Khủng hoảng có thể đe dọa tiến trình bầu cử ở Ukraine
Nga cho rằng, sẽ là không bình thường khi tổ chức bầu cử Tổng thống giữa lúc Kiev đang đàn áp chính người dân của mình.
Cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine dự kiến vào ngày 25/5 tới đang tới gần. Tuy nhiên, trong bối cảnh bạo lực leo thang hiện nay tại khu vực miền Đông và việc nước này vẫn chưa hoàn thành cải cách Hiến pháp đã làm gia tăng hoài nghi về hiệu quả, cũng như khả năng bầu cử diễn ra theo đúng kế hoạch.
Nhiều cửa ngõ vào Slavyansk – điểm nóng ở miền Đông đang bị quân đội Ukraine kiểm soát (Ảnh: Reuters)
Người phát ngôn Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Rupert Colville hôm qua (6/5) đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực leo thang tại Ukraine, đồng thời cảnh báo, cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào ngày 25/5 tới đang bị đe dọa.
Ông Colville nói: “Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền kêu gọi các lực lượng an ninh Ukraine đảm bảo tôn trọng các quy định quốc tế khi tiến hành các chiến dịch quân sự, nhằm đảm bảo không có dân thường thiệt mại trong đụng độ với các nhóm vũ trang. Vẫn còn thời gian và các bên cần nỗ lực để cuộc bầu cử diễn ra theo đúng kế hoạch bởi đây là con đường duy nhất để tất cả người dân Ukraine có thể nói lên mong muốn nguyện vọng của mình, cũng như để chấm dứt tình hình bất ổn hiện nay và khôi phục sự ổn định của đất nước”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, sẽ là “bất thường” để tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine trong lúc Chính phủ nước này đang triển khai quân đội chống lại người dân của mình.
Ông Lavrov nói: “Tổ chức bầu cử vào thời điểm hiện nay khi chính phủ nước này đang triển khai quân đội chống lại người dân của mình là một điều không bình thường. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và sẽ xem cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 25/5 tới sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh hiện nay. Chính quyền Ukraine đã tuyên bố cuộc bầu cử sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, trong khi cải cách Hiến pháp vẫn chưa hoàn thành và chắc chắn sẽ không thể hoàn thành trước ngày 25/5″.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng việc tổ chức vòng đàm phán quốc tế mới tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm làm dịu căng thẳng ở Ukraine sẽ chỉ là “vòng luẩn quẩn,” đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán này sẽ chỉ có thể đạt tiến triển nếu có sự tham dự của đại diện các khu vực nói tiếng Nga ở Ukraine.
Thỏa thuận Geneva đạt được hôm 17/4 vừa qua được xem là giải pháp giúp hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine, tuy nhiên, tới nay thỏa thuận vẫn chưa được thực thi. Chính quyền lâm thời Ukraine vẫn tiếp tục các chiến dịch trấn áp người biểu tình, trong khi những người biểu tình không chịu rời các tòa nhà công quyền mà họ đang chiếm giữ.
Tuần trước, đã có hàng chục người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội. Theo người đứng đầu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine chỉ có thể diễn ra suôn sẻ và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân một khi các bên đạt được một lệnh ngừng bắn, nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang.
Theo VOV
Người Việt ở Ukraine: "Tình hình không bình thường nhưng chúng tôi ổn"
Theo thông tin có được từ các kiều bào Việt Nam ở Odessa, vụ bạo lực tòa nhà Công đoàn hôm 2/5 đã khiến căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, đến nay, công việc làm ăn và sinh sống của bà con vẫn ổn dù khó khăn hơn.
Tối ngày 2/5, một cuộc đụng độ giữa phe thân chính phủ và chống chính phủ ở Odessa, thành phố lớn thứ 3 ở Ukraine, đã khiến 46 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraine, Odessa gần như không bị ảnh hưởng bởi các biến cố bởi đây là thành phố thuộc miền nam đất nước, phát triển chủ yếu dựa trên ngành công nghiệp cảng biển và du lịch. Tuy nhiên, đến nay Odessa cũng đã bị cuốn vào cuộc đấu đá giữa các bên.
Người dân Odessa đã bao vây trụ sở cảnh sát khu vực, yêu cầu thả tự do cho các nhà hoạt động đòi liên bang hóa Ukraine, ngày 4/5. Thành phố Odessa là nơi có khá đông người Việt Nam làm ăn và sinh sống.
Odessa là thành phố có khá nhiều kiều bào Việt Nam sinh sống. Tình hình bất ổn ở Ukraine trong suốt thời gian qua đã ảnh hưởng không ít tới cuộc sống thường ngày của họ. Đặc biệt, sự kiện ngày 2/5 đã khiến cho kiều bào Việt ở đây choáng váng và thêm phần lo lắng.
Ngay sau khi tình hình miền Đông Ukraine trở nên xấu đi và đặc biệt là vụ bạo lực ở thành phố Odessa nổ ra, phóng viên đã liên lạc với một số bà con kiều bào Việt Nam đang sinh sống và học tập ở Odessa để tìm hiểu tình hình.
Trả lời phỏng vấn của Infonet, anh N.V.A, một người Việt hiện đang làm việc ở thành phố Odessa cho biết: "Tình hình ở Odessa không bình thường. Tuy nhiên, người Việt Nam ở đây vẫn ổn".
Theo anh, bà con dân ta hàng ngày vẫn đi chợ. Thực tế, các cuộc biểu tình hay lộn xộn đều xảy ra chủ yếu trong trung tâm thành phố nên không ảnh hưởng nhiều đến các chợ buôn bán. Có chăng, việc buôn bán kém đi rất nhiều vì tình hình chính trị không ổn định. Tỷ giá ngoại tệ lên xuống thất thường, trong tháng Tư, tỷ giá đô la Mỹ lên đến xấp xỉ 14 grivna/ 1USD. Hiện xuống còn 12 grivna/1USD.
Trước khủng hoảng chính trị, tỉ giá ổn định ở mức 8,1-8,2 grivna/1USD. Vì thế, hiện nay, người bản xứ thường giữ tiền mặt và hạn chế mua bán hàng hóa. Trong khi đó, nhiều người làm tại các cơ quan nhà nước bị chậm trả lương. Lương hưu cũng bị trả chậm nên sức mua cũng kém đi.
Những biến cố chính trị tuy có nhiều ảnh hưởng tới đời sống của người dân vùng Odessa nói riêng và toàn Ukraine nói chung nhưng đa số người Việt không quan tâm nhiều đến chính trị. Anh V.A. cho biết, phần đông bà con mình không biết tiếng Ukraine. Nguồn tiếp xúc thông tin chủ yếu là các báo tiếng Việt trên Internet. Bà con có đề cập đến các sự kiện đang diễn ra trong các cuộc nói chuyện nhưng ít người thể hiện chính kiến về quan điểm chính trị.
Khi được hỏi về quan điểm và thái độ của bà con kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở Ukraine về tình hình và những diễn biến tại quốc gia này trong thời gian vừa qua, anh V.A. cho biết, số ít người Việt có quan điểm chính trị riêng thường là lớp cựu nghiên cứu sinh, có khả năng tiếp nhận thông tin trực tiếp từ báo chí và truyền hình Ukraine, có giao tiếp nhiều với người bản xứ. Bạn bè anh ở thủ đô Kiev có kể về một số sinh viên Việt Nam từng giúp đỡ mua thực phẩm trong thời gian diễn ra Maidan. Những sinh viên này ủng hộ Maidan thay đổi chính quyền cũ và muốn Ukraine hướng về châu Âu.
Riêng ở Odessa, theo anh V.A., có nhiều quan điểm chia rẽ hơn. Một số người Việt ủng hộ Maidan, một số người thì không. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có quan điểm ủng hộ việc thay đổi chính phủ nhưng không ủng hộ Maidan vì các biện pháp và sự tham gia các nhóm cực đoan vào phong trào này.
Hầu hết các sinh viên Việt Nam ở Ukraine đều không ủng hộ việc Nga sáp nhập Crimea cũng như việc Nga can thiệp vào miền đông nam Ukraine. Tuy nhiên quan niệm về lý do và hệ lụy của các sự kiện xảy ra cũng khác nhau.
Khi được hỏi về mong muốn của người dân bản xứ ở Odessa với tình hình hiện nay, anh V.A. cho biết, họ chủ yếu là dân buôn bán nên chỉ mong muốn ổn định chính trị và kinh tế. Cái đích cuối cùng của họ là buôn may bán đắt, kiếm tiền từ các hoạt động thường ngày hơn là phải đối mặt với những rắc rối chính trị không mang lại cho họ bất cứ lợi ích gì.
Người dân ở Odessa từ lâu mong muốn có một quy chế đặc biệt cho thành phố của mình. Họ muốn thành phố trở thành vùng buôn bán tự do. Do vậy có rất nhiều người ủng hộ liên bang hóa Ukraine và tất nhiên tiếng Nga là ngôn ngữ chính trong vùng. Cũng theo anh V.A., không nên đồng nhất giữa hai nhóm "thân Nga" và "ủng hộ liên bang hóa". Người dân ở Odessa phần lớn ủng hộ việc liên bang hóa Ukraine, nhưng không có nghĩa là họ đồng tình với các hành động của ông Putin và chính quyền Matxcơva hiện nay ở Ukraine.
Qua trang web của cộng đồng người Việt ở Odessa, chúng tôi được biết, vào trưa ngày 03/05/2014, có tin đồn là có nhóm người bịt mặt chuẩn bị tấn công chợ "Cây số 7" nên bà con buôn bán tại chợ đã đóng cửa và về sớm. Trưa ngày 03/05, ban giám đốc chợ đã có cuộc họp và triển khai những biện pháp cần thiết để bảo vệ người và tài sản tại chợ.
Liên quan đến sự việc trên, BCH Hội người Việt tỉnh Odessa cũng đã có cuộc họp khẩn cấp. BCH Hội kêu gọi bà con nếu không có việc gì thật cần thiết thì không nên đi vào phố, các khu trung tâm. Trong những ngày này, không tụ tập đông người, không đi taxi lạ, nên đi một vài người với nhau mỗi khi phải ra ngoài và chú ý đến các vấn đề an ninh.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đặc biệt lưu ý các bạn sinh viên tránh bàn luận và tranh cãi về quan điểm chính trị có thể dẫn những mâu thuẫn, xung đột không đáng có
Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 6/5/2014 tại hội trường Làng Sen (Odessa) không bị trì hoãn bởi sự việc nêu trên mà sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Ban tổ chức sự kiện đã họp kiểm tra lại công tác chuẩn bị và quyết định tăng cường công tác an ninh.
Theo Infonet
Nga cảnh báo quyết định tổ chức bầu cử tổng thống của Ukraine Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo chính phủ Ukraine về quyết định tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào tháng 5 tới. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov "Tôi nghĩ rằng, việc kêu gọi một cuộc bầu cử mà không có điểm chung với miền đông và miền nam của Ukraina sẽ gây rất nhiều bất lợi cho...