Khung cảnh hư thực ở Vân Long
Cuốn du ký của tác giả Thùy Linh cho cảm giác như chúng ta không chỉ đọc mà còn được đi thông qua những dòng chữ. Dưới con mắt của một nữ họa sĩ yêu tự do, yêu thiên nhiên, mỗi miền đất như Mông Cổ, Đức, Ai Cập… hiện lên sống động. Những dãy núi đá vôi bỗng chìm sau màn mưa, chỉ thấp thoáng một màu xám xanh đầy bí hiểm. Thuyền trôi đi như trong miền ảo ảnh, sương khói, vô định.
Không thể không nhắc tới những vùng trũng ngập nước bao quanh bởi núi đá vôi mà dân địa phương quen gọi là Thung.
Thung Nắng cách Tam Cốc không xa và theo đánh giá của tôi là một trong những nơi có khung cảnh đặc sắc nhất Ninh Bình.
Thời gian như tan chảy khi thuyền lướt nhẹ trên trảng cỏ ngập nước xanh màu diệp lục. Nước trong tới độ nhìn thấy những đàn cá đang bơi lội.
Những chú dê bình thản gặm cỏ trên phiến đá cao hai bên vách núi đá, đàn vịt trắng bơi lội bên mạn thuyền và hoa súng lặng lẽ bung hết cánh bên những miệng hang.
Không một tiếng động, ngoại trừ tiếng khỏa nước của mái chèo. Tĩnh lặng và bình yên là món quà vô giá mà thiên nhiên Thung Nắng hào phóng ban tặng cho khách đường xa.
Thuyền vừa vào hang, cảm giác mát lạnh ập tới. Không gì có thể sánh được sự phản chiếu của những nhũ đá nhiều hình khối in trên mặt nước trong suốt nhìn thấu đáy.
Khung cảnh hư hư thực thực như trong bộ phim Avatar hay ở một cõi thần tiên nào đó.
Mắt nhắm hờ, tôi thấy mình đang được chắp đôi cánh để lướt nhẹ nhàng trên mặt nước không một gợn sóng, những tầng cảnh giới ảo diệu đang không ngừng chuyển động dưới chân.
Sao có thể có sự chuyển động trong tĩnh lặng? Sao có thể vừa như bay lên, lại vừa như nhập Thiền đến thế? Dường như thời gian đang tan biến, và ta như người lữ khách đang trên đường kiếm tìm những mảnh ghép của thời gian.
Đầm Vân Long từ trên cao. Ảnh: Vũ Phước.
Video đang HOT
Ra khỏi hang là tới Thung, một trảng cỏ ngập nước mênh mông nằm giữa bốn bề núi. Nơi đây có đền Thoong Nắng thờ bà chúa Thượng Ngàn rất linh thiêng. Ở Thung Nắng còn có đền Vối được xây bằng đá từ đời Lê với những chi tiết chạm khắc rất công phu.
Đền thờ quan Lý Đông Hải vốn là quan chấn trạch sơn lâm thời xưa nằm tựa lưng vào núi và nhìn ra mặt đầm mênh mông. Phong cảnh nơi đây không khác gì một bức họa tuyệt bích khiến tôi ngẩn ngơ không muốn về.
Thăm vùng sơn thủy hữu tình này, không nên bỏ qua động An Tiêm, hay còn gọi là Tuyệt Tình Cốc, thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, nơi vua Đinh Tiên Hoàng từng nuôi hổ, báo, xây pháp trường, đồng thời ở đây còn có ngôi chùa thái hậu Dương Vân Nga tu hành cuối đời.
Leo lên ngọn núi này, bạn có thể nhìn thấy một vùng non nước Ninh Bình. Cao hơn nữa, có núi Múa – núi Ngọa Long với 486 bậc thang, bên dưới là hang Múa. Con đường với những con rồng phủ phục theo bậc thang ngoằn ngoèo dẫn lên đỉnh núi đẹp nhất là vào mùa lúa chín.
Khi lên đến đỉnh, tầm mắt trải dài bát ngát theo những dải núi đá vôi triệu năm tuổi ở xa và những cánh đồng lúa uốn mình theo dòng sông ngay dưới chân.
Cảm giác chinh phục một “Hạ Long trên cạn” thật rõ rệt khi đứng trước vùng núi non trùng điệp này. Con người cũng thật bé nhỏ trước thiên nhiên bao la.
Trời vẫn mưa tầm tã khi tôi lên thuyền tại Thung Nham, còn có tên là Thung Chim, vì là nơi cư trú và sinh sống của rất nhiều loại chim như cò, vạc, le le, mòng két, chích chòe lửa, sáo đá… có cả hai loài chim quý hiếm được ghi trong sách đỏ là hồng hạc và phượng hoàng.
Thung Nham còn nổi tiếng với loạt hang động có nhiều nhũ đá phát sáng, trong đó phải kể tới Hang Bụt, nơi có phiến đá hình Phật ngồi giữa hang. [...]
