Khu hành chính ngàn tỷ Khánh Hòa giống trung tâm thể thao
Một số trụ sở của các ban, ngành tỉnh vẫn còn hoạt động tốt, nên việc xây dựng trung tâm hành chính tỉnh không cần quá vội vàng.
Thiết kế khu TTHC giống trung tâm văn hóa thể dục thể thao
Sau hơn 20 ngày, Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa tổ chức lấy ý kiến đóng góp đồ án khu đô thị trung tâm hành chính (TTHC). Đã có nhiều ý kiến chê thiết kế của khu này không hợp mục đích.
Trao đổi với Đất Việt, về vấn đề này, ngày 12/11, KTS Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hội KTS tỉnh Khánh Hòa cho biết: “UBND tỉnh cũng đã giao cho Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh phải lấy ý kiến nhiều ban, ngành, Hội đồng, chứ không riêng ý kiến của Hội KTS.
Tuy nhiên, Hội KTS thấy, về mặt cảnh quan kiến trúc, đồ án khu đô thị TTHC chưa phù hợp với hình dáng của một TTHC. Thông thường, người dân sẽ nghĩ, TTHC là trung tâm lãnh đạo về mặt kinh tế, chính trị, xã hội của một tỉnh, là đầu não công quyền, cho nên với một bố trí quy hoạch như đồ án đã đưa ra, rõ ràng là chưa phù hợp.
Chúng tôi có cảm giác và nhận thức được, nếu đồ án đó dùng để thiết kế cho một trung tâm văn hóa thể dục thể thao thì phù hợp hơn. Cái cốt lõi đặt ra ở đây là yêu cầu cơ bản của một TTHC thì chưa đạt cả về mặt cảnh quan kiến trúc và bố cục.
Bời vì thông thường nếu là trung tâm mà đúng tinh thần TTHC thì nó phải đặc trưng cho một thành phố, ngay cả vị trí xây dựng, đường xá giao thông dẫn đến trung tâm.
Chính vì thế, nếu để nhìn nhận là một trung tâm công quyền của một tỉnh thì chúng tôi cho rằng đồ án đó chưa đạt”.
Mô hình trung tâm hành chính Khánh Hòa
Theo ông Lộc, nếu là một TTHC thì phải quy hoạch làm sao để khi nhìn vào quy hoạch đó phải thấy rằng đó là một trung tâm lớn của thành phố.
“Đồ án hiện tại chúng tôi cho rằng nó hoàn toàn chìm bởi sự kết nối của khu trung tâm này, nó là một khu đất mới hoàn toàn, nằm ở phía tây thành phố, không có dân, đặc biệt, không kết nối được với trung tâm thành phố lớn trước đó đã có, để dẫn dắt đến đây.
Khi làm mới, mà nó chưa đại diện, chưa làm được việc, khi mọi người nhìn vào phải thấy ngay điểm đến không phải để chơi, mà chỉ để làm việc, đến đó tiếp xúc với sự lãnh đạo của nhà nước. Điểm này, chúng tôi cho là chưa đạt yêu cầu”, ông Lộc cho biết thêm.
Video đang HOT
Theo quan điểm của ông Lộc, thì về mặt chủ trương đường lối xây dựng một khu TTHC cho tỉnh là đúng, nhưng chất lượng đồ án thì hoàn toàn chưa được.
Nhiều trụ sở ban ngành vẫn còn hoạt động tốt
Nhìn nhận ở góc độ khác, theo Chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa thì việc xây dựng khu TTHC tỉnh là một thời cơ rất thuận lợi cho việc phát triển cho cả một khu vực, tính đến tương lai về sau.
Cho nên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để lựa chọn một giải pháp, một phương án thỏa mãn được tất cả các yêu cầu cho hiện tại và tương lai, không nên quá vội vàng đưa ra thiết kế mà chất lượng lại kém.
Trong khi đó, ông Lộc cho biết thêm: “Trong hồ sơ chúng tôi nắm bắt được từ Ban quản lý thì tổng số tiền chi ra để làm dự án này là gần 8000 tỷ đồng. Số tiền hơn 3000 tỷ đồng chỉ là phần xây dựng của toàn bộ khu vực TTHC, chưa tính tiền đền bù và các vấn đề nảy sinh khác.
Hơn thế, đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), “đổi đất lấy công trình”, nhưng đất bờ biển, cuối cùng đó vẫn là tiền của dân”.
Chính vì thế, các nhà quản lý phải đi từng bước trong điều kiện mình có khả năng. Bởi vì, hiện nay các công trình cơ quan hành chính của tỉnh cũng nhiều nơi mới được xây dựng, tuổi thọ còn nhiều. Nếu như, vội vàng xây dựng TTHC mới rồi đập bỏ những trụ sở cũ đi thì vô cùng lãng phí.
