Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Tổng thống Putin hoan hỉ?
Giới phân tích đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang hoan hỉ trước những khó khăn mà châu Âu đang gặp phải từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, nhưng Mátxcơva nhiều khả năng không thể đưa ra hỗ trợ về tài chính cho Athens vào lúc này.
Thủ tướng Tspiras và Tổng thống Putin (Ảnh: AFP)
Trong bối cảnh bất đồng giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ ngày càng trầm trọng, giới chức Nga và Hy Lạp đã có nhiều hoạt động thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian qua. Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng Tư, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hai lần tới Nga. Trong các cuộc gặp, hai bên đã thúc đẩy thỏa thuận về khí đốt trị giá 2 tỷ euro, cũng như bày tỏ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng nhằm vào Nga.
Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp được công bố hôm Chủ Nhật vừa qua, Tổng thống Putin cũng là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên điện đàm với Thủ tướng Tsipras về tình hình hiện nay. Tuy nhiên, Nga, quốc gia cũng đang gặp khó khăn về kinh tế do những lệnh trừng phạt, đang chăm chú theo dõi diễn biến về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp song nhiều khả năng sẽ không can dự trực tiếp vào những vấn đề kinh tế của nước này với nhóm chủ nợ.
Nga “thừa đục thả câu”?
Video đang HOT
“Điều mà Nghĩ tới về cuộc khủng hoảng của Hy Lạp hiện nay chính là việc thu về những gì có lợi khi còn có thể. Họ sẽ tận dụng sơ hở của bất cứ bên nào nếu có. Họ theo chủ nghĩa cơ hội dù Nga không có khả năng can dự vào cuộc khủng hoảng hiện nay”, ông James Nixy, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế, nhận định. Bất chấp cho rằng Nga đang lựa chọn vị trí “quan sát”, ông Nixey đánh giá Mátxcơva dường như không có chiến lược dài hạn cho Hy Lạp, thay vào đó chỉ chăm chăm chờ đợi những sai lầm của châu Âu.
Trong khi đó, ông Alexander Baunov, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Carnegie ở Nga, cho rằng: “Từ góc độ chính trị, cuộc khủng hoảng Hy Lạp là tín hiệu tích cực với Nga. Sự thất bại của châu Âu trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng mà Hy Lạp đang đối mặt cho phép Mátxcơva đưa ra những nghi ngờ về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hay thậm chí là tính đoàn kết của châu lục này. Việc người dân Hy Lạp lựa chọn phương án “Không” đã tạo ra một ranh giới mới”.
Mối quan hệ Nga – Hy Lạp ấm dần lên thời gian qua đã làm dấy lên những quan ngại tại châu Âu về việc Mátxcơva có thể sử dụng Athens như một “chú ngựa thành Troy” nhằm phá hoại Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm thảo luận về “quá trình thúc đẩy hợp tác song phương”, lãnh đạo Nga và Hy Lạp đã không nhắc tới đề xuất cứu trợ nào của Mátxcơva cho Athens. Và theo giới phân tích, Nga khó có khả năng đưa ra cứu trợ vào lúc này. Trong khi đó, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov hôm 8/7 đã nhấn mạnh rằng Mátxcơva hy vọng “Hy Lạp có thể đạt được thỏa thuận cần thiết với nhóm chủ nợ càng sớm càng tốt”.
Tác động kinh tế
Trong khi đó, bất cứ tư tưởng hoan hỉ nào từ Mátxcơva về sự khó khăn của châu Âu hiện nay đều có thể bị kiềm chế bởi nguy cơ tác động tiêu cực nếu Hy Lạp rời khu vực eurozone. Theo đó, kinh tế Nga, quốc gia đang là đối tác thương mại lớn nhất của EU, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nếu Hy Lạp và các chủ nợ không tìm ra được giải pháp.
Bộ trưởng Kinh tế Nga, ông Alexei Ulyukayev đã thừa nhận rằng Nga đã “gián tiếp” bị tác động bởi cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp, song những hậu quả mà Nga có thể phải gánh chịu sẽ không nghiêm trọng. Ông cho biết: “Tôi nghĩ các thị trường sẽ nhanh chóng khắc phục được những khó khăn. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, nếu Hy Lạp rời eurozone, đó không phải là tín hiệu tốt lành cho Nga. Một nền kinh tế châu Âu suy yếu không phải là điều mà nền kinh tế vốn đang mong manh hiện nay của chúng tôi chờ đợi”.
Ngọc Anh
Theo Dantri/AFP
Hy Lạp nói "Không", châu Âu nhóm họp khẩn cấp
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), ông Donald Tusk, ngày 5/7 cho biết ông đã đề nghị tiến hành Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu(eurozone) để thảo luận về tình hình Hy Lạp hiện nay.
Người dân Hy Lạp ăn mừng kết quả cuộc trưng cầu dân ý (Ảnh: AP)
Tuyên bố nêu trên của ông Tusk được đưa ra trong bối cảnh Pháp và Đức cũng đưa ra những thông điệp tương tự sau những diễn biến mới nhất trong cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp.
Phát biểu khi vừa quay trở lại Vienna để tham gia cuộc đàm phán giữa nhóm P5 1 với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết "quả bóng" hiện đang thuộc về phía tòa án Hy Lạp.
"Đầu tiên, chúng ta phải chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Dù kết quả này có như thế nào, đó đã là quyết định được người dân Hy Lạp thể hiện và đây là lý do tại sao quả bóng hiện đang thuộc về phía tòa án Hy Lạp", Ngoại trưởng Đức khẳng định.
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Martin Schulz cho biết hội nghị của lãnh đạo các nước Eurozone sẽ thảo luận về "chương trình hỗ trợ nhân đạo cho Hy Lạp". Ông cho rằng công dân, những người đến tuổi về hưu, những người ốm yếu hay trẻ em ở Hy Lạp không đáng phải trả giá cho kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Do đó, ông hối thúc EU chuẩn bị sẵn trường hợp nếu Hy Lạp rơi vào một cuộc khủng hoảng.
Trong một thông báo, ông Schulz khẳng định Athens nên "đưa ra những đề xuất có ý nghĩa và mang tính xây dựng" trong những giờ tới để các quốc gia trong khối eurozne cân nhắc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Nếu họ không làm như vậy, chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn rất khó khăn và đầy bi kịch".
Cũng trong tối 5/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tiến hành điện đàm để thảo luận về vấn đề Hy Lạp, trong đó nhất trí tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ở nước này. Hai nhà lãnh đạo thống nhất tiếp tục tiến hành thảo luận về Hy Lạp tại Paris vào tối 6/7 và kêu gọi tiến hành Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong ngày 7/7 để thảo luận về khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Ngọc Anh
Tổng hợp
Theo dantri
Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Ván bài lật ngửa? Khủng hoảng nợ Hy Lạp đã trở thành "ván bài lật ngửa", với việc các cường quốc châu Âu không chỉ muốn Athens "cúi đầu" mà còn phải thay đổi thể chế. Hy Lạp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, do hệ quả của 5 năm suy thoái kéo dài. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng gấp đôi,...