Khu trục hạm mang hình hài tàu sân bay của Nhật
Chỉ cần một vài chỉnh sửa, tàu khu trục trực thăng lớp Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có thể biến thành tàu sân bay hạng nhẹ.
Tàu khu trục trực thăng lớp Izumo JS Kaga. Ảnh: Sina
Nhật Bản đang tăng cường củng cố năng lực quân sự và mua sắm thêm các vũ khí tân tiến trong bối cảnh Tokyo vẫn chưa chấm dứt cuộc tranh luận về việc có nên sửa đổi Điều 9 về từ bỏ quyền khai chiến trong hiến pháp hay không, theo website của Trung tâm An ninh Hàng hải Quốc tế Ấn Độ (CIMSEC).
Hải quân Nhật, với tên gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ Biển, được đánh giá là đang sở hữu dàn vũ khí ấn tượng, đáng chú ý hơn cả là hai tàu khu trục trực thăng lớp Izumo có tên gọi JS Izumo và JS Kaga có khả năng không thua kém gì tàu sân bay.
Học giả Matthew Gamble từ Đại học St. Thomas, Canada, cho rằng nếu Nhật Bản muốn tiếp tục tăng cường sức mạnh hải quân, mua sắm tàu sân bay là một bước đi hợp lý.
Tàu sân bay về bản chất là những căn cứ không quân di động trên biển, sở hữu năng lực tấn công quan trọng, tuy nhiên hiến pháp hòa bình của Nhật lại cấm sử dụng chúng cho hải quân. Trong khi đó, với tốc độ nhanh, tiện lợi và dễ dàng sử dụng cho mục đích phòng vệ, tàu khu trục đang đáp ứng tốt các tiêu chí có thể chấp nhận được theo hiến pháp Nhật. Vậy nên, để hóa giải điểm hạn chế chính trị duy nhất này, Nhật đã đặt tên cho một trong những chiến hạm mới nhất của họ là “tàu khu trục trực thăng”, dù chúng có năng lực tương tự tàu sân bay, ông Gamble nhận xét.
Tàu khu trục trực thăng JS Izumo, số hiệu DDH-183, trị giá 1,2 tỷ USD, được biên chế cho hải quân Nhật vào ngày 25/3/2015. JS Izumo là chiến hạm lớn nhất của Nhật kể từ Thế chiến II.
Thoạt nhìn, JS Izumo rất giống một tàu sân bay hạng nhẹ. Với chiều dài 248 m, rộng 38 m, tàu khu trục trực thăng JS Izumo còn lớn hơn cả những tàu sân bay dùng cho máy bay cất cánh trên đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng của hải quân Tây Ban Nha và Italy. Với lượng giãn nước 24.000 tấn, JS Izumo có thông số sánh ngang tàu sân bay lớp Invincible của Hải quân Hoàng gia Anh. Ngoài ra, JS Izumo cũng được bổ sung những tính năng mới nhất cho các hệ thống tác chiến điện tử, điều khiển hỏa lực và radar, có thể sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong thế kỷ XXI.
Theo tuần san quốc phòng Jane’s Defense Weekly, JS Izumo có khả năng chở 14 trực thăng, chủ yếu là các mẫu MCH-101 và SH-60K do Nhật Bản tự sản xuất, sở hữu năng lực săn tàu ngầm và tìm kiếm cứu hộ ấn tượng.
Video đang HOT
JS Izumo cũng được lắp đặt pháo phòng thủ tầm gần Phalanx và hệ thống tên lửa phòng không SeaRam, giúp bảo vệ tàu hữu hiệu trước các mối đe dọa từ tên lửa của đối phương.
