Khủng hoảng chuỗi cung ứng linh kiện: Ô tô có khan hàng, tăng giá?
Đã có một vài mẫu xe lắp ráp trong nước được xác nhận đang thiếu nguồn cung linh kiện để sản xuất, lắp ráp và một số mẫu xe nhập khẩu khan hàng.
Ô tô sản xuất lắp ráp mới liên tiếp ra mắt khách hàng Việt Nam cho thấy hiện tại, nguồn cung linh kiện chưa bị ảnh hưởng nhiều
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… là những quốc gia chiếm tỷ lệ cao trong việc xuất khẩu linh kiện, phụ tùng để sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên, những nước này đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Điều này liệu có tác động tới số lượng sản xuất và giá thành xe, nhất là những tháng cuối năm?
Sản lượng lắp ráp giảm
Ngoài lo ngại nguồn cung ô tô có thể bị ảnh hưởng trong những tháng tới dẫn đến tình trạng khan hàng, tăng giá, việc chuỗi cung ứng linh kiện bị đứt sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, khi người mua xe nội đang được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, là cơ hội tốt để các hãng đẩy mạnh doanh số.
Khảo sát của PV Báo Giao thông, hiện cũng đã có một vài mẫu xe lắp ráp trong nước được xác nhận đang thiếu nguồn cung linh kiện để sản xuất lắp ráp, dẫn đến việc khách hàng phải đặt cọc, chờ lấy xe hàng tháng trời.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đến nay hiệp hội chưa nhận được báo cáo hay phản ánh nào từ thành viên về việc thiếu linh kiện hay phải ngừng sản xuất.
“Ở thời điểm bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, VAMA cũng từng đưa ra dự báo nếu nhà máy cung ứng linh kiện tại các nước phải dừng sản xuất thì lượng linh kiện, phụ tùng để lắp ráp xe còn lại trong kho của các hãng sẽ thiếu. Tuy nhiên qua thực tế, nhiều nước dù đang có dịch nhưng vẫn sản xuất được linh kiện và hãng xe tại Việt Nam vẫn nhập được về để lắp ráp. Còn tới đây vẫn chưa thể biết. Nếu thực sự thiếu nguồn cung linh kiện, các hãng xe cũng sẽ phải có kế hoạch để duy trì sản xuất và bán hàng”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng phòng Công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát vào khoảng tháng 1, 2/2020, cũng có nhiều hãng xe báo cáo về việc có thể thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng để lắp ráp. Tuy nhiên, đến nay không thấy các doanh nghiệp báo cáo về vấn đề này nữa.
Video đang HOT
“Thực tế, lượng tiêu thụ ô tô trong thời gian qua không nhiều. Các hãng sản xuất phải theo thị trường, xe bán không được thì họ cũng không thể cứ thế nhập linh kiện về. Như Toyota Việt Nam, hồi đầu dịch bệnh, bên Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy, những hãng khác có đề cập đến vấn đề nguồn cung linh kiện nhưng hãng xe này lại không bị ảnh hưởng bởi linh kiện nhập từ Malaysia hay Thái Lan.
Đến tháng 4, khi dịch Covid-19 tại Malaysia bùng phát, Toyota cũng có đề cập vấn đề thiếu linh kiện nhưng thực tế, đến nay họ vẫn hoạt động bình thường”, ông Toàn cho biết.
Tuy nhiên, nhìn vào các con số thống kê từ các cơ quan chức năng có thể thấy, sản lượng sản xuất những tháng gần đây đang có chiều hướng giảm. Điều này dù chưa thể khẳng định là do tác động của khủng hoảng chuỗi cung ứng linh kiện, nhưng phần nào cũng cho thấy có những bất thường trong hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô.
Cụ thể, theo số liệu từ Cục Đăng kiểm VN, sản lượng lắp ráp ô tô tại Việt Nam trong tháng 5 – 6/2020 đã giảm hơn 2.000 xe so với cùng kỳ năm trước (35.939 xe so với 38.543 xe).
Theo nhận định của một số chuyên gia, việc khó khăn về nguồn cung linh kiện lắp ráp ô tô trong nước là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là khác nhau giữa các doanh nghiệp, phụ thuộc vào nguồn cung ứng.
Thị trường ô tô có khan hàng?
Khác với những lo ngại về việc khủng hoảng nguồn cung, một thực tế đang diễn ra là nhiều hãng xe lại ồ ạt ra mắt xe mới. Như Mitsubishi Xpander ra mắt bản AT lắp ráp trong nước, hay Honda CR-V chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp cũng vừa ra mắt.
Thậm chí, khách hàng mua những mẫu xe này còn đang được đại lý, hãng xe ưu đãi tới gần cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, hàng loạt các mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn đang bán dưới giá đề xuất. Theo nhận định, với những động thái này, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước vẫn đang có nguồn cung tương đối tốt.
Riêng với xe nhập khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2020, có khoảng 44.000 ô tô nguyên chiếc các loại được đưa về Việt Nam, giảm 48,3% về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Từ con số này đã có nhận định cho rằng, ô tô nhập khẩu tại Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng khan hàng?
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, bên cạnh việc xe sản xuất lắp ráp trong nước được ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, nhiều mẫu ô tô nhập khẩu cũng được ưu đãi, giảm giá để cạnh tranh như: Suzuki Ertiga, Ford Everest, Nissan Terra… Không chỉ ô tô bình dân mà ngay cả đến những mẫu xe nhập khẩu đắt tiền của BMW hay Audi cũng được ưu đãi giảm giá lên tới cả vài trăm triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết, không có chuyện thị trường xe nhập khẩu đang khan hàng bởi xe nhập còn đang tăng ưu đãi để cạnh tranh với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, cũng có thể có trường hợp một vài mẫu xe cụ thể khan hàng vì nguồn cung từ những nước đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gặp vấn đề. Nhưng nhìn chung toàn thị trường, ô tô nhập khẩu vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Giám đốc một doanh nghiệp logistics cho một số hãng xe tại Việt Nam cho biết, việc nhập khẩu ô tô vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí xe nhập hiện còn đang dư hàng bởi xe lắp ráp được ưu đãi, đang có lợi thế hơn. Trước con số sụt giảm lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020, vị giám đốc tiết lộ thêm, do lượng bán ra ít nên các hãng xe cũng không nhập khẩu ô tô về nhiều, chứ không có tình trạng khan hàng.
Miễn thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp ô tô, giá xe có giảm?
Nghị định 57 giảm nhẹ yêu cầu đặt ra ở nghị định cũ, miễn thuế cho gần 60 nhóm linh kiện ô tô (27 nhóm cho xe chạy xăng, 30 nhóm cho xe điện).
Dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy của Tập đoàn Thaco thuộc Khu kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Lam Anh
Hôm nay (10/7/2020) là ngày Nghị định số 57/2020 sửa đổi, bổ sung các Nghị định 122 và Nghị định 125 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi chính thức có hiệu lực.
Nghị định 57 đã bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành ô tô trong nước giai đoạn 2020 - 2024.
Theo Nghị định này, tiêu chí về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu cần đạt để được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu linh kiện lần lượt là 6.500 và 2.600 xe mỗi 6 tháng trong năm 2020, giảm 35% so với trước (10.000 và 4.000 xe) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đối với các năm tiếp theo, doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng ký theo tiêu chí sản lượng chung hoặc riêng cho mẫu xe và tiêu chí sản lượng quay về mức cũ.
Cụ thể, 27 mã hàng linh kiện để lắp ráp xe ô tô chạy bằng xăng được bổ sung gồm các loại ống, ống dẫn và ống vòi bằng nhựa lắp cho xe ô tô thuộc Chương 39, phụ kiện lắp vào đồ nội thất, trên thân xe, quạt gió, bộ phận của máy điều hòa không khí, thiết bị đóng ngắt mạch, bảng chuyển mạch, bảng điều khiển, camera truyền hình, công tắc điện tử, anten FM, AM, GPS, 4G, mico, loa đơn, động cơ điện, màn hình tinh thể lỏng LCD, LED...
Nghị định 57 cũng đề cập thêm một điểm mới về đối tượng được hưởng thuế ưu đãi 0%.
Theo đó linh kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không chỉ áp dụng với các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước mà còn cho các công ty sản xuất linh kiện, phụ tùng.
Như vậy, ngoài những doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ quy định này thời gian qua do đã đạt được chỉ tiêu sản lượng như Toyota Việt Nam, Trường Hải, TC Motor... thì theo quy định mới, sẽ có thêm các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô có sản lượng sản xuất thấp hơn cũng được hưởng ưu đãi thuế 0% khi nhập khẩu linh kiện.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay có 3 tập đoàn (gồm 7 doanh nghiệp thành viên) và 2 công ty sản xuất lắp ráp ô tô đạt điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi 0% của Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Theo một số nhận định, về lý thuyết, việc miễn thuế nhập khẩu linh kiện có thể khiến giá xe nội rẻ đi. Tuy nhiên giảm giá bán hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, không giống như xe hơi nguyên chiếc chịu đến 3 sắc thuế (thuế TTĐB, thuế nhập khẩu, thuế GTGT) và 3 loại lệ phí (phí trước bạ, phí cấp biển, phí đăng kiểm), linh kiện phụ tùng là loại hàng hóa chỉ chịu 2 sắc thuế, là thuế nhập khẩu và thuế GTGT, nên khi được miễn thuế nhập khẩu, đơn giá phụ tùng linh kiện sẽ giảm khi tính toán giá thành chiếc xe.
"Tuy nhiên, đặt vấn đề ước tính cụ thể mức giảm giá thành là bao nhiêu phần trăm là không đơn giản, bởi có đến hàng trăm linh kiện được miễn thuế, nhưng cả trăm linh kiện đó chỉ đóng góp khoảng 15 - 20% vào giá thành xe. Phần đắt nhất trong xe là bộ tổng thành (cụm động cơ và hộp số) chiếm khoảng 30% giá thành xe hơi, đang được các nhà sản xuất lắp ráp nhập khẩu cả cụm, chưa được miễn thuế", ông Nguyễn Minh Đồng phân tích.
Ô tô nhập khẩu giảm trong tháng 5 Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2020 sô lương ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm 1,1% so với tháng 4/2020. Theo đó, lương ô tô nhâp khâu trong tháng 5/2020 là 4.866 chiêc, tương ưng đat 109 triêu USD. Trong khi đo, ô tô nguyên chiếc...