Khủng hoảng nhân đạo ở Syria ngày càng trầm trọng
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, có tới 2,5 triệu người Syria đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Giao tranh đã bùng nổ dữ dội ngày 22/8 giữa quân chính phủ với phe đối lập Syria ở phía Nam thủ đô Damascus, làm ít nhất 37 người thiệt mạng. Hãng tin Nhà nước Syria (SANA) dẫn nguồn chính thức cho biết quân chính phủ đã giao tranh với một nhóm khủng bố vũ trang ở ngoại ô Damascus, tịch thu nhiều vũ khí và phát hiện ra một cơ sở chế tạo bom.
Tại điểm nóng chiến sự Aleppo và Daraa, các nhân chứng cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt. Lực lượng đối lập tuyên bố đã giành quyền kiểm soát một văn phòng tình báo và một trạm kiểm soát ở thị trấn Albu Kamal giáp biên giới Iraq. Tuy nhiên, trên thực tế, quân chính phủ vẫn đang nắm giữ phần lớn thị trấn này.
Trẻ em Syria ở trại tị nạn Zaatari, bên ngoài thành phố Mafraq miền bắc Jordan, gần biên giới với Syria nhận viện trợ từ một tổ chức nhân đạo (Ảnh: AFP)
Video đang HOT
Trước diễn biến phức tạp của tình hình Syria, Liên Hợp Quốc ngày 22/8 cũng cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho quân đội Syria, hỗ trợ tài chính và tình báo… nhằm đánh bật lực lượng nổi dậy. Cáo buộc này do phương Tây đưa ra với lo ngại cuộc khủng hoảng và bạo lực đẫm máu kéo dài hơn 17 tháng qua đã đẩy Syria lún sâu vào một cuộc nội chiến.
Ông Jeffrey Feltman, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị , trong phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an nhấn mạnh: “Bạo lực đang tiếp diễn tại Syria và có thể mô tả là leo thang ở một số khu vực. Cả lực lượng chính phủ và lực lượng đối lập đều tăng cường các hành động quân sự. Người dân Syria là nạn nhân của những cuộc giao tranh ác liệt này. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nhắc lại quan ngại của ông về tình hình khủng hoảng tại Syria, cho rằng một số hành động đã vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Nga yêu cầu phương Tây không nên tìm cách làm rối vấn đề Syria bằng những tuyên bố ám chỉ khả năng sử dụng hành động quân sự đối với Damascus. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, điều duy nhất mà cộng đồng quốc tế nên làm hiện nay là lập những cơ sở cần thiết cho việc khởi động đối thoại và không có sự can thiệp từ bên ngoài vào Syria.
Liên Hợp Quốc cũng cho biết, có hơn 18.000 người đã thiệt mạng và khoảng 170.000 người đã tị nạn sang các nước láng giềng để trốn bạo lực. Sau cuộc thảo luận tại Hội đồng Bảo an hôm 22/8, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Valerie Amos thông báo về tình hình khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Syria. Bà cho biết, Syria đang thiếu trầm trọng dịch vụ y tế, hệ thống vệ sinh, nơi ở an toàn, lương thực và nước uống…
“Tôi thực sự lo ngại khi các phe phái tại Syria đã không tuân theo luật nhân quyền quốc tế để bảo vệ người dân. Khủng hoảng và bạo lực tại Syria ngày càng tàn khốc. Tôi đã chứng kiến những người dân Syria, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em bị mặc kẹt giữa các cuộc giao tranh ác liệt. Tôi một lần nữa nhấn mạnh lời kêu gọi tới các phe phái tại Syria, phải tôn trọng dân thường và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế”, bà Valerie nhấn mạnh.
Trong thông cáo báo chí ngày 23/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chính phủ nước này sẽ viện trợ nhân đạo khẩn cấp 30 triệu Nhân dân tệ (4,76 triệu USD) cho người tị nạn Syria ở Jordan và Lebanon. Khoản viện trợ này sẽ được chia làm hai đợt và sẽ sớm được chuyển sang Jordan và Lebanon để giúp chính phủ hai nước này giải quyết vấn đề người tị nạn Syria cũng như cải thiện điều kiện sống cho họ./.
Theo VOV
Nhà báo Nhật thiệt mạng tại Syria chuẩn bị được đưa về nước
Đây là nhà báo nước ngoài thứ 4 thiệt mạng tại Syria và là người đầu tiên thiệt mạng tại Aleppo.
Ngày 22/8, thi thể của nhà báo người Nhật Bản Mika Yamamoto, thiệt mạng tại Syria, đã được đưa từ thành phố Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ tới thành phố Istanbul, để chuẩn bị đưa về Nhật Bản.
Bức ảnh nhà báo Mika Yamamoto được chiếu trên một màn hình lớn trong ngày 21/8 khi truyền hình nước này đưa tin về cái chết của bà ở Syria (Ảnh: AP)
Nhà chức trách Nhật Bản cho biết, nhà báo Mika Yamamoto, 45 tuổi, đã từng đoạt giải Báo chí Nhật Bản. Bà Yamamoto thiệt mạng tại thành phố Aleppo của Syria, khi đang đi cùng lực lượng đối lập Quân đội Syria Tự do để tác nghiệp.
Nhà báo Yamamoto là phóng viên nước ngoài thứ 4 thiệt mạng tại Syria, kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát tại quốc gia Trung Đông này từ tháng 3/2011. Bà là phóng viên đầu tiên thiệt mạng tại chiến trường ác liệt Aleppo.
Trước khi tới Syria, bà Yamamoto cũng từng là phóng viên chiến trường tác nghiệp ở Afghanistan và Iraq./.
Theo VOV
Syria: Lập vùng cấm bay, một bước leo thang chiến tranh Sau một loạt những thất bại trên chiến trường ở Aleppo tuần qua, phe nổi dậy Syria hôm qua (12/8) đã cầu cứu phương Tây bằng cách kêu gọi các cường quốc thực hiện vùng cấm bay ở Syria giống như ở Libya trước đây. Ông Abdelbasset Sida, người đứng đầu Hội đồng Quốc gia Syria, cho biết, phe nổi dậy rất cần...