Khủng hoảng rác thải
Gần 10 ngày qua, nhiều địa phương tại Quảng Nam luôn trong tình trạng ùn ứ rác thải. Rác từ các khu chợ, khu dân cư, thậm chí ở các vùng nông thôn không được xử lý kịp thời… bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Trong khi đó những bãi tập kết rác thải tại Quảng Nam đều quá tải, người dân ngăn chặn không cho xe chở rác ra vào khu vực này vì lo sợ ô nhiễm môi trường. Các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân đang vô cùng lúng túng trong xử lý cuộc “khủng hoảng” rác thải lần này.
Rác thải tập trung thành đống lớn tại Khu phố chợ Nam Phước.
* UBND xã Phước Hiệp (H. Phước Sơn) đã xây dựng thí điểm 6 lò đốt rác tại chỗ từ nguồn kinh phí địa phương. Mỗi lò đốt rác trị giá hơn 10 triệu đồng và được bố trí gần trường học, trạm y tế, UBND xã và một số nơi phù hợp nhằm mục đích kiểm soát rác thải rắn kết hợp với việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao cơ sở hạ tầng…
Video đang HOT
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tỉnh Quảng Nam có 3 khu xử lý rác thải lớn bao gồm: Khu xử lý Đại Hiệp, Tam Xuân 2, Tam Nghĩa. Trong đó, khu xử lý rác Đại Hiệp đã quá tải và sắp đóng cửa vào năm sau, còn bãi rác Tam Nghĩa và Tam Xuân 2 thì liên tục gặp sự phản đối của người dân vì thường xuyên gây ô nhiễm.
Sáng 3-9, ghi nhận tại khu phố chợ Nam Phước (H. Duy Xuyên) tình trạng rác thải tràn ra đường. Theo người dân, những ngày qua nhiều gia đình phải chịu đựng mùi hôi từ số lượng rác này. Mặc dù ban quản lý chợ đã dùng bao bạt che đậy rác nhưng cũng không thể không khiến môi trường ô nhiễm, nước thải chảy ra bên ngoài.
Còn theo các hộ dân sống trên tuyến QL40B đoạn qua H. Phú Ninh, Tiên Phước (Quảng Nam) thì những ngày qua tuyến QL này “bất đắc dĩ” trở thành bãi tập kết rác dọc hai bên đường. “Rác đổ đống hai bên đường đi ruồi muỗi bay vo ve. Thật là cảnh cha chung không ai khóc”, một người dân ca thán. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại khu vực chợ Tam Dân (H. Phú Ninh), chợ Tiên Kỳ (H. Tiên Phước) khi rác ứ đọng cả tuần không thu gom.
Theo Cty CP Môi trường Quảng Nam, đơn vị đảm nhiệm việc thu gom rác trên 10 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn Quảng Nam, lượng rác mỗi ngày trên địa bàn xả ra trên dưới 1.000 tấn nhưng do dân cản trở không cho đưa rác vào khu xử lý Tam Xuân 2 vì vậy đơn vị chỉ tổ chức thu gom được khoảng 400 tấn, số còn lại phải chấp nhận tồn đọng ở các địa bàn. Cty hiện chỉ ưu tiên thu gom rác ở nội thành TP Tam Kỳ, H. Đại Lộc và thị xã Điện Bàn chở đến khu xử lý rác xã Tam Nghĩa (H. Núi Thành) và xã Đại Hiệp (H. Đại Lộc).Trước tình trạng rác thải bị dồn ứ, Cty đã có văn bản gửi cho các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Thăng Bình, Duy Xuyên, Hiệp Đức… đề nghị cần có kế hoạch tổ chức tuyên truyền đến toàn thể nhân dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động phân loại rác và tìm nơi lưu giữ tạm thời. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng ban chuyên môn phối hợp với công ty tổ chức khảo sát các điểm tập kết rác tạm thời trong thời gian chưa thu gom. Cty sẽ tổ chức thu gom trở lại sau khi tình hình tại các khu xử lý rác thải được giải quyết ổn thỏa.
Thông tin đến báo chí, ông Lê Trí Thanh- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng 2 lò đốt rác thải tại xã Đại Nghĩa và Tam Xuân 2 thay cho 2 khu chôn lấp rác thải tại xã Đại Hiệp và Tam Xuân 2. Tuy nhiên việc xây dựng lò đốt rác liên tục vấp phải ý kiến trái chiều. Mặc dù các ngành chức năng liên tục giải thích vận động nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Trước tình trạng ùn ứ rác thải trong những ngày qua ông Lê Trí Thanh cho biết đang chỉ đạo Cty CP Môi trường Đô thị Quảng Nam tập trung xử lý những điểm tồn đọng lớn, địa bàn đông dân cư. Trong khi tình hình này chưa kết thúc người dân cần chủ động phân loại rác tại nguồn để có thể giảm thiểu lượng rác xả ra môi trường.
Đồng Dao
Theo CADN
Quảng Nam thuyết phục dân không phản đối việc xây lò đốt rác
Thông tin trên được ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay ngày 15/8, sau khi người dân xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) liên tục phản đối, cản trở việc xây lò đốt rác trên địa bàn.
Người dân tụ tập phản đối xây lò đốt rác tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. Ảnh: T.B
Ông Thanh cho biết, lò đốt rác này sẽ thay cho khu chôn lấp rác tại xã Đại Hiệp hiện đã đầy, đang làm thủ tục đóng cửa. Sở TN&MT đã tổ chức đoàn đi thực tế lò tương tự tại tỉnh Hưng Yên, với sự có mặt của lãnh đạo địa phương và các hộ dân. Đoàn đã đánh giá cao tính an toàn của lò đốt. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn tiếp tục phản đối, cản trở vì sợ khi đi vào hoạt động lò đốt sẽ gây ô nhiễm.
Thêm một lý do khiến bà con càng thêm lo lắng là vì trước đó Công ty CP cấp nước Đà Nẵng có ý kiến nguồn nước thải của lò đốt sẽ gây ô nhiễm nguồn nước Đà Nẵng. Song tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng nêu rõ lò đốt rác Đại Nghĩa không ảnh hưởng đến nguồn nước thành phố này, không thuộc dự án phải lấy ý kiến cộng đồng về xả nước thải vào nguồn nước công cộng (vì tuần hoàn, không thải ra ngoài môi trường).
"Tỉnh đang đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người dân. Đặc biệt, yêu cầu công ty môi trường đô thị phải cam kết bằng văn bản với nhân dân về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công, không để nước thải tràn ra ngoài khi đi vào hoạt động. Lãnh đạo địa phương đã đối thoại với dân và sẽ tiếp tục đối thoại trong thời gian sắp tới", ông Thanh nói.
Ông Lê Trí Thanh thông tin thêm, tỉnh đã thống nhất chủ trương để Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam xây lò đốt rác thay cho bãi chôn lấp rác Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành). Theo ông, công nghệ đốt hiện nay dù chưa phải tuyệt đối an toàn trong xử lý rác thải nhưng tốt hơn rất nhiều so với chôn lấp. Khi triển khai, công nghệ này phải được kiểm tra, thẩm định, đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt.
Trước đó, người dân xã Đại Nghĩa dựng lều, giăng băng rôn để phản đối, cản trở đơn vị thi công xây dựng nhà máy rác trong nhiều ngày. Bà con lo ngại việc xây lò đốt rác ở đây sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
THANH TRẦN
Theo TPO
Hạn hán gay gắt ở các tỉnh Nam Trung Bộ Từ đầu vụ hè thu đến nay, các tỉnh khu vực NamTrung Bộ đang phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, hạn hán nghiêm trọng, nguồn nước bị suy giảm nhanh, hàng chục nghìn héc-ta lúa hè thu bị chết. Các địa phương trong khu vực đang phải gồng mình chống hạn, cứu lúa. Nhiều chân ruộng ở phường Điện...