JS Izumo còn có thể hỗ trợ đắc lực cho các chiến dịch tấn công đổ bộ vì tàu đủ sức chở đến 400 lính thủy quân lục chiến và gần 50 xe quân sự hạng nhẹ. Tuy nhiên, không giống tàu tấn công đổ bộ Wasp của Mỹ, JS Izumo không được trang bị khoang hở (well deck) và phải dựa vào máy bay trực thăng để triển khai nhanh chóng lính thủy đánh bộ trong các chiến dịch tấn công đổ bộ.
Một tàu lớp Izumo khác mang tên JS Kaga, số hiệu DDH-184, cũng vừa được hạ thủy hồi cuối tháng 8 năm ngoái và dự kiến đưa vào biên chế của hải quân Nhật vào năm sau.
Tàu lớp Izumo thứ hai này có cùng tên với một tàu sân bay nổi tiếng của Nhật là IJN Kaga từng tham gia cuộc tập kích Trân Châu Cảng vào năm 1941. JS Kaga cũng sở hữu những tính năng không kém gì một tàu sân bay thực thụ.
Hô biến thành tàu sân bay
Tàu JS Kaga trong lễ hạ thủy hồi tháng 8 năm ngoái. Ảnh: cimsec.org
Dù JS Izumo và người anh em JS Kaga của nó không có bệ phóng để hỗ trợ chiến đấu cơ xuất kích cũng như những sợi cáp hãm máy bay khi hạ cánh, tiềm năng của chúng đối với việc vận hành các máy bay cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng vẫn rất cao.
Ngoài kích cỡ lớn, tàu lớp Izumo còn có thiết kế boong rất khác so với tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trước đây.
Các tàu lớp Izumo loại bỏ hoàn toàn những chướng ngại vật trên boong và sắp xếp lại các thiết bị vốn cản trở việc phóng hay cứu hộ máy bay cánh bằng. Hệ thống vũ khí phòng không tầm gần thường đặt phía trước tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga cũng được dời sang cạnh mép tàu, mở ra không gian đủ rộng cho hoạt động của máy bay cánh bằng.
Bên cạnh đó, các hầm phóng tên lửa thẳng đứng ở đuôi tàu lớp Hyuga cũng được lược bỏ trên hai tàu phiên bản mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu hộ máy bay. Xét vể tổng thể, những thay đổi trên sẽ giúp tàu tiếp nhận và vận hành tốt hơn các chiến đấu cơ cánh bằng.
Nhật Bản đã đặt mua máy bay đa nhiệm V-22 Osprey và nhiều khả năng sẽ bổ sung chúng cho tàu khu trục trực thăng lớp Izumo. Nếu thực sự có thể trang bị thêm tiêm kích đa nhiệm F-35 hay V-22 cho JS Izumo và JS Kaga, Nhật sẽ sở hữu năng lực tấn công trên biển vô cùng đáng gờm, học giả Gamble nhận định.
Nhìn chung, sự ra đời của các tàu khu trục trực thăng lớp Izumo mới đã đánh dấu một bước tiến dài về sức mạnh quân sự của hải quân Nhật. Cấu hình hiện nay không cho phép chúng vận hành máy bay cánh bằng, nhưng chỉ cần thêm một vài điều chỉnh nhỏ, chúng sẽ có năng lực tương tự các tàu sân bay hạng nhẹ đang được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, Gamble bình luận.
Theo ông, việc hải quân Nhật có quyết định củng cố thêm năng lực cho các tàu lớp Izumo hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng với khả năng tiềm tàng của chúng, đây có thể được coi như một lời cảnh báo mà Tokyo gửi đến các đối thủ, đặc biệt là Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, nhằm khẳng định rằng Nhật vẫn là một cường quốc hải quân hùng mạnh cần dè chừng.
Tàu khu trục trực thăng JS Izumo của hải quân Nhật. Ảnh: mod.go.jp
Hồng Vân
Theo VNE
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản sẽ thăm Đà Nẵng
Từ ngày 10-5 đến 14-5, tàu Cảnh sát biển Nhật Bản JCGS Yashima (PL22) do chỉ huy Akihiro Hirano làm trưởng đoàn cùng 130 sĩ quan, thủy thủ sẽ thăm hữu nghị TP Đà Nẵng.
