Khúc vĩ thanh của thời bình
Hai người lính năm xưa hội ngộ trên đất Mỹ (ảnh do nhân vật cung cấp).
36 năm, kể từ sau cuộc đối đầu định mệnh đã cướp đi đôi tay và ước mơ được bay của phi công Nguyễn Hồng Mỹ, hai người lính già và cũng từng là kẻ thù không đội trời chung mới có cơ hội gặp lại nhau.
Nguyễn Hồng Mỹ – người đại diện cho chiến tuyến Việt Nam và Daniel Edwards Cherry – cựu lính lái không lực Mỹ – đã tái ngộ trong sự hòa trộn của biết bao cảm xúc. Nhưng tuyệt nhiên, giữa hai con người ấy không hề tồn tại sự than trách, oán hận. Họ cùng nâng ly chúc mừng, kể nhau nghe chuyện xưa, chuyện nay và cùng chung nỗi khát khao được bay…
Người mắc nợ ký ức
Nguyễn Hồng Mỹ sinh năm 1946, tại Nghệ An. Năm 1965, khi đang học năm thứ nhất Đại học Kinh tế, theo tiếng gọi của cách mạng, ông đã gia nhập đội huấn luyện bay tại Liên Xô trong suốt 3 năm liền. Lúc đó, ông mới tròn 19 tuổi. Hoàn thành khóa huấn luyện, Nguyễn Hồng Mỹ trở về Việt Nam và tham gia chiến đấu tại chiến trường Nghệ An. Với tài năng và sự nhanh nhạy, ngay sau lần thứ 2 xuất kích, ông đã rượt đuổi F-4 từ Hòa Bình đến tận Thanh Hóa và hạ gục đối thủ, trở thành lính phi công đầu tiên bắn rơi F-4 của Mỹ trong năm 1972.
Nhưng, 26 tuổi, ông đã phải chia tay với giấc mơ bay khi bị thương trong một trận chiến trên không phận vùng núi phía bắc. Khi ấy ông đang điều khiển chiếc MIG 21 thì bị 16 chiếc F-4 của địch quây kín. Một trong số đó đã bắn trúng máy bay của ông. Do bộ phận bảo vệ tay không làm việc nên ông Mỹ bị gãy cả hai tay và chỉ kịp dùng hết sức bình sinh lao ra ngoài, trước khi máy bay phát nổ. “Vừa thoát ra ngoài được vài mét, một ánh sáng chói lòa và tiếng nổ lớn vang lên đã đẩy cả tôi và chiếc dù văng ra xa. Máy bay địch vẫn đảo vòng quanh để dò la” – ông Mỹ nhớ lại.
Về sau, ông Mỹ được quân ta tìm thấy ở tận vùng núi Hoà Bình với đôi tay gãy nát. Lúc đầu khúc xương gãy được gắn bằng một chiếc nẹp sắt, nhưng khi bay trở lại, chỉ cần bẻ lái chiếc MIG quen thuộc là chiếc nẹp lại gãy làm đôi. Lần mổ thứ hai, các bác sĩ phải dùng một mảnh xương hông để nối 2 đoạn xương lại. Một giấc mơ bay không kéo dài, chỉ chừng mấy trăm giờ bay cộng với 3 năm huấn luyện để rồi cả phần đời còn lại sống trong niềm khát khao được làm chủ bầu trời khi cầm lái.
Video đang HOT
Ở chiến tuyến bên kia, giống như ông Mỹ, người lính phi công điều khiển chiếc F-4 bắn vào chiến đấu cơ MIG 21 của ông Mỹ luôn sống day dứt với câu hỏi về người lính, kẻ thù trên chiếc MIG 21 năm xưa bị ông hạ. Qua tìm kiếm từ nhiều kênh và nhận được sự trợ giúp từ nhiều phía, sau hơn một tháng nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng năm 2008, hai người lính già lần đầu tiên gặp lại nhau sau 36 năm đụng đầu trên không.
Đêm trước ngày gặp gỡ, Nguyễn Hồng Mỹ không sao ngủ được. Căn gác nhỏ đầy cây bỗng dưng trống trải. Những mảng tối loang lổ gợi ông Mỹ nhớ về giấc mơ bay, mùi khói cháy trong ngày bị bắn, gương mặt đồng đội hy sinh và những ước đoán về người đứng bên kia chiến tuyến. “Trong tôi, khi ấy có một cảm giác phân vân không lý giải được. Phải xác định thái độ với Cherry ra sao, hận thù hay bè bạn?”.
Nhưng, tất cả những ước đoán ấy đi qua rất nhanh, khi Cherry đến. Giờ, với Nguyễn Hồng Mỹ – viên cựu phi công Mỹ – người đã bắn rơi máy bay của ông hơn 30 năm về trước – không còn là kẻ thù. Với ông, Cherry là bạn.
Hai người phi công già của 2 chiến tuyến gặp nhau lần đầu (năm 2008) sau hơn 30 năm xa cách (Nguyễn Hồng Mỹ – ảnh phải).
Bay trên đất khách
Suốt thời gian sau đó, những dòng thư và các cuộc điện thoại miên man không muốn ngắt đã nối khoảng cách hai bờ châu lục giữa những người bạn gần thêm. Nhận lời mời của Dan Cherry, ông Hồng Mỹ đã có cuộc hành trình hơn 15 ngày (14.4 – 2.5.2009) sang Mỹ tham dự lễ khai trương công viên Aviation Heritage ở Bowling – nơi Cherry đã gửi lại chiếc phi cơ chiến đấu F-4 đầy duyên nợ khi xưa.
Trong một bức thư gửi cho ông Mỹ trước ngày lên đường, Dan Cherry viết: “Ở đây mọi người đều rất hào hứng về chuyến đi sắp tới của ông đến Mỹ. Rất nhiều người muốn gặp người phi công dũng cảm lái chiếc MIG 21 và nghe câu chuyện của ông (…). Vợ của tôi và tôi sẽ ra đón ông ở sân bay”.
Đúng như những gì ông Cherry đã nói, cách tiếp đón nhiệt thành của những người bạn Mỹ khiến ông Hồng Mỹ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lịch trình 15 ngày đã được lấp đầy bởi những chuyến bay thăm các bảo tàng, tham gia các buổi hội thảo, nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, về hàng không… Ông Mỹ say sưa đi và nói với những người bạn mới quen, với thế hệ trẻ nước Mỹ bao điều mà đồng đội đã gửi gắm và trải nghiệm của ông. Ông đang sống cháy rực và truyền lửa sang cả những người xung quanh. Giống như Cherry đã nói trong chương trình The History Channel: “Với tôi, anh ấy mới là anh hùng!”.
Điều đặc biệt nhất, niềm đam mê xưa sau khi đã đi qua quá nửa cuộc đời của ông Mỹ lại bất ngờ được nhóm lên. Giấc mơ bay được đánh thức khi ông được tự tay điều khiển chiếc máy bay du lịch nhỏ của Cherry. Viên phi công già thở phào sau khi “nối lại” chuyến bay đầu sau 36 năm không cầm lái. Trước mặt ông vẫn bầu trời trong vắt và ào ào gió, vẫn cái cảm giác lồng ngực ép chặt lại giữa không trung… Nguyễn Hồng Mỹ hướng tầm mắt qua đại dương xanh, vượt xa khỏi ranh giới đất Mỹ để nhìn về tổ quốc. Ông thấy mình trẻ lại. Tuy bay trên đất khách, nhưng ông không hề thấy hận thù hay khói lửa.
Lần sang Mỹ này, ông Mỹ cũng đã có cuộc hội ngộ bất ngờ với người phi công lái chiếc máy bay mà khi xưa trong một trận chiến năm 1972, ông đã bắn rơi. Đây là món quà bất ngờ mà Dan Cherry đã rất vất vả chuẩn bị cho ông trong lần đầu tiên thăm nước Mỹ. “Hồng Mỹ là một vị khách đặc biệt của nước Mỹ!” – không ít người đã thốt lên như vậy khi gặp ông.
Chiến tranh đã khép lại và lùi xa. Ký ức về nó giờ đây chỉ được góp nhặt lại qua các thước phim tài liệu, qua những câu chuyện của những cựu binh còn sót lại. Mỗi thước phim, mỗi câu chuyện đều khắc hoạ một góc cạnh khác nhau để tô vẽ nên một bộ mặt chiến tranh đã đi qua. Hướng tới một tương lai hòa hợp, yên bình là mong muốn của không chỉ những người như Nguyễn Hồng Mỹ, như tướng Daniel Edwards Cherry mà còn là của tất cả những người đã kinh qua nó. Cả hai người họ, đang viết nốt khúc vĩ thanh có hậu cho cuộc đời mình nhưng nó sẽ là khúc dạo đầu tươi sáng của những thế hệ sau này khi mà hận thù hay đau thương không còn hiện diện nữa.
Theo laodong
Gặp lại người lính trong "Binh đoàn Tây Tiến"
Trong chuyến công tác tại xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), chúng tôi đã may mắn được gặp cựu chiến binh Bùi Văn Sự, một người lính Mường tham gia Binh đoàn Tây Tiến ngay từ khi mới thành lập.
