Khu trượt tuyết bị nghi ‘rải’ nCoV khắp châu Âu
Henrik Lerfeldt vẫn nhớ những kỷ niệm ở quán bar Kitzloch nổi tiếng tại thị trấn trượt tuyết Ischgl, Áo, nơi ông tiệc tùng nhiều đêm cách đây ba tuần.
Người đàn ông Đan Mạch 56 tuổi này tuần trước phải tự cách ly tại nhà riêng, cách thủ đô Copenhagen 80 km. “Rất nhiều người, rất nhiều rượu và những nhân viên bồi bàn tươi cười luôn sẵn sàng phục vụ thêm cho bạn”, Lerfeldt nhớ lại quãng thời gian vui vẻ tại quán bar kiêm nhà hàng Kitzloch thuộc tỉnh Tyrol, Áo.
Một địa điểm trượt tuyết tại thị trấn Ischgl, Áo. Ảnh: Dhnet.
Nhưng 4 ngày sau khi trở về nhà, Lerfeldt dương tính với nCoV. Một người bạn tham gia chuyến đi cùng ông cũng nhiễm bệnh. Họ chỉ là hai trong hàng trăm người trên khắp châu Âu bị nhiễm nCoV bắt nguồn từ Ischgl, trong đó có một số người liên quan trực tiếp đến khu trượt tuyết này.
Đại diện quán bar Kitzloch từ chối bình luận về thông tin. Chủ quán Bernhard Zangerl hôm 16/3 nói với trang tin t-online của Đức rằng nhân viên của ông chắc chắn đã bị lây nhiễm virus từ ai đó.
Dù chính phủ Iceland phát cảnh báo vào ngày 4/3 rằng một nhóm công dân nước này đã nhiễm nCoV ở Ischgl, giới chức Áo vẫn tiếp tục để khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tiếp tục hoạt động đến ngày 13/3 trước khi áp lệnh phong tỏa. Các quán bar ở Ischgl đóng cửa vào ngày 10/3.
Thậm chí sau khi một nhân viên pha chế dương tính với virus, giới chức y tế tỉnh Tyrol, nơi du lịch trượt tuyết là động lực chính của nền kinh tế, vẫn khẳng định “không có lý do gì phải lo lắng”.
Ischgl và các ngôi làng lân cận thu hút khoảng 500.000 lượt khách vào mùa đông mỗi năm, trong đó có cả những người nổi tiếng và chính trị gia như Paris Hilton, Naomi Campbell hay Bill Clinton.
Sau nỗ lực bác bỏ thông tin rằng thị trấn Ischgl và quán bar Kitzloch có liên quan đến sự lây lan của nCoV, giới chức Áo cuối cùng cũng phải thừa nhận.
Tuy nhiên, trong một email gửi tới CNN, chính quyền tỉnh phủ nhận cáo buộc phản ứng chậm trễ trước Covid-19, đồng thời nhấn mạnh họ đã hành động kịp thời và hiệu quả.
Video đang HOT
“Với các biện pháp được thực hiện, nhà chức trách đã có thể ngăn chặn chuỗi lây nhiễm”, Bernhard Tilg, ủy viên hội đồng tỉnh Tyrol phụ trách về y tế, cơ sở vật chất chăm sóc sức khỏe, khoa học và nghiên cứu, ra thông báo cho biết.
Song giới chuyên gia y tế lại có nhận định khác.
Vào ngày 5/3, sau khi thông báo với Áo về việc du khách nước mình nhiễm nCoV, Iceland đã thêm Ischgl vào danh sách các khu vực nguy hiểm dễ lây nhiễm virus, đặt nguy cơ lây nhiễm tại thị trấn ngang bằng với Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc và Iran.
Quán bar và nhà hàng Ritzloch. Ảnh: AFP.
Jan Pravsgaard Christensen, giáo sư về miễn dịch học với các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Copenhagen, cho rằng việc Iceland liệt thị trấn Ischgl vào danh sách nguy hiểm đáng lẽ phải ngay lập tức gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nước khác trong khu vực.
“Vì đó là nơi mà mọi người tiếp xúc gần với nhau trong các quán bar, nhà hàng… nên khi họ biết người nhiễm ở cùng một khu vực, họ nên nhanh chóng tiến hành cách ly”, ông nhận định.
