Khuất tất quanh việc tập đoàn mua hàng “quá đát”
Thanh tra đặt câu hỏi tại sao các tập đoàn luôn nhắm mua tàu cũ, ụ nổi cũ mà không mua hàng mới. Câu trả lời là đồ mới rất đắt nhưng phải hiểu ngầm là mua cái cũ thì khó định giá và dễ… gửi giá” – Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng nói.
Đây là nội dung đại diện TTCP phân minh cái khó của thanh tra trong việc xác định dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng khi tiến hành thanh tra các tập đoàn, TCTy nhà nước. Tranh luận gay gắt đã “nổ” ra trong phiên thảo luận của UB Thường vụ QH về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 chiều 18/9.
Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ & môi trường Phan Xuân Dũng trích báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, năm 2012, toàn ngành phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi hơn 6.400 tỷ đồng, thực tế đã thu về được 141 tỷ. Tỷ lệ phát hiện và thu hồi như vậy chênh nhau tới 46 lần.
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng phân trần, việc thu hồi tài sản sai phạm sau thanh tra rất khó khăn, dù rõ ràng kết luận đó là tiền sai phạm nhưng thu hồi thường không khả thi. Ông Lượng lấy ví dụ việc mua ụ nổi No83M của Vinalines, thanh tra kết luận sai phạm gần 500 tỷ đồng nhưng “nói thu hồi chắc không làm nổi”.
Ụ nổi “quá đát” 43 tuổi do Vinalines mua về, sai phạm 500 tỷ đồng nhưng khó có hướng khắc phục, thu hồi.
Ngay vả việc hoàn trả tài sản về chủ sở hữu cũng rất khó khăn. Thanh tra nhiều tập đoàn, TCty cho thấy trường hợp doanh nghiệp mang tiền góp vốn đầu tư bất động sản, chứng khoán trái quy định đến giờ phần nhiều mất luôn phần vốn đó, khó có chuyện được hoàn trả.
Ông Dũng “cáo buộc”, việc phát hiện sai phạm nhiều nhưng xử lý không bao nhiêu chính là điểm hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng không được nhìn nhận, đánh giá đúng mức. Ông Dũng quy kết lý do là cơ quan chức năng chưa kiên quyết, chưa làm đến nơi đến chốn, còn cả nể, còn dĩ hòa vi quý. Phải nhìn thẳng thực tế để tìm ra một giải pháp đột phá cải thiện tình hình.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lại đặt vấn đề, tình hình tham nhũng vẫn được nhận định là nghiêm trọng, diễn biến phức tạp nhưng số lượng án được đưa ra điều tra, truy tố, xét xử rất ít. Báo cáo thẩm tra của UB Tư pháp thậm chí nêu rõ, có những vụ việc khi mới phát hiện xác định rất lớn, nghiêm trọng nhưng khi đưa ra xử thì “lớn chuyển thành bé”, “tội nặng chuyển thành nhẹ”. Ông Lưu yêu cầu giải trình vấn đề này.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ lý giải, số vụ việc được chuyển điều tra hình sự ít vì chuyển xử lý hành chính cũng tương đối. Cụ thể 49 vụ tham nhũng thanh tra phát hiện thời gian qua, có 27 vụ được chuyển điều tra hình sự, còn lại chuyển xử lý hành chính.
Video đang HOT
Ông Lượng cũng phân trần cái khó của thanh tra, ví dụ phát hiện sai phạm trong việc mua sắm tài sản nhưng để chứng minh yếu tố vụ lợi (dấu hiệu của tham nhũng) không đơn giản. Vẫn là chuyện thanh tra các tập đoàn, ông Lượng cho biết, thanh tra đã đặt câu hỏi tại sao các đơn vị này luôn nhắm mua tàu cũ, ụ nổi cũ, máy móc cũ mà không mua hàng mới.
“Đơn vị bị thanh tra trả lời là đồ mới rất đắt, Việt Nam chưa đủ điều kiện đầu tư nhưng phải hiểu ngầm là mua cái cũ thì cơ quan chức năng rất khó định giá, ngược lại, người đi mua rất dễ… gửi giá. Nhưng chứng minh việc này rất khó” – ông Lượng giải thích.
Phó Chủ tịch QH “truy” tiếp: “Nói như vậy thì các số liệu sai phạm phát hiện có nên đưa vào báo cáo tham nhũng hay đây chỉ là sai phạm kinh tế vì đã nói tham nhũng thì nhất định phải rõ yếu tố vụ lợi. Thanh tra nói sai phạm hàng nghìn tỷ đồng nhưng có phải là tham nhũng không?”.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn “gật đầu” với lập luận này. Ông Sơn cho rằng, điểm yếu của báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng là chưa tách được số liệu sai phạm và tham nhũng, chưa đánh giá được tỷ lệ tiêu cực với việc làm sai trong quá trình chí tiêu của đơn vị được thanh tra.
“Trường hợp Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình dù đã kết tội 20 năm tù nhưng tội danh cho thấy ông này không tham nhũng? Làm thế nào đánh giá thực chất, bản chất của tham nhũng, không thể tiếp tục mơ mơ hồ hồ như này” – ông Sơn bức xúc.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh lý giải, nội dung báo cáo có cả phần “phòng” và phần “chống”. Ông Tranh xin được tiếp thu để tách biệt rõ các số liệu trong báo cáo lần sau. Dẫn con số 30.000 tỷ đồng sai phạm của các tập đoàn được kết luận vừa qua, ông Tranh phân tích, do chưa phân tách rõ ràng, nhiều người vẫn hiểu nhầm toàn bộ khoản này là thất thoát, thực chất, nhiều khoản chỉ là sai quy trình, thủ tục, còn tài sản vẫn nguyên vẹn, không thiệt hại, mất mát gì.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại nhận định, công tác phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng hiện vẫn còn “sức ì quá cao”. 16 vụ án tham nhũng trọng điểm do Ban chỉ đạo TƯ trực tiếp theo dõi, đốc thúc thì có 2 vụ đã khởi tố trên dưới 2 năm. 2 vụ hiện tòa án đang thụ lý, quá trình xử lý cũng đã kéo dài hơn 2 năm. 2 vụ đang ở khâu chờ VKS truy tố thì có 1 vụ đã hơn 5 năm vẫn chưa xác định được hướng xử lý thế nào. 8 vụ do CQĐT đang xem xét thì có 2 vụ đã kéo dài hơn 4 năm, 1 vụ 3 năm 10 tháng… Ông Phước đặt dấu hỏi và kiến nghị Ban chỉ đạo cần xem có uẩn khuất gì sau đó.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu kiến nghị, năm 2013 cần phải chọn ra một khâu đột phá trong hệ thống giải pháp chống tham nhũng để triển khai làm quyết liệt, triệt để. Ông Giàu đề xuất chọn vấn đề tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. “Người đứng đầu” theo ông Giàu, trước hết là 22 bộ trưởng và 63 chủ tịch tỉnh. Chỉ cần bám chặt những “đầu mối” này, những người đứng đầu này nếu để xảy ra ở đơn vị mình phải nhận trách nhiệm, xin từ chức.
Theo VNE
Thực trạng tham nhũng: Lớn thành bé, nặng thành nhẹ
Tham nhũng được khẳng định ngày càng tăng về mức độ và thiệt hại song, số tài sản thu hồi ít, người vi phạm chủ yếu xử lý hành chính. Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp đột phá để thay đổi thực trạng tồn tại nhiều năm qua.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết đã có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, 9 người đã xử lý hình sự, 31 người bị kỷ luật.
Qua thanh tra phát hiện sai phạm, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 6.480 tỷ đồng, trên 1.290 ha đất nhưng mới thu hồi được hơn 140 tỷ đồng...
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, đến đầu tháng 9, công an đã phát hiện hơn 800 vụ với trên 1.700 người vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (tăng hơn gấp đôi cả về số vụ và số đối tượng so với cùng kỳ năm 2011). Số vụ tham nhũng được khởi tố, điều tra, truy tố năm 2012 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khởi tố mới 222 vụ, 470 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 80 vụ và 224 bị can). Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm gần 170 vụ, 340 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm hơn 44% (năm 2011 tỷ lệ này là 31,7% )....
Ông Trần Đức Lượng: "Việc chứng minh yếu tố vụ lợi, ví dụ như trong mua sắm tài sản đã qua sử dụng, đặc biệt là mua tài sản, thiết bị từ nước ngoài là rất khó khăn". Ảnh: N.Hưng.
Công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng tuy được ngành thanh tra cho là đạt được kết quả tích cực, song tình hình tội phạm tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra phức tạp về tính chất cũng như mức độ thiệt hại đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm thất thoát tài sản của Nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội. Số lượng vụ án, vụ việc về tham nhũng được phát hiện và điều tra chưa tương xứng với thực tế tham nhũng xảy ra.
Là cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét, cũng như các năm trước, năm 2012, qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít, tiến độ chậm.
Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý năm 2012 tăng nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít. Một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn. Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo.
"Thực trạng xử lý không đúng pháp luật đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng", ông Hiện nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng đặt câu hỏi về sự chênh lệch lớn giữa con số sai phạm và thu hồi: "Sai phạm và kiến nghị thu hồi lên tới gần 6.500 tỷ đồng nhưng tại sao chỉ thu về được 141 tỷ đồng, chỉ bằng 1/46?". Cùng chung thắc mắc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chất vấn, phải chăng ở đây có thực trạng biến vụ tham nhũng lớn thành bé, tôi nặng thành tội nhẹ...
Lý giải về điều này, Phó tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho hay, đặc điểm năm 2012 khác các năm trước đó. "Năm 2012, khả năng hoàn trả của chủ sở hữu rất khó. Ví dụ liên quan tới sai phạm ở Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinalines), tổng sai phạm gần 500 tỷ đồng nhưng rất khó thu hồi hay các doanh nghiệp góp vốn cho đầu tư bất động sản, chứng khoán, góp vào mất luôn nên không có để hoàn trả.
"Việc chứng minh yếu tố vụ lợi, ví dụ như trong mua sắm tài sản đã qua sử dụng, đặc biệt là mua tài sản, thiết bị từ nước ngoài là rất khó khăn. Dù cảm nhận của thanh tra, kiểm toán, người dân là có", ông Lượng nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, báo cáo của Chính phủ vẫn giống các năm trước, không rút ra được vấn đề đặc trưng và có giải pháp đột phá. Ảnh: N.Hưng.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại "có cảm giác" báo cáo của Chính phủ giống năm trước mà không rút ra vấn đề đặc trưng, vấn đề gì tồn tại. "Kiến nghị nhiều, thu hồi ít. Năm trước nêu ra, năm nay lại nêu lên, lại đặt câu hỏi, không ai trả lời, không ai có biện pháp thì năm sau lại lặp lại, không biến chuyển", ông Lý nhận xét.
Ông đề nghị cần nhận diện được thực tế tham nhũng ở nước ta ở những dạng nào và chọn ra giải pháp đột phá.
Cùng chung nhận định, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, nếu công tác phòng, chống tham nhũng vẫn cứ đặt ra phương hướng, nhiệm vụ chung chung mà không đi sâu vào một nhiệm vụ cụ thể thì không thể hiệu quả.
Liên quan tới việc đánh giá người dân "đồng tình, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, tham nhũng" trong báo cáo của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng cần xem lại. "Đánh đồng người dân tiếp tay, đánh giá như thế rất nặng nề cho dân. Vì các ông ăn nên phải đút lót. Đấy không phải khuyết điểm của người dân, không nên đổ lỗi cho người dân", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Thanh tra Chính phủ, đã có 9 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 19 địa phương hoàn thành 100% kê khai tài sản, thu nhập năm 2011. Hai trường hợp được kết luận kê khai không trung thực và một người đã bị kỷ luật. Cũng trong năm 2012, 18 cá nhân và tập thể đã nộp lại quà tặng với số tiền hơn 360 triệu đồng. Việc kê khai được Thanh tra Chính phủ nhìn nhận còn hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp. Việc nộp lại quà tặng là cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng. Hiện tượng lợi dụng dịp lễ, tết và những phong tục, tập quán để biếu xén vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Theo Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh, do bản báo cáo mới tổng hợp số liệu đến tháng 8 nên chưa đầy đủ, Thanh tra Chính phủ sẽ bổ sung để trình Quốc trong kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối tháng 10 tới.
Theo VNE
300.000 hộ dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất Con số này được đưa ra trong báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được UB Thường vụ QH cho ý kiến chiều 13/9. Theo báo cáo giám sát, sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng...