Khủng hoảng niềm tin
Từ đời sống hôn nhân đến thường nhật, phải giật mình đôi ba lần bởi chúng ta đang khủng hoảng niềm tin.
“Khi thấy vợ tôi trở về từ buổi họp lớp với nhóm bạn cấp II, mắt lấp lánh vui, nhắn tin cho nhau mà miệng cười khúc khích, lòng tôi bỗng gợn lên nỗi nghi ngờ mơ hồ không diễn tả được. Trong nhóm đó có người từng là tình đầu của vợ. Có người thầm thương vợ suốt bao năm trời. Tôi tự hỏi mình có nên gắn thiết bị theo dõi, để bắt tận tay hay không” – lời tâm sự thật dài của một bạn nam nào đó mong được cộng đồng mạng tư vấn, trước khi bạn “ra tay” truy tìm dấu tích “ngoại tình” của vợ mình.
Yêu nhiều, nghi ngờ nhiều – nguồn cơn của mọi bi kịch
Cuộc sống vốn hạn hữu niềm tin, thì có lẽ tình yêu phải là nơi nhen nhóm cho niềm tin nhiều nhất. Tin vào tình yêu, vào những điều chỉ có tình yêu mới có thể mang lại. Nhưng, khó khăn nhất của tình yêu chính là khi sự hoài nghi bắt đầu nhen nhóm. Một cái hắt xì của người kia cũng làm lòng ta đặt ra nhiều câu hỏi. Khi mọi thứ được đặt vào khung nghi ngờ, một nụ cười vu vơ cũng có vấn đề, một tin nhắn quảng cáo đến vào giờ cơm cũng làm không khí trầm xuống.
Phụng Trần (Q.3) kể vợ chồng cô tan vỡ chỉ vì một câu nói trong lúc “mớ ngủ”. “Có con bướm đậu trên vai anh Thịnh kìa…” – Phụng nói câu đó trong giấc mơ. Khi chồng hỏi, thật lòng Phụng cũng không thể nhớ được Thịnh là ai, tự dưng sao cái tên đó lại xuất hiện trong giấc mơ của cô. Việc cỏn con thế mà chồng cô chẳng cho qua. Anh dò xét, nghi ngờ, thậm chí đặt ghi âm trong phòng để xem Phụng có vô thức nhắc cái tên đó nữa không. Và đỉnh điểm là chồng cô lén cài định vị vào điện thoại để theo dõi Phụng. Cảm thấy bị xúc phạm, Phụng đề nghị ly hôn.
Trong một buổi nói chuyện chuyên đề về giữ gìn chính mình trong hôn nhân, một bạn trẻ đã thảng thốt kêu lên: “Em chẳng hiểu em đã làm gì đời mình” vì sự hoài nghi như một vết dầu cứ loang mãi trên mặt nước, chiếm hết không gian yêu đương chúng ta từng có. Vì khi nhìn chồng vừa cạo râu vừa huýt sáo, lại nghĩ chắc chồng có gì vui. Thấy chồng ủi áo sơ-mi màu hồng, lại nghĩ chắc là đang có vấn đề…
Bao nhiêu thứ đã nhấn chìm những ngày đáng lẽ vui của vợ chồng trẻ ấy. Nhưng cô đã không cho phép mình tận hưởng tháng ngày trăng mật đáng nhớ bởi một dòng tin nhắn từ số điện thoại không được lưu trong danh bạ chồng, nội dung: “Ăn trưa chưa anh?”.
Tôi ngồi cùng Hòa, một cô gái trẻ vừa chạy trốn khỏi nhà chồng với nhiều thương tích. Cô bị chồng bạo hành lần thứ n bởi những cơn ghen tuông vô cớ của anh. Bốn giờ chiều tan sở, về nhà 15 phút chạy xe, trễ hai phút là đánh. Trưa gọi facetime mà không trả lời vì bận, chiều về… đánh.
Hòa phân trần rằng có lẽ vì anh ấy quá yêu nên nghi ngờ em. Điều đó có lẽ đúng với Hòa, khi cô chấp nhận sống trong bạo hành và tin rằng chỉ vì quá yêu nên người ta mới… nghi ngờ nhau.
Không còn biết tin ai, tin vào điều gì?
Video đang HOT
Câu chuyện ATM gạo gần đây có lẽ là câu chuyện khiến lòng tin của mọi người chao đảo nhất. Mọi thứ đang tốt đẹp, trơn tru, thì sự cố xảy ra và không phải ai cũng có kịch bản để ứng phó với búa rìu dư luận. Bấy nhiêu đủ để đám đông hoang mang với ý nghĩa thật sự của hai từ “từ thiện”. Cuộc sống bây giờ, sự hoài nghi có lẽ mang hiệu ứng dây chuyền. Một người lên tiếng, là cả xã hội hưởng ứng. Họ thích chia sẻ những điều có thể “giết chết” con người nhanh nhất.
Ai cũng cho rằng có quá nhiều điều không còn đáng tin. Cả cộng đồng, cả xã hội dường như chỉ chực chờ ai đó bị bóc phốt, bị ném đá, để thêm một lần xác tín sự hoài nghi của mình là đúng. Rất ít ai chịu công nhận người nào đó thực sự tử tế. Bất cứ hành động nào cũng đều được thêu dệt thành một câu chuyện mang màu sắc của sự hoài nghi.
Tới hôm nay, cuộc chiến “ba chữ A” đã tạm thời lắng xuống. Nhưng đâu đó mọi người vẫn nghi ngại hành động chia sẻ hình ảnh cùng với hashtag của mình đã vô tình truyền thông miễn phí cho chương trình. Sẽ rất bình thường vì đó là một câu chuyện nhân văn để kêu gọi quỹ cho cộng đồng trẻ tự kỷ Việt Nam.
Vậy mà đột nhiên chỉ cần ai ném một hòn sỏi hoài nghi vào hồ nước đang tĩnh lặng chứa đầy lòng yêu thương đó, cũng khiến người ta giật mình vì nghĩ rằng mình bị lợi dụng. Họ bấn loạn ẩn bài, chia sẻ những thông tin xỉa xói chương trình vì tin rằng đó là chiến dịch truyền thông “bẩn”. Cả xã hội đồng loạt lên tiếng, mọi người nhìn nhau e ngại. Từ một câu chuyện nhân văn, nhanh chóng quẹo sang câu chuyện nghi ngờ.
Một tổ chức từ tâm cho những gia đình có con tự kỷ biến thành một kẻ ăn ké truyền thông. Cả xã hội đang hân hoan vì mình vừa góp tay vào một việc tốt, bỗng thắng gấp lại trước hành động tử tế của chính mình. Người ta tin rằng mình bị lừa, bị lợi dụng mà quên mất, dù thế nào thì mình cũng vừa làm được một việc tốt.
Đi từ đời sống hôn nhân đến thường nhật, phải giật mình đôi ba lần bởi chúng ta đang khủng hoảng niềm tin trầm trọng. Chúng ta có thể ngược xuôi để giải quyết một sự cố truyền thông chỉ để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Chúng ta có thể bung tiền ra làm quảng cáo để người mua thêm tin vào thương hiệu. Nhưng có mấy ai chậm lại để giải quyết những khủng hoảng mang tên hoài nghi từ trong tim mình.
Ta hoang mang trước vô số thông tin. Ta nghi ngờ mọi thứ từ tình yêu của chồng/vợ đến lòng tốt của bạn bè. Sao không thấy rằng sự hoài nghi đang lớn dần trong ta, chính là một cuộc khủng hoảng lớn nhất cần được giải cứu.
Thật khó để kêu gọi một ai đó sống mà đừng nghi ngờ, hãy thong dong sống, tin vào hết thảy mọi điều. Trao đi một niềm tin cũng lo lắng, yêu chân thành cũng lo lắng, vì sợ mình thất vọng, sợ những mất mát. Mà đáng lẽ chỉ cần tin và yêu một cách chân thành, chúng ta sẽ nhận về bao nhiêu sự thanh thản và rất nhiều niềm vui.
Tôi 'vỡ mộng hôn nhân'
Tôi 29 tuổi, lập gia đình cách đây một năm, có công việc tốt, thu nhập cao, có trí tuệ và chăm chỉ nên thăng tiến rất nhanh.
Tôi lớn lên từ khó khăn nên rất mạnh mẽ, yêu thương cha mẹ, luôn nỗ lực để cuộc sống tốt hơn. Thời điểm đó, tôi vui vì gia đình luôn êm ấm, hạnh phúc. Về tình cảm, thời sinh viên tôi có mối tình 7 năm rất đẹp. Người đó cũng là sinh viên nghèo nhưng học rất giỏi, có chí tiến thủ, chăm chỉ và hiền lành. Nhưng đến phút cuối cùng lại không thành đôi vì bất đồng trong quan điểm kết hôn.
Ngay lúc ấy, tôi quen biết chồng hiện tại (nhỏ hơn tôi một tuổi). Anh rất thương và theo đuổi tôi nhiều. Anh có thể đứng đợi trước nhà cả buổi tối chỉ để gặp tôi, làm nhiều việc khiến tôi xúc động. Cả hai tâm sự, chia sẻ nhiều quan điểm cuộc sống và thấy hợp tính nhau, tôi nghĩ đó là định mệnh. Quen 6 tháng, tôi đồng ý lời cầu hôn của anh. 3 tháng sau, chúng tôi cưới trong sự ngỡ ngàng của bao người. Thật ra, tôi cân nhắc rất nhiều nhưng vì nghĩ đến mối tình 7 năm không thành nên cảm thấy vợ chồng là duyên nợ, chỉ cần người đó yêu thương mình là được.
Người ta bảo "vỡ mộng hôn nhân" là đúng thật. Chồng tôi không thích tụ tập chơi bời, nhậu nhẹt, gái gú, không nhiều bạn bè, nhưng tính tình và lý tưởng sống của chồng lại làm tôi rất bất mãn.
Trong quá khứ, khi thất tình, anh bỏ dở việc học, có thời gian dài nhốt mình trong phòng như bị trầm cảm, lầm lì; không có bằng cấp đàng hoàng. Gia đình chồng giàu có, sở hữu công ty riêng nhưng chồng không thích phụ thuộc vào cha mẹ nên không vào làm công ty nhà. Tóm lại, chồng tôi vừa tự ti vào năng lực bản thân, vừa không muốn người khác xem thường nên dẫn đến thích làm theo ý mình, không nghe lời góp ý từ người khác.
Có lúc anh ngọt ngào tình cảm, lúc lại nóng tính, nói chuyện ngang ngược, đập phá đồ đạc, hoặc đấm tay vào tường để tự làm đau mình. Những lúc ấy tôi rất sợ. Vì tôi thành công trong công việc nên chồng không thích nghe tôi nói, trách mắng tôi dạy đời anh (trong khi tôi luôn là người tâm lý, nói chuyện nhỏ nhẹ mềm mỏng, chưa bao giờ quát tháo hay chửi bới anh). Chồng luôn nhìn vấn đề ở góc tiêu cực, phóng đại nỗi đau của mình, bắt người khác thông cảm và hiểu cho mình trong khi chưa bao giờ chịu nghĩ cho cảm xúc của người khác.
May mắn là cha mẹ chồng hiền lành, trí thức, rất quan tâm tôi. Biết tính con mình kỳ cục, mẹ chồng cho chúng tôi số vốn, mở quán ăn kinh doanh. Nhưng cũng chính từ đây cả hai cãi nhau rất nhiều, do ai cũng muốn làm theo ý mình. Không phải tôi thích can thiệp nhưng chồng quản lý một cách rất yếu kém, nhân viên bất mãn, chính sách giá cả không hợp lý nên càng lúc càng tệ hơn. Mùa Covid quán đóng cửa tạm nghỉ, tôi vẫn đi làm công việc của mình, áp lực và mệt mỏi, về nhà thấy chồng nằm lì ra ngủ, suốt ngày mở tivi xem, nuôi cá cảnh giải trí, phòng ốc bừa bãi không dọn. Cãi nhau nhiều đến nỗi giờ tôi không muốn nói gì nữa, có nói lại cãi nhau, đập phá đồ đạc. Chuyên gia ơi, tôi cần làm gì để giải thoát mình đây?
Tôi thương chồng, cũng muốn giúp anh trở nên mạnh mẽ, sống lý tưởng, nhưng tôi đã cố rất nhiều cách, nói chuyện lý trí cũng có, nhẹ nhàng cũng có, nhưng đâu lại vào đó, không cãi nhau một trận to thì ậm ừ cho qua chuyện. Tôi không mong có chồng giàu, chỉ mong tìm được một người cùng mình cố gắng, cùng lý tưởng sống để làm nên gia đình hạnh phúc.
Tôi đã có ý định ly dị nhiều lần nhưng mẹ chồng cứ khóc lóc, khuyên giải cố gắng. Tôi chịu đựng đến giờ cũng chỉ vì muốn cho chồng cơ hội. Tôi biết nếu bỏ đi, chồng lại nhốt mình trong phòng, tôi không muốn ba mẹ ruột phải buồn lo cho mình. Rốt cuộc, muốn hạnh phúc nên bao dung thêm nữa hay dứt khoát để tôi có thể bắt đầu lại cuộc đời mới?