Tuy nhiên, giới chức tỉnh Tyrol lại hạ thấp rủi ro. Sau cảnh báo của Iceland, Franz Katzgraber, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh, ngày 5/3 ra thông cáo báo chí khẳng định “không có khả năng lây nhiễm” ở Tyrol. Ông cho rằng nhóm du khách Iceland có khả năng nhiễm virus sau khi họ rời Áo, nhưng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.
Ngày 7/3, ba ngày sau cảnh báo từ Iceland, một nhân viên pha chế 36 tuổi ở bar Kitzloch dương tính nCoV. 24 người tiếp xúc gần với nhân viên này được cách ly, 15 trong số đó nhiễm virus.
Dịch bệnh sau đó lan ra khỏi Tyrol. Số liệu mới nhất từ chính phủ Đan Mạch cho thấy trong hơn 1.400 ca nhiễm ở nước này, 298 người bị lây virus ở Áo, trong khi chỉ 61 ca liên quan đến Italy, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở châu Âu.
Ngày 20/3, nhà chức trách Iceland xác định 8 người nhiễm nCoV tại Ischgl. “Ban đầu, chúng tôi không hiểu vì sao lại có nhiều ca nhiễm tại đây như thế”, giáo sư Christensen, người phối hợp với các chuyên gia Iceland ứng phó dịch bệnh, cho hay. Nhưng mọi thứ trở nên rõ ràng hơn khi các quan chức biết được những gì diễn ra bên trong các câu lạc bộ và quán bar chật kín người của thị trấn trượt tuyết này.
“Chúng tôi nhận ra rằng họ đã trao đổi nước bọt với nhau vì dùng miệng chơi trò beer pong”, ông nói nhưng không nêu đích danh quán bar nơi trò chơi diễn ra. Trong trò beer pong, người chơi sẽ dùng miệng thổi quả bóng bàn vào các cốc bia và những quả bóng này sau đó lại được những người khác sử dụng lại.
Các nhân viên pha chế tại Kitzloch, trong đó có cả người dương tính với nCoV, đã sử dụng một chiếc còi bằng đồng để ra tín hiệu cho mọi người tránh đường khi họ bưng đồ cho khách. Một số khách hàng sau đó cũng thử thổi chiếc còi này nhằm khuấy động không khí.
Anita Luckner-Hornischer, quan chức thuộc Sở Y tế Tyrol, ngày 8/3 ra thông cáo cho biết “khả năng lây lan virus giữa các khách hàng tại quán bar Kitzloch, từ quan điểm y học, là khó có thể xảy ra”, song không cung cấp bằng chứng.
Giới chức địa phương đóng cửa quán bar Kitzloch vào ngày 9/3, tiếp tục khẳng định không có nguy cơ lây truyền nCoV.
Vị trí thị trấn Ischgl. Ảnh: CNN.
Ngày 10/3, Tỉnh trưởng Tyrol Gnther Platter tuyên bố tất cả 16 ca dương tính ở tỉnh này đều có liên hệ với một quán bar và những nhân viên tại đó. Giới chức địa phương về sau xác nhận quán bar mà Tỉnh trưởng Platter đề cập tới là Kitzloch, địa điểm nhỏ nhưng đông đúc, nơi Lerfeldt nói rằng ông và các bạn bè đã tiệc tùng trong 5 đêm liên tiếp.
Ít nhất 4 nước đã báo cáo có ca nhiễm liên quan tới Ischgl, cho thấy cách một thị trấn nhỏ với chỉ 1.600 dân trở thành nguồn lây nhiễm nCoV chính như thế nào.
Ngoài Đan Mạch và Iceland, truyền thông Đức đưa tin nước này cũng đã ghi nhận 300 ca nhiễm liên quan tới Ischgl, với hơn 80 trường hợp ở Hamburg và 200 trường hợp ở thành phố Aalen.
Số ca nhiễm cao đến nỗi chính quyền thành phố Aalen phải lập một địa chỉ email để những người dân từng đến Ischgl liên lạc với nhà chức trách. Trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 17/3, lãnh đạo cơ quan y tế bang Baden-Wrttemberg của Đức đã nói “Rắc rối của chúng ta không đến từ Iran, mà là Ischgl”.
Na Uy cũng thông báo tính đến ngày 20/3, hơn 450 trong trên 1.700 ca nhiễm nCoV của nước này có liên quan đến Áo.
Dù Lerfeldt và các bạn của ông nói họ đã hoàn toàn hồi phục, giáo sư Christensen từ Đại học Copenhagen cho rằng việc xác định số người nhiễm nCoV từ khu trượt tuyết Ischgl là bất khả thi, khi phần lớn du khách đã trở về nhà, tức tất cả các nước trên khắp châu Âu.
Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới phản ứng sao trước đại dịch COVID-19
Đối với anh Samuel Kopperoinen, sống tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới giữa đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra không chỉ là niềm hạnh phúc ngắn ngủi.
Khung cảnh vắng vẻ trước trung tâm thương mại Stockmann tại Helsinki ngày 18/3. Ảnh: Hanna Matikainen/Lehtikuva
Đó là nhờ vào một mạng lưới an sinh xã hội và các hệ thống hỗ trợ khác mà quốc gia đang áp dụng trong trường hợp xảy ra biến cố bất ngờ.
Kopperoinen đang sinh sống tại Phần Lan - quốc gia ba năm liên tiếp dẫn đầu danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Theo báo cáo xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mà Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 20/3 nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc, đứng sau Phần Lan là Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland và Na Uy.
Các quốc gia được xếp hạng dựa trên đánh giá 6 tiêu chí: thu nhập, sự tự do, niềm tin tưởng, tuổi thọ khỏe mạnh, hỗ trợ an sinh và sự hào phóng.
"Người dân một quốc gia cảm thấy hạnh phúc là khi được hưởng hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng chất lượng tốt. Người Phần Lan có cảm giác trong trường hợp mắc bệnh hoặc bị khuyết tật, chúng tôi sẽ được chữa trị", Kopperoinen - một nhà thầu đã lấy vợ và có 3 đứa con - chia sẻ.
"Chúng tôi tin vào chất lượng và mức độ sẵn có của dịch vụ. Bên cạnh đó, mạng lưới an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Có hỗ trợ trong trường hợp chúng tôi mất việc, ốm đau hoặc lũ trẻ bị ốm. Chúng tôi sẽ mất đi thu nhập, nhưng nhận được bồi thường, có thể giúp chúng tôi sống sót và điều chỉnh việc chi tiêu hàng ngày", Kopperoinen lý giải.
Không chỉ dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục, chăm sóc trẻ em hay quyền lợi người thất nghiệp đều góp phần tạo ra một xã hội tốt, đặc biệt trong khoảng thời gian bất ổn vì dịch bệnh COVID-19 lây lan ra toàn cầu như hiện nay.
Tuy nhiên, theo Jeffrey Sachs - giáo sư kinh tế học kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững thuộc Đại học Columbia, hạnh phúc cũng như bản thân hệ thống chăm sóc sức khỏe không phải là vaccine giúp các quốc gia trên chống lại virus SARS-CoV-2. "Biện pháp hữu hiệu trong một vài tuần tới là cách ly xã hội, tự cách ly, trong khi chính phủ có thể áp dụng tạm ngừng một cách chủ động và có hệ thống một phần các hoạt động kinh tế và xã hội, Giáo sư Sachs cho hay.
Báo cáo của LHQ chỉ ra khi một đại dịch như COVID-19 tấn công sức khỏe và thu nhập người dân của một nước, người dân trong "một xã hội có mức độ tin cậy cao sẽ tự nhiên tìm kiếm các giải pháp để cùng nhau nỗ lực bù đắp các thiệt hại và tái xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này đôi khi dẫn tới cảm giác hạnh phúc dâng trào hơn sau các thảm họa. Nguyên nhân là do người dân cảm thấy mình thuộc về cộng đồng cũng như tự hào về những thứ đạt được khi hòa nhập. Những thành tựu này đủ để bù đắp cho những thiệt hại về vật chất".
Tính đến 16h ngày 20/3, Phần Lan ghi nhận 400 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chưa có ca tử vong và có 10 người khỏi bệnh.
Bảo Hà
Ngày quốc tế Hạnh phúc: Covid-19 đang làm cả thế giới chao đảo, đâu là quốc gia đạt đến hạnh phúc trọn vẹn nhất mà không lo dịch bệnh? Giàu nhất chưa chắc đã hạnh phúc nhất. Hạnh phúc bao gồm nhiều yếu tố, hạnh phúc không chỉ đơn giản là có thật nhiều tiền, mặc dù tiền cũng là một phần trong đó. Đối với ông bố 3 con Samuel Kopperoinen, việc sống ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới giữa thời đại dịch Covid-19 không phải là kiểu hạnh...