Khu lăng mộ có 3 vua triều Nguyễn an giấc nghìn thu
Vua Thành Thái, vua Duy Tân, sau khi mất đi được con cháu đưa thi hài về chôn cất trong khu vực An Lăng nơi có lăng tẩm vua Dục Đức.
Nằm trên đường Duy Tân (phường An Cựu, TP Huế), An Lăng có diện tích rộng gần 6 ha, bao gồm lăng vua Dục ức, hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc ệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc.
Đây cũng là nơi an nghỉ của vua Thành Thái và vua Duy Tân, hai vị vua yêu nước bị thực dân Pháp phế truất và an trí ở nước ngoài.
Nhiều hạng mục đã xuống cấp ở Lăng vua Dục Đức. Ảnh: Võ Thạnh.
Theo chính sử triều Nguyễn, vua Tự Đức (1847 – 1883) qua đời truyền ngôi lại cho người con nuôi của mình là Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Ái, tức vua Dục Đức. Nhưng vua Dục Đức chỉ trị vì được mấy ngày thì bị phế truất và bị quản thúc tại Thái Y Viên, sau đó chết đói ở nhà ngục Thừa Thiên để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con gái.
Giai thoại ở Huế lưu truyền rằng, vua Dục Đức mất, vợ vua đã thuê người gánh thi hài vua từ ngục Thừa Thiên mang về chùa Tường Quan để chôn cất với mong muốn ngày ngày tiếng kinh Phật sẽ siêu thoát linh hồn. Nhưng chưa đến vườn chùa, thi hài nhà vua rơi xuống gần khe cồn Phước Quả và được chôn cất tạm bợ tại đây. Mấy hôm sau triều đình nhà Nguyễn mới cho người vợ chính là bà Từ Minh được phép lên thăm mộ và làm lễ chịu tang ở chùa Tường Quang.
Vào năm 1889, con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái. Sau đó, vua Thành Thái cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng. Nơi thờ thì ở chùa Tường Quang cách 200 mét.
Lăng vua Thành Thái trong khu vực An Lăng. Ảnh: Võ Thạnh.
Đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (8/1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân gần khu vực lăng mộ vua Dục Đức để thờ cha. Trong khuôn viên này có xây dựng thêm một số nhà cửa dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn ở để lo hương khói phụng thờ. Năm 1906, bà Từ Minh tạ thế, triều đình cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu “song táng”.
Cuối năm 1945, vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, một cuộc lễ truy điệu nhà vua được tổ chức tại điện Long Ân và thờ tại đây.
Đến năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn cất trong khu vực An Lăng và cũng được thờ ở điện Long Ân. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng vua cha Thành Thái.
Gần hai bên lăng vua Thành Thái và Duy Tân còn có lăng mộ của 3 bà vợ vua Thành Thái và năm 1994, hài cốt bà Mai Thị Vàng (mất năm 1980), vợ vua Duy Tân được đưa về chôn gần lăng mộ của vua.
Video đang HOT
Phần mộ vua Duy Tân nằm cạnh mộ vua cha Thành Thái trong khu vực An Lăng. Ảnh: Võ Thạnh.
Lăng vua Thành Thái và vua Duy Tân nhỏ gọn, nằm ngay mặt tiền đường Duy Tân, trong khi đó lăng tẩm vua Dục Đức đã xuống cấp nặng nề. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị quản lý An Lăng phải dùng các thanh sắt để gia cố tạm bợ.
Hiện bài vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân đang được thờ trong khu vực điện Long Ân. Hằng năm, dòng Nguyễn Phúc tộc thường tổ chức ngày giỗ cho các vị vua ngay trong khu vực lăng.
Bìa vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân được thờ trong điện Long Ân. Ảnh: Võ Thạnh.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, một phần khu vực An Lăng đã bị người dân lấn chiếm làm nhà cửa sinh sống.
Vua Dục Đức (23/2/1852 – 6/10/1883) là vị vua thứ năm của triều đại nhà Nguyễn và là cha của vua Thành Thái, ông nội vua Duy Tân.
Vua Thành Thái (14/3/1879 – 24/3/1954) là vị vua thứ 10, tại vị từ 1889 – 1907.
Vua Duy Tân (19/9/1900 – 26/12/1945), tên là Nguyễn Phúc Vĩnh San, vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn, ở trên ngai vàng từ 1907 – 1916. Khi cuộc khởi nghĩa Duy Tân thất bại, nhà vua bị thực dân Pháp đưa đi an trí ở Châu Phi.
Võ Thạnh
Theo VNE
Chân dung 11 vị vua triều Nguyễn bằng gỗ trầm hương
Trong khuôn viên "Phước tộc gia trang" ở thành phố Huế, 11 khuôn mặt vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại được khắc họa tinh xảo trên gỗ trầm hương.
Là con cháu dòng dõi vua chúa nhà Nguyễn, anh Tôn Thất Tùng (41 tuổi, phường Thủy Biều, thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) ấp ủ làm điều gì đó để tưởng nhớ công ơn tổ tiên. Vốn kinh doanh trầm hương, anh nảy ra ý định dùng loại gỗ này để khắc họa chân dung các vị vua triều Nguyễn để thờ tự. Sẵn có nghề mộc mỹ nghệ, anh lặn lội từ Nam ra Bắc sưu tầm những cây gỗ trầm hương có tuổi đời lâu năm về khắc 11 bức chân dung vua triều Nguyễn, từ vua Gia Long đến Bảo Đại.
Trong khuôn viên "Phước tộc gia trang" với vườn thanh trà bao quanh, 11 bức tượng vua triều Nguyễn được anh lưu giữ một cách trân trọng. Bên dưới các bức tượng, anh thận trọng ghi chép tiểu sử vua để phục vụ người tham quan.
Vua Gia Long (1762-1820) là Hoàng đế thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh), trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
Theo anh Tùng, để khắc được chân dung của 11 vị vua, anh và vợ phải ngồi nghiên cứu phong thái của từng người, cố gắng thể hiện cái hồn của vua với thời cuộc. Tuy vậy, anh Tùng vẫn day dứt khi triều Nguyễn có 13 vua mà anh mới khắc được chân dung của 11 người, còn thiếu tượng vua Kiến Phúc và vua Dục Đức.
"Vua Dục Đức và Kiến Phúc không có hình ảnh lưu lại nên không thể tạc được. Tôi có nhờ một nhà nghiên cứu sống ở Pháp tìm giúp tư liệu, nhưng đến nay mới thấy hình ảnh vua Kiến Phúc trên mạng, hình ảnh của vua Dục Đức chưa thấy", anh cho hay.
Vua Minh Mạng (1791-1841) được xem là vị vua năng động và quyết đoán. Ông đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao, trong đó có việc ngăn chặn quyết liệt ảnh hưởng từ phương Tây đến Việt Nam.
Vua Thiệu Trị (1807-1847) trị vì từ 1841 đến 1847. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Tuyền, là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa.
Vua Tự Đức (1829-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm hay còn có tên Nguyễn Phúc Thì, là con trai thứ hai của vua Thiệu Trị. Ông có thời gian trị vì dài nhất nhà Nguyễn, từ 1847 đến 1883.
Vua Hiệp Hòa (1847-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, còn có tên là Nguyễn Phúc Thăng, là con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị với bà Đoan Tần Trương Thị Thuận. Ông lên ngôi tháng 7/1883, nhưng bị phế truất và qua đời vào tháng 10 cùng năm.
Vua Hàm Nghi (1871-1943) là em trai của vua Kiến Phúc. Năm 1884, vua Hàm Nghi được đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đưa an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie).
Vua Đồng Khánh (1864-1889) tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông là con nuôi của vua Tự Đức.
Vua Thành Thái (1879-1954) tại vị từ 1889 đến 1907. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu). Do chống Pháp nên ông bị đi đày ở ngoại quốc.
Vua Duy Tân (1900-1945) là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907 tới 1916), là con vua Thành Thái. Khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông bất hợp tác với Pháp và bí mật liên lạc với các lãnh tụ khởi nghĩa. Vì lý do này, nhà vua bị thực dân Pháp đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Vua Khải Định (1885-1925) trị vì từ 1916 đến năm 1925. Nhà vua có tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục.
Vua Bảo Đại (1913-1997), Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Ông có tên húy Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, là con của vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu.
Võ Thạnh
Theo VNE
Cháu nội vua Thành Thái bật khóc khi về Huế Trở lại Huế sau 10 năm, ông Bảo Tài đã bật khóc khi được viếng mộ cha và ông nội vào đúng ngày lễ húy kỵ 3 vua triều Nguyễn. Sáng 24/3, trời Huế mưa lất phất. Vội mặc bộ áo dài khăn đóng cho con gái, vợ chồng ông Nguyễn Phước Bảo Tài cùng đoàn lễ bộ rời cửa chính An Lăng...