phải mất công pha chế cà phê thì cửa hàng thường mua luôn các chai cà phê pha sẵn từ một đại lý trên đường Phùng Hưng. Sau đó, cà phê này được đổ ra một bình nhựa lớn để thuận tiện pha chế cho khách.
Video đang HOT
Đường được sử dụng cũng không phải là các loại đường tinh trắng, mà là đường đã được nấu nóng, cô đặc thành dạng nước, sau đó bỏ vào chai nhỏ. Theo anh Tiến, đường để nấu nước đường này là các loại đường hóa học, có giá vài nghìn đồng/kg.
“Đường hóa học nên em cho thật ít thôi, vài giọt là đủ rồi, không cà phê sẽ bị ngọt quá đấy”, anh Tiến dặn.
Còn sữa đặc là loại sữa ông Thọ đóng hộp, sau đó được rót vào chai. Tuy nhiên, khi quan sát hạn sử dụng trên nhãn mác của các hộp này, thì hoặc là đã quá hạn hoặc là sắp hết hạn sử dụng.
Nước cam = bột cam đường hóa học đá
Chai sữa và đường nước được cô đặc từ loại đường hóa chất.
Sau bài học cà phê, phóng viên được chuyển sang học pha nước cam. Trước khi vào bài học này, anh Tiến dặn tôi phải chú ý kỹ đến phiếu ghi của khách, tránh nhầm lẫn vì sẽ mất tiền “oan” nếu pha nhầm.
Nếu khách gọi “nước cam nguyên chất”, tức là không chỉ có nước cam và đường, không có đá thì phải pha “tử tế”, vì mỗi ly nước cam này thường có giá là 55.000 đồng, khá đắt so với loại nước cam đá, chỉ 20.000 đồng/ly.
“Mỗi cân cam có 3 quả, mua lẻ là 50.000 đồng/kg, mua buôn như ở nhà hàng mình là 32.000 đồng/kg. Mỗi ly nước cam nếu pha nguyên chất đã mất 2 quả, nên để có lãi thì giá phải cao. Còn ly cam đá, giá 20.000 đồng thì phải pha cách khác”, anh Tiến hướng dẫn.
Cụ thể, với nước cam nguyên chất, sau khi vắt 2 quả cam xong, đổ ra cốc và cho thêm chút nước đường là xong. Còn đối với cam đá thì công thức pha phức tạp hơn một chút. Lấy nước từ vòi nước rửa cốc (nước máy chưa đun, lấy trực tiếp từ vòi), cho khoảng một muỗng cà phê bột cam vào, ngoáy đều, bỏ đá và mang ra cho khách.
Theo anh Tiến, loại bột cam này đã có đường, nên chỉ cần bỏ 1 ít bột là đã có màu vàng tươi giống nước cam rồi, còn đường cũng chỉ vài giọt, nếu không sẽ bị ngọt khé cổ. Mỗi gói bột cam 500 gr này, anh Tiến cho biết chỉ chưa đến 40.000 đồng, nhưng có thể pha được hàng chục cốc nước cam.
“Dùng loại bột cam này là loại xịn đấy, nhiều nơi chủ quán ăn lãi bằng cách dùng hẳn đường cam pha chế, loại ấy chỉ 35.000 đồng/kg, pha được hàng trăm cốc”, anh Tiến tiết lộ.
Ngoài ra, để pha chế nước cam ép nguyên chất, anh Tiến còn tiết lộ thêm một chiêu tiết kiệm cam rất hiệu quả. Mặc dù, giá tính đã rất đắt nhưng để có lời hơn, cũng cần có những thủ thuật riêng.
Theo đó, sau khi vắt 1 quả cam tươi cho vào cốc, cho thêm chút nước lọc (vẫn từ vòi rửa cốc chén) vào, sau đó nhỏ thêm vài giọt si rô vị cam vào là xong. Nước cam vẫn có vị cam tươi và đặc biệt là có những tép cam khiến người uống khá yên tâm là nước cam nguyên chất thật.
Sinh tố từ đường hóa học và giọt siro hoa quả
Mỗi cốc sinh tố thường có giá từ 30.000 – 35.000 đồng/cốc. Tuy nhiên, công thức pha chế “siêu rẻ” không khác so với cà phê và nước cam.
Theo chỉ dẫn của anh Tiến, mỗi cốc sinh tố được pha chế như sau: cắt 1 miếng hoa quả bằng khoảng 2 ngón tay cái cho vào máy xay sinh tố, sau đó đổ thêm nước lọc (vẫn lấy từ vòi rửa cốc chén), thêm vào vài giọt si rô (tùy từng loại sinh tố mà chọn nước si rô), cho ít nước đường vào, sau đó bật máy xay khoảng 5 – 10 giây, rồi đổ ra cốc và cho đá vào.
“Mỗi lần lấy si rô ra, em phải cất ngay vào chỗ cũ, không khách nhìn thấy là sẽ bị trừ lương đấy”, anh Tiến dặn.
Đúng như lời anh nói, các chai si rô được cất giấu rất kỹ lưỡng, thường để trong tủ lạnh hoặc sau tủ rượu. Do đó, khách hàng khó nhận ra được sự có mặt của những loại hóa chất này.
Theo anh Tiến, các loại si rô này được lấy từ một mối quen trên phố Hàng Buồm, giá của mỗi chai si rô này cũng rất rẻ, chỉ khoảng 50 đến dưới 100 nghìn đồng/chai. Tuy nhiên, mỗi chai này lại có thể pha chế hàng trăm cốc sinh tố đủ vị hoa quả khác nhau.
Theo VTC
Đá sạch - Kinh hoàng bẩn!
Hàng ngày, từ quán cóc đến những quán giải khát sang trọng vẫn sử dụng đá cây, đá viên được gọi là đá sạch. Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến những xưởng sản xuất đá có lẽ người dân đều phải "rợn người" vì đá sạch lại... siêu bẩn.
Hãi hùng những xưởng đá
Theo chân một anh chuyên chở đá thuê, trong vai người đi đặt đá cho nhà hàng chúng tôi có mặt tại một cơ sở sản xuất đá cây trên đường 19.5 Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Ngay trước cổng, chỉ có một tấm biển rách nát ghi: Đá cây sạch, chuyên bán buôn bán lẻ...
Dùng dao rỉ sét chặt đá, chân đạp đá trên nền đất.
Bước vào xưởng, một khu lán rộng khoảng 50m2 dựng tạm với nền đất nhớp nháp nước cáu bẩn. Trên giàn làm đá, màu ố vàng quện với những rêu mốc đen, đỏ khiến cho người nhìn phát hoảng. Chốc chốc lại xuất hiện những chiếc xe ba bánh, xe máy cà tàng đến vận chuyển đá cây đi.
Ông chủ xưởng sản xuất tên Lý Ng. cho biết, xưởng sản xuất đã làm từ hơn chục năm nay, đá được làm từ nguồn nước giếng khoan. Mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 300 cây đá thành phẩm với giá dao động từ 25 - 30 ngàn đồng/cây. Ngày nắng nóng thì nhiều hơn, mùa hè thường là sản xuất không kịp vì các hàng, quán tiêu thụ quá lớn.
Xưởng sản xuất đá tại Văn Quán, Hà Đông bẩn kinh hoàng.
Theo quan sát, những người công nhân ở đây vô tư chân đất, tay trần dẫm đạp lên các khay đá, chặt đá. Chứng kiến cảnh, dùng chân đẩy giữ đá trên nền đất cạnh rãnh nước bẩn, chúng tôi thắc mắc là bẩn, anh làm công nói: "Các anh lo gì, nước thì giếng khoan nhưng làm lạnh, vi trùng chết hết rồi. Bọn em giao đá cho các quán nước mía, quán cóc, người ta dùng bao nhiêu năm nay có ai sao đâu. Còn các quán hàng lớn họ vẫn lấy đều, dùng đủ thứ nào ướp bia, hải sản, thậm chí khi "cháy" đá viên thì họ đập nhỏ đá cây ra xay sinh tố, khách vẫn uống ngon lành...".
Tại cơ sở sản xuất nước đá viên tinh khiết của chủ đá tên Th. (Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội) cũng rơi vào cảnh tương tự, cơ sở sản xuất được đặt ngay cạnh con mương chứa nước thải đen kịt. Với 4,5 công nhân luôn túc trực đợi từng mẻ đá "chín" sẵn sàng đóng gói tung ra thị trường.
Một đại lý đá cây "sạch" thuộc xã Trung Văn, huyện Từ Liêm.
Với kiểu làm "nhiều không": không bảo hộ lao động, không che chắn... Nhìn cảnh đóng gói của nhân viên tại xưởng này trong cảnh không găng tay, không khẩu trang nhặt các viên đá rơi vãi trong thao tác sản xuất vẫn xảy ra thường xuyên. Ngay cả 3 phễu đựng đá trước khi được đóng gói đều không được che đậy khiến cho bụi bặm, ruồi nhặng có thể bay vào bất cứ lúc nào.
Xưởng sản xuất đá viên cũng trong cảnh hãi hùng vì... bẩn.
Dân lãnh hậu quả, ngành chức năng "quên" xử lý?
Rơi vào cảnh, miệng nôn chôn tháo, phải nằm điều trị tại bệnh viện 5 ngày trời, chị Nguyễn Thu Hương, ở phố Ngô Quyền, Hà Đông bức xúc: "Chỉ vì uống trà đá ven đường, sau đó mấy nguời bạn rủ nhau vào quán uống hoa quả dầm đá. Ai ngờ về đến nhà là đau bụng quằn quại, đến viện các bác sĩ kết luận nguyên nhân do ngộ độc. Từ giờ chắc không dám ghé mấy quán nước đó nữa".
Được biết, theo quy trình sản xuất đá tinh khiết đạt tiêu chuẩn thì nguồn nước lấy từ độ sâu 90m, xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều phải bằng inox, không bị rỉ sét theo thời gian. Sản xuất nước đá khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người thì nước đá viên tinh khiết mới đảm bảo ATVSTP.
Nhưng trên thực tế, hiện nay các cơ sở sản xuất đá sạch hầu như đều sử dụng nguồn nước giếng khoan, mặt bằng sản xuất và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều cơ sở chưa có đầu tư thỏa đáng, các trang thiết bị mang tính chất thủ công, nhà xưởng chật chội, còn nhiều phế liệu trong cơ sở sản xuất dẫn đến các vi phạm chủ yếu về vệ sinh ngoại cảnh như môi trường sản xuất không đảm bảo, không có điều kiện bảo hộ lao động.
Theo một lãnh đạo Sở Y Tế Hà Nội, tình trạng mất vệ sinh về chất lượng đá phần nhiều là do quá trình vận chuyển, bụi đường, bụi xe bám vào và do các đại lý bán đá lẻ không đủ điều kiện trong bảo quản, đảm bảo chỉ số chất lượng ban đầu của đá. Trong quá trình sản xuất đá đều phải sử dụng nước máy với những tiêu chuẩn kĩ thuật yêu cầu chặt chẽ mới cho dạng nước đá viên tinh khiết.
Dịp hè, nhu cầu sử dụng đá cây, đá viên là rất lớn. Tuy nhiên, mùa hè cũng là thời điểm dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng. Trong khi đó, trên đại bàn Hà Nội vẫn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất đá cây, đá viên mất vệ sinh, ô nhiễm. Đề nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, tiến hành thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, đảm bảo vấn đề ATVS TP đối với người dân.
Theo Lao Động
Kem Swensen's nổi tiếng của Mỹ đã đến Việt Nam Nếu như trước kia chúng ta chỉ được thưởng thức món kem Swensen's khi du lịch đến Singapore, Thái Lan, Mỹ... thì nay thương hiệu kem này đã chính thức có mặt tại Việt Nam để thỏa niềm đam mê của các "tín đồ yêu kem." Mời các "tín đồ thích kem hàng hiệu" ghé thăm kem Swensen's tại địa chỉ : 73...