Thu
Chuyên gia tâm lý Lê Thanh gợi ý:
Chào Thu,
Có thể thấy rõ hiện tại chồng bạn đang gặp khủng hoảng tâm lý. Mà nguồn gốc xuất phát là từ sự thất bại trong chuyện tình cảm, học hành, sự nghiệp của anh ấy. Có nhiều người phải mất thời gian dài chìm đắm trong tự ti, tuyệt vọng; có người tự mình vượt qua được; nhưng có người vẫn mãi u mê và chấp nhận cuộc sống tự đọa đầy mình.
Bạn yêu chồng nhưng có cá tính và nhiều điều kiện để xây dựng cuộc sống mới thuận lợi. Việc ra quyết định vẫn là do cá nhân bạn. Dù quyết định thế nào, không ai có thể trách cứ bạn khi bạn đã cố gắng hết sức.
Có thể thấy chồng bạn có nhiều yếu tố thuận lợi: bố mẹ yêu thương, vợ hiền thục, giỏi giang, gia đình giàu có,... Tưởng chừng những thứ ấy là tiền đề giúp chồng bạn thăng tiến, hạnh phúc trong cuộc sống, nhưng với anh ấy, có thể đây chính là những áp lực vô hình. Anh ấy thất bại, không có gì trong tay trong khi những người anh ta yêu thương lại giỏi giang, đủ đầy.
Về nhà hàng, theo bạn đây chính là khởi nguồn của những bất hòa giữa hai vợ chồng, vậy hãy kết thúc điều đó. Bạn hãy dừng tham gia vào chuyện quản lý cửa hàng, chỉ nên âm thầm quan sát. Nếu chồng bạn thực sự không thể duy trì cửa hàng, đây là sự trả giá tất yếu, cho anh ấy bài học kinh nghiệm. Nếu quản lý, kinh doanh không phải thế mạnh của chồng bạn, vậy hãy ủng hộ anh ấy trong lĩnh vực mà anh ấy giỏi nhất, có khả năng nhất.
Đôi khi người ta phải thất bại và vấp ngã rất nhiều lần trước khi có thành quả trong sự nghiệp. Chính bạn cũng vậy, để có những thành tựu công việc như hiện nay, bạn đã phải trải qua sự rèn luyện và cố gắng rất nhiều đúng không?
Bên cạnh đó, vợ chồng bạn đến với nhau bằng tình yêu, bằng mong muốn gắn kết để xây dựng hôn nhân và mái ấm gia đình, chứ không phải là đối tác để xây dựng sự nghiệp hay một lý tưởng lớn lao. Bạn hãy nhìn chồng như một người chồng dành tình yêu và trách nhiệm với vợ mình thay vì mong muốn chồng là người thành đạt, giỏi giang trong mọi công việc.
Qua những hành động bất thường của chồng bạn như thay đổi trạng thái tâm lý đột ngột, tự làm đau mình, đập phá đồ đạc... có thể thấy anh ấy đang bị rối loạn tâm lý. Việc này cần sự can thiệp trực tiếp của chuyên gia trị liệu. Anh ấy cần được giúp đỡ trước khi tiếp tục tự làm hại mình và mức độ nguy hiểm tăng cao. Theo như tính cách của chồng bạn, có lẽ bố mẹ chồng và bạn không nên trực tiếp can thiệp, khuyên nhủ, hãy nhờ một người ngoài gia đình bạn.
Trong thư không thấy bạn nhắc đến chuyện mang thai hay có con. Nếu chưa có, bạn nên cân nhắc về việc mang thai và sinh nở. Hãy tập trung hỗ trợ và giúp đỡ chồng ổn định tinh thần, lấy lại cân bằng trong cuộc sống trước. Đây là việc làm khó khăn và cần thời gian.
Bạn có thể tìm thời điểm phù hợp để trao đổi với chồng những việc bạn sẽ làm và chính bạn sẽ thay đổi. Còn từ phía anh ấy, bạn mong nhận lại sự phản hồi và hành động gì của chồng. Hãy giao hẹn về thời gian và sự kiểm chứng. Sau tất cả cố gắng, nếu tình hình không cải thiện, lúc ấy bạn buông tay mới không phải hối tiếc.
Xã hội thường "mù" trước tình phụ tử Theo các chuyên gia quản lý nhân sự, vi-rút Corona sẽ đẩy lùi sự nghiệp của phụ nữ trong vài năm, vì trong ý thức mọi người, phụ nữ phải ở nhà chăm con, và nhân viên nam vẫn tiếp tục như thường để công việc vẫn chạy. Phong tỏa đã thay đổi cách nghĩ và làm việc để cân bằng sự nghiệp...