Cụ thể, ông Lộc cũng có chỉ ra hiện nay, có các đơn vị như Sở Tài chính, Kho bạc thành phố, Kho bạc tỉnh, hai khu liên cơ…tất cả đều mới được xây dựng hơn chục năm, nên cơ sở hạ tầng vẫn còn sử dụng tốt, vẫn chưa quá cần thiết phải xây dựng trung tâm ngay tại thời điểm này.
“Theo tôi, cứ làm hạ tầng tốt rồi xây dựng dần dần, tránh việc làm nhanh cho xong việc, bởi vì nguồn ngân sách phải chi ra số tiền lớn, nên chắc chắn sẽ khó khăn.
Hiện nay, UBND tỉnh cũng chỉ đạo phải phản biện dự án này. Cụ thể, tỉnh giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa đảm nhận, bên Liên hiệp hội cũng đã mời hội KTS góp ý kiến”, ông Lộc nhấn mạnh.
Mặt khác, Người lao động dẫn lời ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc BQL dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện đơn vị vẫn tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi và sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sau ngày 20/11 để xem xét.
Châu An
Theo_Báo Đất Việt
Trụ sở nghìn tỷ của Hải Phòng chưa nên làm ngay
Trao đổi với ĐTCK, đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, cần triệt để thực hiện chính sách tài khóa tiết kiệm. Các dự án xây dựng trụ sở hoàng tráng cần phải xếp sau các dự án có tác dụng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ông Bùi Đức Thụ
Thưa ông, dư luận hiện đang quan tâm đến đề án xây trụ sở nghìn tỷ của Hải Phòng. Ông nghĩ sao về những đề án như vậy?
Gần đây nhiều tỉnh có đề án xây dựng trụ sở, trung tâm hành chính rất lớn, có thể lên tới vài nghìn tỷ đồng và bao gồm nhiều yếu tố cấu thành. Đề án của một số tỉnh không chỉ là xây dựng trụ sở, trung tâm hành chính mà còn bao gồm cả cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng...
Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh kinh tế, tài chính như hiện nay, cần quán triệt tinh thần tiết kiệm. Đặc biệt, trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016 mới được Quốc hội thông qua sáng ngày 10/11, chủ trương là phải kiên quyết thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết, cấp bách, các khoản chi kém hiệu quả, lãng phí như xây dựng trụ sở, tượng đài hay chi khánh tiết, lễ hội, mua sắm ô tô,... Người đứng đầu trong quản lý, điều hành ngân sách các cấp phải chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng ngân sách theo chủ trương này.
"Nước ta còn kém phát triển, cơ sở hạ tầng yếu, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn lực tài chính hạn chế, nợ công cao, bội chi lớn, vì vậy cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên trong đầu tư".
Tôi được biết các dự án đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, theo phân cấp thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, các địa phương sẽ căn cứ vào phân cấp ngân sách để bố trí nguồn vốn. Nhưng thực tế, một số tỉnh, nguồn ngân sách địa phương chỉ có một phần, phần còn lại, thậm chí là phần lớn, xin trợ cấp từ ngân sách trung ương.
Trong điều kiện như vậy, tôi cho là phải xem xét thận trọng. Mặc dù, loại dự án này, theo cơ chế phân cấp thì địa phương lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng sự chấp thuận của Thủ tướng là chấp thuận về chủ trương đầu tư dài hạn. Ví dụ như đề án của Hải Phòng đã được duyệt cách đây 6 năm và định hướng đầu tư cho đến 2020 và tầm nhìn 2030, không phải làm ngay bây giờ.
Tôi cho rằng chủ trương là đúng nhưng thời điểm thì phải cân nhắc, nhất là trong tình hình vài năm tới cân đối ngân sách căng thẳng, áp lực tăng nợ công, bội chi rất lớn. Do đó, cần phải tăng cường quản lý, xác định thời điểm, quy mô, cơ cấu nguồn vốn đầu tư như thế nào cho hợp lý nhằm đảm bảo an ninh tài chính.
Thưa ông, một số địa phương đưa ra lý do là trụ sở xuống cấp cần phải xây dựng mới và nguồn vốn thì địa phương có thể bán đất, đổi đất để thu xếp. Theo ông, lý do này có thuyết phục?
