Khủng hoảng tài chính, doanh nghiệp Hy Lạp khó chi trả cho bạn hàng VN
Các biện pháp kiểm soát vốn khiến Hy Lạp gần như trong trạng thái ‘bế quan tỏa cảng’ với các nền kinh tế khác trên thế giới. Nhiều công ty nhập khẩu nước này không thể thanh toán cho nhà cung cấp ở các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Cảng ở thành phố Piraeus (Hy Lạp) – Ảnh: AFP
Theo tờ The New York Times, ngân hàng Hy Lạp sẽ đóng cửa đến hết hôm nay 10.7 và chính phủ Athens hiện gần như cạn kiệt tiền mặt. Nền kinh tế của đất nước có 65% hàng hóa là nhập khẩu đang gần như bị cô lập với các nước khác.
Các thùng hàng chứa đầy thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm hằng ngày đang bắt đầu chồng chất ở cảng Piraeus, cảng chính ở Hy Lạp và là cảng lớn thứ ba thế giới.
Từ ngày 28.6 đến nay, những biện pháp kiểm soát khiến việc chi trả cho nhà cung ứng của những hãng nhập khẩu như Nikos Manisoitis & Son ở Hy Lạp trở nên khó khăn.
“Chúng tôi không thể làm được gì để chuẩn bị cho tình huống như thế này. Chúng tôi không thể lấy tiền ra từ ngân hàng và đang lo sợ rằng mình sẽ mất tất cả”, Nikos Manisoitis, người điều hành hãng nhập khẩu các loại gia vị và hàng khô Nikos Manisoitis & Son nói.
Manisoitis nói rằng hơn một tuần nay, lô hàng 15 tấn hạt tiêu đen mà ông đã đặt hàng từ Việt Nam vẫn còn nằm im trong các thùng hàng dưới cái nắng thiêu đốt ở Piraeus. Công ty ông hoàn toàn có đủ 150.000 USD để thanh toán cho bạn hàng Việt Nam, song không thể chi trả vì các biện pháp kiểm soát vốn hiện tại.
Ngay cả khi những biện pháp kiểm soát vốn có thể được dỡ bỏ vào tuần tới, số hạt tiêu này vẫn có thể bị thối rữa và nhân viên hải quan sẽ không để ông lấy các thùng hàng này đi. Trong trường hợp đó, Manisoitis vẫn phải thanh toán cho số hàng hóa hư hỏng.
“Chúng tôi mất ngủ. Chúng tôi không thể có được hàng hóa và cũng không thể vận chuyển hàng đến các bạn hàng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ còn bị mất nhiều tiền hơn”, ông Manisoitis cho biết.
Video đang HOT
Manisoitis nói rằng một số nhà nhập khẩu tại cảng đã lên máy bay cùng với 60.000 EUR, tương đương 66.000 USD, tiền mặt để đến Anh, Đức hoặc nhiều nước châu Âu khác, thanh toán tiền cho các nhà cung ứng hàng hóa. Biện pháp kiểm soát vốn tuy cấm thực hiện thanh toán điện tử bên ngoài Hy Lạp nhưng không hạn chế dòng chảy tiền mặt trong Liên minh châu Âu (EU).
Trước tình hình hiện tại, Manisoitis vẫn hi vọng rằng đất nước ông sẽ thoát khỏi lối ra đang ngày càng rộng mở trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Ông cho hay mình không nghĩ rằng chính phủ sẽ tìm ra bất cứ phương án nào trong trường hợp đất nước phải rời khỏi eurozone.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Mặc khủng hoảng, đại gia Hy Lạp vẫn 'sống khỏe'
Hy Lạp vốn không có nhiều tỉ phú bằng các nước láng giềng. Thế nhưng, những người giàu có nhất ở đây hiện vẫn 'sống khỏe' giữa cuộc khủng hoảng tài chính đang vắt kiệt tiền mặt của Athens.
Khủng hoảng tài chính bộc lộ hai mặt đối lập của đời sống Hy Lạp - Ảnh: AFP
Theo The Guardian và Bloomberg, khủng hoảng tài chính Hy Lạp bộc lộ hai mặt đối lập của đời sống nước này: một bên là hàng triệu người đang sống trong cảnh bấp bênh, một bên là số ít những người giàu có đang ngày càng dư dả hơn.
Những người đứng đầu ngành hàng hải, ngành công nghiệp nổi bật nhất của Hy Lạp, dường như không hề suy chuyển giữa cuộc khủng hoảng.
Sống thư thả giữa khủng hoảng
Tỉ phú Hy Lạp Spiro Latsis và gia đình sở hữu 2,6 tỉ USD theo ước tính của Forbes - Ảnh chụp màn hình trangBusiness Insider
Chiếc mô tô phân khối lớn cùng hai chiếc limousine đen với cửa kính tối màu dừng lại tại nơi một du thuyền dài 49 mét đang neo đậu: một trong những bến du thuyền sang trọng nhất thủ đô Hy Lạp. Một người đàn ông tóc trắng và một phụ nữ tóc dài màu bạc bước ra từ ghế trước của chiếc ô tô. Cả hai tiến đến ván cầu, theo sau là một người mang vác đầy túi mua sắm.
Đó là gần 3 giờ chiều. Một đợt nghỉ cuối tuần khác lại bắt đầu với một trong những cặp đôi giàu có nhất Hy Lạp.
Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, Angelos Kopitsas - Tổng giám đốc các bến cảng kiêm chủ sở hữu nhiều siêu du thuyền Hy Lạp, chạy đến các nước khác, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có tình hình ổn định hơn. Song họ sớm quay trở về Hy Lạp vì toàn bộ thủy thủ đều muốn trở về quê hương.
Hy Lạp vốn có ít tỉ phú hơn nhiều nước khác. Tạp chí Forbes gần đây chỉ liệt kê nước này có 3 tỉ phú trong khi ở Đức có đến 101 người. Trong số này có Spiro Latsis, con trai ông trùm tàu chở dầu John Latsis. Giới đại gia nước này kiếm tiền từ ngành hàng hải và tất cả họ đều từ chối nói về giá trị tài sản mình sở hữu.
Còn Bloomberg cho hay những người dẫn đầu ngành hàng hải ở nước này hiện là John Angelicoussis, George Prokopiou, Peter Livanos và George Economou. Tất cả họ sở hữu tổng cộng khoảng 400 tàu. Tài sản của Prokopiou được ước tính vào khoảng 2 tỉ USD, của Livanos vào khoảng 1,7 tỉ USD và Economou thì được cho là sở hữu 1,5 tỉ USD...
Vận chuyển là niềm tự hào và là nơi cung cấp việc làm cho người dân xứ sở thần tiên. Hy Lạp chắc chắn sở hữu đội tàu thương mại lớn nhất thế giới, theo The Guardian.
Không ngừng giàu lên giữa khủng hoảng tài chính
Du thuyền tại bến cảng ở Hy Lạp - đất nước có bất bình đẳng thu nhập hơn nhiều quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU), trừ Tây Ban Nha - Ảnh chụp màn hình trang The Guardian
Năm 1967, Hiến pháp Hy Lạp quy định ngành công nghiệp hàng hải nước này không phải trả tiền thuế cho phần thu nhập kiếm được ở nước ngoài dù khoản tiền trên vẫn được đem trở về nước.
Vì thế, đa phần giới giàu có nước này không phải đóng nhiều tiền thuế, cũng không e ngại trước cuộc khủng hoảng nợ hay lối ra của đất nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, các tỉ phú đã chuyển ra nước ngoài 140 tỉ euro, tương đương 43% nợ công của Hy Lạp, mà không tốn một xu tiền thuế. Năm 2013 và 2014, thời điểm cuộc khủng hoảng tăng tiến đẩy nhiều người trở thành vô gia cư và nhiều doanh nghiệp phải phá sản, tài sản của các tỉ phú trong lĩnh vực hàng hải tăng đến 9%.
"Nó không thực sự ảnh hưởng đến chúng tôi vì công ty chúng tôi không hoạt động ở Hy Lạp mà ở nước ngoài. Luật pháp cho phép chúng tôi đăng ký ở Liberia hay Panama, và mở một văn phòng tại Hy Lạp. Nếu mọi thứ sụp đổ, chúng tôi có thể rời đi ngay ngày hôm sau và đến một nơi nào khác như Cộng hòa Cyprus hay bất kỳ đâu", một chủ hạm tàu giấu tên nói.
Ông cho biết thêm công ty ông hoạt động bằng đồng đô la Mỹ và tất cả hãng vận chuyển như vậy đều không chỉ sở hữu duy nhất tài khoản ở một nước. Việc Athens kiểm soát vốn không có tác động lên các chủ tàu Hy Lạp.
Hiện nhiều gia đình giàu có ở Hy Lạp bắt đầu thực hiện những cuộc di dời hạm tàu gần 4.000 chiếc đến Cộng hòa Cyprus - quốc gia láng giềng cũng có thể được coi là nước quyền lực trong vận tải biển. Diễn biến trên xảy ra khi Athens đã có những nỗ lực nhằm tăng gánh nặng tài chính lên ngành vận tải biển song chưa có hiệu quả.
Ngay khi lên cầm quyền, Thủ tướng Alexis Tsipras từng đưa ra đề xuất thu thuế một khoản nhỏ thu nhập của họ. Song giới đại gia ngành hàng hải lại đe dọa sẽ rời Hy Lạp, nơi chính họ đang đem lại việc làm cho hơn 200.000 người lao động và đóng góp hơn 7% GDP.
Từ năm 2014, các chủ tàu nước này đã đồng ý đóng gấp đôi thuế trong 3 năm liên tiếp như một hành động tự nguyện trước khó khăn tài chính quốc gia. Song điều này vẫn chưa đủ để rút ngắn cách biệt về hai thái cực đang diễn ra giữa cuộc khủng hoảng tài chính ở đất nước này.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Ngân hàng Hy Lạp sẽ cạn tiền trong 2 ngày tới Các ngân hàng Hy Lạp sẽ cạn kiệt tiền mặt trong vòng hai ngày tới nếu chủ nợ không sớm đồng thuận về một gói cứu trợ mới dành cho nước này, theo Reuters. Hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ cạn tiền mặt trong 2 ngày tới - Ảnh: AFP Reuters hôm nay 8.7 đưa tin với việc cho phép người dân...