Quá khứ hào hùng
Cụ Sự sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ cụ đã phải đi ở cho nhà quan lang Mường. Được giác ngộ cách mạng, cụ tham gia Binh đoàn Tây Tiến. Thành phần của "đoàn quân không mọc tóc" khá phong phú, có cả sinh viên tạm gác bút nghiên lên đường chiến đấu, lại có những người dân tộc thiểu số vốn quen đi nương, đi rẫy.
Trong ký ức của người lính già Bùi Văn Sự, những năm tháng trong Binh đoàn Tây Tiến sẽ mãi là khoảng thời gian đẹp đẽ, thiêng liêng và hào hùng nhất. Cụ Sự bùi ngùi nhớ lại những cuộc hành quân trong rừng rậm, dưới những cơn mưa rừng xối xả lạnh buốt, thú dữ luôn rình rập khắp nơi, cùng điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.
Quân trang khi đó của những người lính Tây Tiến chỉ là những bộ quần áo đã sờn bạc, vũ khí thì thiếu thốn, đơn sơ. Nguồn thực phẩm khi đó chủ yếu là rau, củ, quả... lấy từ rừng. Hiếm hoi lắm mới có thịt muối (7 phần muối trộn 1 phần thịt), gạo cũng không đủ no.
Gian khổ, thiếu thốn là vậy, nhưng vẫn không thể làm nhụt ý chí chiến đấu của những chiến sĩ anh hùng. Họ vẫn hành quân và giành nhiều chiến công vang dội. Cho đến ngày nay, cụ Sự vẫn nhớ như in chiến công oanh liệt của người đồng chí và cũng là người đồng hương Bùi Văn Chơ.
Đó là một ngày đầu năm 1948, Bùi Văn Chơ được cho nghỉ phép, nhưng trước sự tấn công dồn dập của địch, Bùi Văn Chơ vẫn quyết tâm ở lại đánh giặc. Bằng sự mưu trí và dũng cảm của mình, một mình Bùi Văn Chơ đã giật mìn giết chết 24 tên địch.
Nhắc đến người bạn của mình, cụ Sự không khỏi trầm ngâm: "Nhanh thật, thấm thoắt đã già nửa thế kỷ, cụ Chơ cùng nhiều anh em đồng chí khác giờ đã thành người thiên cổ hết rồi".
Cụ Bùi Văn Sự hồi tưởng lại kỷ niệm về Binh đoàn Tây Tiến.
Nặng lòng với Tây Tiến
Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào để chống thực dân Pháp. Binh đoàn đã chiến đấu khắp các địa bàn thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa, Sầm Nứa (Lào).
Sau khi rời quân ngũ với quân hàm thượng úy, cụ Sự tiếp tục về công tác ở Ban Tuyên giáo huyện Lạc Sơn (nay là Tân Lạc và Lạc Sơn). Thời kỳ đó, cụ đã không ngừng động viên thanh niên lên đường nhập ngũ chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Hòa bình lập lại, cụ Sự vẫn luôn trăn trở với việc tìm tòi và lưu giữ tài liệu về Binh đoàn Tây Tiến. Cụ cho chúng tôi xem chồng tài liệu đã ố vàng, ghi chép tỉ mỉ về ngày tháng thành lập và những chiến công của Binh đoàn Tây Tiến.
Tiếc rằng, những dòng chữ chép tay này đang bị phôi pha theo thời gian. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có cơ quan chức năng sưu tầm và lưu giữ để tránh mất đi một tài liệu sống động và quan trọng.
Cụ Sự cũng chia sẻ thêm, sau nhiều nỗ lực, những người lính trong Binh đoàn Tây Tiến ở Hòa Bình đã có dịp được gặp nhau vào năm 2004. Trong lần gặp mặt đó có 365 người, riêng huyện Tân Lạc có 22 người và xã Ngọc Mỹ là 6 người. Cụ Sự bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều buổi gặp mặt nữa để mọi người được ôn lại những kỷ niệm xưa và khơi lại tinh thần dân tộc cho thế hệ ngày nay
Theo 24h
Ký ức về trận chiến Gạc Ma, bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 1988 Vào ngày này cách đây đúng 25 năm, sáng 14/3/1988, trung úy Trần Văn Phương cùng các chiến sĩ đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc giữa đảo Gạc Ma (Trường Sa). Tàu Trung Quốc tiến gần, lính Trung Quốc cầm AK ào lên đảo, nã đạn. Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn...