Khủng hoảng Ukraine: Nga còn quân át chủ bài
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang leo thang lên đến đỉnh điểm vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong thế bị dồn ép, gây áp lực, Nga có thể tung ra quân át chủ bài khiến phương Tây choáng váng, không thể chống đỡ. Đó là chiêu cung cấp tên lửa siêu tinh vi mà Nga từng đe dọa sẽ bán cho Iran.
S-300
Tuần trước, nguồn tin từ Reuters đã lần đầu tiên đưa tin về việc Nga đang chuẩn bị thực hiện một thỏa thuận đổi hàng hóa lấy dầu mỏ với Iran có trị giá lên tới 20 tỉ USD. Theo một quan chức giấu tên của Iran cho biết, thỏa thuận trao đổi này bao gồm cả vũ khí. Thông tin trên chưa được kiểm chứng về độ chính xác nhưng nếu nó thực sự xảy ra thì sẽ là một “cú giáng mạnh” vào nỗ lực gây sức ép với Iran của phương Tây.
Giao dịch giữa Moscow và Tehran sẽ giúp làm dịu áp lực kinh tế mà Iran đang phải gánh chịu vì những đòn trừng phạt hà khắc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, của Mỹ và phương Tây. Đây là những biện pháp trừng phạt mạnh tay mà Nhà Trắng hy vọng sẽ khiến nước Cộng hòa Hồi giáo Iran phải đến bàn thương lượng, thỏa hiệp với họ. Thỏa thuận với Moscow có thể sẽ gây đổ vỡ đối với những cuộc đàm phán mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hy vọng qua đó thuyết phục được Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Nếu những cuộc đàm phán trên thất bại, Nga sẽ có lợi thế trong tay để trang bị cho Iran những tên lửa siêu tinh vi giúp nước Cộng hòa Hồi giáo bảo vệ các máy ly tâm và lò phản ứng hạt nhân của họ trước những cuộc tấn công có thể xảy ra từ liên minh Mỹ và phương Tây. Vũ khí tối tân đó chính là tên lửa S-300 mà Nga từng từ chối bán cho Iran.
“Tôi có thể nhìn thấy khả năng, một phần của thỏa thuận giữa Tehran và Moscow sẽ bao gồm việc họ đồng ý chuyển giao tên lửa tối tân cho Iran”, ông Mark Dubowitz – Giám đốc điều hành của Tổ chức Bảo vệ Các nền dân chủ có quan điểm diều hâu và cũng là một chuyên gia về các lệnh trừng phạt Iran. “Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin trở nên nổi giận bởi những đòn trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Nga, ông có thể tung ra con át chủ bài là thỏa thuận S-300″.
S-300 được coi là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Đây là loại tên lửa đất đối không có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở các độ cao khác nhau với tầm bắn 300km. Hệ thống S-300 được Liên Xô bắt đầu triển khai lần đầu tiên vào năm 1979. Liên Xô đã phát triển loại tên lửa phòng không này với với mục tiêu là để tăng cường khả năng chống lại máy bay và tên lửa hành trình của đối phương.
S-300 là hệ thống tên lửa phòng không có khả năng phá hủy các tên lửa đạn đạo và máy bay. S-300 có thể cùng lúc lần theo tới 100 mục tiêu, với thời gian triển khai là 5 phút và có thể nhằm một lúc 12 tên lửa và các mục tiêu mà nó cần hủy diệt. Tên lửa này cũng có thể tấn công các mục tiêu mặt đất. S-300 là thứ vũ khí được rất nhiều nước thèm muốn.
Nga cũng từng đe dọa cung cấp hệ thống siêu tên lửa S-300 cho Syria.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống George W. Bush, Nga gần tiến tới việc bán và đào tạo cách sử dụng S-300 tinh vi cho Iran. Tuy nhiên, vào năm 2010, Nga đã rút lại hợp đồng trên theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc trừng phạt Iran..
Video đang HOT
Moscow đã ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc và đã ngừng bán S-300 cho Iran. Đây được xem là một chiến thắng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Nga cũng đàm phán một kẽ hở quan trọng. Theo đó, nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm hầu hết việc cung cấp vũ khí cho Iran nhưng về mặt lý thuyết, nó vẫn cho phép các nước thành viên cung cấp hệ thống phóng không cho Iran như S-300.
“Không có lệnh cấm bán S-300 trong nghị quyết”, ông Michael McFaul, người vừa rời cương vị Đại sứ Mỹ tại Nga, thừa nhận. Ông McFaul là người từng tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán năm 2010 về nghị quyết liên quan đến Iran. Theo lời ông McFaul, Tổng thống Nga khi đó – ông Dimitry Medvedev đã nói trong các cuộc gặp riêng và cả công khai rằng, tinh thần của nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cấm bán S-300 cho Iran. “Tuy nhiên, ông ấy không có nghĩa vụ phải làm điều đó theo nghị quyết”, ông McFaul khẳng định.
Cựu Đại sứ Mỹ McFaul từ chối bình luận về việc liệu ông có nghi ngờ gì về khả năng Nga sẽ cung cấp hệ thống phòng không siêu tinh vi S-300 cho Iran hay không. Tuy nhiên, chuyên gia Dubowitz cho biết, ông này lo ngại về khả năng Moscow sẽ hủy bỏ cam kết không bán S-300 cho Iran.
Theo một quan chức của chính quyền Obama, cho đến thời điểm này, Mỹ chưa thấy có bằng chứng hay dấu hiệu gì chứng tỏ Nga đã hủy bỏ cam kết không bán S-300 cho Iran.
Tuy vậy, các thượng nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ đã bắt đầu tỏ ra hết sức lo lắng về mối quan hệ giữa Moscow và Tehran. Hôm thứ Hai đầu tuần (7/4), hai thượng nghị sĩ Mỹ từng tham gia phác thảo những biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Iran đã kêu gọi Nhà Trắng áp dụng trở lại một số biện pháp trừng phạt mà Mỹ vừa nới lỏng cho Iran trong mùa thu vừa rồi khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran được khởi động.
Trong bức thư của mình, Thượng nghị sĩ Mark Kirk của Đảng Cộng hòa và Thượng nghị sĩ Robert Menendez của Đảng Dân chủ đã viết rằng, họ cảm thấy lo ngại bởi thông tin về thỏa thuận trao đổi hàng hóa-dầu mỏ giữa Nga và Iran mà hãng tin Reuters đưa ra. Hai thượng nghị sĩ này lo lắng, Nga có thể cung cấp cho Iran những thứ có giá trị cho quân đội Iran cũng như chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Người ta tin rằng, nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục dồn ép, gây sức ép lên Nga vì vấn đề Ukraine thì liên minh này có thể sẽ phải trả giá trên bàn đàm phán hạt nhân Iran.
Kiệt Linh – (theo CMS)
Theo_VnMedia
Các cường quốc "đầu hàng" trước Iran?
Các cường quốc lớn của thế giới và Iran đang ngày một tiến gần hơn tới một thỏa thuận ban đầu nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo, một quan chức cấp cao của Mỹ hôm qua (15/11) tuyên bố. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang khiến các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ "sôi sùng sục" vì cho rằng, phương Tây đã phải "đầu hàng" trước sự cứng rắn của Tehran.
Tín hiệu vui đang lóe lên trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran
Theo lời vị quan chức giấu tên của Mỹ, "rất có thể" một thỏa thuận sẽ được ký kết khi các nhà đàm phán hạt nhân của 6 cường quốc và Iran có cuộc gặp từ ngày 20-22/11 ở Geneva.
"Đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ chúng tôi đang tiến gần hơn đến một bước đầu tiên trong tiến trình ngăn chặn chương trình hạt nhân Iran tiến xa hơn nữa và đẩy lùi chương trình này ở một số lĩnh vực then chốt", quan chức Mỹ cho phóng viên biết.
Ông này còn nói thêm rằng: "Tôi không biết liệu chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận hay không nhưng tôi nghĩ là hoàn toàn có thể. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn mà chúng tôi phải bàn bạc, giải quyết".
Theo kế hoạch dự kiến, người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) - bà Catherine Ashton sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vào ngày 20/11 tới ở Geneva. Sau đó, cuộc họp này sẽ được mở rộng với sự tham gia của nhóm P5 1 gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nga và Đức. Các cuộc đàm phán P5 1 sẽ kéo dài cho đến ngày 22/11.
Vòng đàm phán sắp tới sẽ tập trung vào việc hoàn thiện một thỏa thuận tạm thời nhằm tạo thêm thời gian để các bên bàn thảo về một thỏa thuận lâu dài, toàn diện hơn với phía Iran . Mục tiêu mà các cường quốc hướng tới là chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân đầy bế tắc kéo dài đã 10 năm đồng thời bảo đảm rằng chương trình hạt nhân của Iran sẽ không được dùng để chế tạo bom nguyên tử.
Iran từ lâu luôn bác bỏ việc nước này đang theo đuổi năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh tham vọng hạt nhân của họ chỉ giới hạn ở việc sản xuất điện năng và phục vụ các mục tiêu dân sự khác.
Tuần trước, các cuộc đàm phán giữa phương Tây và Iran ở Geneva đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận gì mặc dù cả hai bên dường như đều đã sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận nhằm làm dịu căng thẳng trong vấn đề hạt nhân.
Trong một động thái thể hiện bước ngoặt thay đổi của Mỹ trong chính sách với Tehran, Tổng thống Obama mới đây đã kêu gọi các nghị sĩ nước này không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới với Iran trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra. Ông chủ Nhà Trắng cũng kêu gọi tạm ngừng các biện pháp trừng phạt để xem biện pháp ngoại giao có phát huy tác dụng với Iran hay không.
Mỹ chìa tay với Iran
Ngoài vận động sự ủng hộ của giới nghị sĩ, Nhà Trắng tuần này còn tìm đến các nhóm cấp tiến ủng hộ biện pháp ngoại giao với Iran để đảm bảo rằng những nhóm này tiếp tục song hành với chính sách tiếp cận của chính quyền trong vấn đề Iran, một nguồn tin nắm rõ nội tình cho biết.
Giới chức cấp cao của chính quyền Mỹ đã nói với những người ủng hộ rằng, họ đang lạc quan một cách thận trọng trước khả năng đạt được một thỏa thuận lâm thời với Iran ở Geneva và rằng nhóm P5 1, trong đó có Pháp, sẵn sàng thể hiện một lập trường thống nhất tại cuộc đàm phán sắp tới. Trước đó, chính Pháp là nước đã cản trở việc Iran và các cường quốc ký kết được một thỏa thuận mà các nước chờ đợi từ lâu trong cuộc họp ở Geneva mới đây nhất.
Vị quan chức cấp cao Mỹ gặp gỡ giới phóng viên ngày hôm qua khẳng định, con số ước tính từ 15 đến 50 tỉ USD mà Iran có thể có được từ việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt trong thỏa thuận sơ bộ ban đầu thực sự là "sự thổi phồng một cách rồ dại".
Quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh, việc áp dụng thêm biện pháp trừng phạt Iran vào thời điểm này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các cuộc đối thoại với Iran mà còn giữa 6 cường quốc với nhau.
"P5 1 tin rằng, đó là những cuộc đàm phán nghiêm túc. Các cuộc đàm phán này có cơ hội thành công. Đối với chúng tôi, việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt giữa thời điểm này sẽ thể hiện sự thiếu thiện chí", vị quan chức giấu tên của Mỹ nhấn mạnh.
Một quan chức cấp cao khác của chính quyền Mỹ ước tính, Iran đang có khoảng 100 tỉ USD tiền dự trữ và phần lớn số này đang được cất giữ tại các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài mà Tehran không thể tiếp cận hoặc bị hạn chế tiếp cận.
Những biện pháp trừng phạt của Mỹ đang tác động rất mạnh đến nền kinh tế Iran . Giới chức Mỹ ước tính, nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo đã bị thu hẹp hơn 5% hồi năm ngoái và đồng tiền Iran đã mất giá 60% trước đồng USD kể từ năm 2011.
Giá dầu toàn cầu đã giảm trong ngày hôm qua sau khi có tin các cường quốc phương Tây sắp đạt được một thỏa thuận với Iran nhưng lại nhích nhẹ lên khi thị trường đối mặt với tình trạng cắt giảm nguồn cung cấp từ Libya.
Bình luận về báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố hôm 14/11 về việc Iran đã dừng làm giàu uranium, vị quan chức Mỹ cho rằng, đó là một diễn biến "tốt" nhưng chưa giải quyết được những câu hỏi và hoài nghi căn bản về tham vọng hạt nhân của Tehran.
"Chúng tôi đánh giá cao bước đi của Iran nhưng lý do khiến chúng ta ngồi vào bàn đàm phán là nhằm bảo đảm chắc chắn rằng Iran không thể có vũ khí hạt nhân và chúng ta còn một con đường dài phía trước để đạt được mục tiêu đó", vị quan chức Mỹ nói thêm.
Dù thế nào đi nữa, Mỹ, phương Tây và bản thân Iran được cho là đều đang có những bước đi thể hiện mong muốn tháo gỡ cuộc khủng hoảng kéo dài bao nhiêu năm qua giữa họ. Tuy vậy, việc Mỹ chìa tay ra với Iran đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là Israel , lo lắng và tức giận. Israel trước đó từng chỉ trích, Mỹ và phương Tây đang đem đến một "thỏa thuận thế kỷ" cho Iran bởi nước này chẳng phải mất gì mà vẫn được tháo bớt gánh nặng trừng phạt.
Vân Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ "can thiệp" vào Hồng Kông Bắc Kinh hôm nay cảnh báo Mỹ chớ có can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông, sau khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ 2 nhân vật đối lập của Hồng Kông vào tuần trước. Phó Tổng thống Biden trong cuộc gặp với Martin Lee và Anson Chan Trong dấu hiệu ủng hộ công khai bất thường, ông...