Trước đó, hai khu trục hạm KIRISAME và ASAYUKI của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cùng gần 500 sĩ quan, thủy thủ vào ngày 16-4-2015 đã tham gia huấn luyện chung với Hải quân Việt Nam. LÊ PHI
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, tàu sẽ cập cảng Tiên Sa vào sáng 10-5, đi cùng đoàn của Cảnh sát biển Nhật Bản còn có Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam ông Hayashi Hiroyuki. Cụ thể trong thời gian tham quan TP Đà Nẵng, Cảnh sát biển Nhật Bản sẽ cùng với Cảnh sát biển Việt Nam tham gia trao đổi chuyên môn giữa hai lực lượng; hội thảo trao đổi và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển; giao lưu thể thao. Được biết, tàu JCGS Yashima (PL22) được đưa vào hoạt động từ năm 1988 với trọng tải trên 5.200 tấn, dài 130 mét. Tàu được trang bị súng 35mm, súng Vulcan 20mm và một máy bay trực thăng Bell 412.
Trước đó,sáng 16-4-2015, hai khu trục hạm KIRISAME và ASAYUKI do Đại tá Sugimoto Masaharu (Chỉ huy trưởng Biên đội tàu hộ vệ số 12, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản) làm trưởng đoàn cùng gần 500 sĩ quan, thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa thăm TP Đà Nẵng và giao lưu huấn luyện với lực lượng Hải quân Việt Nam đến ngày 19-4.
Chuyến thăm nhằm góp phần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thắt chặt mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác giữa quân đội hai nước. Theo đó, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ thường xuyên cử các tàu đến thăm hữu nghị TP Đà Nẵng nhằm thực hiện các thỏa thuận của Bộ Quốc phòng hai nước. Chuyến thăm lần này, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản và Hải quân Việt Nam sẽ tổ chức trao đổi chuyên môn và huấn luyện chung.
Được biết, khu trục hạm KIRISAME có trọng lượng 4.550 tấn, tốc độ 30 hải lý/giờ, trong khi đó khu trục hạm SAYUKI có trọng lượng 3.050 tấn. Hai khu trục hạm này mang theo những vũ khí hết sức tối tân như: hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, tổ hợp vũ khí đánh gần, tổ hợp tên lửa đối hạm chống ngầm, pháo 76mm, hai tổ hợp phóng ngư lôi...cùng trực thăng SH-60K và SH-60J.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM về vấn đề an ninh trên biển Đông, Đại tá Sugimoto Masaharu (Chỉ huy trưởng Biên đội tàu hộ vệ số 12) cho biết lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản hết sức coi trọng mối quan hệ và xác định Việt Nam là đối tác chiến lược trong đó có vấn đề an ninh trên biển. Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động chấp pháp trên biển Đông.
"Nhật Bản là đất nước giao thương bằng đường biển, công nghiệp biển, muốn phát triển phải dựa vào biển vì vậy biển Đông đối với Nhật Bản là rất quan trọng. Do đó, các vấn đề về an ninh, hàng hải trên biển Đông rất được chúng tôi quan tâm", Đại tá Sugimoto Masaharu cho hay.
LÊ PHI
Theo_PLO
Tàu chiến Nhật Bản cập cảng Cam Ranh: Cảm giác mạnh... Chính sách quốc phòng '3 không' khôn khéo của Việt Nam luôn rộng mở, chân thành... Tàu hộ vệ chống ngầm Setogiri (DD-156) là chiến hạm thuộc lớp Asagiri và khu trục hạm tên lửa dẫn đường DD-109 lớp Murasame 5.200 của Nhật Bản Đã cập cảng Cam Ranh Trung Quốc đang có hành động "quân sự hóa" các đảo trên Biển Đông...