Khủng hoảng nợ đang lan rộng tại các nước đang phát triển có nguy cơ tồi tệ hơn
Ngày 11/10, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng đang diễn ra tại những khu vực nghèo nhất thế giới, đe dọa làm suy yếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Người dân mua sắm tại một chợ ở Edirne, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong báo cáo mới nhất, UNDP nhận định cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng khắp các nền kinh tế đang phát triển và có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn. Cơ quan này ước tính 54 nước, chiếm hơn 1/2 dân số nghèo nhất thế giới, cần được xóa nợ ngay lập tức để tránh rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực hơn nữa và tạo cơ hội cho họ đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Báo cáo của UNDP cũng kêu gọi điều chỉnh lại Khuôn khổ chung do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dẫn đầu. Đây là kế hoạch được thiết kế nhằm hỗ trợ các nước gặp khó khăn tài chính do đại dịch COVID-19 tái cơ cấu nợ. UNDP đề xuất mở rộng điều kiện lựa chọn của Khuôn khổ chung để tất cả nước mắc nợ nhiều có thể được hưởng lợi ích từ cơ chế này thay vì chỉ có 70 quốc gia nghèo nhất, cũng như đảm bảo nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ sẽ tự động bị đình chỉ trong quá trình này. Cơ quan này cũng khuyến nghị các chủ nợ phải có nghĩa vụ pháp lý hợp tác “một cách thiện chí” trong việc điều chỉnh lại Khuôn khổ chung, trong khi các quốc gia có thể đề nghị thực hiện các biện pháp thân thiện với môi trường nhằm khuyến khích các chủ nợ xóa nợ.
Trao đổi với báo giới, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner đã kêu gọi một loạt biện pháp, bao gồm xóa nợ, tăng cường hỗ trợ cho nhiều nước hơn và thậm chí bổ sung các điều khoản đặc biệt vào các hợp đồng trái phiếu. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh và tìm kiếm các biện pháp hữu hiệu để có thể sớm giải quyết các vấn đề trên. Ông cảnh báo nếu không tái cơ cấu nợ hiệu quả, tình trạng nghèo đói sẽ gia tăng và sẽ không có các khoản đầu tư cần thiết để giúp các nước thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Cảnh báo trên được UNDP đưa ra trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ nhóm họp tại thủ đô Washington của Mỹ trong tuần này. Cuộc họp diễn ra giữa lúc mối lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày một tăng cao và một loạt nước đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ, từ Sri Lanka và Pakistan cho đến Chad, Ethiopia và Zambia.
Mỹ: Kế hoạch xóa nợ sinh viên của Tổng thống Joe Biden dự kiến tốn 400 tỷ USD
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 26/9 cho hay kế hoạch xóa một phần gánh nặng nợ cho sinh viên của Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ khiến chính phủ tiêu tốn 400 tỷ USD.
Sinh viên tại trường Đại học Ohio ở Columbus, bang Ohio, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Ước tính trên dự kiến sẽ "đổ thêm dầu" vào cuộc tranh luận giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về chủ đề này.
Trong thông báo, CBO cho hay họ ước tính rằng chi phí cho các khoản vay sinh viên sẽ tăng thêm khoảng 400 tỷ USD theo giá trị hiện tại do kết quả của việc xóa nợ. Nhưng một quan chức Nhà Trắng lưu ý rằng chính CBO đã gọi ước tính của riêng họ là "rất không chắc chắn".
Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch xóa một phần khoản nợ sinh viên vào ngày 24/8, qua đó hiện thực hóa một lời cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, phía đảng Cộng hòa cáo buộc ông Biden lãng phí tiền bạc cho biện pháp này, cho rằng tài chính công có thể được sử dụng hiệu quả hơn.
Theo kế hoạch cứu trợ, các khoản nợ sinh viên của những người có mức lương dưới 125.000 USD/năm sẽ được giảm 10.000 USD. Đối với những sinh viên đã đi học đại học nhờ chương trình trợ giúp của chính phủ có tên khoản trợ cấp Pell, khoản cắt giảm sẽ là 20.000 USD.
Các trường cao đẳng ở Mỹ thường có học phí từ 10.000 USD đến 70.000 USD một năm, khiến sinh viên tốt nghiệp phải gánh khoản nợ khá lớn khi họ tham gia lực lượng lao động. Theo ước tính của chính phủ, khoản nợ trung bình đối với sinh viên đại học Mỹ khi họ tốt nghiệp là 25.000 USD, một khoản tiền mà nhiều người phải mất hàng năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ mới có thể trả lại được.
Biện pháp hỗ trợ sinh viên của ông Biden tiếp tục dẫn tới nhiều xôn xao. Việc ước tính chi phí của kế hoạch trên đang làm dấy lên một cuộc tranh luận kỹ thuật lớn giữa các chuyên gia và nhà kinh tế, chủ yếu vì chương trình chưa đưa ra thông tin rõ ràng về những khoản thanh toán nợ đã được những người hưởng lợi từ chương trình trên thực hiện.
Zambia đối mặt nguy cơ sụp đổ nền kinh tế Zambia là quốc gia châu Phi đầu tiên tuyên bố vỡ nợ kể từ đại dịch năm 2020. Giờ đây, quốc gia Đông Phi này đang tìm kiếm cơ hội tái cơ cấu nợ trên thị trường quốc tế. Ảnh minh họa - AP Debt Justice - tổ chức ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói...