Khủng hoảng di cư – miếng mồi béo bở cho bọn buôn người
Với làn sóng di cư nườm nượp đổ về châu Âu, lợi nhuận những kẻ buôn người thu về thậm chí lớn hơn cả buôn lậu vũ khí hay ma túy.
Nhà điều tra đang tìm kiếm dấu vết trên chiếc xe tải chở 71 thi thể bị bỏ lại trên đường cao tốc của Áo hôm 27/8. Ảnh: AFP
Theo đại tá Gerald Tatzgern, lãnh đạo cơ quan chống buôn người của cảnh sát Áo, chỉ tính riêng ở Hy Lạp có tới 200 đường dây buôn người từ Afghanistan và vùng Trung Đông tới Liên minh châu Âu (EU) qua khu vực Balkans.
“Nó đang phát triển thành một ngành kinh doanh béo bở trị giá nhiều tỷ USD”, bà Mikl-Leitner, Bộ trưởng Nội vụ Áo, nhận xét, đồng thời thêm rằng những kẻ buôn người này có mặt ở khắp nơi, từ Bulgaria, Hungary, Macedonia đến Romania và Serbia.
Tại nhà ga xe lửa Keleti ở thủ đô Budapest, Hungary, nơi hàng nghìn người tị nạn đang trên đường tới Tây Âu nhưng bị nhà chức trách nước này chặn lại, sự hiện diện của những kẻ buôn người có vẻ như là điều bình thường. Lực lượng này lặng lẽ tiếp cận đám đông người di cư, mời chào đưa họ tới Áo với giá vài trăm USD.
Song, những ký ức đau buồn về thảm kịch 71 người di cư thiệt mạng trong chiếc xe tải chở gà khóa kín trên quốc lộ ở Áo hồi tuần trước vẫn còn đó. Các nạn nhân bị chính kẻ buôn người bỏ rơi. Trong một vụ việc tương tự, cảnh sát Áo vừa giải cứu 24 người Afghanistan cũng từ một xe tải đóng chặt sau cuộc truy đuổi qua nhiều tuyến phố ở thủ đô Vienna, Áo. “Chỉ muộn một tiếng nữa thôi là họ sẽ chết hết”, bà Mikl-Leitner nói.
Theo ông Rob Wainwright, người đứng đầu Europol, cơ quan thực thi pháp luật của EU, hiện có khoảng 30.000 người đang trực tiếp tham gia các mạng lưới buôn người. Những nhóm buôn người trước đây thường đưa người tị nạn vượt biên bằng đường biển. Nhưng trong vụ việc ở Áo, một đường dây ngay trên đất liền đã được hình thành. Cảnh sát nghi ngờ tài xế xe tải và người đồng hành là thủ phạm chính của thảm kịch.
Những kẻ buôn người “đang gây ra vô số cái chết nhưng lại không bị trừng phạt”, bà Melissa Fleming, phát ngôn viên trưởng cơ quan chuyên trách về người tị nạn của Liên Hợp Quốc, nói.
Phương thức đa dạng
Một gia đình người di cư hôm qua nằm dài trên đường ray xe lửa ở thị trấn Bicske, Hungary, để phản kháng lại lực lượng cảnh sát. Ảnh: Reuters
Theo thông tin từ chính quyền, những nhóm buôn người hoạt động quanh vùng Balkans rất đa dạng về quy mô cũng như mức độ tinh vi. Chúng thường là những băng đảng tội phạm địa phương với mục tiêu đơn giản chỉ là nắm lấy mọi cơ hội để kiếm tiền. Những kẻ này hay thuê người Afghanistan hoặc Syria làm đại diện đứng ra giao dịch với các khách hàng tiềm năng.
Video đang HOT
“Nếu người di cư mang nhiều tiền, bọn buôn người sẽ cấp cho họ một tấm hộ chiếu giả hay thẻ căn cước ăn cắp cùng visa và vé máy bay tới một nước châu Âu định sẵn”, bà Izabella Cooper, đại diện Frontex, tổ chức chuyên giám sát các hoạt động ở biên giới của EU, nói. “Nhưng rất ít người đủ khả năng đáp ứng lựa chọn này”.
Theo Livia Styp-Rekowska, chuyên gia về quản lý nhập cư và các vấn đề biên giới thuộc Tổ chức Di cư Quốc tế, kịch bản thường xảy ra hơn là người di cư sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới Đức cùng một kẻ điều phối, sau đó được chuyển qua tay các nhóm buôn người khác nhau. Mỗi lần trung chuyển họ đều phải trả tiền.
Bà Styp-Rekowska thêm rằng hoạt động buôn người còn xuất hiện tràn lan trên mạng. “Ngày càng có nhiều mẩu quảng cáo trực tuyến được viết bằng tiếng Arab nhắm tới những người tị nạn Syria”, bà nói.
