Khủng hoảng thiếu điều dưỡng ở bệnh viện công: Người giảm, áp lực tăng
Giải quyết bài toán nhân sự ngành y tế, đặc biệt là giải pháp bổ sung điều dưỡng tại các bệnh viện công lập đang là mối âu lo của ngành chức năng.
Điều dưỡng chiếm tới 70% lực lượng phục vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh. Họ góp phần tạo nên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Tại TP.HCM, thực trạng thiếu điều dưỡng tại các bệnh viện công lập đang trở nên trầm trọng do tỷ lệ nghỉ việc ngày càng tăng. Những người điều dưỡng ở lại đảm nhận công việc càng gia tăng áp lực và quá tải. Giải quyết bài toán nhân sự ngành y tế, đặc biệt là giải pháp bổ sung điều dưỡng tại các bệnh viện công lập đang là mối âu lo của ngành chức năng.
Không chỉ thực hiện công tác chuyên môn, điều dưỡng tại Khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh – Bệnh viện Chợ Rẫy còn phải vệ sinh, thay tã cho người bệnh.
Như những con thoi
Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh – Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 22 giờ đêm ngày 20/10, một bệnh nhân nam 23 tuổi bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não được chuyển từ Khoa Cấp cứu lên trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhân hôn mê sâu, mất ý thức, gồng duỗi vật vã. Các điều dưỡng ra sức giữ chặt tay chân người bệnh để chuyển băng ca nhưng không xuể. Một số nhân viên y tế khác thì kiểm tra các chỉ số, lau người cho bệnh nhân, nhanh chóng dừng công việc không khẩn cấp để đến hỗ trợ đồng nghiệp…
Bên giường bệnh khác, một bệnh nhân bỗng khó thở. Ngay lập tức, bác sĩ trực sẵn sàng thao tác thay ống nội khí quản. Không ai bảo ai, 4 điều dưỡng cùng xúm lại, mỗi người một việc, căng thẳng giành giật sự sống cho người bệnh. Với những bệnh nhân nặng và rất nặng tại đây, trong nhiều tình huống cấp bách, chỉ cần chậm trễ một chút thôi, họ có thể mất cơ hội được cứu sống.
Video đang HOT
Những âm thanh từ phòng bệnh: “Khoan, đặt từ từ, kéo xuống một tí. Được rồi, cho oxy lên 100% đi. Xong rồi!”.
Sau khi hỗ trợ cho đồng nghiệp, điều dưỡng Trần Thị Hương – khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh lại tiếp tục công việc đang làm dở, tỉ mẩn vệ sinh cho bệnh nhân. Chị Hương cho biết, bệnh nhân tại đây đều hôn mê hoàn toàn, mọi hoạt động chăm sóc do nhân viên y tế đảm nhận, nên phải làm việc hết công suất.
“Bên ngoài người ta nhìn vô nghĩ rằng bệnh nhân nằm một chỗ thì đơn giản chứ có gì đâu, thế nhưng thực sự có nhiều thứ để làm. Người ta vẫn đi vệ sinh, mình phải làm hết, dọn dẹp sạch sẽ. Rồi người bệnh hôn mê một ngày cũng cho ăn mấy cữ, mình phải làm và theo dõi kỹ từng chút chứ không đơn giản“, chị Hương nói.
Điều dưỡng Phùng Thị Thủy Tiên vừa đánh răng xong cho một bệnh nhân hôn mê sâu, lại đi sang giường khác để hút đàm, thông đường thở cho người bệnh. Chị Tiên cho biết, phải theo dõi sát, nếu phát hiện bệnh nhân không thở được, nghẹt ống nội khí quản phải lập tức báo cho bác sĩ để đặt lại ống nội khí quản mới.
“Đau chân lắm! Tại vì đi suốt, rồi đứng nhiều nữa, về sáng ngủ dậy đau chân nhiều. Ai đau chân mà bị suy, giãn tĩnh mạch rồi thì phải đeo vớ suy giãn tĩnh mạch chân để hỗ trợ thêm”, chị Tiên cho biết.
Hoàng Thị Thu Thanh – điều dưỡng khoa Hồi sức Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ nặng 40kg nhưng nhiều khi phải chăm sóc, vệ sinh cho bệnh nhân nặng hơn 100kg.
Nhiều áp lực
Ở phía ngoài, điều dưỡng Hoàng Thị Thu Thanh, đang gồng mình lật trở để vệ sinh cho một người đàn ông nặng gần 100kg. Để đeo bỉm, thay drap cho bệnh nhân, chị Thanh phải nhờ một đồng nghiệp hỗ trợ để thao tác được nhanh chóng, dễ dàng hơn. Chị Thanh nghiêng đầu, ghé tai bệnh nhân khẽ nói: “Nếu cảm thấy thoải mái thì giơ ngón tay cái nhé!”. Người bệnh làm theo, khóe môi mỉm cười.
Hơn 6 năm qua, với thân hình nhỏ bé chỉ gần 40kg, nhiều lần hai tay rệu rã sau khi bế bệnh nhân, cô gái trẻ 28 tuổi Hoàng Thị Thu Thanh chỉ mong sao giúp được nhiều người bệnh.
“Công việc của tụi em quá tải, nhiều lúc đi làm không ăn uống, không được ngủ đầy đủ. Mình chăm sóc bệnh nhân, lúc người ta khỏe dần rồi xuất viện thì tụi em lấy đó làm động lực”, Thu nói.
Vừa tan ca trực, sắp xếp công việc trong Khoa, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến – Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, lại tất bật trở về nhà lo giấc ngủ, miếng ăn cho hai con nhỏ, mới 3 tuổi và 14 tháng tuổi.
Chị Yến gắn bó với nghề đã 23 năm, chưa lúc nào công việc của các điều dưỡng lại gồng gánh nhiều như hiện nay. Nếu như trên thế giới, tỉ lệ điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thở máy là 1:1, thì tại khoa, một điều dưỡng có thể chăm sóc toàn diện 4-6 bệnh nhân. Áp lực công việc khiến điều dưỡng căng thẳng và họ phải luôn cố gắng không ngừng để người bệnh giảm bớt đau đớn, nhanh chóng hồi phục.
“Cũng phải đối mặt với việc stress về tâm lý. Bởi vì có những ca trực mà bệnh nhân chấn thương rất nặng, tử vong nhiều. Nếu là người nhạy cảm thì có thể khóc suốt, bình thường chứng kiến sự việc cũng sẽ khóc vì có nhiều trường hợp quá thương tâm”, chị Yến bộc bạch.
Gần 5h sáng, những cặp mắt đã đỏ hoe, đôi chân đã mỏi nhừ, nhưng bàn tay của các điều dưỡng vẫn thoăn thoắt, tỉ mỉ chăm sóc, xem lại thông số sinh hiệu cho từng bệnh nhân để bàn giao cho kíp trực ngày mới.
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân. Số điều dưỡng/bác sĩ cũng rất thấp, chưa đạt tỉ lệ 2 điều dưỡng/1 bác sĩ. Trong khi đó, ở nhiều nước khác, cứ một bác sĩ có tới 3 – 4 điều dưỡng, ở Nhật Bản một bác sĩ có đến 9 – 10 điều dưỡng. Tại Việt Nam, đặc thù công việc của người điều dưỡng vất vả, áp lực và nguy cơ lây nhiễm cao.
Sau đại dịch COVID-19, tại TP.HCM, nhân viên y tế công lập liên tục nghỉ việc, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng. Nếu không sớm có những giải pháp, ngành y tế sẽ càng thiếu điều dưỡng trầm trọng.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: 'Ngày nào cũng phải ký giải quyết nghỉ việc'
"Cá nhân tôi là Giám đốc Sở, ngày nào trên bàn cũng phải chờ ký giải quyết nghỉ việc.
Đây không phải đa số ở y tế cơ sở mà là bệnh viện công lập".
Thông tin được ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ tại buổi làm việc với đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trong chiều 24/8.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế gặp khó khăn do biến động về nhân lực, tập trung ở các bệnh viện công lập. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên 2.000 người nghỉ việc, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng. Đặc biệt, khó khăn nhất là nhân lực điều dưỡng, bệnh viện nào cũng than thiếu điều dưỡng, chưa bao giờ các bệnh viện khó tuyển dụng như bây giờ. Cụ thể, theo yêu cầu, một bác sĩ phải có 3 điều dưỡng, thế nhưng tỉ lệ hiện nay chỉ từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/1 bác sĩ.
"Lực lượng điều dưỡng là lực lượng đáng quan tâm bởi vì thu nhập chính của họ là đồng lương. Dù sao bác sĩ cũng có thể làm thêm ngoài giờ, ở phòng khám bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, còn thu nhập chính của điều dưỡng vẫn chỉ là đồng lương. Rất mong Quốc hội sắp tới có chính sách để giữ chân lực lượng lao động lớn nhất của ngành y tế là điều dưỡng. Tỉ lệ điều dưỡng giảm đi thì chất lượng chăm sóc bệnh nhân chắc chắn sẽ bị giảm đi. Chúng tôi rất lo", ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Mới đây, Sở đã làm việc với các trưởng phó khoa một bệnh viện hạng 1 cho thấy có rất nhiều vấn đề cần thay đổi chính sách. Trước đây bệnh viện này thu nhập loại khá, khi có dịch COVID-19 thì chuyển đổi công năng chuyên điều trị COVID-19. Khi gần hết dịch, thành phố không rót kinh phí nữa, nhân viên bệnh viện không có tiền. Hiện thu nhập tăng thêm của nhân viên tại đây là 0 đồng, chỉ có lương cơ bản. Các trưởng khoa gắn bó lâu rồi không nỡ bỏ, họ trao đổi và khóc.
Ông Thượng cũng cho biết, nợ công của nhiều bệnh viện hiện tăng dần, gần đây, một số công ty dược đã lên tiếng yêu cầu các bệnh viện khẩn trương trả tiền. Thực tế hiện nguồn thu từ bệnh nhân thì chưa nhiều, chi trả từ bảo hiểm cũng chưa hết, chưa bao giờ các bệnh viện khó khăn như bây giờ.
Thầy giáo trẻ giỏi chuyên môn, nhiệt huyết với phong trào Đoàn Vừa là giáo viên, vừa là cán bộ Đoàn nhưng thầy Trần Bá Phúc (SN 1989), Trường THPT Cù Huy Cận (Vũ Quang, Hà Tĩnh) vẫn luôn hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ: làm tốt công tác chuyên môn, nhiệt huyết, hết mình với công tác Đoàn. Trong hoạt động giảng dạy, thầy Phúc luôn cố gắng trau dồi kỹ năng,...