Theo Luật Quản lý đầu tư công và trước đó là Chỉ thị 1792/CT-TTG, một dự án mới phải bố trí, đảm bảo nguồn vốn mới được khởi công. Tuy nhiên, việc các địa phương quyết định đầu tư trung tâm hành chính và có nguồn vốn mới chỉ đáp ứng được một điều kiện. Quyết định triển khai dự án phải căn cứ vào tính hiệu quả và tính cấp bách của vấn đề.
Nước ta còn kém phát triển, cơ sở hạ tầng yếu, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn lực tài chính hạn chế, nợ công cao, bội chi lớn, vì vậy cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên trong đầu tư. Đầu tư nhà nước phải được ưu tiên vào các dự án với tính chất là nguồn vốn mồi để thu hút nguồn vốn trong xã hội; đồng thời đóng vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển, để từ đó cải thiện đời sống của người dân và ngân sách.
Kinh tế thị trường đã dẫn đến phân hóa, một bộ phận rất lớn người dân có thu nhập thấp, đời sống không ổn định; hơn lúc nào hết trách nhiệm của Nhà nước là phải quan tâm cải thiện đời sống nhân dân, chú trọng đến an sinh xã hội. Các vấn đề khác tuy cần thiết nhưng phải cân nhắc thời điểm để có lộ trình đầu tư phù hợp.
Có luồng dư luận bày tỏ bức xúc vì cơ quan nhà nước xây trụ sở hoành tráng chưa mang lại lợi ích thiết thực, trong khi điều cần hơn là thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện nhiều?
Tôi cho rằng đầu tư và cải cách thủ tục hành chính tuy có phần liên quan nhưng vẫn là hai vấn đề khác nhau. Với đầu tư, định hướng chung là phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, đầu tư phải ra tấm ra món, có hiệu quả, phải là đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Còn cải cách thủ tục hành chính, những năm gần đây, dù Thủ tướng đã chỉ đạo và tạo ra đột phát về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội nhưng nhìn chung, vẫn còn các quy trình rườm rà và nhiều quy định chưa minh bạch.
Vừa qua, nhiều đại biểu quốc hội có ý kiến Chính phủ cần có tổng kết và báo cáo Quốc hội tình hình đầu tư xây dựng tượng đài và trụ sở hành chính nghìn tỷ. Ông có đồng tình hay không?
Vấn đề này đã xác định rõ, tôi cũng cho là cần tổng kết nhưng quan trọng hơn là phải làm một cách quyết liệt; phải xác định trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong việc tổ chức thực thi. Vì sao văn bản có, quy định có nhưng đề án đầu tư chưa cấp bách vẫn tồn tại, chưa được ngăn chặn?
Thưa ông, có đề xuất trong 5 năm tới không lấy tiền thuế người dân đóng góp để xây trụ sở? Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, tượng đài là nhiệm vụ của Nhà nước và đã là Nhà nước đầu tư thì nguồn vốn đều là thuế, phí và một phần từ nguồn bội chi, tức là nguồn vốn vay. Địa phương thực hiện đầu tư cũng là từ nguồn này. Ngay cả việc bán đất, đổi đất để đầu tư dự án thì việc cấp quyền sử dụng đất cũng là nguồn thu của ngân sách được giao lại cho chính quyền địa phương.
Trong cuộc họp báo chiều 10/11 tại Hải Phòng, chiều 10/11 tại Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định, đây là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, Hải Phòng dự kiến xin ngân sách Trung ương gần 7.000 tỷ đồng, còn lại Thành phố tự lo hơn 3.000 tỷ đồng. Thành phố sẽ thực hiện chủ yếu từ các hình thức đầu tư khác như PPP, BT, BOT, ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Về vấn đề xin Trung ương kinh phí, trao đổi với báo chí, ông Nam cho biết: "Hải Phòng có cảng biển lớn nhất miền Bắc, mỗi năm Thành phố nộp cho ngân sách trung ương trên 50.000 tỷ đồng, nên việc Hải Phòng xin TW kinh phí thực hiện dự án là không có vấn đề gì. Hơn nữa, việc đầu tư này là nhằm để phát triển, nâng cấp đô thị Hải Phòng trở thành trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước".>> Chi tiết
Bùi Trang ghi nhận
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Trung tâm hành chính hình quả trứng của Khánh Hòa có xây bằng tiền ngân sách? Bên hành lang Quốc hội chiều 12/11, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó bí thư Khánh Hoà nói về trung tâm hành chính hình quả trứng trị giá gần 4.300 tỷ đồng đang được xúc tiến thực hiện tại tỉnh này. Một lần nữa, vấn đề nguồn tài chính để thực hiện dự án được mổ xẻ... Ông Nguyễn Tấn Tuân hiện là...