Khủng hoảng vỏ container đẩy cước vận tải biển tăng 300%
Thiết hụt trầm trọng vỏ container đang đẩy cước vận tải biển tăng cao, khiến việc nhập hàng từ Trung Quốc bị gián đoạn. Kênh CNBC ngày 24/1 có bài phân tích về vấn đề này.
Tàu hàng cập cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Đại dịch COVID-19 cùng với đà phục hồi kinh tế không đồng đều trên toàn cầu đã gây ra thực trạng khan hiếm container rỗng ở nhiều khu vực, trầm trọng nhất là tại châu Á. Giới quan sát trong ngành cho biết, các công ty hiện phải chờ nhiều tuần mới có được vỏ container và buộc phải trả mức giá cao, đẩy giá vận tải biển tăng chóng mặt. Xu thế này ảnh hưởng đến mọi đối tượng nhập, tiêu thụ hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng nặng nhất là các công ty thương mại điện tử và người tiêu dùng – số phải gánh chịu chi phí cộng dồn vào giá bán.
Theo ông Mirko Woitzik, nhà quản lý giải pháp phòng ngừa rủi ro tại công ty chuyên về chuỗi cung ứng Resilience36, giá cước vận tải biển tuyến từ châu Á sang Bắc Âu trong tháng 12/2020 đã tăng 264% so với thời điểm một năm trước. Đối với hành trình từ châu Á sang bờ Tây nước Mỹ, cước vận tải tăng 145% chỉ trong một năm.
Còn so với tháng 3/2020, thời điểm ngành vận tải biển đình trệ vì COVID-19, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đi Mỹ và châu Âu đã tăng 300% – ông Mark Yeager, Giám đốc điều hành hãng vận tải Redwood Logistics, chia sẻ. Có thời điểm giá cước lên tới 6.000 USD/container, so với mức giá thông thường chỉ là 1.200 USD.
“Nguyên nhân nằm ở chỗ, Trung Quốc đang rất rốt ráo, tìm mọi cách để hút container rỗng… Rất khó để các nhà xuất khẩu Mỹ tiếp cận được vỏ container, khi cứ 4 container từ Mỹ ngược về châu Á thì có 3 chiếc là vỏ, không chứa hàng”, ông Yeager nói.
Theo ông Woitzik, thực trạng thiếu hụt vỏ container ở châu Á cũng nhanh chóng lan sang nhiều nước châu Âu như Đức, Áo, Hungary – khi các hãng vận tải tìm cách thay đổi hành trình container sang phương Đông với thời gian nhanh nhất có thể.
Video đang HOT
Vỏ container bị ách lại tại Mỹ, châu Âu vì không có hàng xuất ngược trở lại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Ngoài yếu tố dịch bệnh, còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Đầu tiên là việc hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu lớn hơn nhiều lần lượng hàng nhập khẩu ngược trở lại. Kinh tế Trung Quốc cũng phục hồi nhanh hơn, sau khi chính quyền Bắc Kinh kiểm soát tương đối thành công đại dịch COVID-19. Hệ quả là vỏ container chất đống ở phương Tây, trong khi khu vực thực sự cần thiết là châu Á lại khan hiếm.
Ông Yeager cho biết, có khoảng 180 triệu vỏ container trên toàn cầu. Nhưng mấu chốt nằm ở chỗ chúng đang nằm sai địa điểm. Những gì đang diễn ra là hệ quả của việc Trung Quốc đạt thặng dư thương mại quá lớn, khiến 3 container xuất đi mới có 1 container nhập về.
Tình trạng thiếu hụt còn trở nên trầm trọng hơn do năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không bị cắt giảm. Số lượng các chuyến bay quốc tế sụt giảm mạnh, do đại dịch COVID-19 cùng với nhiều biện pháp hạn chế đi lại của nhiều nước. Thậm chí, nhiều loại giá trị hàng hóa có giá trị cao vốn được vận chuyển bằng máy bay như điện thoại iPhone giờ cũng phải chuyển sang đường biển.
Khủng hoảng container rỗng ảnh hưởng tới mọi công ty có nhu cầu sử dụng mặt hàng này để chuyển hàng. Nhưng giới phân tích nhận định, tắc nghẽn này tác động mạnh nhất đến các nhà bán lẻ dựa trên nền tảng thương mại điện tử, số cung ứng hàng hóa đầu tiên cho khách hàng, mà trong đó nhiều chủng loại hàng được nhập từ Trung Quốc. Chi phí tăng vì thế sẽ dồn vào nhà bán lẻ, hoặc chuyển sang người tiêu dùng.
Đã xuất hiện cuộc chạy đua sản xuất vỏ container mới, nhằm đáp ứng đơn đặt hàng gia tăng. Nhưng chưa thể sớm xử lý rốt ráo cuộc khủng hoảng này, khả năng thiếu hụt vẫn còn tiếp diễn hết quý 1/2021. Theo ông Yeager, sản xuất container rỗng hiện cũng gặp khó khăn, khi đại dịch đã tác động mạnh tới chuỗi cung ứng sản phẩm thép và gỗ công nghiệp, hai nguyên liệu chủ yếu để chế tạo vỏ container.
Trung Quốc đối diện nguy cơ ùn tắc xuất khẩu do thiếu vỏ container
Đà phục hồi mẽ sau đại dịch COVID-19 của nền kinh tế Trung Quốc gặp trở ngại mới: Thiếu hụt vỏ container ở cấp độ toàn cầu, đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao kỉ lục, khiến các nhà sản xuất, xuất khẩu không thể đáp ứng các đơn hàng đang hồi phục nhanh.
Tàu hàng di chuyển qua vùng biển Hong Kong. Ảnh: Reuters
Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng 21% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, khi đầu tàu sản xuất của thế giới xuất đi hàng núi đồ thiết bị điện tử, đồ chơi, quần áo, đồ bảo hộ cá nhân và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác đang có nhu cầu cao trên thế giới.
Nhưng do mất cân đối về cán cân thương mại liên quan đến cơ cấu xuất, nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cứ gần 4 container xuất đi mới có 1 container nhập khẩu về, cùng với việc nhiều container về Trung Quốc bị ách lại do đại dịch, nên đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt trầm trọng vỏ container vốn đang là rào cản cho dòng xuất khẩu hàng hóa.
Nhiều nhà sản xuất, xuất khẩu tại Trung Quốc cho biết đang phải đối diện với thực trạng nhận được nhiều đơn hàng, nhưng không thể xuất được. Các thùng hàng được chất đầy, các nhà máy, nhà kho sắp không còn chỗ chứa. Lý do là rất khó để đặt được container, khi mọi người đều chạy đôn tìm nguồn cung ứng với mức giá cao.
Theo dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc, khoảng 60% hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, đóng trong các container, với tổng số khoảng 180 triệu vỏ container trên toàn thế giới. Hiệp hội Container Trung Quốc (CCIA) cho biết, thời gian quay vòng trung bình của một container đã vọt lên 100 ngày, so với mức 60 ngày trước đây mà nguyên nhân là do đại dịch COVID-19. Nhiều vỏ container nằm lại ở châu Âu, Bắc Mỹ vì thiếu nguồn hàng xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc, do mất cân đối về xuất nhập khẩu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Việc nhiều máy bay chuyên vận tải hàng hóa nằm bến vì dịch bệnh cũng lại gây thêm sức ép cho vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Tổng hợp các nhân tố này khiến giá cước tàu biển tăng mạnh. Chi phí để vận chuyển một container từ Trung Quốc đi Bờ Đông nước Mỹ trong tuần đầu tháng 12 đã lên mức kỉ lục, 4.928 USD/container, tăng 85% so với thời điểm ngày 1/6. Mức cước phí đó sang châu Âu và Địa Trung Hải qua kênh đào Suez lần lượt tăng 142% và 103% so với cùng kỳ.
Những nhà chế tạo vỏ container cũng đã điều chỉnh, thích ứng theo hướng mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu, nhưng chưa thấm vào đâu. Sản lượng vỏ container/tháng tại Trung Quốc - chiếm khoảng 96% sản lượng toàn cầu, đã vọt lên mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, với 300.000 vỏ trong tháng 9, theo dữ liệu của CCIA.
Sản lượng này sau đó còn đứng ở mức cao, nhưng việc thiếu hụt nguồn thép, sàn gỗ công nghiệp và thợ hàn trình độ cao sẽ là rào cản mới. Đây là sản phẩm đòi hỏi thông số kĩ thuật, bảo đảm an toàn cao, vì tiềm ẩn nguy cơ gãy, vỡ trong quá trình bốc xếp hàng hóa.
Thị trường chợ đen và mức giá tăng vọt
Nhiều vỏ container bị ách lại tại Mỹ, châu Âu vì không có hàng xuất ngược trở lại thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa, nguồn: Bloomberg
Nhận thấy cơ hội kiếm tiền, một số công ty tư nhân Trung Quốc tìm cách tích trữ vỏ container để cho thuê lại với mức giá cao nhất, tạo ra một ngành kinh doanh mới.
"Mọi thứ như chợ đen. Bạn phải trả thêm tiền để có được các container từ những xưởng tư nhân, chứ không phải các công ty chuyên về giao nhận hàng hóa. Mỗi container phải đội thêm chi phí 500 USD, trong khi giá cước vận chuyển đã cao gấp 3 lần bình thường. Mọi người ai cũng tìm cách kiếm được tiền, chỉ có những người như chúng tôi thì không", đại diện một nhà cung ứng đồ da dụng, đồ chơi và văn phòng phẩm có trụ sở ở Yiwu, Chiết Giang chia sẻ.
Nhân vật giấu tên này cho biết sẽ phải đợi từ 2-4 tuần mới mong có được một container, mà chưa biết chắc chắn hay không. Còn theo một nhân viên lại tại hãng vận tải đường biển Southwest Logistics ở Ninh Ba, Chiết Giang, giá cước cho một container xuất từ Trung Quốc đi Nam Mỹ trước đây kịch trần cũng chỉ 3.000 USD, nhưng nay ngay cả mức giá 6.000 USD/container cũng chưa chắc đã đặt được chỗ trên tàu.
Không chỉ tại Trung Quốc, hiệp hội vận tải đường biển ở Hàn Quốc, Malaysia và nhiều nước đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ đề bù cho mức cước phí cao. Một số nhà xuất khẩu chọn cách khác là khai thác thị trường nội địa, bán hàng trong nước. Tuy nhiên, đa phần đều phải chấp nhận giải pháp trả giá cao hơn. Bởi không ai đủ kiên nhẫn đề đợi giá xuống. Không có container, không thể xuất hàng và không thu được tiền, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Giới quan sát ngành vận tải đường biển cho rằng tình trạng khan hiếm container sẽ còn tiếp diễn cho đến khi vaccine ngừa COVID-19 được phân phối rộng rãi, hoạt động di chuyển toàn cầu bằng đường hàng không được nối lại một cách cơ bản.
Tên lửa đạn đạo Iran rơi cách tàu sân bay Mỹ 160 km Tên lửa đạn đạo Iran nổ tung gần vùng biển có nhóm tàu USS Nimitz hoạt động trên Ấn Độ Dương, nhưng không đe dọa an toàn chiến hạm Mỹ. Các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm 17/1 cho biết tên lửa đạn đạo được Iran phóng trong cuộc tập trận Nhà tiên tri Vĩ đại 15 đã rơi xuống vùng...