Để chinh phục động Vái Giời, bạn phải leo núi, vượt qua 439 bậc đá. Động rộng khoảng 5.000 m2 với ba tầng, mỗi tầng có rất nhiều măng nhũ đá lung linh huyền ảo được ví như trần gian, địa ngục và thiên đường. Đây là nơi người xưa đã lập đàn tế trời để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Mưa ngày một nặng hạt nhưng con thuyền nan nhỏ vẫn đội mưa rẽ nước lao tới. Dù mặc áo mưa và che ô, nhưng tôi vẫn chụp được những shoot hình phải nói là hiếm khi có được, khi nhánh sông nhỏ đột nhiên biến thành biển nước mênh mông.
Những dãy núi đá vôi bỗng chìm sau màn mưa, chỉ thấp thoáng một màu xám xanh đầy bí hiểm. Thuyền trôi đi như trong miền ảo ảnh, sương khói, vô định. Trên miền nước mênh mông chỉ có tôi và người lái đò trên chiếc thuyền nan.
Và mưa. Mưa biến những rặng núi trước mặt thành một vùng trùng điệp mở ra khoảng không bất tận. Mưa nhảy điệu tango trên biển nước. Mưa khiến mọi ranh giới đều bị xóa nhòa. Mưa mang tới những vẻ đẹp mà khi nắng bạn không thể thấy.
Và tuyệt vời làm sao khi cuộc đời này có mưa, có nắng, có ngày sáng và đêm đen. Bởi vậy, khi bạn đã vác ba lô lên đường rồi, thì hãy cứ đi.
Đón mưa, nhận nắng, theo những cơn gió… hay làm bất cứ điều gì trong khả năng để khiến chuyến du hành của bạn trở nên lý thú, để cuộc đời thêm nhiều niềm vui và niềm đam mê xê dịch không bao giờ vơi.
Miền đất ấy, với mưa, với nắng, với chiếc thuyền nan trôi trong ảo ảnh, là miền ký ức ảo giác của tôi.
Huyền bí ngôi chùa cổ mang tên Thiên Tạo nằm trong hang động độc đáo ở Nghệ An
Sâu trong lòng ngọn núi đá vôi làng Vũ Kỳ, thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có một ngôi chùa cổ hết sức độc đáo, hoàn toàn do tạo hóa sắp đặt. Nơi đây gắn liền với những câu chuyện cổ xưa được lưu truyền nên được người dân gọi là chùa Thiên Tạo.
Những truyền thuyết ly kỳ
Nằm cách thành phố khoảng 60km về phía Tây Bắc là một quần thể dãy núi đá vôi hùng vĩ có từ hàng vạn năm trước tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được người dân địa phương đặt tên là lèn Vũ Kỳ. Trước đây lèn có 9 ngọn núi, kéo dài hơn 1km, nhưng do bị khai thác lấy đá nên dãy núi này chỉ còn 4 ngọn.
Ông Lê Văn Liên (SN 1955, trú xã Phúc Thành) một trong những người lớn tuổi tại đây giải thích: "Dãy núi này nhìn xa như một dải cờ bay vững chãi xung quanh bao bọc bởi những cánh đồng xanh mướt của vùng quê lúa xứ Nghệ, vì vậy cha ông mới đặt tên là Vũ Kỳ. Còn gọi "lèn" chứ không gọi "núi" là bởi đặc thù ngôn ngữ của người dân xứ Nghệ, cũng có nghĩa là núi đá có vách cao dựng đứng".
Đặc biệt, ở phía đông lèn Vũ Kỳ có một hang động vô cùng đặc biệt. Động này tuy không phải là lớn nhất nhưng có hình dáng như giọt nước (hoặc búp sen) vô cùng ấn tượng, lại khô ráo, sạch sẽ, cùng nhiều ngõ ngách bí ẩn, linh thiêng. Vào thế kỷ 15, hang động này đã được những Phật tử trong vùng chọn làm nơi để tụng kinh niệm Phật. Từ đó mà hình thành nên một ngôi chùa hoàn toàn không do bàn tay con người kiến thiết, được gọi là chùa Thiên Tạo.
Chùa Thiên Tạo là địa điểm tâm linh của người dân
"Ngày xưa lèn có nhiều hang động rộng lớn như hang Tiền, hang Bạc, hang Bông Lúa... Về sau, những hang động này bị sập, lối vào hang cũng không còn. Chùa Thiên Tạo là hang động duy nhất còn sót lại. Các ban thờ đều tạo thành từ những hốc đá được thiên nhiên khéo léo tạo hình như những búp sen tuyệt đẹp, xung quanh trang trí bởi các vân đá, nhũ đá vô cùng kỳ thú, bởi thế mà chẳng cần đến bàn tay con người phải vẽ vời thêm. Vì thế, ngôi chùa này càng được những người dân không chỉ trong vùng mà ở tứ xứ cung kính, đến hương khói ngày Rằm", ông Liên vừa kể vừa dẫn những vị khách lạ vào chùa Thiên Tạo tham quan.
Ẩn sau những phiến đá khổng lồ, chùa Thiên Tạo có hình búp sen, cao khoảng 20m, rộng hơn 25m. Trần hang cao chót vót với những nhũ đá buông xuống tuyệt đẹp. Bước vào chùa, một bầu không khí trong lành lan tỏa dù đang giữa mùa hè. Chùa Thiên Tạo có 3 ban thờ chính, tất cả đều đặt trong những hang đá nhỏ hơn.
Ở chính giữa có điện Tam Bảo, bên trái hang Thiên, bên phải là hang Tiên Nữ. Mỗi hang nhỏ bên trong chùa lại có những câu chuyện khác nhau. Bề mặt hang Tam Bảo và hang Thiên có nhiều vết lõm xuống như dấu bàn chân. Theo truyền thuyết lưu truyền trong dân gian đây là dấu chân của Đức Phật.
"Trong dân gian còn lưu truyền truyền thuyết người xưa kể, do cảnh đẹp, hoa lá đua nở, không khí trong lành nên đây là nơi thần tiên hay hạ phàm để thưởng lãm cảnh sắc trần giới. Trong đó có cả những nàng tiên trốn trời xuống dạo chơi. Một lần, có chàng trai đi đốn củi thấy một tiên nữ vô cùng xinh đẹp bay xuống. Mê mẩn trước nhan sắc yêu kiều này nên chàng trai mới định bước tới gần xem cho rõ. Không ngờ rằng khiến vị tiên nữ sợ hãi bỏ trốn vào hang. Chàng trai đứng chờ mãi không thấy nàng ra, nhiều ngày sau đó cũng không thấy nữa. Vì vậy sau đó người dân mới đặt tên hang là hang Tiên Nữ", ông Liên kể.
Ông kể, trước đây cửa hang này là lối vào của một hệ thống hang động khổng lồ ở sâu trong lòng núi, bao gồm hàng trăm hang động liên thông với nhau, có hang khô, có hang nước, măng đá nhũ lung linh huyền ảo như chốn thần tiên. Nhưng không hiểu vì sao, cửa hang Tiên Nữ đột nhiên sập xuống, bít kín hoàn toàn lối vào của hệ thống hang ngầm.
Thăng trầm lịch sử
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, do có địa thế hiểm trở và kín đáo nên chùa Thiên Tạo trở thành kho chứa lương thực và vũ khí của các đơn vị quân đội trong vùng. Theo sử sách ghi lại, lèn Vũ Kỳ nhiều lần còn là nơi được các cán bộ chiến sĩ chọn để họp chi bộ và bàn kế hoạch chống.
Lèn Vũ Kỳ lâu nay được xem như một quần thể danh lam thắng cảnh gắn với nhiều dấu tích lịch sử.
"Thời thơ ấu, tôi vẫn thường cùng bạn bè vào hang chơi. Lúc đó, các nhũ đá nhọn hoắt buông xuống, với tay có thể chạm đến. Sau này, để đảm bảo an toàn và có không gian cất trữ vũ khí, bộ đội đã đập đi những nhũ đá này. Trên các vách đá của chùa hiện vẫn còn những chữ viết của họ. Các nét chữ đã mờ nên không còn đọc được" ông Liên cho biết.
Sau chiến tranh, chùa Thiên Tạo bị bỏ hoang một thời gian dài. Tượng Phật, cổ vật, đồ tế khí và nhiều thắng tích thiên nhiên cũng bị phá hủy và thất lạc trong quãng thời gian này. Hiện, chùa Thiên Tạo chỉ còn lưu giữ được 2 cổ vật là cốt Phật và một chiếc bát hương bằng đá, có từ năm 1645. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bát hương này được người dân trong làng mang về nhà cất giữ, mới đây đã trả lại cho chùa.
Tháng 8/2017, nhờ sự đóng góp của người dân và các Phật tử trong vùng, chùa Thiên Tạo được sửa sang, tôn tạo lại. Các bức tượng Phật, ban thờ, hệ thống điện, cũng như những đồ dùng trong chùa hiện nay đều do người dân đóng góp mà có.
"Chùa Thiên Tạo là chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương từ bao đời nay. Cứ vào ngày Rằm, mùng Một âm lịch hàng tháng, Phật tử thập phương lại vào đây hương khói, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc", ông Liên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: "Chùa Thiên Tạo là một địa điểm người dân tự đóng góp xây dựng để thờ Phật. Tuy nhiên, do dấu ấn lịch sử cùng giá trị tâm linh hàng trăm năm nay nên đây là địa điểm được rất đông người dân và các Phật tử đến thắp hương, cúng bái ngày Rằm".
Khám phá hang giếng Voọc- Hồ Bồng Lai Hang Giếng Voọc có tọa độ UTM WGS-84 (X: 630897; Y: 1940340), tiểu khu 620, khoảnh 2 thuộc vùng quản lý bảo vệ của Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng, nằm trong phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Hang cách khu du lịch sinh thái Nước Moọc khoảng 1km về phía Đông Nam. Từ đường...