Khủng hoảng nhập cư: EU đã giữ đúng lời hứa?
Hàng nghìn người nhập cư và tị nạn vẫn đang tiếp tục hành trình tới biên giới châu Âu. Nhưng không phải ai cũng có thể đặt chân tới miền đất hứa.
Những hàng rào mới đang mọc lên, và tình trạng bạo lực đang gia tăng ở biên giới Hy Lạp – Macedonia. EU tiếp tục chia rẽ về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng này, kể cả khi dòng người nhập cư đổ về ngày một đông khi thời tiết ấm lên.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng 2, Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận, dù tình hình có nhiều cải thiện nhưng một số cam kết chưa được thực thi đầy đủ.
Đăng ký nhập cư ở biên giới: Hiệu ứng domino
Một điểm mấu chốt gây nhiều tranh cãi giữa các quốc gia EU đó là quy định Dublin. Theo đó, các quốc gia nơi người nhập cư đặt chân đến đầu tiên ở châu Âu sẽ có nhiệm vụ cấp giấy đăng ký. Hy Lạp và Italia chính là những nước tiếp nhận số lượng lớn nhất người nhập cư băng qua Địa Trung Hải, nhưng cũng hứng chịu nhiều lời chỉ trích nhất về việc cho phép người nhập cư đi qua lãnh thổ mà không đăng ký. Sau đó, những người nhập cư không phép này lại đổ xô tới Đức và nhiều nước Bắc Âu khác.
Hy Lạp phàn nàn bị quá tải bởi làn sóng nhập cư và yêu cầu các quốc gia EU khác phải cùng chia sẻ gánh nặng. Ủy ban châu Âu đang cân nhắc sửa đổi quy định này, đồng thời cải tiến thủ tục cấp giấy đăng ký.
Tại Hy Lạp, số lượng người nhập cư được lưu trữ dấu vân tay trong cơ sở dữ liệu đã tăng vọt từ 8% trong tháng 9 năm ngoái lên mức 78% trong tháng 1 năm nay. Còn tại Italia, con số này cũng đã tăng từ 36% lên 87%.
Người nhập cư đứng sau hàng rào ở biên giới Hy Lạp – Macedonia.
Tuy nhiên, EC thừa nhận, quá trình chuyển biến vẫn còn chậm, do việc trì hoãn thành lập các trung tâm tiếp nhận người nhập cư tại khu vực biên giới. Sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực Tây Balkan vẫn còn thiếu hiệu quả. Những quyết định đơn phương như đóng cửa hay hạn chế người nhập cư ở biên giới đã tạo ra “hiệu ứng domino”.
“Hậu quả là hàng loạt quốc gia cùng áp dụng chính sách từ chối nhập cảnh theo quốc tịch hoặc từ chối đăng ký nhập cư”, EC thừa nhận.
Video đang HOT
Điều này đã de dọa sự tồn tại của khu vực đi lại tự do Schengen. Hiệp hội Giám sát Nhân quyền đánh giá việc đóng cửa biên giới Hy Lạp – Macedonia là “một thất bại cay đắng” của EU trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư.
Phân bổ người nhập cư: Chậm chạp và nhiều bất cập
Trong tháng 10 năm ngoái, các quốc gia EU đã nhất trí kế hoạch tái phân bổ 160.000 người xin tị nạn, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước Trung và Đông Âu. Mục tiêu của việc này là giảm bớt sức ép đối với Hy Lạp, Italia và Hungary. Tuy nhiên, trong tháng 12, Hungary và Slovakia đã khởi kiện kế hoạch này.
Đến nay, chỉ 12 quốc gia thành viên EU tiếp nhận người nhập cư và 5 quốc gia khác vẫn chưa đồng ý tiếp nhận. EC kêu gọi các quốc gia thành viên xem đây là một bổn phận bắt buộc nhưng một số chính phủ thì cho rằng, chỉ nên kêu gọi tinh thần tự nguyện.
Theo thống kê, chỉ có 218 người nhập cư được phân bổ từ Hy Lạp tới nước khác, trên tổng số 66.400 người. Con số này đối với Italia là 279 trên tổng số 39.600 người.
Có thể thấy, quá trình phân bố chậm chạp đã ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người tị nạn tới từ Syria, Iraq và Eritrea.
Một cậu bé trong hành trình tới châu Âu.
Trả người nhập cư về nước: Thiếu hiệu quả
Cơ chế trả người nhập cư về nước của EU đang vấp phải nhiều khó khăn khi một số nước thành viên không thể trục xuất người không đủ điều kiện nhập cư về nước.
Trong năm ngoái, 3.565 người nhập cư đã bị trả về nước nhờ các hoạt động hợp tác với cơ quan giám sát biên giới châu Âu Frontex.
Tại Hy Lạp, chỉ có 16.131 người bị buộc phải về nước, một con số khiêm tốn so với 800.000 lượt người tới châu Âu năm 2015.
Chi phí tài chính: Không ngừng gia tăng
Năm 2015, EU tuyên bố sẽ dành 10,1 tỷ euro (11 tỷ USD) để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư và hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Hy Lạp đã được chi 148 triệu euro tiền hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm 80 triệu euro để giúp xây dựng các trung tâm tiếp nhận người nhập cư và tị nạn thông qua Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và thêm 21 triệu USD thông qua Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).
Châu Phi và Syria sẽ nhận được 2,3 tỷ euro và 1 tỷ euro sẽ được phân bổ để xây dựng cơ sở vật chất cho người nhập cư ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng nguồn tài chính này dường như vẫn chưa đủ. Mới đây nhất, ngày 3/2, EU đã nhất trí thông qua khoản hỗ trợ 3 tỷ euro để giúp Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện các điều kiện sống cho người nhập cư nhằm giảm bớt số lượng người tị nạn sang EU.
Thanh Hà
Theo_Hà Nội Mới
Hội nghị cấp cao Anh - Pháp: Nóng vấn đề người tị nạn và Brexit
Trước thềm hội nghị cấp cao Anh - Pháp, kịch bản Brexit và cuộc khủng hoảng nhập cư đã khiến hai nước không hài lòng với nhau.
Ngày 3/3 tại thành phố Amiens, miền Bắc nước Pháp đã diễn ra Hội nghị cấp cao hàng năm Anh- Pháp lần thứ 34. Đây là một sự kiện được dư luận châu Âu quan tâm bởi không giống như mọi năm, cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang trải qua thời kỳ sóng gió, với một loạt những vấn đề lớn gây chia rẽ từ việc nước Anh muốn rời Liên minh châu Âu (EU) hay xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.
Các quan chức Anh và Pháp tham dự Hội nghị cấp cao Anh - Pháp hàng năm lần thứ 34 ở Amiens. (Ảnh: lemonde)
Đúng như dự báo của giới chuyên gia, Hội nghị cấp cao Anh- Pháp lần thứ 34 tại Amiens đã diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng. Khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu hay cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay đã khiến cả Anh và Pháp đều không hài lòng với nhau.
Trong khi đối với sự đi hay ở của nước Anh, Pháp lâu nay vẫn được xem là một trong những nước thành viên khó thuyết phục nhất, thì trong với vấn đề quản lý khủng hoảng nhập cư, đối với Pháp, Anh lại là một thành viên "vô trách nhiệm nhất".
Trong khi đa số các nước thành viên EU đang phải đau đầu trước làn sóng người nhập cư ồ ạt đổ vào châu lục ngày càng vượt tầm kiểm soát, thì Anh dường như lại là một ngoại lệ. Không tham gia Hiệp ước tự do đi lại Schengen, Anh không chịu nhiều ràng buộc liên quan tới việc tiếp nhận người tị nạn.
Là một điểm đến mơ ước của người nhập cư, với nhiều chính sách ưu đãi về an ninh hay việc làm, song Chính phủ Anh lại khá cứng rắn trong các tiêu chí về xin nhập cư và tị nạn. Chính điều này đã đặt nước Anh vào thế đối đầu với các nước thành viên khác, mà đặc biệt là Pháp khi buộc nước này phải tiếp nhận một lượng lớn người nhập cư đang tìm cách vượt biên trái phép sang Anh. Chính phủ Pháp nhiều lần công khai thể hiện "sự khó chịu" với nước Anh và yêu cầu Anh hành xử một cách có trách nhiệm hơn.
Ngoài ra, giống như nhiều nước châu Âu khác, giới chức Pháp cũng chỉ trích Anh vì sự đóng góp ít ỏi trong việc chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người nhập cư. Hiện tại nước Anh hàng năm nhận số người xin tị nạn chỉ bằng 1/3 so với Pháp và bằng 1/6 so với Đức. Trong khi đó, Anh cũng không ngừng công kích Pháp "làm việc thờ ơ, thiếu hiệu quả và hoàn toàn không biết cách xử lý khủng hoảng".
Tuy nhiên, tại cuộc gặp hôm qua (3/3), trái với dự báo của giới chuyên gia, trước những chỉ trích của Pháp, Thủ tướng Anh David Cameron lại có phần mềm mỏng hơn khi thông báo khoản hỗ trợ bổ sung hơn 20 triệu euro để giúp Pháp tiếp nhận người tị nạn và đảm bảo an ninh tại Calais.
Có thể nói, vấn đề nhập cư và khả năng nước Anh rời EU là hai mặt của một vấn đề. Ngay trước thềm hội nghị cấp cao Anh- Pháp, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron cảnh báo, nếu nước Anh rời EU, Pháp sẽ "giải phóng" cho người nhập cư đang mắc kẹt tại Calais. Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng một lần nữa nhắc lại lập trường này.
Ông Hollande nói: "Tôi không thể phủ nhận rằng, nếu Anh rời EU, chắc chắn sẽ có những hậu quả trong nhiều lĩnh vực, đối với thị trường chung, sự lưu thông của hàng hóa và con người. Điều này sẽ không ảnh hưởng tới các mối quan hệ lịch sử và hữu nghĩ giữa hai nước, song sẽ có hậu quả đối với cách thức chúng ta quản lý cuộc khủng hoảng nhập cư".
Dù diễn ra trong bầu không khí căng thẳng song giữa lúc châu Âu đang phải đối mặt với quá nhiều chỉ trích vì sự thiếu đoàn kết hay chia rẽ như hiện nay, dù không hài lòng với nhau, song cả Pháp và Anh đều tránh những ngôn từ có thể gây chia rẽ.
Hai nước đều cố gắng đạt được nhận thức chung rằng, vấn đề nhập cư và hơn hết là sự tồn tại của EU nằm ở khu vực sườn phía Đông Địa Trung Hải, tức là nơi gần với cuộc khủng hoảng tại Syria nhất. Theo Tổng thống Pháp Hollande, Liên minh châu Âu, trong đó có Anh và Pháp cần phải tìm ra giải pháp không chỉ cho người tị nạn tại Calais, mà cả ở Hy Lạp, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi hậu quả của nó không phải là sự đi hay ở của một quốc gia, mà cả châu Âu đều gặp nguy hiểm./.
Thu Hoài Tổng hợp
Theo_VOV
EU hoan nghênh NATO can thiệp giải quyết khủng hoảng nhập cư Quan chức EU ngày 11/2 khẳng định, NATO có sức mạnh và có các công cụ để hỗ trợ tốt hơn cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng nhập cư tại châu Âu. Các nước châu Âu đang đứng trước cả thách thức và thời cơ mới trong giải quyết cuộc khủng nhập cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới...