Khủng hoảng Trung Quốc kéo kim cương mất giá
Theo hãng tin CNBC, trong vòng một năm trở lại đây, giá kim cương thế giới đã giảm tới 29%. Những bất ổn trên thị trường chứng khoán và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Theo đó, nhu cầu kim cương chững lại đang gây ảnh hưởng tới những người làm việc trong ngành công nghiệp kim cương. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các khách hàng Trung Quốc cũng đang có xu hướng giảm chi tiêu cho việc mua sắm. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua những biến động lớn, gây ảnh hưởng tới túi tiền của người dân.
Trong tháng 8 vừa qua, kim cương mất giá khá mạnh khi thị trường chứng khoán toàn cầu tụt dốc làm suy giảm nhu cầu hàng xa xỉ. Ngoài ra, nhu cầu nữ trang ở Trung Quốc cũng đang giảm sâu, một phần do chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay, mặt khác do tăng trưởng kinh tế nước này đi xuống.
Trong vòng một năm trở lại đây, giá kim cương thế giới đã giảm tới 29%
Giá những viên kim cương tiêu chuẩn loại 1 carat đã giảm 0,9% trong tháng 8, trong khi giá loại rẻ hơn 0,3 carat giảm tới 1,7% theo số liệu mà Rapaport Group, một tổ chức hỗ trợ giao dịch kim cương toàn cầu, công bố mới đây.
Sự giảm giá này của kim cương nối dài xu hướng đã thiết lập trước đó. Trong vòng 12 tháng qua, giá kim cương 1 carat và 0,3 carat đã giảm tương ứng 12,9% và 29%, Rapaport cho hay.
Video đang HOT
Giá kim loại quý và đá quý sụt giảm đã có ảnh hưởng rộng lớn ở nhiều nơi. Đầu tuần này, hãng tin Reuters cho biết hơn 5.000 thợ đánh bóng kim cương ở Surat, nơi được coi là thủ phủ kim cương của Ấn Độ, đã mất việc từ tháng 6. Gần một nửa số công ty kim cương lớn ở Surat đã phải đóng cửa.
“Thu nhập ở Surat đã giảm mạnh, bởi phần lớn công nhân làm việc theo hợp đồng có ít kim cương để chế tác hơn”, báo cáo của Rapaport cho biết.
Tuy vậy, đợt mất giá này của kim cương có thể được một số người xem như một cơ hội đầu tư. Trong năm 2014, kim cương cho tỷ suất lợi nhuận trung bình là 1,9% theo chỉ số đầu tư Coutts Index công bố hồi tháng 8. Mức lợi nhuận này cao hơn tỷ suất lợi nhuận của các mặt hàng sưu tầm khác như đồng hồ hay rượu vang, nhưng thua xa tỷ suất lợi nhuận trung bình 40% mà đầu tư vào xe cổ mang lại.
Trung Quốc hiện chiếm 16% nhu cầu kim cương toàn cầu. Quốc gia này cũng sở hữu thị trường kim cương lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Đặc biệt, phụ nữ Trung Quốc coi việc sở hữu kim cương như những khoản đầu tư.
Mặc dù vậy, sức mua kim cương từ Trung Quốc bắt đầu chậm lại từ tháng 3 khi nhiều người nước này bắt đầu đổ tiền vào thị trường chứng khoán. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều người đã mất tiền khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải tuột gần 30% trong một tháng.
Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường kim cương De Beers đưa ra dự báo cho thấy nhu cầu kim loại quý này đang chững lại so với những năm trước. Hãng dự kiến sản xuất ít hơn, khoảng 29 triệu carat trong năm nay so với 32,7 triệu carat năm ngoái.
Bên cạnh Trung Quốc, nhu cầu kim cương của Nga và Trung Đông cũng đang đi xuống do đồng rúp và dầu đồng loạt mất giá.
(tổng hợp)
Theo_VnMedia
Hãng tin Trung Quốc coi Mỹ là thủ phạm của vấn nạn nhập cư vào châu Âu
Tân Hoa xã vừa có bài bình luận chỉ trích Mỹ chính là nguyên nhân chính của tình trạng nhập cư ồ ạt vào châu Âu, kéo theo khủng hoảng nhân đạo.
Bài bình luận của Tân Hoa xã nêu câu chuyện hàng triệu người trên thế giới bị sốc trước những bức ảnh đầy thương tâm về cậu bé Syria 3 tuổi bị chết đuối nằm úp mặt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi cùng gia đình chạy khỏi Syria để sang châu Âu tránh chiến tranh.
Lính gác Thổ Nhĩ Kỳ và những người tị nạn Syria tại khu vực biên giới giữa 2 nước. Ảnh: Telegraph.
Bài báo cho rằng cần phải nhìn thấu vấn đề - chính Mỹ phải chịu trách nhiệm chủ yếu về tất cả tình trạng hỗn loạn hiện nay [ở Trung Đông và châu Âu].
Bài báo nêu rõ, các nước mà đa số những người nhập cư ra đi - Syria, Libya, Iraq và Afghanistan - đều là mục tiêu cho các cuộc can thiệp của Mỹ, kéo theo tình trạng tàn phá, hỗn loạn, an ninh trong nước bị xấu đi và người dân phải thay đổi chỗ ở trên quy mô lớn.
Theo Tân Hoa xã, người dân ở các nước nói trên thậm chí còn không được hưởng các quyền con người cơ bản và nhiều người trong số họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải bỏ chạy (sang các nước láng giềng hoặc châu Âu) để bảo toàn mạng sống.
Bài báo nhận định rằng các nước châu Âu bị chỉ trích là thờ ơ và thiếu năng lực xử lý khủng hoảng người tị nạn, còn Mỹ thì không nhận ra trách nhiệm đạo lý của họ trong việc "dọn sạch" mớ hỗn độn hiện nay và giải quyết nguyên nhân gốc rẽ của vấn đề.
Bài viết của Tân Hoa xã cho rằng, Syria, cũng như Iraq và Libya trước đây, đều là nạn nhân của chính sách can thiệp của Mỹ ở Trung Đông. Bài viết nhấn mạnh, do sự can thiệp của phương Tây mà Syria đã trở thành "nguồn lớn nhất tạo ra" người di cư sang châu Âu trong các năm 2013, 2104, và nửa đầu năm 2015.
Bình luận viên của Tân Hoa xã nêu rõ, các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS xuất phát từ các phe đối lập Syria nhận được sự hỗ trợ của phương Tây (do Mỹ đứng đầu) để lật đổ chính quyền Syria.
Hãng thông tấn Trung Quốc tiếp tục công kích Mỹ khi cho rằng dù Mỹ đã rút quân khỏi các nước như Iraq và Afghanistan, họ vẫn phải chịu trách nhiệm vì đã "gây mất ổn định cho các quốc gia này"./.
Trung Hiếu
Theo_VOV
"Buốt ruột" nhìn tỷ giá tăng từng giờ Chưa cần nói tới các con số vĩ mô mơ hồ như nhập siêu, lạm phát, tăng trưởng... ở một góc nhìn vi mô, tỷ giá tăng đã phần nào có tác động tới đời sống của từng cá nhân nhỏ lẻ. Ở một góc nhìn vi mô, tỷ giá tăng đã phần nào có tác động tới đời sống của từng cá...