Theo ông Patrik Engstrom, chỉ huy lực lượng cảnh sát tuần tra biên giới Thụy Điển, những kẻ buôn người có rất nhiều mánh khóe để đưa người di cư vào quốc gia này, từ hình thức đơn giản như sử dụng các xe nhà ở lưu động hay phức tạp hơn là thuê cả phi cơ, khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ, để chuyển người di cư. Mỗi khách hàng phải trả khoảng 10.000 USD cho một chỗ ngồi trên chuyến bay này. Khi tiếp đất, họ được xác nhận là người tị nạn.
Vì số lượng người di cư tới châu Âu đang gia tăng với tốc độ chóng mặt nên chính quyền một số nước phải thực hiện các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn lượng người tiếp tục đổ về. Hungary còn dựng một hàng rào dây thép gai dài 174 km dọc biên giới với Serbia để ngăn dòng người di cư. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các hành động kiểu này chỉ càng tạo điều kiện cho những kẻ buôn người.
“Khi mà việc đi tới châu Âu trở nên khó khăn, mức giá mà người di cư phải trả cho bọn buôn người cũng như vai trò của chúng sẽ tăng lên”, ông Tuesday Reitano, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu chống Tội phạm xuyên quốc gia, nhận định.
Theo các quan chức thực thi pháp luật, dịch vụ mà người di cư nhận được tỷ lệ thuận với mức giá mà họ trả cho bọn buôn người, dao động từ vài trăm USD tới hàng chục nghìn USD.
Dù vậy, những người di cư giờ đây cũng tỏ ra thận trọng hơn trước các nhóm buôn người. Những vụ việc người di cư thiệt mạng hay bị kẻ buôn người lừa đảo thường xuyên xảy ra khiến họ trở nên cảnh giác hơn.
Một nhóm buôn người săn lùng dân di cư thường tập trung bên ngoài nhà ga Kelete tuần này mời gọi được khá nhiều nạn nhân. Chúng hứa đưa họ tới biên giới Áo nhưng thay vào đó, những người di cư bị nhồi nhét phía sau một chiếc xe không có cửa sổ và lái đi lòng vòng quanh tuyến đường vành đai bên ngoài Budapest. Chúng cuối cùng thả họ xuống một trung tâm mua sắm ở ngoại ô trông giống cửa khẩu biên giới. Một số người khác bị bỏ rơi trong rừng hay bị hăm dọa nếu buông lời phàn nàn. Có người còn bị cướp hết tài sản và bỏ lại bên lề đường tại những nơi hẻo lánh.
“Chúng tôi đã giải thích cho họ nhưng dường như những lời dụ dỗ của bọn buôn người có sức hấp dẫn hơn”, ông Zoltan Bolek, người đứng đầu Cộng đồng Hồi giáo Hungary, nói. “Xe taxi sẵn sàng chở họ tới biên giới Áo hay bất cứ đâu. Bỏ ra 1.000 euro cùng một chút may mắn là họ có thể tới được nơi cần đến”.
Vũ Hoàng
Theo Washington Post/New York Times
Bóng đen khủng hoảng di cư bao trùm châu Âu
Hàng trăm nghìn người chạy trốn xung đột, khủng bố ở Trung Đông và châu Phi đang mạo hiểm mạng sống để đến châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.
Đa số người tham gia vào hành trình nguy hiểm này đến từ các nước có xung đột ở Trung Đông và châu Phi như Syria, Iraq, Afghanistan, Nigeria, Sudan và Senegal. Người di cư ồ ạt di chuyển vào mùa hè để tránh thời tiết lạnh giá khi lênh đênh trên biển và đi qua miền núi vùng Balkan. Ảnh: Reuters
Phần lớn di dân đến biển Địa Trung Hải bằng những chiếc thuyền cũ kỹ hoặc xuồng cao su. Đầu tiên, họ đến Hy Lạp, vì nước này gần một số nước có nhiều người di cư như Thổ Nhĩ Kỳ và Libya. Italy và đảo Lampedusa cũng là một điểm đến phổ biến.
Khi đến các điểm này, nhiều người di cư cố gắng đi qua tuyến đường bộ Balkan - một cuộc hành trình vượt qua nhiều biên giới. Nhiều người muốn di chuyển về phía Bắc, đến các nước như Đức và Thụy Điển, nơi đơn xin tị nạn có nhiều khả năng được chấp thuận. Đồ họa: USA Today
Lãnh đạo châu Âu dự kiến họp thượng đỉnh ở Brussels vào ngày 14/9 để bàn cách giải quyết khủng hoảng. Đức, Italy và Pháp kêu gọi phân bổ người tị nạn công bằng hơn trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Hiện tại, Đức đang là chỗ trú tạm cho khoảng 40% người di cư, trong khi Anh và Tây Ban Nha lại có khá ít. Ảnh: Reuters
Đức nhận được nhiều đơn xin tị nạn hơn các nước EU khác, với hơn 154.000 di dân xin tị nạn giai đoạn từ tháng một đến tháng 6, tăng từ mức 68.000 người cùng kỳ năm ngoái. Đồ họa: NYTimes
Người dân tại một số nước đã bày tỏ sự phản đối với dân di cư. Nhân viên cứu hỏa hôm 24/8 cố gắng dập tắt ngọn lửa trong một căn nhà được chuyển thành nơi trú ẩn cho những người tị nạn ở Weissach, nam Đức. Cũng trong tháng trước, phòng thể thao ở Nauen, Đức, dự kiến được dùng làm chỗ ở cho người di cư, bị cố tình phóng hỏa. Đây là những vụ việc mới nhất trong số 200 cuộc tấn công nhằm vào người di cư tại nước này trong năm nay. Ảnh: AP
Hungary dựng một hàng rào dọc biên giới với Serbia nhằm ngăn chặn dòng người di cư. Trong ảnh, lính Hungary lắp đặt một phần của một hàng rào gần Hercegszántó, cách Budapest khoảng hơn 190 km về phía nam. Ảnh:Reuters
Tuần tước, thi thể của 71 người, trong đó có 4 trẻ em, được tìm thấy trong một chiếc xe tải bị bỏ lại ở gần Vienna, Áo. Những người trên chiếc xe tải đã được cho là di dân trên đường qua Trung Âu. Ảnh: AFP
Những người di cư xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ lên bờ sau khi lênh đênh trên biển trên một chiếc thuyền nhỏ chật chội để đến đảo Lesbos, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hy Lạp. Sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế, Hy Lạp đang gặp khó khăn khi các trung tâm tiếp nhận di dân bị quá tải. Trong khi đó, các tình nguyện viên, khách du lịch và người Hy Lạp, đã cùng nhau giúp đỡ những di dân, cho họ bánh, nước và đôi khi cả quần áo khô. Ảnh: NYTimes
Người di cư chuyển một chiếc lều tại một trại tị nạn gần nhà ga xe lửa ở Rome, nơi khoảng 165 người từ Eritrea đang sống tạm. Tháng trước, các cuộc đụng độ bạo lực ở Rome buộc cảnh sát phải sơ tán những người di cư khỏi trung tâm tiếp nhận của địa phương, sau khi người dân phản đối việc "xâm chiếm" của người nước ngoài. Nhiều thị trưởng ở các thành phố trên khắp miền trung Italy nói rằng họ không có tiền hoặc tài nguyên để cung cấp chỗ trú cho người di cư. Ảnh: AFP
Người tị nạn xếp hàng chờ đợi vào trung tâm xử lý tại Presevo, Serbia. Macedonia và Serbia trở thành điểm dừng chân quan trọng cho những người tị nạn muốn đến Tây Âu. Trong nỗ lực thiết lập kiểm soát tốt hơn và gia tăng an toàn ở biên giới, chính phủ Macedonia tuyên bố tình trạng khẩn cấp tạm thời hôm 20/8. Ảnh: NYTimes
Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân châu Âu thể hiện thiện chí với người di cư. Các trận bóng đá của giải Bundesliga tại Đức cuối tuần qua treo biểu ngữ "chào mừng người tị nạn". Đội bóng Đức Bayern Munich công bố kế hoạch thiết lập một trại huấn luyện, sẽ dạy đá bóng, tiếng Đức và cung cấp bữa ăn cho trẻ tị nạn. Cảnh sát cho biết họ choáng ngợp trước sự đóng góp của người dân địa phương cho người di cư.
Tại Anh đang diễn ra chiến dịch kiến nghị chính quyền chấp nhận nhiều người tị nạn hơn và tăng cường hỗ trợ người di cư. Đơn này hiện có gần 300.000 chữ ký. Ở Barcelona, để đáp ứng lời kêu gọi của thị trưởng, hàng trăm cư dân cho người di cư ở nhờ để họ có thể được chấp nhận ở lại Tây Ban Nha. Ảnh: DPA
Phương Vũ
Theo VNE
Người nhập cư lậu làm khó châu Âu Làn sóng nhập cư lậu không ngừng tăng cao đang khiến các nước EU chao đảo vì "không kịp trở tay". Người biểu tình đối đầu với cảnh sát Hungary bên ngoài nhà ga ở Budapest - Ảnh: Reuters Sáng 2.9, tuyến tàu cao tốc Eurostar nối Paris (Pháp) với London (Anh) vẫn bị gián đoạn nghiêm trọng sau khi một số người...